Từ tro tàn chiến tranh đến khát vọng vươn tới kỷ nguyên mới
50 năm trước, dân tộc Việt Nam đã viết nên trang sử hào hùng với đại thắng mùa Xuân 1975. Đó là khúc khải hoàn của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, khát vọng độc lập và thống nhất đất nước, non sông liền một dải.
Nửa thế kỷ trôi qua, đất nước đã không ngừng vươn mình mạnh mẽ, từ tro tàn chiến tranh đến những bước tiến lớn trên bản đồ thế giới. Để khắc họa rõ hơn những kỳ tích ấy, báo Dân trí tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "50 Năm Thống Nhất - Khát Vọng Vươn Mình", như một nhịp cầu kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, để cùng nhìn lại chặng đường đã qua, tri ân những cống hiến lớn lao và khơi dậy khát vọng phát triển mạnh mẽ cho hành trình phía trước.
Buổi tọa đàm của báo Dân trí có sự tham dự của ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM; ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ; TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nhà nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, từng là chuyên gia phân tích của Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam; chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Ký ức tháng tư
Ông Phạm Chánh Trực là người theo cách mạng từ thời niên thiếu, hoạt động ngay trong lòng nội đô Sài Gòn những năm tháng chiến tranh, là Bí thư Thành đoàn đầu tiên. Khi hòa bình, đất nước thống nhất, ông là một trong những người tích cực góp phần đặt nền móng xây dựng thành phố đổi mới và phát triển. Vừa là người trong cuộc, vừa là nhân chứng sống trong khoảnh khắc lịch sử của ngày 30/4/1975, ông có thể chia sẻ với bạn đọc Dân trí về thời khắc đặc biệt ngày 30/4/1975?
- Vào ngày 30/4/1975, một khí thế cách mạng tưng bừng, nhân dân đổ ra đường, đông nghẹt các ngõ phố ở thành phố Sài Gòn khi quân giải phóng, bộ đội chủ lực và xe tăng tiến vào Dinh Độc lập (nay là Hội trường Thống Nhất). Chúng ta đã chiến thắng một cách vẻ vang và thắng lợi trọn vẹn, thành phố không đổ máu. Nhân dân rất phấn khởi.
Ông Phạm Chánh Trực và TS Nguyễn Hữu Nguyên trong buổi tọa đàm tại đầu cầu TPHCM.
Tuy nhiên, nguy cơ nạn đói và thất nghiệp đe dọa thành phố một cách nghiêm trọng. Thành ủy lúc đó lập tức chỉ đạo cứu đói cho nhân dân. Ban đầu, chúng ta phá kho gạo, quân nhu, lương thực của chính quyền và quân đội chế độ cũ, nhưng chỉ có thể cứu đói được trong một thời gian ngắn. Khi đó, nông thôn bị bom đạn cày xới, người dân chưa thể khôi phục lại sản xuất.
Nạn đói đã trở nên ngày càng nghiêm trọng, đến mức ở Sài Gòn, mặc dù nằm cận kề vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng người dân phải ăn bo bo, ăn độn, ăn khoai. Cùng lúc đó, số người thất nghiệp đã làm cho việc cứu trợ nạn đói trở nên càng khó khăn hơn.
Thành ủy đã ra chủ trương tổ chức lực lượng Thanh niên Xung phong, đưa một vạn quân đi khai hoang, sản xuất lương thực thực phẩm.
Thưa TS Nguyễn Hữu Nguyên, 50 năm trước, ông trực tiếp chiến đấu tại nội đô Sài Gòn trong thời khắc lịch sử. Ông có thể chia sẻ về khung cảnh, khí thế, các hoạt động của ông cùng đồng đội tại Sài Gòn vào ngày 30/4/1975?
- Cảm nhận của tôi về thời điểm 30/4/1975 chắc chắn giống với cảm nhận của nhiều đồng đội. Tôi là thế hệ học sinh Hà Nội, đi nghĩa vụ quân sự, bước chân lên Trường Sơn vào cuối năm 1965 và bước vào TPHCM vào buổi trưa ngày 30/4/1975. Ấn tượng của tôi về Sài Gòn lúc đó là quy mô về giao thông, nhà cửa và hạ tầng.
Thưa bà Phạm Chi Lan, nhìn lại thời khắc lịch sử năm 1975 khi đất nước thống nhất, cảm xúc của bà như thế nào?
- Cảm xúc lớn nhất của tôi khi ấy vô cùng mừng vui, vì từ đây, chúng ta có hòa bình. Người Việt Nam không phải đổ máu nữa, là lúc có thể chung tay xây dựng đất nước.
