
Thị trường vàng trải qua những gì?
PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế đánh giá, từ năm 2022 trở lại đây, thị trường vàng trong nước bộc lộ sự hạn chế, giá vàng diễn biến bất thường, thậm chí đạt đỉnh 92,4 triệu đồng vào ngày 10.5.2024.
Theo PGS.TS Long, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng chủ yếu là nguyên nhân trong nước. Một là, do mất cân đối cung - cầu, khi sức cầu tăng, nguồn cung hạn chế đã đẩy giá vàng lên cao. Trong hơn 10 năm, các doanh nghiệp kinh doanh vàng không được nhập khẩu vàng, còn NHNN độc quyền nhập khẩu vàng thô và chỉ có 1 thương hiệu vàng miếng SJC. Ngoài ra, người dân Việt Nam có thói quen mua vàng tích trữ, nhất là khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Hai là, các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, bất động sản đang trở nên bất định, kém hấp dẫn, lãi suất tiết kiệm cũng liên tục giảm sâu. Lúc này, các nhóm đầu cơ tìm cách đẩy giá vàng và tâm lý đám đông rất dễ bị thu hút bởi "sóng".
Ba là, thị trường vàng Việt Nam thiếu nơi giao dịch tập trung, thay vào đó, rất nhiều cửa hàng và nhà kinh doanh vàng quy mô nhỏ hoạt động. Sự phân mảnh này tạo ra sự không minh bạch về giá và tạo điều kiện cho khả năng thao túng giá, tạo mảnh đất đầu cơ.
Bốn là, về cơ chế quản lý kinh doanh vàng, hiện chỉ quan tâm và tập trung chủ yếu vào vàng vật chất (vàng miếng và vàng trang sức). Chưa đa dạng hóa sản phẩm vàng (chứng chỉ vàng, vàng tài khoản/kỳ hạn). Do vậy nhu cầu vàng vật chất này gây áp lực lên giá vàng trong nước.
Trước thực trạng trên, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Công điện, chỉ thị và hàng loạt các văn bản liên quan nhằm ổn định thị trường vàng. Đáng chú ý, từ ngày 3.6.2024, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai phương án bình ổn thị trường vàng thông qua 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và Công ty SJC để bán ra thị trường, theo mức giá NHNN quy định.
Với phương thức đó - biện pháp can thiệp quyết liệt của NHNN đã mang lại hiệu quả, thu hẹp được chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế.
Nói về giải pháp này, các chuyên gia nhận định đây là giải pháp tốt nhưng chỉ là tình thế cấp bách trong ngắn hạn. "Trên thị trường vàng hiện tồn tại 2 loại giá: Giá vàng ở “chợ đen” cao hơn giá của các đơn vị bình ổn bán đến khoảng 3-4 triệu đồng/lượng. Giải pháp bình ổn hiện nay chưa giải quyết thỏa đáng nhu cầu vàng của người dân về số lượng" - ông Long nói.

Can thiệp hành chính quá lớn, cần trả tính thị trường cho vàng
Vừa qua, tại TPHCM, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM ra thông báo sẽ thu thập thông tin người mua bán vàng miếng và chuyển cho công an nhằm phát hiện nghi vấn đầu cơ. Giải pháp này được đề ra với mục đích tốt nhưng lại nhận rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
Trao đổi với Lao động, TS Châu Đình Linh - Giảng viên Đại học Ngân hàng TPHCM đánh giá, trên thực tế, thói quen mua vàng từ trước đến nay của người dân chỉ là giao dịch tại các điểm bán vàng là những tiệm vàng khác nhau. Từ đó, mọi giao dịch trên thị trường không có sự kiểm soát, xuất hiện một số hoạt động đầu cơ trên thị trường này.
Việc giao dịch minh bạch hơn, dòng tiền được kiểm soát hơn (không dùng tiền mặt) nó sẽ giúp cho việc kiểm soát câu chuyện đầu cơ chốt lời.
"Thông qua sự việc lần này, có thể thấy mục tiêu của cơ quan quản lý là nhằm giảm bớt sự ưa thích về vàng trong dân. Mình đang điều chỉnh thị trường vàng, giống như 1 giai đoạn quá độ lên giai đoạn để mọi thứ giao dịch trở nên minh bạch hơn. Chính vì vậy, cơ quan quản lý đang đưa ra từng biện pháp một để điều chỉnh thị trường vàng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đang can thiệp vào thị trường với các biện pháp mang tính chất hành chính, nhỏ giọt khiến dư luận hình thành những làn sóng không tốt.
Tôi cho rằng, Chính phủ và NHNN đủ tiềm lực và trí tuệ để biết làm gì sắp tới, nhưng chúng ta vẫn cần truyền tải thông điệp đến cho người dân một cách rõ ràng về những hành động sắp tới" - TS Linh nói.
Các chuyên gia đồng tình với việc, cần khẩn trương sửa Nghị định 24. Nghị định sửa đổi lần này phải đề cập toàn diện hơn các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan tới vàng chứ không đơn thuần chỉ quản lý vàng miếng và vàng trang sức.
Đặc biệt, trả lại sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho các doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại không đóng vai trò đầu mối kinh doanh vàng miếng, mà chỉ nên triển khai các sản phẩm phái sinh (với điều kiện đủ kinh nghiệm, trình độ chuyên môn), còn nếu muốn kinh doanh vàng miếng nên thành lập công ty vàng độc lập.
Ông Ngô Trí Long cho rằng: "Chống vàng hóa không thể bằng giải pháp hành chính mà phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh,...) trên một trung tâm giao dịch tập trung.
Do vậy, cần sớm cho phép Sở Giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua Hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng. Điều này sẽ không phải tốn kém chi phí để nhập vàng vật chất về bán cho dân".
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/chong-vang-hoa-thi-truong-khong-the-bang-giai-phap-hanh-chinh-1376387.ldo
Bình luận (0)