Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chiếc khăn miền ký ức

Cuộc gặp mặt các cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh của Đoàn đặc công Trường Sơn diễn ra trang trọng tại thành phố mang tên Bác.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên04/05/2025

Ông Hùng không khỏi xúc động khi gặp lại những người bạn chiến đấu. 50 năm từ mùa Xuân 1975, nhiều đồng đội của ông đã về với tiên tổ, số khác tuổi cao không đủ sức đi dự. Một số người ban tổ chức phải dìu lên bậc thềm, hoặc hỗ trợ ngồi xe lăn vào hội trường.

Ông bất ngờ khi đại diện Ban liên lạc truyền thống giới thiệu dự buổi gặp mặt còn có các chiến sĩ biệt động được phân công dẫn đường và tham gia chiến đấu cùng lữ đoàn trong trận đánh cuối cùng tại cửa ngõ Sài Gòn. Chăm chú lắng nghe xong danh sách, ông thở dài thất vọng. Người bao năm nay ông tìm kiếm đã không có mặt…

Ngày ấy bộ đội đặc công thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm và giữ các cây cầu cùng những căn cứ án ngữ cửa ngõ Sài Gòn. Tiến hành mở và bảo vệ cửa mở ở phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất. Tiến đánh và chiếm giữ nhiều mục tiêu quan trọng của địch…

Một trong những trận đánh khốc liệt trước ngày toàn thắng là tiến công Căn cứ ra đa Phú Lâm, chọc thủng “mắt thần” của quân đội Sài Gòn, bảo vệ mũi tiến công của Đoàn 232 vào thành phố. Phá hủy đài ra đa nhằm cắt đứt liên lạc, làm tê liệt hệ thống chỉ huy tác chiến của địch được Bộ Tư lệnh Chiến dịch giao đặc công phối hợp với biệt động thành thực hiện.

Mục tiêu này kẻ địch bố trí hỏa lực, bộ binh dày đặc và canh gác cẩn mật. Mũi tấn công đơn vị ông Hùng đảm nhiệm được tăng cường một nữ biệt động dẫn đường. Vừa nghe giới thiệu bí danh X9 của cô, cánh lính trẻ đã liến láu:

- Trận này nhất định ta giải phóng Sài Gòn, em không cần mang bí danh nữa đâu.

Cô gái còn rất trẻ, chỉ độ hai mươi tuổi, mặc bộ quần áo bà ba, chiếc khăn rằn Nam Bộ vắt hờ trên vai. Khẩu súng Cạc bin (Carbine) và mấy băng đạn đeo ngang người, nom cô khá rắn rỏi.

- Dạ! Em tên Hiền.

Ông Hùng ra hiệu các chiến sĩ im lặng, ý nhị:

- Em người tỉnh nào?

- Em người Sài Gòn, ba má nhà kế bên ngã tư Bảy Hiền.

Trinh sát thực địa, ban chỉ huy quyết định phương án khoét hàng rào đột nhập, lấy đèn tín hiệu trên cột thu phát sóng làm chuẩn để tiến công phá hủy các hệ thống thiết bị, máy móc. Đồng chí chính trị viên và Hiền ở bên ngoài sẵn sàng bộc phá để bên trong nổ súng sẽ cho nổ để mở đường rút ra.

Trước khi bước vào trận chiến này, 20 cán bộ, chiến sĩ đảm nhận vai trò tiên phong được đơn vị làm lễ truy điệu sống. Đêm 17 rạng sáng 18/4/1975. Tiếp cận khu trung tâm, quân ta dùng B40, B41 cùng AK, thủ pháo đồng loạt bắn hết các cơ số đạn vào mục tiêu.

Lửa bùng lên, kho đạn địch nổ dữ dội. Ở một số hướng khác, do địch chống trả quyết liệt, các chiến sĩ chưa vào sâu bên trong nhưng cũng phá hủy nhiều thiết bị, máy phát sóng của địch làm tê liệt hoạt động của chúng.

Thực hiện phương án tác chiến linh hoạt, lữ đoàn tổ chức một lực lượng bao vây, tiêu hao sinh lực địch, còn lại luồn sâu tiêu diệt các căn cứ ven đường quốc lộ. Tập kết tại vị trí chờ xuất kích, nghĩ Hiền không thành thục kỹ chiến thuật đặc công, đơn vị phân công trực yểm trợ vòng ngoài, cô nhất quyết không chịu. Sự mưu trí, dũng cảm của cô khiến tất cả nể phục.

Bên căn cứ vừa giải phóng, cô cởi chiếc khăn rằn, vuốt lọn tóc bết trên trán:

- Hồi hôm em đi, má quàng cho em chiếc khăn này, nhắc bảo trọng kẻo gió máy. Giờ chắc bả lo cho em lắm.

