Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chàng trai 8X làm "ông mối" cho chim Hồng hoàng

(QBĐT) - Là thế hệ 8X, Cao Quý Hà luôn hết mình với công việc cứu hộ, bảo tồn động vật ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB). Trong anh luôn bùng lên ngọn lửa của niềm khát khao cống hiến, sáng tạo để làm hành trang trên chặng đường phía trước…

Báo Quảng BìnhBáo Quảng Bình29/04/2025

 
Loài chim chung thủy
 
Với gương mặt trẻ trung và đầy hoài bão, Cao Quý Hà (SN 1985, quê ở phường Ba Đồn, TX. Ba Đồn), nhân viên Phòng cứu hộ động vật, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật, VQG PN-KB hào hứng kể với chúng tôi về sáng kiến “Ghép đôi, làm tổ cho chim Hồng hoàng sinh sản tại khu cứu hộ động vật hoang dã VQG PN-KB”.
 
Theo Cao Quý Hà, khu cứu hộ động vật hoang dã VQG PN-KB là khu cứu hộ lớn nhất miền Trung. Nơi đây được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đầy đủ phục vụ cho công tác cứu hộ các loài động vật hoang dã, và được đưa vào hoạt động từ năm 2021. Hàng năm, khu cứu hộ tiếp nhận cứu hộ rất nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm như các loài thú ăn thịt, linh trưởng, bò sát và rất nhiều loài chim. Trong đó, có chim Hồng hoàng, là một trong những loài nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ thuộc nhóm IB của Chính phủ.
Anh Cao Quý Hà bên khu chuồng trại để ghép đôi và làm tổ sinh sản cho chim Hồng hoàng.
Anh Cao Quý Hà bên khu chuồng trại để ghép đôi và làm tổ sinh sản cho chim Hồng hoàng.
Với hơn 10 năm công tác ở VQG PN-KB, anh Quý Hà cho biết, loài chim này thường xuất hiện gần khu vực đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Chim Hồng hoàng sinh sống chủ yếu ở vùng núi đất, nơi có nhiều loại thức ăn phù hợp. Tháng 8/2023, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật, phối hợp với các đơn vị tổ chức tái thả thành công 2 cá thể chim Hồng hoàng về môi trường tự nhiên. Đây là lần đầu tiên loài chim Hồng hoàng được tái thả về môi trường tự nhiên ở Việt Nam.
 
Chim Hồng hoàng nổi tiếng với sự chung thủy và cách chúng tìm bạn đời. Chim trống khi trưởng thành sẽ “tặng quà”, như: Xác động vật, cành cây, xương động vật… để chinh phục chim cái. Hồng hoàng sống thành đàn nhưng chỉ tạo thành cặp 1 vợ 1 chồng duy nhất. Khi bạn đời mất đi, cá thể còn lại sẽ sống cô độc đến suốt đời. Các cặp Hồng hoàng thường làm tổ trong các lỗ rỗng trên cây cao. Chim mẹ sau khi đẻ sẽ ở trong tổ 3-4 tháng để ấp trứng và chăm sóc con non. Điều đặc biệt là sau khi con cái vào tổ, lối ra sẽ bị bịt kín, chỉ để lại một khe nhỏ để con đực đưa thức ăn vào.
 
Hồng hoàng, còn được gọi là phượng hoàng đất (Buceros bicornis), là một trong những loài động vật quý hiếm đang được chăm sóc và cứu hộ tại VQG PN-KB. Chim Hồng hoàng có thể đạt tuổi thọ lên tới 50 năm trong điều kiện sống tốt. Chúng là thành viên lớn nhất trong họ Hồng hoàng, với cá thể trưởng thành có thể dài tới 1,2m, sải cánh rộng và cân nặng 2-4kg. Chúng nổi bật với cái mỏ to, cong, và màu sắc sặc sỡ có ba màu chủ đạo: Trắng, đen tuyền, vàng tươi. Đặc biệt, chim Hồng hoàng có phần mỏ, mũ trên đỉnh đầu liền khối, chiếm đến 11% trọng lượng cơ thể. Loài này là động vật ăn tạp, thức ăn chính của chúng là trái cây, đặc biệt là quả sung. Ngoài ra, chúng cũng săn bắt côn trùng, động vật nhỏ như thằn lằn và chuột.

Tuy nhiên, tình trạng săn bắt buôn bán mỏ và sừng của chim Hồng hoàng đang âm thầm diễn ra, cùng với môi trường sống ngày càng thu hẹp, đã đe dọa nghiêm trọng tới sự tồn tại của loài chim quý hiếm này. Do đó, công tác bảo tồn và nhân giống loài chim này càng trở nên cấp thiết.

