Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lặng thầm “giữ lửa” cho di sản Huế

TTH - Không ồn ào, không sân khấu lớn, những nghệ sĩ, nghệ nhân, thợ giỏi… đang từng ngày lặng lẽ truyền nghề, giữ nghề giữa đất Cố đô. Họ là những “cánh tay nối dài” cho hành trình bảo tồn di sản phi vật thể và các di tích Huế.

Báo Thừa Thiên HuếBáo Thừa Thiên Huế05/05/2025


Mỗi người thợ, ngoài kỹ thuật, còn phải có cả tâm và tầm 

Gieo mầm từ lòng yêu nghề

Phía sau ánh đèn sân khấu của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế là những buổi tập miệt mài của lớp diễn viên, nghệ sĩ trẻ. Họ luyện tập cách nhập vai trong các trích đoạn tuồng cổ, bài bản nhã nhạc. NSƯT Hoàng Trọng Cương – Giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Đào tạo người mới đã khó, giữ họ còn khó hơn”.

Biểu diễn nghệ thuật truyền thống, nhất là các loại hình như tuồng, múa hay Nhã nhạc cung đình, ngoài năng khiếu còn đòi hỏi sự bền bỉ, khổ luyện. “Có em học tuồng từ sớm, nhưng để vào vai chính phải mất cả chục năm. Nếu không có đam mê thì bỏ cuộc từ lâu rồi”, ông Cương nói.

Khó khăn không chỉ đến từ tính đặc thù của nghệ thuật cung đình, mà còn vì cuộc sống hiện đại khiến mức thu nhập của nghệ sĩ chưa đủ để họ yên tâm gắn bó. Đó là lý do Nhà hát đã chọn hướng đào tạo “kèm cặp trực tiếp”, còn Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hỗ trợ cơ chế để nghệ sĩ có thêm nguồn thu từ biểu diễn, dự án và không gian sáng tạo.

Mới đây, với sự tài trợ của Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF), Nhà hát triển khai khóa đào tạo kỹ thuật vẽ mặt nạ tuồng kéo dài 3 tháng. Kết quả, 15 nghệ sĩ trẻ hoàn thành 300 mặt nạ tuồng - là những gương mặt sống động của Trụ Vương, Đào Tam Xuân, Lý Ngư Tinh... Mỗi chiếc mặt nạ mang màu sắc, đường nét nghệ thuật tuồng và chứa cả tình yêu với di sản.

Khóa học do NSƯT La Hùng là người trực tiếp giảng dạy. “Không chỉ truyền nghề, ông còn truyền cả lịch sử của từng nét mặt nạ”, bà Lê Mai Phương, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng của Nhà hát nói. Dự án chỉ 3 tháng nhưng có ý nghĩa lâu dài, giúp nghệ sĩ trẻ tự tay trang điểm, thiết kế mặt nạ đúng chuẩn mỹ thuật cung đình. Từ kết quả này, Nhà hát dự kiến mở lớp thường niên, để mỗi nghệ sĩ vào nghề đều “nằm lòng” bản sắc truyền thống.

“Chúng tôi không ép buộc mà để các bạn tự tìm đến. Chỉ khi nào thật sự yêu thích thì mới đủ kiên nhẫn theo đuổi một bộ môn đặc thù như tuồng cung đình”, bà Phương cho hay.

Giữ chân người thợ giỏi

Không chỉ với nghệ sĩ, lực lượng nghệ nhân, thợ lành nghề, những người thợ trùng tu, phục dựng di tích, cũng đang đối mặt với bài toán thiếu hụt nhân lực. Theo ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, lực lượng này đang dần già hóa, trong khi lớp trẻ lại ít mặn mà vì nghề vất vả, thu nhập chưa cao. “Một người thợ nghỉ là một tổn thất không nhỏ. Để truyền nghề được, mất cả chục năm”, ông nói.

Trong câu chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Ngô Đình Trọng – Tổ trưởng Tổ thợ sơn, Công ty CP Tu bổ di tích Huế chia sẻ: Kỹ thuật thếp vàng không thể học trong ngày một ngày hai, mà là hành trình rèn giũa suốt đời. Những cấu kiện sơn son, thếp vàng là phần hồn của kiến trúc cung đình. Hầu hết các thợ lành nghề trong tổ đều được cố họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng, giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế truyền dạy. Người làm nghề phải hiểu sâu, yêu nghề thì mới truyền được hồn vào từng lớp thếp, nét sơn.

Hiện, nhiều nghề thủ công đặc thù chỉ truyền khẩu, “cha truyền con nối”, không có chứng chỉ. “Cần chính sách công nhận, hỗ trợ và tôn vinh họ như những “di sản sống”. Họ không chỉ là người thợ, mà là người gìn giữ hồn cốt của di sản”, ông Trung nhấn mạnh.

“Chúng tôi mong sẽ có trung tâm đào tạo chuyên sâu với những ngành nghề truyền thống chuyên về phục dựng di sản. Ở đó, những học viên, người thợ học bằng trải nghiệm thực tế, được chạm tay vào di sản. Trung tâm đánh giá rất cao vai trò và những đóng góp của các nghệ nhân. Đơn vị đã tặng bằng khen cho hàng trăm nghệ nhân, thợ lành nghề trong trùng tu điện Thái Hòa. Đó không chỉ là lời cảm ơn, mà còn là động lực giữ họ với nghề”, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế nói thêm.

Giữa lòng Cố đô, những lớp học tuồng vẫn vang lên nhịp trống, những công trường trùng tu vẫn rộn tiếng búa đục, và bàn tay những người thợ trẻ vẫn đang học lại từng đường nét cha ông. Giữ chân họ với công cuộc trùng tu là giữ lấy di sản.


Nguồn:https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/lang-tham-giu-lua-cho-di-san-hue-153260.html


Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Những đảo chè xanh mát
29 công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Xem lại màn bắn pháo hoa đêm 30/4 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước trên bầu trời TPHCM
Sa Pa rực rỡ chào hè với Lễ hội Hoa hồng Fansipan 2025

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm