Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bolero và chuyện làng tôi

(VHQN) - Bỏ qua những tranh luận về “sang hèn, sến súa” của dòng nhạc bolero, một minh chứng không chối cãi là sự trường tồn của nó - như một di sản bất biến trong đời sống dân gian.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam04/05/2025

fb012721951d26437f0c.jpg
Bạn bè ghé về làng ở thượng nguồn Thu Bồn để cùng ca bolero. Ảnh: T.V

Câu hát đợi mặt trời

Quê nghèo xa lắc nên không có những cái loa phóng thanh phát từ trụ điện lúc trời còn chưa sáng, thay vào đó, quán cà phê ông Bốn gần nhà tôi bật nhạc bolero lúc gà gáy canh ba. Ông vừa hát nhại theo lời ca sĩ nào đó vừa đun nồi nước sôi pha chè xanh. Ba tôi cũng thức dậy như một thói quen tuổi tác. Ông và bạn ông cùng kéo ra cái quán nhỏ, ngồi tréo chân vừa nghe nhạc vừa “tám” chuyện trên trời dưới đất.

Có lần tôi theo ba ra quán. Lạ là mấy người lớn đó chẳng nói với nhau câu nào. Tôi đoán sự im lặng cùng bóng đêm đó chỉ để nuốt thứ âm nhạc chậm rãi, buồn, sâu lắng hơn cả câu chuyện kể, thả từng nốt đi vào lòng người.

Ông Bốn không chào cũng chẳng hỏi, chẳng nói nhau câu nào đầu ngày mới. Ông mang cà phê cho từng người, ly nước chè xanh đặt trước mặt khách rồi lẩm bẩm theo câu hát trên chiếc máy nghe nhạc cũ.

Nhóm bạn của ba tôi nghe nhạc từ lúc mặt trời chưa ló dạng, sau đó họ về nhà cơm nước và ra đồng thì trời hừng sáng. Họ nghe nhạc đó bốn mùa trong năm. Những sáng mưa phùn, gió bấc, mặc cho mẹ tôi nhăn nhó ba vẫn cứ phải đi.

Cái quán cóc đầu đường hơn cả chốn hẹn hò, sau này tôi nghĩ đó là một “nơi chốn” đúng nghĩa của ba tôi và bạn bè thế hệ ông. Nơi mà họ mượn âm nhạc để nghe lấy phận mình, nghe về đời mình và những thăng trầm của xứ sở này. Chỉ có âm nhạc, đặc biệt là bolero, thứ đã vỗ về những người dân nghèo quê tôi vậy đó.

Ba tôi bảo: “Nghe nhạc có khi chỉ vì một câu thôi nhưng phải nghe hết cả bài”.

Bởi, bolero là những câu chuyện được kể bằng âm nhạc. Những câu chuyện vui tươi có, bi ai có, hân hoan vui buồn có, chuyện quê hương, phận người đều có đủ. Dễ nhớ và đi vào người nghe một cách êm ái. Nó cũng đọng mãi qua từng thế hệ.

Tôi theo ba tôi nghe nhạc và bolero nhập vào hồn tôi như vậy.

Tiếng hát giữa rừng già

Tôi thuộc hàng trăm bài hát của ba tôi và thế hệ ông từ thuở thiếu thời. Thứ âm nhạc chậm buồn, nhịp 4/4, dễ nhớ cứ thế đi vào tôi theo cách nào không rõ. Nhưng để nghiền ngẫm nó và thực nghiệm thứ âm nhạc này, theo tôi, thì phải nghe giữa rừng sâu. Những đêm dưới ánh trăng mờ cao vút, giữa cái hoang vu lạnh lẽo, câu hát như trong hơn, xanh hơn và vờn lên cao ngất, lịm cả tâm can.

Mùa hè lớp 11, tôi cùng mấy chú trong xóm đi tìm trầm giữa rừng Ba Khe. Những khổ ải của người tìm trầm không thể kể hết. Thứ đọng lại dai dẳng cho đến ngày nay với tôi là những trận sốt rét rừng và những mũi thuốc “ký ninh” tiêm vào mông đến teo các cơ. Và thứ vỗ về tôi duy nhất lúc ấy chính là âm nhạc, chính xác là bolero. Nếu không có các chú tôi, các cậu tôi hát cho tôi những bài hát trong đêm thâu quạnh hiu đó, có lẽ tôi không sống sót đến bây giờ.

Bên bếp lửa sưởi ấm sau cơn mưa rừng lạnh căm, nồi nước lá ngậy mùi thuốc bắc, cậu tôi vừa nhóm lửa vừa hát. “Mẹ biết bây giờ khi con ngồi hố nhỏ, gió hẹn mưa thề, một khi con về quê ngoại xưa để mẹ nhắn lời thăm…”.

Bolero có cả ngàn bài, mỗi bài một câu chuyện, nhưng lạ là câu chuyện nào tôi cũng thấy mình “dính dáng” trong đó, nên đâm ra đa đoan. Bài nào cũng như nhạc sĩ ấy viết cho mình, cho chuyện của mình, và tôi bắt đầu tập hát.

Bolero… nhịp cầu tri âm

Làng tôi dưới chân núi Cà Tang. Bên phải là sông Thu Bồn xanh biếc, cả đôi bờ đầy hoa cỏ phù sa. Quê tôi nhiều người viết báo, làm thơ nên bạn văn cứ hay dạo chơi qua xứ này. Tôi như nhịp cầu nối những người tri âm. Và bolero là thứ níu chân những người mang hồn viễn mộng.

Mẹ tôi đãi khách bằng những con cá dưới dòng Thu Bồn theo từng mùa nước, nhưng tôi và bạn tôi đãi khách bằng thứ nhạc quen thuộc đó, đãi nhau quanh năm. Cũng câu hát đó, chúng tôi hát lên mãi, có khi ban trưa, có lúc chập choạng và nhiều lần sương khuya ướt áo. Nhưng lạ thay lần nào cũng thấy nó tươi mới như lần đầu. Khách lại hát theo như chưa từng được hát, rồi tình thâm quyện chặt.

Như đã nói, âm nhạc chỉ là chiếc cầu, qua câu ca, qua cử chỉ, qua cách nghe nhìn người ta có thể gần nhau hơn. Và qua bài hát người ta có thể nói với nhau nhiều điều mà ngôn ngữ đôi khi bất lực. Bolero làng tôi là vậy, không hay như ca sĩ chuyên nghiệp nhưng bạn tôi hát được nhiều người thương mến. Có lẽ phía sau câu hát là chữ tình.

Bạn tôi miền biển, làng chài xa lắc quanh năm con sóng ràn rạt thổi. Những đàn ông vươn khơi lưng trần rám nắng, nhưng lạ thay họ giống những đàn ông đi rừng quê tôi như đúc. Những người đàn ông chân chất, mộc mạc và hiền lành như câu hát họ ngân lên.

Có điều tôi nghĩ hát giữa sóng nước trùng khơi, tiếng sóng át sự êm ái của bolero nên không hay như giữa rừng già. Đó là tôi nghĩ vậy! Nhưng có người bảo, khi đã nhấp câu hát trên đầu môi là hát cho mình, nghe bằng con tim tha thiết, khi đó hay dở tự mình cảm nhận lấy.

Hãy giữ trên môi một tiếng hát dẫu vui buồn! Hãy hát một khúc ca tự ru mình để cùng bước qua trắc trở. Ai đó từng nói rằng: “Thứ đáng học sau con chữ là âm nhạc”. Nếu không học được nhạc, soạn được nhạc, thì không ai cấm bạn cất lời, bởi câu hát ngân lên mọi muộn phiền để lại.

Bolero dễ dàng làm điều đó!

Nguồn: https://baoquangnam.vn/bolero-va-chuyen-lang-toi-3154060.html


Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chuyên mục

Tạp chí danh tiếng tiết lộ những điểm đến đẹp nhất Việt Nam
Rừng Tà Kóu tôi đi
Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm