Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngày 1/5/1975: Giải phóng các tỉnh còn lại ở Đồng bằng sông Cửu Long

Việt NamViệt Nam01/05/2025

Ngày 1/5/1975, được tin chiến thắng từ Sài Gòn và các địa phương khác cổ vũ, quân và dân các tỉnh còn lại là Chương Thiện, Cà Mau, Long Xuyên, Châu Đốc, Kiến Tường, Bến Tre đã tiến hành giải phóng hoàn toàn địa phương.

Bộ đội vào giải phóng Cà Mau ngày 1/5/1975. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)

Tại Vị Thanh từ 5 giờ sáng ngày 1/5/1975, các cánh quân của ta đồng loạt nổ súng tấn công các vị trí quân địch: Bộ Chỉ huy tiền phương Sư đoàn 21, căn cứ Trung đoàn 31, Sân bay Vị Thanh, tiểu khu Chương Thiện, ty cảnh sát và chi khu Đức Long… Tin chiến thắng của quân và dân ta trên các chiến trường dồn dập dội về làm cho tinh thần ngụy quân, ngụy quyền ở đây hoang mang cực độ, một số binh sĩ, tề ngụy bỏ trốn, một số quy hàng cách mạng… Ðến 9 giờ 30 phút ngày 1/5/1975 ta giải phóng thị xã Vị Thanh.

Tại thị xã Long Xuyên, khi nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng, chính quyền tỉnh An Giang rối loạn. 16 giờ ngày 1/5/1975, sau khi đã dẹp tan các tuyến phòng ngự của đối phương trên đường liên tỉnh, Trung đoàn 101 Quân giải phóng tiến công thị xã. Lực lượng khởi nghĩa của quần chúng tràn ra các ngả đường biểu dương lực lượng. Đoàn xe M113 của Trung đoàn 101 tiến vào trung tâm thị xã, dẹp tan các tuyến phòng ngự của đối phương. Trong ngày 1/5/1975, thị xã Long Xuyên hoàn toàn giải phóng.

Tại Bến Tre, chiều 30/4/1975, ở các thị trấn Mỏ Cày, Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Thạnh Phú, Châu Thành, Chợ Lách và các vùng nông thôn rộng lớn, lực lượng vũ trang cùng đông đảo quần chúng nhất tề xông lên tiến vào các phân chi khu, công sở, đồn bót kêu gọi binh lính đầu hàng.

Đêm 30/4/1975, từ hướng Tây Bắc thị xã Bến Tre, bộ đội đặc công ta tập kích sân bay Tân Thành. 21 giờ 30/4/1975, Chỉ huy quân địch tại sân bay Tân Thành đã đầu hàng cách mạng.

8 giờ ngày 1/5/1975, lực lượng vũ trang ta ở các hướng tiến vào chiếm Dinh Tỉnh trưởng, tòa hành chính tỉnh Kiến Hòa, tiếp quản khu hành chính và các cơ quan quân sự của địch. Trưa 1/5/1975, thị xã Bến Tre được giải phóng, chiều tối ngày 1/5/1975, toàn tỉnh được hoàn toàn giải phóng.

Tại thị xã Châu Đốc, sau khi có tin Sài Gòn đã được giải phóng, binh lính đối phương ở thị xã Châu Đốc tan rã. Tỉnh trưởng bỏ chạy. Cán bộ và cơ sở của cách mạng chiếm Ty Thông tin, dùng loa phóng thanh kêu gọi binh lính giữ nguyên vị trí, giữ kho tàng, tài sản giao cho cách mạng. Đại diện phía cách mạng dùng loa kêu gọi dân vệ đứng về phía cách mạng, giữ trật tự, an ninh ở từng khu phố.

7 giờ sáng ngày 1/5/1975, hai tiểu đoàn của tỉnh và một bộ phận của Trung đoàn 101 tiến vào thị xã Châu Đốc, tước khí giới những đơn vị còn lại của đối phương. Thị xã Châu Đốc được giải phóng vào lúc 8 giờ 30 ngày 1/5/1975.

Tại Cà Mau, sau các đòn tiến công của lực lượng vũ trang cách mạng diệt phân chi khu Hòa Thành, mở cửa phía tây thị xã, bao vây phân chi khu Lộ Tẻ, Tân Thành, đồn Ao Kho, tiến công vào thị xã, đến trưa ngày 30/4/1975, vành đai bảo vệ của đối phương hoàn toàn tê liệt.

Đêm 30/4/1975, Tỉnh trưởng địch dùng trực thăng chạy trốn. 6 giờ sáng ngày 1/5/1975, các mũi tiến công của lực lượng vũ trang cách mạng tiến vào, phối hợp cùng hàng chục ngàn quần chúng nổi dậy, làm chủ hoàn toàn thị xã. Tỉnh Cà Mau được giải phóng vào sáng ngày 1/5/1975.

Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã giành thắng lợi to lớn, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc.

Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã thực hiện xuất sắc Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước ngày đi xa: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào nam bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Đánh giá về Đại thắng mùa Xuân 1975, báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV (12/1976) khẳng định: "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc".


Nguồn

Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm