Những ngày giữa tháng 3, chúng tôi có dịp trở lại bản Rào Tre, nơi có 46 hộ dân/156 nhân khẩu đồng bào dân tộc Chứt sinh sống.
Qua quan sát, từ đầu bản, chúng tôi đã cảm nhận được cuộc sống của bà con đã có nhiều đổi thay so với trước. Trục đường giao thông được mở rộng, trong vườn của nhiều hộ dân phủ một màu xanh của các loại cây ăn quả. Trên cánh đồng chạy dài trước mặt bản, người dân đã làm cỏ, trồng dặm cây lúa nước. Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre nằm ở trung tâm bản, có phòng khám quân, dân y kết hợp, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân chơi cho trẻ em được đầu tư xây dựng cơ bản.
Ra đón chúng tôi ở cổng đơn vị, Thiếu tá QNCN, y sĩ Nguyễn Đức Long (Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre) hỏi rằng: “Lâu ngày nhà báo mới lên thăm bà con, thấy bản làng khác nhiều không?” Rồi anh Long tự trả lời như khoe với chúng tôi: “Bà con đã tự giác trong công việc hơn, biết chăm lo cho cuộc sống nhiều hơn rồi. Anh em tại tổ công tác chủ yếu định hướng những công việc cần thiết, để đời sống của nhân dân ngày càng tốt hơn”.
Thiếu tá QNCN, y sĩ Nguyễn Đức Long khám bệnh cho người dân. |
Cán bộ quân y Biên phòng hướng dẫn người dân cách sử dụng thuốc chữa bệnh. |
Rồi câu chuyện của người quân nhân Biên phòng giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về đồng bào Chứt.
Trước đây, họ sống chủ yếu trong hang đá, giữa những cánh rừng già bạt ngàn, duy trì sự sống bằng cách săn bắt, hái lượm, nên đối diện với bệnh tật và nguy cơ suy giảm giống nòi. Sau đó, chính quyền địa phương và BĐBP phát hiện, đưa đồng bào Chứt rời khỏi rừng già, về sống tập trung ở Rào Tre, tổ chức hướng dẫn bà con cách thức sản xuất, chăn nuôi, thay đổi cách sinh hoạt. Đến năm 2001, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh thành lập Tổ công tác bản Rào Tre (Ðồn Biên phòng Bản Giàng), với nhiệm vụ trực tiếp giúp nhân dân xây dựng, ổn định cuộc sống.
Trung tá Nguyễn Văn Thiên, Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre nhớ lại, ngày đó, từ người già đến trẻ em đồng bào dân tộc Chứt đều không biết chữ, chỉ vài người biết tiếng phổ thông. Thậm chí, người dân còn chưa quen với việc tắm rửa, vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi. Rồi bộ đội chọn những hộ gia đình đồng bào Chứt biết tiếng phổ thông, hướng dẫn họ chủ động sắp xếp nơi ăn ở, sinh hoạt trong gia đình, từ đó khuyên bảo, vận động nhân dân trong bản làm theo.
Theo thời gian, bà con đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp, tin tưởng vào lời nói, chỉ dẫn của cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Khi có được lòng tin của nhân dân, cán bộ Biên phòng ở tổ công tác bản Rào Tre nghĩ đến những chuyện xa hơn, như đẩy lùi hủ tục, xóa cái đói nghèo. Hằng ngày, các anh hướng dẫn bà con khai hoang đất trồng lúa nước; đêm đến lại làm thầy giáo đứng lớp xóa mù chữ cho dân bản. Dần dà, phần lớn người dân trong bản đều đã biết tiếng phổ thông, biết đọc, biết viết.
Cán bộ tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre giúp nhân dân trồng lúa. |
Quyết tâm đưa Rào Tre từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đã huy động nguồn kinh phí xây dựng một phòng khám quân, dân y kết hợp, điều động y, bác sĩ có trình độ, nhiệt huyết để chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Cùng với thăm khám, chữa bệnh thường ngày, cán bộ quân y tại Rào Tre đã tham mưu, phối hợp cùng y tế địa phương triển khai thực hiện tốt chương trình tiêm chủng cho trẻ em. Bộ đội cũng tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, cải thiện chất lượng dân số.
Sau hàng chục năm, với sự tận tâm của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Hà Tĩnh, cuộc sống của đồng bào Chứt ở Rào Tre đã khởi sắc. Chính vì thế, khi được hỏi, bà Hồ Thị Nam (bản Rào Tre) chia sẻ: “Sau nhiều năm được BĐBP chỉ dẫn, chúng tôi đã biết trồng lúa nước, tự chủ được phần lớn lương thực. Nhiều thanh niên khỏe mạnh đã rời bản đi làm ăn xa, kiếm tiền để về lo cho các con ăn học. Bản làng đổi thay, cuộc sống tốt đẹp hơn là nhờ được các anh BĐBP giúp đỡ”.
Bài, ảnh: HIẾU AN
Bình luận (0)