Từ thành phố Lai Châu, đặt xe đi huyện Phong Thổ, ngồi trên taxi, chúng tôi đã nghe anh tài xế nhắc đến cái tên Vàng A Chỉnh – trưởng bản nổi tiếng của huyện, người đã dẫn dắt cả bản làm du lịch để Sin Suối Hồ được như ngày hôm nay.
21h, chúng tôi mới có mặt ở homestay của Vàng A Chỉnh, đúng vào một ngày cuối tuần đông khách. Trong khi các nhân viên phục vụ đang tất bật nấu nướng, rửa bát, dọn dẹp…, chúng tôi vẫn được gợi ý thưởng thức một nồi lẩu gà vào cái giờ oái oăm ấy.
Chỉ một lát sau, nồi lẩu gà bốc khói nghi ngút đã được bày biện chu đáo trên bàn. Khi các nhân viên còn đang loay hoay với khách mới, khách cũ, một người đàn ông cao lớn, tác phong nhanh nhẹn xuất hiện.
Nhà hết đá, hết nước đóng chai, anh không đề nghị chúng tôi “thông cảm”, mà ngay lập tức leo lên chiếc xe máy, giải quyết hết mọi nhu cầu của khách chỉ trong vòng vài phút.
Anh chính là Vàng A Chỉnh – “linh hồn” của Sin Suối Hồ, người đã đi từng nhà vận động bà con cai nghiện, người đã hiến 1.000m2 đất để làm đường, mở chợ.
Ngồi giữa khoảng sân rộng của gia đình, trước mắt là mênh mang núi non, mây trời, anh Chỉnh kể về những ngày tháng cũ – những ngày cả Sin Suối Hồ vẫn chìm trong cơn say của thuốc phiện.
“Những năm 80-90, cả bản có 80 hộ gia đình. Gần như nhà nào cũng có vài ba người nghiện. Năm 1990, bộ đội vào bản chặt hết cây thuốc phiện để bà con tập trung làm kinh tế. Nhiều người vẫn lén trốn vào rừng sâu trồng trộm nhưng đều bị phát hiện và triệt phá hết. Đến năm 1995, Sin Suối Hồ hết hẳn cây thuốc phiện”.
Thời điểm ấy, Vàng A Chỉnh đang là thanh niên trong bản. Cùng với các cán bộ địa phương, anh tích cực vận động bà con đi cai nghiện.
“Có nhiều người say thuốc, họ đánh mình chứ. Nhưng mình nói đúng, họ cũng thấy những người cai nghiện về làm ăn tốt, mang lại kinh tế cho gia đình, dần dần rồi họ cũng nghe” – Trưởng bản sinh năm 1975 kể.
Đến năm 2004, Vàng A Chỉnh làm công an viên của xã. Lúc này, Sin Suối Hồ vẫn còn nghèo lắm. Nhưng gác lại những ước mơ lớn lao, anh làm những việc nhỏ trước. Anh gõ cửa từng nhà vận động bà con bỏ rượu.
“Rượu như con ma rừng, nó làm cơ thể mình lười biếng, làm đồng bào mình nghèo đi. Khi say, con ma men làm mờ hai con mắt, điếc hai lỗ tai thì sao nghe và thấy được”.
Việc khó như thế nhưng A Chỉnh làm được. Bây giờ, chẳng có ai ở Sin Suối Hồ uống rượu, không ai tích trữ rượu trong nhà. “Trừ khi khách muốn uống và mua về thì bà con đi mua hộ thôi” – A Chỉnh khẳng định chắc chắn.
Bỏ được thuốc phiện và rượu, bà con bắt đầu trồng lúa, ngô, khoai, sắn. Sin Suối Hồ bắt đầu bớt đói nghèo. Ngoài trồng lúa, trồng hoa màu, nhiều gia đình trồng cả thảo quả. Thu nhập từ thảo quả rất khá.
Khi kinh tế tốt dần lên, anh Chỉnh bắt đầu nghĩ tới việc nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình mình. Anh nói với vợ con về ý định trang trí lại nhà cửa, trồng cây, trồng hoa.
“Thấy bản làng mình có cảnh đẹp, thời tiết mát mẻ, dễ chịu, ban đầu tôi chỉ định làm đẹp cho gia đình mình thôi. Nhưng may mắn về sau lại được nhiều người biết đến”.
Ban đầu là những thầy cô giáo đến bản dạy học. Họ chụp ảnh, giới thiệu cho nhiều người dưới xuôi, thế là khách du lịch đến ngày một đông.
Năm 2012, đường vào bản vẫn là con đường đất nhầy nhụa, trơn trượt mỗi mùa mưa đến. Vị trưởng bản 37 tuổi khi ấy nghĩ thầm, muốn phát triển du lịch, trước tiên phải có con đường đẹp để du khách vào bản.
Nhưng tiền ở đâu, đất ở đâu?
Vàng A Chỉnh nghĩ rằng mình phải làm trước thì nói bà con mới nghe. Gia đình anh tự nguyện hiến 1.000m2 “đất vàng”, sau đó vận động bà con hiến thêm mỗi nhà một ít. Tiền xi măng Nhà nước cho. Tiền đá, sỏi, cát mỗi nhà đóng góp vài trăm nghìn bằng cách trừ vào “tiền rừng” (tiền Nhà nước trả cho các hộ trông coi, bảo vệ rừng mỗi năm).
Đó là kế hoạch của anh, nhưng bắt tay vào làm thì không hề đơn giản. Nhiều gia đình đồng ý ngay nhưng cũng không ít gia đình phản đối. Có người không chịu hiến đất. Có người bảo “cả đời tao đi con đường đất này, làm sao mà phải mất công mất sức, mất tiền của để làm đường mới”.
“Có người thách thức, ‘bản này mà làm được đường thì tao sẽ chống tay xuống đất, chổng mông lên trời để đi’. Có người nhất quyết không hiến đất, không góp tiền. Họ nói ‘đường làm xong tao không đi, tao sẽ khiêng xe đi bộ qua’” – Vàng A Tủa, con trai Trưởng bản Vàng A Chỉnh nhớ lại những ngày tháng khó khăn nhất của bố mình.
Nhưng rồi, bằng sự kiên trì và khéo léo, cùng với những người già có uy tín trong bản, anh Chỉnh dần thuyết phục được hầu hết người dân. Có những người kiên quyết phản đối đến phút cuối, nhưng khi nhìn thấy tất cả đồng lòng, thấy con đường thành hình mỗi ngày, họ lại ra tham gia làm đường cùng cả bản. Đó là cái gật đầu ngầm thừa nhận rằng hướng đi của Trưởng bản Vàng A Chỉnh là đúng đắn.
Đúng 1 năm sau, con đường nhựa dài 2km được hoàn thành, đón xe ô tô từ trung tâm xã vào đến tận bản.
Năm 2014, anh tiếp tục vận động cả bản chung tay xây dựng chợ phiên, làm tiếp con đường dẫn từ bản lên Thác Trái Tim. Cũng từ năm này, Sin Suối Hồ trở thành một địa danh có tên trên bản đồ du lịch tây bắc.
500 triệu đồng là số tiền đầu tiên Vàng A Chỉnh bỏ ra để đầu tư xây dựng homestay. “Số tiền này tôi không phải đi vay, vì ngày ấy gia đình đã có thu nhập từ thảo quả” – vị Trưởng bản thật thà chia sẻ.
Khách miền xuôi đến ngày một đông. Mọi người “xúi” anh đầu tư giường ngủ, chăn màn, dịch vụ ăn uống để đón khách. Anh cũng hào hứng làm theo. Những chiếc đệm, tấm chăn anh sắm sửa những ngày đầu tiên chưa “đạt chuẩn” như bây giờ.
Chưa có khái niệm gì về nhà nghỉ, khách sạn, anh chỉ nghĩ nhà mình dùng thế nào thì khách dùng thế. Chiếc đệm ngày ấy không dày 20cm. Bộ chăn ga cũng không phải loại trắng tinh chuyên dùng cho nhà nghỉ.
Thế rồi chính những vị khách, vì yêu mến Sin Suối Hồ, là người góp ý cho anh. Biết lắng nghe và cầu thị, anh thay đổi và cải thiện dịch vụ của mình mỗi ngày.
Bây giờ, đến homestay của gia đình A Chỉnh, dù chỉ thuê phòng cộng đồng với giá 150 nghìn đồng/người/ đêm nhưng du khách sẽ được ngủ ngon trên chiếc giường rộng 1m8, đệm dày 20cm và bộ chăn ga trắng tinh chuẩn khách sạn.
“Cái được mọi người góp ý nhiều nhất là nhà vệ sinh. Khách nói, dù ở bản thì nhà vệ sinh cũng nên sạch sẽ, khép kín. Tôi lắng nghe và cho xây lại toàn bộ nhà vệ sinh theo kiểu của người thành phố”.
Gia đình anh Chỉnh hiện có 40 giường phòng cộng đồng, 10 phòng khép kín và 2 căn bungalow mới xây trong năm nay.
Từ con số 500 triệu đầu tư ban đầu, tính tới hiện tại, anh đã “đổ” vào dự án du lịch cộng đồng của mình 20 tỷ đồng. Vị Trưởng bản thật thà chia sẻ: “Mình vẫn còn nợ ngân hàng gần 1 tỷ đồng nữa”.
Nhưng với thu nhập của gia đình anh hiện tại, số nợ ấy không đáng lo ngại. Mỗi năm, riêng nguồn thu từ homestay của gia đình đã là 400-500 triệu đồng. Tiền bán thảo quả 300-400 triệu đồng/năm. Anh còn nuôi vài chục con dê, thu nhập 100-200 triệu/năm, chưa tính các nguồn thu từ ruộng nương, hoa màu, địa lan…
Khi gia đình mình đã thu lợi được từ du lịch, anh bắt đầu hướng dẫn cho bà con cùng làm. Bà con thiếu vốn, anh chỉ dẫn làm thủ tục vay từ các nguồn vốn chính sách của Nhà nước. Bà con không có kinh nghiệm, anh truyền đạt kinh nghiệm, chỉ dạy từng chút một, phát huy những cái hay, rút kinh nghiệm những cái dở từ chính kinh nghiệm của gia đình mình.
Những năm ấy, Vàng A Tủa còn đang đi học ở Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu. Bây giờ, khi đã về bản và trở thành Bí thư chi bộ bản Sin Suối Hồ, A Tủa thấm thía hơn ai hết những khó khăn mà bố mình đã phải đối mặt cách đây 10 năm.
“Đó là khó khăn trong việc thay đổi tư duy của bà con. Thời của bố tôi, bản nhiều người già, hầu hết không biết chữ, nên việc dạy bà con cách làm du lịch gặp rất nhiều trở ngại.
Bố Chỉnh phải dạy mọi người cách giữ gìn vệ sinh chung cho thôn bản, cho gia đình mình, đề nghị mọi người không chăn thả gia súc, gia cầm ngoài đường; phải dạy mọi người cách dọn phòng, nấu nướng, trang trí nhà cửa…” – A Tủa kể.
Đến năm 2015, khi chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu nhìn thấy tiềm năng của bản và nhiệt huyết của người đứng đầu Vàng A Chỉnh, Sin Suối Hồ chính thức được công nhận là bản du lịch cộng đồng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu bắt đầu hỗ trợ, hướng dẫn bà con cách làm du lịch. Các lớp học về nấu ăn, dọn phòng, pha chế, diễn văn nghệ… được tổ chức miễn phí tại bản.
Dần dần, lớp trẻ lớn lên, thay thế cho thế hệ ông bà, bố mẹ. Đã có những người trẻ đầu tiên của Sin Suối Hồ lên Hà Nội học hành bài bản về nấu ăn, pha chế… theo lời vận động của trưởng bản.
Thanh niên bản đi thi bằng lái xe máy, học lái ô tô để chở khách, chở hàng. Hiện tại, bản đã có gần 40 người trên tổng số 764 nhân khẩu có bằng lái ô tô con và xe tải. Bảy gia đình đã sắm ô tô để phục vụ nhu cầu cá nhân, kết hợp chở khách.
Thành tựu lớn nhất của trưởng bản Vàng A Chỉnh không chỉ là làm đường, mở chợ. Anh còn xây dựng một hợp tác xã đặt tên là Hợp tác xã Trái tim.
11 hộ gia đình cùng nhau góp vốn, dựng nhà nghỉ, nhà hàng ở khu đất rộng đầu bản. Khách đến, các gia đình cùng nhau đón khách. Chỉ riêng nhà nghỉ, nhà hàng của Hợp tác xã đã có thể phục vụ được 100 khách cùng lúc. Lợi nhuận thu về khoảng 300-400 triệu đồng/năm.
30 hộ gia đình khác cũng tham gia làm du lịch, xây dựng homestay riêng. Nếu tính số homestay của cả bản cộng lại, Sin Suối Hồ có thể phục vụ được 500 khách cùng một thời điểm.
Những gia đình không có homestay cũng tăng thu nhập đáng kể từ các dịch vụ đi kèm. Nếu ngày xưa, dân bản đi làm thuê cho người ta cao nhất chỉ nhận 100 nghìn đồng/ngày thì bây giờ thu nhập của bà con từ du lịch cao hơn, chủ động hơn.
“Chẳng làm gì khá bằng làm du lịch” – chị Sùng Thị Mảy, 1 trong 11 hộ gia đình tham gia Hợp tác xã, đã kết luận như thế khi được hỏi.
Theo báo cáo của UBND xã Sin Suối Hồ, chỉ tính riêng năm 2024, bản đã đón và phục vụ hơn 30 nghìn lượt khách tham quan, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 3 tỷ đồng.
Bắt đầu từ tháng 3, Sin Suối Hồ bước vào mùa du lịch. Du khách ghé thăm bản sẽ được các hướng dẫn viên là dân bản địa dẫn đi thăm Thác Trái tim, ngắm hoa đỗ quyên nở, thăm vườn địa lan, thưởng thức những món ăn đậm chất tây bắc…
Từ một bản với tỷ lệ hộ nghèo 100%, Sin Suối Hồ “lột xác” dưới sự dẫn dắt của trưởng bản Vàng A Chỉnh, trở thành một “viên ngọc quý”, một “bản có vàng” đúng nghĩa như gọi của nó.
Ảnh: Nguyễn Thảo, NVCC
Thiết kế: Trần Hằng
Nguồn:https://vietnamnet.vn/truong-ban-nguoi-mong-chi-20-ty-dong-bien-ban-ngheo-thanh-lang-du-lich-hap-dan-2396908.html
Bình luận (0)