Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ nhờ các đột phá công nghệ, đổi mới sáng tạo không còn là lựa chọn mà đã trở thành yếu tố sống còn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn trong việc đầu tư vào R&D do thiếu vốn, thiếu cơ chế hỗ trợ và thiếu sự kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết 57 là điểm tựa để doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới sáng tạo. (Ảnh minh họa) |
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 57 là nâng cao tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ lên mức 2% GDP, trong đó hơn 60% đến từ khu vực tư nhân. Điều này không chỉ thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh khoa học - công nghệ mà còn cho thấy vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Thực tế, tại nhiều quốc gia phát triển, phần lớn các sáng chế công nghệ đột phá đều xuất phát từ khu vực doanh nghiệp. Việc gia tăng đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ giúp Việt Nam từng bước dịch chuyển từ mô hình phát triển dựa trên lao động giá rẻ sang nền kinh tế dựa trên tri thức và công nghệ cao.
Tổng Giám đốc kiêm nhà sáng lập Công ty An ninh mạng thông minh SCS-SafeGate Ngô Tuấn Anh nhìn nhận, Nghị quyết 57 không chỉ tháo gỡ được điểm nghẽn, mà quan trọng hơn là đã tạo được niềm tin, động lực cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam tự tin phát triển và vươn mình. Doanh nghiệp startup, đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cần nhất là thị trường để các sản phẩm, dịch vụ của mình được triển khai. Tuy nhiên, để tham gia thị trường đối với các doanh nghiệp startup, đổi mới sáng tạo là điều không dễ dàng vì nhiều điều kiện, rào cản phải vượt qua, nhất là các quy định về năng lực triển khai, tài chính…
"Những nút thắt này đã được tháo gỡ khi Nghị quyết 57 ra đời. Trong nghị quyết có nêu cơ chế thí điểm (sandbox), điều này cởi trói cho các doanh nghiệp startup đổi mới sáng tạo. Cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước cần đưa ra các tiêu chí, điều kiện cụ thể để có thể đảm bảo bất kỳ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nào cũng có thể tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển này." Ông Ngô Tuấn Anh, Tổng Giám đốc kiêm nhà sáng lập Công ty An ninh mạng thông minh SCS-SafeGate |
Bên cạnh đó, Nghị quyết 57 cũng nhấn mạnh đến tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, trường đại học nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ. Đây là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng với những thành tựu khoa học mới nhất, từ đó rút ngắn thời gian nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Mô hình liên kết này đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia phát triển, điển hình như Hàn Quốc hay Đức, nơi các doanh nghiệp và trung tâm nghiên cứu hoạt động như một hệ sinh thái thống nhất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo theo hướng ứng dụng thực tiễn.
Trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) hay chuỗi khối (Blockchain), Nghị quyết 57 tạo ra hành lang pháp lý giúp doanh nghiệp mạnh dạn thử nghiệm và triển khai các công nghệ mới.
"Sự rõ ràng trong chính sách là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp công nghệ tự tin hơn khi đầu tư vào nghiên cứu, thay vì lo ngại những rủi ro về pháp lý. Chính nhờ môi trường thuận lợi hơn, nhiều doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam đã bắt đầu có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực AI, robot tự động hóa hay an ninh mạng." Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav |
Ngoài ra, Nghị quyết 57 đặt ra nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, với các chính sách đào tạo bài bản nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các trường đại học và doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết trong đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn có kỹ năng thực tiễn, sẵn sàng tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngay sau khi tốt nghiệp..
Bên cạnh những cơ hội rõ ràng, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với không ít thách thức khi triển khai đổi mới sáng tạo. Theo ông Lê Hồng Minh, CEO VNG, một trong những rào cản lớn nhất chính là tư duy quản trị cũ. Để thực sự bứt phá, doanh nghiệp cần thay đổi từ cách tiếp cận thị trường, chiến lược kinh doanh đến cách thức vận hành, trong đó chuyển đổi số đóng vai trò cốt lõi. Thực tế, nhiều doanh nghiệp dù có tiềm năng nhưng vẫn chậm chân trong việc ứng dụng công nghệ mới, dẫn đến mất dần khả năng cạnh tranh. Vì vậy, Nghị quyết 57 không chỉ là cơ hội, mà còn là một phép thử để doanh nghiệp chứng minh năng lực đổi mới của mình.
Phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam 2025 ngày 15/1, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT đánh giá: “Nghị quyết 57 chính là điểm tựa để doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn bước vào kỷ nguyên đổi mới sáng tạo, với tư duy làm chủ công nghệ, không chỉ để bắt kịp thế giới mà còn để cạnh tranh và bứt phá”. Điều này cho thấy, khi có sự hỗ trợ từ chính sách và nguồn lực tài chính, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng vươn xa, không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu. |
Nguồn: https://thoidai.com.vn/nghi-quyet-57-diem-tua-de-doanh-nghiep-manh-dan-doi-moi-sang-tao-211252.html
Bình luận (0)