Trong lĩnh vực kinh tế, khi biết rằng Sài Gòn nguyên vẹn, không bị tàn phá, kể cả trong những ngày cuối cùng, tôi cảm thấy rất mừng. Đây chính là cơ hội để đất nước sau khi thống nhất, Bắc - Nam chung tay phát triển.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Còn với ông Phạm Quang Vinh, ông có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình về thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975?
- Tôi sống ở miền Bắc, điều đầu tiên cảm nhận được là kết thúc chiến tranh, là hòa bình, không còn bom đạn. Tôi cảm nhận như mình đang vượt ra khỏi khoảng thời gian cũ đầy khó khăn, gian khổ, và chờ đợi điều gì đó rất lớn ở tương lai.
Tôi có một kỷ niệm đặc biệt vào dịp này. Năm 1975, tôi đăng ký thi vào Đại học Bách Khoa với niềm yêu thích khoa học tự nhiên. Nhưng đúng vào thời điểm đất nước thống nhất, Đảng, Chính phủ và Nhà nước quyết định mở rộng đối ngoại. Bộ Ngoại giao và Đại học Ngoại giao rà soát lại hồ sơ và tôi có tên trong danh sách đó.
Đến nay, tôi công tác trong ngành này đã 38 năm. Tôi trở thành nhà ngoại giao như một cái duyên nghề nghiệp. Nếu không có sự kiện ngày 30/4/1975, không có hòa bình, thống nhất đất nước và mở rộng đối ngoại, có lẽ tôi đã trở thành kỹ sư.
Khi đã vào ngành đối ngoại rồi, tôi mới thấy rõ tầm vóc của chiến thắng 30/4/1975. Nó không chỉ là câu chuyện của Việt Nam, mà còn ảnh hưởng lớn đối với đại cục của thế giới. Cuộc chiến đấu và chiến thắng của chúng ta như một thời đại mới, mở ra không khí mới, từ câu chuyện giải phóng dân tộc, đến việc nhìn nhận lại các trào lưu và trật tự thế giới.
Thưa ông Phạm Quang Vinh, sau khi thống nhất, đất nước ta gặp nhiều khó khăn trong quan hệ quốc tế bởi sự cô lập ngoại giao. Vậy thời điểm đó, Việt Nam đã duy trì quan hệ với các đối tác quốc tế như thế nào? Và trong hoàn cảnh bị bao vây cấm vận cùng các vấn đề hậu chiến, với rất nhiều khó khăn, theo ông, điều gì giúp đất nước giữ vững niềm tin để tiến về phía trước?
- Chúng ta cần đề cập đến hai câu chuyện. Thứ nhất, chiến thắng của Việt Nam đã tạo ra sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng các dân tộc trên thế giới. Một Việt Nam anh dũng, chính nghĩa, và kiên cường vượt qua cuộc chiến tranh để chiến thắng, đã thực sự có sự lan tỏa mạnh mẽ.
Câu chuyện thứ hai là sau năm 1975, chúng ta bắt đầu một loạt hoạt động để mở rộng đối ngoại, trong đó có các bước đầu tiên nối lại quan hệ với các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, vốn bị phân cực.
Tôi cho rằng, mấu chốt để phá vòng vây và mở rộng đối ngoại có hai câu chuyện.
Một là luôn nhất quán với chính nghĩa của Việt Nam, đúng luật pháp quốc tế. Thứ hai là trong thế giới này, vẫn có nhiều người hiểu và ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam. Những người hiểu chính nghĩa này không chỉ có trong chính giới mà còn trong xã hội dân sự và các tổ chức quốc tế.
Tất cả những câu chuyện này giúp chúng ta nhận thấy rằng để mở rộng đối ngoại, chúng ta cần phải có những bước đi vững chắc, niềm tin kiên định, quan trọng nhất là luôn nhất quán với chính nghĩa. Cần thuyết phục được nhân dân và chính phủ các nước trên thế giới, đồng thời bản thân chúng ta cũng phải ngày càng mạnh mẽ hơn.
Tôi cảm nhận như mình đang vượt ra khỏi khoảng thời gian cũ đầy khó khăn, gian khổ, và chờ đợi điều gì đó rất lớn ở tương lai.
Ông Phạm Quang Vinh Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ
Giai đoạn từ sau 30/4/1975 đến 1985, đất nước ta đối diện rất nhiều thách thức khi nền kinh tế tập trung, chủ yếu tự cung tự cấp. Nhìn lại giai đoạn này và những bước tiến ngày nay, thưa bà Phạm Chi Lan, chúng ta có những kinh nghiệm gì?
- Sau năm 1975, đất nước ta rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn, một mặt là hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề ở cả hai miền, chiến tranh tàn phá, chất độc da cam, và những vùng kháng chiến cũ bị bom đạn cày xới.
Toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông giữa Bắc và Nam bị tàn phá nặng nề, từ đường bộ đến đường sắt, gần như không còn sử dụng được nữa.
Ngay cả khi hai miền có thể bổ sung cho nhau về kinh tế, nhưng điều kiện giao thông lúc đó lại không cho phép. Điện cũng bị thiếu hụt nghiêm trọng khi các nhà máy điện ở miền Bắc bị tàn phá nhiều, và miền Nam cũng thiếu vật tư đầu vào. Việc vận hành lại các nhà máy rơi vào tình trạng rất khó khăn.
Tiếp theo là hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Khi đó, một số cơ sở kinh tế miền Nam bị suy giảm, không còn hoạt động hiệu quả. Sau đó, lãnh đạo TPHCM sớm nhìn thấy vấn đề, góp ý với Trung ương. Từ năm 1979, những chính sách điều chỉnh mới bắt đầu xuất hiện.
Đối với các công thương gia ở TPHCM, chúng ta bắt đầu cho phép tiểu chủ, tiểu thương được kinh doanh trở lại. Lực lượng này rất năng động, họ giao lưu kinh tế và dần xóa bỏ tình trạng "ngăn sông cấm chợ", giúp nền kinh tế trở lại sôi động.
Các cơ sở ở miền Nam đã làm quen với kinh tế thị trường trước đó, người dân miền Nam đã quen với cơ chế này, từ nông dân đến người kinh doanh.
Bà Phạm Chi Lan Nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Chúng ta có được thành công mà không quá khó khăn nhờ các cơ sở ở miền Nam đã làm quen với kinh tế thị trường trước đó, người dân miền Nam đã quen với cơ chế này, từ nông dân đến người kinh doanh.
Từ việc khởi động được nền kinh tế, thoát khỏi tình trạng quá khó, một số nước bắt đầu trở lại làm ăn với Việt Nam, dù cấm vận vẫn còn đó. Đây là câu chuyện rất hay và công lao, đóng góp của miền Nam rất lớn.
Thưa ông Phạm Chánh Trực, trong giai đoạn đó, TPHCM đã có những cách làm sáng tạo từng được gọi là "xé rào", ông có thể chia sẻ những cách TPHCM đã làm để giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn đó và để lại kinh nghiệm gì cho giai đoạn sau?
- Như đã biết, trước đó, Sài Gòn là trung tâm công nghiệp của cả miền Nam, nơi sản xuất công nghiệp tập trung. Một trung tâm công nghiệp lúc bấy giờ sản xuất theo kế hoạch của Nhà nước, theo mô hình kế hoạch tập trung.
Cụ thể là Nhà nước, các bộ ngành giao vật tư, nguyên liệu cho các nhà máy. Tuy nhiên, sản xuất chỉ duy trì được trong thời gian ngắn, sau đó không còn vật tư, nguyên liệu. Kế hoạch pháp lệnh Nhà nước đưa xuống bao nhiêu, nhà máy sản xuất hàng hóa tương ứng bấy nhiêu.
Do vậy, các nhà máy thừa công suất, công nhân thì thất nghiệp, thiếu việc làm. Lúc đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt cùng các bộ phận tham mưu, các cơ quan, sở ngành đã xuống từng nhà máy để khảo sát, hỏi từ giám đốc, quản đốc phân xưởng, kỹ sư, kỹ thuật viên đến công nhân, để tìm cách tháo gỡ, để nhà máy có thể hoạt động bình thường trở lại.
Nếu trung tâm công nghiệp Sài Gòn - Gia Định trước đây không khôi phục được sản xuất bình thường thì đương nhiên cả miền Nam sẽ gặp khó khăn. Chính vì vậy, Bí thư Thành ủy nhận ra, kế hoạch Trung ương đưa xuống không đủ vật tư nguyên liệu để các nhà máy sản xuất hết công suất.
Ông Võ Văn Kiệt lúc đó đã bàn với Thành ủy và đưa ra giải pháp phải giúp các nhà máy khôi phục sản xuất để có đủ sản phẩm hàng hóa cho xã hội, nếu không, tình hình sẽ rất khó khăn.