 
“Xuất phát từ nhiệm vụ cứu hộ của phòng, nên tôi đề xuất giải pháp ghép đôi và làm tổ sinh sản cho chim Hồng hoàng nhằm nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ. Mục đích cơ bản của giải pháp đó là tạo được một môi trường tự nhiên trong khu chuồng bán hoang dã để các cá thể chim Hồng hoàng có thể lựa chọn cá thể ghép đôi sinh sản”, anh Quý Hà nói thêm.
 
Ghép đôi cho chim Hồng hoàng
 
Anh Cao Quý Hà cho hay, trên thế giới có một số quốc gia, như: Ấn Độ, Indonesia... đã tiến hành thử nghiệm làm các tổ trên các cây cao ngoài tự nhiên để tạo cho chim Hồng hoàng có nhiều lựa chọn kích thích bản năng sinh sản duy trì nòi giống trước hiện trạng số lượng loài chim này ngày càng giảm. Còn ở Việt Nam, khu cứu hộ động vật hoang dã VQG PN-KB là nơi đầu tiên xây dựng mô hình ghép đôi, làm tổ cho Hồng hoàng sinh sản trong môi trường cứu hộ.
 
Để thực hiện được giải pháp này cần đòi hỏi có cơ sở hạ tầng hoàn thiện đầu tiên đó là hệ thống chuồng trại. Đặc biệt là việc xây dựng chuồng tập bay có chiều dài và kích thước lớn là điều kiện cực kỳ thuận lợi cho việc ghép đôi sinh sản cho chim Hồng hoàng. Hơn nữa, việc tiếp nhận cứu hộ loài chim này với số lượng ít và cùng giới tính là một trở ngại cho công việc lựa chọn ghép đôi sinh sản.
Cặp đôi chim Hồng hoàng bên tổ sinh sản.
Cặp đôi chim Hồng hoàng bên tổ sinh sản.
 
Năm 2024, khu cứu hộ động vật chăm sóc 5 cá thể chim Hồng hoàng được giao nhận bởi người dân và chuyển giao từ Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Các cá thể này có đầy đủ trống mái, có sức khỏe tốt cùng với việc hoàn thiện hệ thống chuồng nuôi là điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện giải pháp này.
 
Năm 2023, anh Cao Quý Hà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với giải pháp, sáng kiến được Hội đồng xét duyệt sáng kiến của BQL VQG-PN-KB công nhận:“Ghép đàn các loài khỉ tại khu cứu hộ động vật sau cách ly kiểm dịch nhằm nâng cao khả năng hòa nhập với tự nhiên sau khi tái thả”. Mục đích của giải pháp đó là tạo được môi trường bầy đàn cho các cá thể khỉ để sau khi được thả về môi trường tự nhiên chúng sống theo đàn đã ghép.
“Dựa vào đặc tính sinh trưởng của loài chim Hồng hoàng, tôi cùng với các cộng sự tiến hành xây dựng chuồng trại, tổ và ghép đôi cho loài chim này. Hiện, trong khu cứu hộ đã ghép thành công một cặp chim Hồng hoàng, quan sát hàng ngày cho thấy biểu hiện của chúng rất tốt, khi ăn chúng thường gắp đút thức ăn, rỉa lông cho nhau. Đặc biệt, cặp đôi này đã chú ý đến lỗ tổ trên gốc cây rỗng được mô phỏng, khi thời gian rảnh rỗi chúng thường mổ vào thành gốc cây làm cho lỗ tổ ngày càng lớn hơn. Thời gian ghép đôi từ tháng 3/2024, do đặc tính của loài chim này là sống theo cặp chung thủy suốt đời, nên việc chọn bạn tình là một quá trình lâu dài cần được tiếp tục theo dõi”, anh Cao Quý Hà cho hay.
 
Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Trần Ngọc Anh cho rằng, việc ghép đôi các cá thể chim Hồng hoàng trong môi trường cứu hộ sẽ giúp chúng tăng khả năng tái hòa nhập với môi trường tự nhiên sau khi tái thả. Giải pháp này thành công, cặp chim trống mái có thể sinh sản tạo ra thế hệ mới là một điểm cực kỳ có giá trị đối với công tác cứu hộ. Sáng kiến của Cao Quý Hà đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ, bảo tồn động vật ở trung tâm nói riêng và VQG PN-KB nói chung.
Minh Văn

Nguồn: https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202504/chang-trai-8x-lam-ong-moi-cho-chim-hong-hoang-2225979/


Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm