Trong căn nhà còn mùi gạch mới, bà Nguyễn Thị Trâm (SN 1935), ở tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) ngồi dựa lưng bên hiên, nhìn mấy đứa trẻ trong xóm chơi đùa trước sân. Chốc chốc, bà cười móm mém, những nếp nhăn xô lại như in hằn dấu vết thời gian, trong đó có những năm tháng bà tham gia hoạt động kháng chiến.
Ngôi nhà ấy là món quà bà được trao tặng từ chính sách hỗ trợ NCC với cách mạng, từ sự chung tay của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng. Với người khác, có thể đó chỉ là một căn nhà nhỏ 3 gian bình thường, nhưng với bà Trâm-người phụ nữ đã đi qua gần một thế kỷ cuộc đời, từng nếm đủ gian khó, đắng cay, đó là giấc mơ không ngờ lại thành hiện thực.
Với nguồn hỗ trợ 87 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 60 triệu đồng, tỉnh 20 triệu đồng, Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng nhà ở cho NCC thị trấn Nông trường Việt Trung 7 triệu đồng cùng sự đóng góp của con cháu, ngôi nhà 3 gian kiên cố, vững chãi trị giá 180 triệu đồng của bà Trâm đã được xây dựng và hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Ngày ngôi nhà mới hoàn thành, bà lặng lẽ đi hết gian này sang gian khác, rồi ngồi xuống hiên, nhìn lên ban thờ tổ tiên, mắt rưng rưng: “Mệ không nghĩ cuối đời rồi còn có được căn nhà kiên cố, đẹp đẽ thế này. Đời mệ rứa là mãn nguyện!”. Ngôi nhà giờ đây không chỉ là nơi nương náu tuổi xế chiều, mà còn là sự hồi đáp, tri ân đầy trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân với những cống hiến thầm lặng của bà, là sự bù đắp cho những năm tháng nhọc nhằn mà bà đã trải qua.
|
Giữa nhịp sống hối hả của thời đại mới, có những tấm lòng vẫn lặng lẽ thắp lên ngọn lửa tri ân, như cách mà Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng (đóng trên địa bàn Bố Trạch) đã chọn. Với tấm lòng thành kính và trách nhiệm xã hội sâu sắc, công ty đã nhận phụng dưỡng suốt đời 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) ở huyện Bố Trạch là mẹ Đỗ Thị Điểm (thôn Đông Giang, xã Hưng Trạch) và mẹ Phan Thị Quyên (thôn 7, xã Hạ Mỹ).
Không chỉ hỗ trợ về vật chất (1 triệu đồng/người/tháng), công ty còn thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần, nhất là những lúc các mẹ ốm đau. Đó là sự sẻ chia ấm áp, những quan tâm nhỏ nhưng gửi gắm nghĩa tình lớn. Với 2 mẹ, những năm tháng cuối đời đã được sưởi ấm bằng lòng biết ơn sâu nặng của thế hệ hôm nay. Nghĩa cử cao đẹp ấy không chỉ góp phần chăm lo cho NCC, mà còn truyền đi thông điệp sâu sắc về lòng biết ơn và trách nhiệm xã hội.
Toàn tỉnh hiện đang quản lý khoảng 160.000 hồ sơ NCC với cách mạng (chiếm hơn 17% dân số) với hơn 13.000 liệt sỹ, gần 115.000 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương, gần 20.000 thương bệnh binh, trên 6.300 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học, gần 2.000 NCC giúp đỡ cách mạng, trên 1.000 cán bộ lão thành-tiền khởi nghĩa, gần 1.000 người hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt tù đày, 1.333 Bà mẹ VNAH (hiện tại có 3 mẹ còn sống). |
Trên mảnh đất Quảng Bình anh hùng, nơi từng oằn mình dưới mưa bom, bão đạn, từng tiễn hàng vạn người con lên đường ra trận, chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau và ký ức của những năm tháng khốc liệt vẫn hiện diện trong cuộc sống hôm nay qua hình bóng của các Bà mẹ VNAH, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ… Những con người ấy đã gửi trọn tuổi thanh xuân, máu xương và cả hạnh phúc đời mình để góp phần làm nên hòa bình, độc lập cho quê hương, đất nước.
Nhận thức sâu sắc việc chăm lo cho NCC không chỉ là trách nhiệm, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, thời gian qua, Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đồng bộ, đầy nghĩa tình để tri ân những cống hiến to lớn ấy. Từ những chính sách ưu đãi thiết thực đến các hoạt động tri ân đầy nghĩa tình, công tác “đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp nhân văn sâu sắc, lan tỏa rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa được xây mới, sửa chữa; các Bà mẹ VNAH, thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ… được thăm hỏi, phụng dưỡng thường xuyên; nhiều mô hình xã hội hóa hiệu quả đã góp phần cùng Nhà nước nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCC.
|
Hàng năm, tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động thiết thực chăm sóc, hỗ trợ NCC. Việc quản lý, thực hiện chính sách NCC được triển khai đồng bộ, giải quyết kịp thời, đầy đủ, đúng quy định của Nhà nước và phù hợp với điều kiện của địa phương. Từ năm 2022 đến tháng 6/2024, tỉnh đã giải quyết chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sỹ cho trên 11.387 trường hợp; giải quyết mai táng phí và trợ cấp một lần 2.700 trường hợp; chế độ ưu đãi giáo dục-đào tạo 340 trường hợp; thực hiện chế độ điều dưỡng gần 20.000 người.
Hàng tháng, chi trả trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho hơn 19.500 NCC với tổng số tiền gần 40 tỷ đồng. Tỉnh cũng kịp thời trao tặng quà của Chủ tịch nước, của tỉnh… nhân dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sỹ cho trên 25.000 NCC, với số tiền gần 40 tỷ đồng...
Chăm lo thực hiện tốt chính sách cho NCC không chỉ là trách nhiệm, đó còn là tình cảm, là sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do của dân tộc, là một thông điệp về lòng biết ơn-để những hy sinh, mất mát năm xưa luôn được khắc ghi, trân trọng và tiếp nối bằng hành động hôm nay.
Tâm An
Nguồn: https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202504/sang-mai-nghia-tri-an-2225977/
Bình luận (0)