Giải pháp cuối cùng là phân công nhau đi vào dân, mượn vàng, mượn ngoại tệ để khôi phục kinh tế, sản xuất.
Ông Phạm Chánh Trực Nguyên Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM
Thành ủy họp liên tục, Bí thư Võ Văn Kiệt đã trao đổi giải pháp cuối cùng là phân công nhau đi vào dân, mượn vàng, mượn ngoại tệ. Trong kháng chiến, Đảng bộ thành phố đã gắn bó với nhân dân, nên khi Thành ủy đến mượn, người dân sẵn sàng giúp đỡ.
Với số vốn ban đầu đó, thành phố đã nhập vật tư, nguyên liệu về cung cấp cho các nhà máy. Đây là kế hoạch hợp tác với nhà máy của Thành ủy (kế hoạch B). Từ kế hoạch B, sau khi khấu hao, trừ chi phí nghĩa vụ, sản phẩm được đưa xuống Đồng bằng sông Cửu Long để trao đổi với nông dân lấy lương thực, thực phẩm. Những sản phẩm có thể xuất khẩu, như gạo, tôm, cá, đã được xuất khẩu để lấy ngoại tệ, tái nhập vật tư, nguyên liệu về cho các nhà máy.
Sau khi ông Võ Văn Kiệt ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, ông Nguyễn Văn Linh về làm Bí thư Thành ủy và tiếp tục thực hiện theo đường hướng đó.
Từ đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh tổng kết cách làm của TPHCM, xin ý kiến, báo cáo Bộ Chính trị. Sau hội nghị Đà Lạt (năm 1983), Bí thư Nguyễn Văn Linh đã tổ chức cho các giám đốc nhà máy ở TPHCM lên Đà Lạt gặp Bộ Chính trị để báo cáo. Sau đó, một số lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Trung ương đã về thành phố để xem xét thực tiễn và khái niệm đổi mới tư duy, tìm kiếm cách làm khác đã bắt đầu xuất hiện từ lúc đó.
Theo tôi, đổi mới xuất phát từ việc thay đổi phương thức sản xuất từ kế hoạch tập trung sang phương thức sản xuất cho các thành phần kinh tế tham gia. Do đó, kinh nghiệm của TPHCM trong việc đổi mới đường lối của Đảng bắt nguồn từ chính sự năng động vốn có của thành phố.
Đổi mới và hội nhập
Khi đề ra đường lối đổi mới từ Đại hội VI (1986), Đảng ta bắt đầu từ việc đổi mới tư duy về kinh tế. Thưa chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, dấu ấn đổi mới năm 1986 đã thay đổi tư duy kinh tế như thế nào và vai trò của kinh tế tư nhân giai đoạn ấy được định hình ra sao?
- Đại hội VI là một đại hội lịch sử, mà quá trình chuẩn bị đã bắt đầu từ tháng 8/1986. Lúc đó, Tổng Bí thư Trường Chinh yêu cầu nhóm biên tập văn kiện - vốn trước đó dự thảo theo con đường kinh tế tập trung - phải viết lại theo tinh thần kinh tế thị trường.
Ba người được giao nhiệm vụ viết lại văn kiện là ông Phan Diễn (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị), ông Hà Đăng, ông Trần Đức Nguyên. Nhóm làm việc hoàn thành văn kiện trong hơn hai tháng để kịp cho bác Trường Chinh xem lại, gửi đi các nơi để chuẩn bị cho Đại hội vào tháng 12/1986.
Ông Phạm Quang Vinh và bà Phạm Chi Lan dự tọa đàm tại đầu cầu Hà Nội.
Mọi người hồ hởi đón nhận các ý tưởng được đưa ra trong văn kiện mới và được trình bày tại Đại hội - hoàn toàn khác biệt với mô hình cũ. Đó là sự đổi mới tư duy, được sự đồng thuận từ các cấp lãnh đạo cao nhất trong Đảng, nên lan tỏa trong xã hội rất nhanh.
Trong xã hội, người dân cũng bắt đầu thấy rằng sự cởi mở như vậy tốt hơn rất nhiều so với cách làm cũ của thời bao cấp. Khi ở trên "bật đèn xanh", thay đổi tư duy thì ở dưới họ đón nhận và chấp nhận ngay.
Thưa ông Phạm Quang Vinh, công cuộc đổi mới từ năm 1986, có dấu ấn rất lớn của lĩnh vực ngoại giao, đó là việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1995, mở đầu cho hội nhập quốc tế, vươn ra thế giới. Việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ có ý nghĩa chiến lược ra sao, và tiến trình này đã được thực hiện thế nào, thưa ông?
- Có lẽ cần bắt đầu từ câu chuyện đổi mới cơ chế trong nước từ kinh tế, chính trị, các mặt quản trị xã hội cho đến đổi mới tư duy đối ngoại. Từ Đại hội VI, VII, VIII, có hai điểm cực kỳ quan trọng.
Thứ nhất, là chuyển từ tư duy bảo thủ sang tư duy "tất cả là bạn". Có thể có sự khác biệt về thể chế chính trị, xã hội và kinh tế, nhưng tư duy về quan hệ đối ngoại là làm bạn. Ai cũng có thể hợp tác, miễn là tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích của Việt Nam. Chính sự thay đổi tư duy này đã mở ra một con đường rất rộng lớn để Việt Nam giao lưu, hợp tác với bạn bè quốc tế, và cũng chính là điểm phá vỡ thế bao vây trước đó.
Thứ hai, là cởi mở trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, mới có thể dẫn đến hội nhập kinh tế với bên ngoài. Chính sự hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo thêm động lực phát triển cho nền kinh tế trong nước.
Thực tế cho thấy, khi chúng ta hợp tác kinh tế với thế giới, tiến trình đổi mới diễn ra rất nhanh. Cuối những năm 1980, có những thay đổi rõ rệt về luật pháp và cơ chế quản trị kinh tế trong nước để bắt kịp cơ hội hội nhập với kinh tế thị trường bên ngoài, tạo nên một động lực rất lớn.
Cũng trong đầu những năm 1990, Việt Nam giải quyết được quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á và ASEAN. Tháng 7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN. Khu vực từng bị chia rẽ, nghi kỵ và đối đầu, nay trở thành một gia đình ASEAN.
Về kinh tế, năm 1994 khi chúng ta chấp nhận lộ trình hội nhập kinh tế ASEAN, thì chính sự hội nhập khu vực này là bước đi đầu tiên để tiến tới hội nhập kinh tế thị trường với thế giới. Đây là một câu chuyện rất lớn.
Đổi mới trong nước đã tạo đà cho đổi mới trong tư duy đối ngoại, đồng thời tạo ra động lực và năng lực để Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng.
Ông Phạm Quang Vinh Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ
Thứ ba, là mối quan hệ với Mỹ. Tháng 7/1995, Việt Nam và Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ; trước đó, tháng 2/1994, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận. Điều này tạo sự lan tỏa cả về chính trị lẫn kinh tế.
Các nước như Australia, Nhật, Hàn Quốc, và các nước châu Âu sau đó cũng đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trên cả ba lĩnh vực: kinh tế, viện trợ, và chính trị - đối ngoại. Việt Nam từ đó phát huy vai trò trong các tổ chức quốc tế. Ở Liên Hợp Quốc, chúng ta đã khác xưa rất nhiều.
Đổi mới trong nước đã tạo đà cho đổi mới trong tư duy đối ngoại, đồng thời tạo ra động lực và năng lực để Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng.
Theo ông, đâu là điểm tựa lớn nhất để Việt Nam giữ được thế cân bằng trong chính sách ngoại giao hiện nay, trong bối cảnh thế giới đa cực?
- Trong bối cảnh thế giới và khu vực Đông Nam Á luôn có cạnh tranh, va chạm giữa các nước lớn, Việt Nam và các nước trong khu vực cũng không tránh khỏi việc đôi khi bị cuốn vào vòng xoáy đó. Nhưng điều quan trọng nhất là Việt Nam độc lập, tự chủ trong đường lối đối ngoại khi thật sự có hòa bình, độc lập và một nền kinh tế mạnh.
Việc đổi mới tư duy đối ngoại, đặc biệt là tư duy "làm bạn với tất cả các nước" dựa trên nguyên tắc Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng độc lập, tự chủ, hợp tác cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tôi tin rằng, hiện nay, năng lực để Việt Nam duy trì độc lập, tự chủ đã mạnh hơn rất nhiều. Đất nước chúng ta vững vàng, đổi mới đường lối đối ngoại rõ rệt, tham gia hội nhập sâu rộng, có khuôn khổ đối tác toàn diện và đối tác chiến lược với hầu hết các nước chủ chốt trong Hội đồng Bảo an và trên thế giới.
Chúng ta cần mạnh hơn nữa, và cần giữ sự cân bằng trong quan hệ với các nước lớn trên cơ sở luật pháp quốc tế và lợi ích quốc gia, không thể bỏ qua bất kỳ đối tác nào. Càng đa dạng hóa quan hệ, càng có nhiều đối tác thì càng có điều kiện để giữ thế cân bằng và chủ động trong quan hệ quốc tế.
Thưa ông Phạm Chánh Trực, giai đoạn đổi mới đánh dấu những đột phá của TPHCM trong vai trò một nền kinh tế đầu tàu của cả nước, là người trong cuộc giai đoạn đó, ông có thể chia sẻ những cải cách kinh tế ở thời điểm đổi mới 1986 đã thúc đẩy TPHCM thay đổi và đóng vai trò gì trong việc khởi động lại kinh tế cả nước?
- Như tôi vừa trình bày, thành phố là trung tâm công nghiệp của cả miền Nam và hiện nay là đầu tàu kinh tế của cả nước. Trọng tâm khi đó là làm sao khôi phục được ngành công nghiệp. Khi công nghiệp phát triển và được khôi phục, nó kéo theo sự phát triển của thương mại, dịch vụ và cả hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong những ngày khó khăn, bị bao vây và cấm vận, chính việc "xé rào", mạnh dạn bung ra trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng là một cách tấn công vào "bao vây, cấm vận", và chúng ta đã thành công, TPHCM đã làm được điều đó.
Ông Phạm Chánh Trực chia sẻ về những cách làm "xé rào" của TPHCM trước đổi mới.
Sự đổi mới đó là một thay đổi mang tính bước ngoặt, chuyển hướng 180 độ, cải tạo từ mô hình kinh tế quốc doanh và hợp tác xã, sang cho phép các thành phần kinh tế cùng phát triển.
Như vậy, chúng ta đã thực hiện kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa đến nay đã 40 năm, và rõ ràng kết quả là rất tích cực. Tất cả lĩnh vực đều phát triển, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ; đồng thời tác động sâu rộng đến xã hội, văn hóa, đời sống dân sinh, và cả đối ngoại.
Tôi cho rằng, việc thay đổi đường lối chính là yếu tố quyết định nhất, là thắng lợi lớn nhất. Và đến nay, chúng ta vẫn đang tiếp tục kiên định và phát triển theo đường lối đổi mới đó.
TS Nguyễn Hữu Nguyên có thể chia sẻ góc nhìn của ông về những thành tựu của đất nước đạt được trong 50 năm qua, đặc biệt về chính sách quốc gia?
- Vào 1976 - một năm sau ngày giải phóng - GDP của Việt Nam chưa đạt tới nửa tỷ USD. Đến năm 2024, GDP của chúng ta hơn 470 tỷ USD, tức là tăng gấp khoảng 100 lần.
Như vậy, thành tựu trong 50 năm qua là kết quả của rất nhiều nỗ lực, qua những giai đoạn thăng trầm. Nhưng đến nay, chúng ta đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 100 lần về GDP. Đây là một con số không ai có thể bác bỏ, và là minh chứng rõ ràng nhất cho tất cả những gì chúng ta đã làm.
Kết quả tăng trưởng GDP từ gần 500.000 USD năm 1976 lên đến hơn 470 tỷ USD năm 2024 là thành quả rõ nét của đất nước sau 50 năm
TS Nguyễn Hữu Nguyên Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam
Theo tôi, công nghiệp hóa là một trong những thành tựu ấn tượng nhất 50 năm qua. Chúng ta không chỉ công nghiệp hóa miền Nam, mà cả miền Bắc cũng phát triển rất mạnh mẽ.
Chúng ta cũng xác định rõ nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế; nếu không có nông nghiệp, chúng ta sẽ mất an ninh lương thực. Hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu lương thực.
Thành tựu thứ ba là về lĩnh vực xã hội. Thế giới phải thừa nhận rằng các chương trình xóa đói giảm nghèo của Việt Nam rất hiệu quả. Ví dụ, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát ở nhiều nơi đã hoàn thành 100%. Đây là những chương trình mang tính nhân văn sâu sắc.
Và không thể không nhắc đến thời điểm đại dịch Covid-19, chúng ta đã thể hiện rõ những thành quả to lớn. Mặc dù nghèo hơn, ít vaccine hơn so với nhiều nước phát triển, chúng ta đã vượt qua đại dịch với mức thiệt hại thấp hơn rất nhiều nước lớn khác.
Khát vọng vươn mình
Thưa ông Phạm Chánh Trực, để chuẩn bị tốt nhất cho hành trang bước vào kỷ nguyên mới, chúng ta cần thực hiện việc gì ngay lúc này?
- Có khá nhiều việc cần làm, rất nhiều việc phải làm. Chúng ta đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn và rất đặc biệt. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình".
Tôi cho rằng, chúng ta cần phải nhanh chóng vượt qua bẫy thu nhập trung bình, hướng tới mục tiêu phát triển mà Chính phủ đang đặt ra là tăng trưởng GDP khoảng 8% và duy trì tốc độ hai con số trong những năm tiếp theo. Đây là thách thức rất lớn đối với cả nước.
TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước. Nếu đầu tàu không đủ mạnh thì sẽ không thể kéo theo được tốc độ tăng trưởng lên mức 8% hay hai con số trong tương lai.
Chúng ta cần phải nhanh chóng vượt qua bẫy thu nhập trung bình, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số
Ông Phạm Chánh Trực Nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM
Mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra đến năm 2045, nước ta trở thành quốc gia công nghiệp phát triển, có thu nhập cao, khoảng 20.000 USD/người, đó là một thách thức rất lớn. Nhưng nếu chúng ta không đạt được tốc độ và mục tiêu như vậy, tôi e rằng đất nước sẽ tụt hậu so với thế giới.
Chúng ta chưa thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình sau 40 năm đổi mới, điều đó cho thấy chúng ta vẫn chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có.
Ví dụ, trong nông nghiệp, sau 40 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa phát triển được nền sản xuất lớn. Nền nông nghiệp hiện đại vẫn còn là mục tiêu chứ chưa thành thực tế. Phần lớn vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu dựa vào hộ gia đình, số lượng hợp tác xã tuy có nhưng chưa đủ mạnh.
Ngoài ra, chúng ta chủ yếu vẫn dựa vào công nghiệp truyền thống, dựa vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi doanh nghiệp nội địa có thể làm chủ công nghiệp 4.0 hay công nghệ mới thì vẫn còn rất ít.
Trước cuộc cách mạng lớn của đất nước về tinh gọn bộ máy và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, việc này có ý nghĩa quan trọng ra sao và sẽ giúp thúc đẩy đất nước phát triển kỷ nguyên vươn mình thế nào?
- Như ông Phạm Chánh Trực vừa nói, chúng ta phải hiểu rõ điểm xuất phát của mình. Chúng ta khẳng định vị thế, uy tín và cơ đồ hiện tại chính là cơ hội, là điều kiện để bước vào một giai đoạn mới. Việc sáp nhập hay sắp xếp lại bộ máy sẽ tạo ra sức mạnh khi các phần được ghép lại với nhau có tính tương thích cao. Càng tương thích, "công suất" vận hành càng lớn.
Trước khi bước vào giai đoạn mới, từ nay đến Đại hội XIV, chúng ta cần tính toán rõ ràng, bước chân nào đi trước, bước dài bao nhiêu, lực bật ra sao. Tất cả còn phụ thuộc vào hai yếu tố then chốt: phải "tinh" thì mới "gọn", và "gọn" rồi sẽ mạnh.
Thưa TS Nguyễn Hữu Nguyên, với vị thế siêu đô thị khi hình thành TPHCM mới sau sáp nhập, TPHCM mới có tiếp tục giữ vai trò đầu tàu kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của cả nước?
- Theo tôi, khi sáp nhập, về mặt kinh tế, TPHCM mới hoàn toàn có khả năng giữ vững vai trò đầu tàu. TPHCM có thế mạnh về kinh tế - dịch vụ, Bình Dương là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp của cả nước, Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế cảng biển và nhiều tiềm lực lớn khác. Khi cộng lại thì đây vẫn là vùng kinh tế dẫn đầu cả nước.
TS Nguyễn Hữu Nguyên chia sẻ về tiềm năng của TPHCM sau khi sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tính tương thích trong bộ máy càng cao thì hiệu quả vận hành càng lớn. Nền sản xuất hiện tại của ba địa phương vẫn đang giữ vai trò dẫn dắt nền kinh tế cả nước, và đó là một lợi thế rõ ràng.
Thưa chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước. Sau cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, theo bà, TPHCM với một không gian phát triển rộng lớn hơn khi sáp nhập, cần tập trung cho những ưu tiên gì để tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng và sự phát triển của cả nước?
- Trong vài năm gần đây, đặc biệt là khi được Nhà nước cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để phát triển, TPHCM đang định hướng lại quá trình phát triển của mình một cách rất hợp lý. Những ý tưởng như xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM, theo tôi, hoàn toàn đúng đắn và phù hợp.
Thành phố ngày càng khẳng định sức mạnh trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chất lượng các trường đại học tại TPHCM, cả về kinh tế, kỹ thuật, quản trị… đều đang phát triển rất tốt.
Hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe không chỉ còn là nhiệm vụ của Nhà nước đối với người dân mà đã trở thành một lĩnh vực dịch vụ kinh tế quan trọng, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.
TPHCM đang hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển. Các lãnh đạo TPHCM hiện nay rất tâm huyết, tiên phong như thời kỳ đổi mới đầu tiên, luôn lắng nghe người dân, gần gũi doanh nghiệp và hiểu rõ con đường cần đi.
TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương đều có thế mạnh riêng. Tôi đặc biệt ấn tượng với Bình Dương - nhiều năm nay luôn đứng đầu bảng xếp hạng PCI trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhờ vào cơ chế vận hành hiệu quả. Đến nay, tỉnh vẫn duy trì vị trí hàng đầu trong việc thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh.
Sau sáp nhập, TPHCM có thể là "Singapore của Việt Nam" hay một "Thượng Hải tại Việt Nam"
Bà Phạm Chi Lan Nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Bà Rịa - Vũng Tàu có thế mạnh về hạ tầng, cảng biển, công nghiệp và đặc biệt là du lịch. Nếu kết hợp cả ba địa phương thì đây sẽ là mô hình phát triển tuyệt vời, chắc chắn sẽ thành công.
Khi nghe tin ba địa phương dự kiến được sáp nhập, trong tôi trỗi dậy một niềm hy vọng lớn. Đây có thể là "Singapore của Việt Nam" hay một "Thượng Hải tại Việt Nam". Một mình TPHCM chưa thể làm được, nhưng nếu kết hợp thì hoàn toàn có thể. Có một đầu tàu kinh tế như vậy thì nền kinh tế Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu đến năm 2045.
Ở khía cạnh ngoại giao, theo ông Phạm Quang Vinh, điều gì là then chốt để ngoại giao tiếp tục đóng vai trò "mở đường, giữ vững hòa bình" cho phát triển đất nước?
- Đối ngoại luôn có ba nhiệm vụ là tạo môi trường thuận lợi cho hòa bình, an ninh quốc gia - hiện nay, chúng ta phải bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; tranh thủ nguồn lực cho phát triển kinh tế; nâng cao hình ảnh, vị thế và uy tín quốc gia.
Ở đây có hai câu chuyện lớn mà công tác đối ngoại phải "chạy đuổi": Một là phải bắt kịp thế giới. Thế giới đang thay đổi quá nhanh, quá khác. Cạnh tranh giữa các nước lớn không còn diễn ra trong 1 năm, 10 năm, mà thay đổi theo từng ngày.
Hai là phải bắt kịp chính Việt Nam. Điều quan trọng nhất khi bước vào một kỷ nguyên phát triển mới là phải có tư duy mới và tầm nhìn mới. Sự phát triển của đất nước hiện nay không còn theo từng bước nhỏ, tuyến tính nữa. Làm đối ngoại, phải tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài - từ vốn, công nghệ, tri thức, đến cả các tư vấn chính sách. Đặc biệt là phải bắt đúng nhịp độ phát triển kinh tế và khoa học công nghệ của đất nước.
Ngành đối ngoại, lực lượng đối ngoại phải trở thành cầu nối hai chiều để truyền tải sức mạnh của đất nước ra bên ngoài, và đồng thời mang những lợi thế, tri thức, cơ hội từ bên ngoài vào trong nước.
Ông Phạm Quang Vinh Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ
Trước mắt, có thể xem "bộ tứ" chính sách là hành trang quan trọng cho những người làm đối ngoại, gồm: Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy; Nghị quyết 57 về phát triển khoa học công nghệ; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế; và sắp tới là nghị quyết về thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Ngành đối ngoại, lực lượng đối ngoại - hơn bao giờ hết - phải trở thành cầu nối hai chiều để truyền tải sức mạnh của đất nước ra bên ngoài, và đồng thời mang những lợi thế, tri thức, cơ hội từ bên ngoài vào trong nước.
Nhóm phóng viên - Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/tu-tro-tan-chien-tranh-den-khat-vong-vuon-toi-ky-nguyen-moi-20250428154245831.htm
Bình luận (0)