- Đại quân ta đã áp sát thành phố - Ông Hùng nhìn Hiền vui vẻ: - Ngày em về với má sẽ sớm thôi.

Các chiến sĩ hỏi thăm về gia đình, Hiền lặng người, mắt dõi xa xăm:

- Ba em làm ký giả, hoạt động cho đằng mình. Sau Tết Mậu Thân ổng bị lộ, cách mạng rút lên cứ. Ba em ở an ninh miền, thảng hoặc ổng mới bí mật vào thành.

Biết Hiền chưa lập gia đình, mấy chiến sĩ nháy mắt đùa:

- Hiền “chốt” một anh, ngày giải phóng đưa chàng rể về ra mắt ba má đi em…!

Ngày 25-4, lữ đoàn trưởng phổ biến mật lệnh tiến công của Bộ Tư lệnh Chiến dịch và ra lệnh tiến công lần 2 vào Căn cứ ra đa Phú Lâm, chịu trách nhiệm mở cửa và giữ cửa mở đón đại quân ta vào giải phóng Sài Gòn. Xác định đây là trận cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tất cả cán bộ, chiến sĩ vào trận với khí thế “một ngày bằng ba mươi năm”.

Lực lượng Đặc công mặc quân phục, không cần ngụy trang. Đạn mỗi người chuẩn bị đủ hai cơ số. Lá cờ giải phóng mang theo lắp sẵn vào cán.

Tối 28/4/1975, đơn vị ông Hùng đã áp sát mục tiêu, đang cắt hàng rào dây thép gai thì bị địch phát hiện, nã súng như mưa làm 7 chiến sĩ hy sinh. Một đồng chí bật dậy xả súng AK yểm trợ đồng đội đặt bộc phá mở cửa.

Quả bộc phá tạo sức công phá mạnh, phá bung cánh cửa sắt và một phần bức tường hai bên. Tuy nhiên, hệ thống phòng ngự của địch quá kiên cố, quân ta không thể cường tập, buộc phải đóng chốt tại cửa mở, gọi lực lượng chi viện nã pháo vào bên trong và sử dụng hỏa lực nhắm thẳng mục tiêu khu trung tâm đài ra đa nhả đạn.

Suốt một ngày đêm liên tục tiến công, nhiều chiến sĩ hy sinh và bị thương, nhưng ta vẫn chưa thể chiếm được căn cứ. Trong một lần xuất kích, ông Hùng bị viên đạn xuyên qua vai. Máu ra nhiều, bông băng không đủ, Hiền tháo chiếc khăn rằn buộc cho ông để tiếp tục chiến đấu.

9 giờ sáng 30/4/1975, phân đội gồm 20 chiến sĩ đánh thẳng vào cổng chính, tiêu diệt ổ phòng ngự tạo thời cơ cho đồng đội xông tới. Lúc lá cờ giải phóng tung bay trên căn cứ, ông Hùng cũng kiệt sức và tỉnh lại tại trạm quân y tiền phương.

Những ngày lành vết thương chuẩn bị ra Bắc, giữa thành phố Sài Gòn giải phóng, ông cố gắng dò hỏi nhưng không ai biết phiên hiệu của đơn vị biệt động. Ông cũng đã tới khu vực ngã tư Bảy Hiền, nhưng khi ông nói tên cô mọi người đều lắc đầu.

Cuối buổi gặp mặt, ông Hùng bước đến bàn đại biểu hỏi về cô gái tên Hiền, bí danh X9. Nghe ông Hùng kể mình chiến đấu tại căn cứ Phú Lâm, người cựu chiến sĩ biệt động vội siết chặt tay ông:

- Lần đến thăm lữ đoàn đặc công, thấy chiếc khăn rằn ghi tên mình được một chiến sĩ trao tặng lưu giữ phòng truyền thống, cô Hiền vui lắm. Lẽ ra hôm nay cô ấy cũng tới dự, nhưng đột nhiên chiều qua ngã bệnh. Anh là…

- Tôi là người cô ấy dùng chiếc khăn băng bó vết thương…!

                                                     *  

Cô Hiền, nay đã là bà lão. Bà đang được nhân viên y tế cùng con cháu chăm sóc tại nhà. Người đồng đội cũ trong đội biệt động giới thiệu ông Hùng vô thăm, gương mặt bà ánh lên niềm vui. Bà cầm tay ông, rơm rớm nước mắt:

- Trận đánh nào cũng có người ngã xuống, chiến công nào cũng có xương máu đồng đội. Anh còn sống cũng chỉ là may mắn…!

Ông Hùng nhỏ nhẹ:

- Đồng đội của chúng ta, mỗi lần nhận nhiệm vụ ai cũng mang niềm tin tất thắng, không ngại vất vả hy sinh, vào trận với tinh thần quyết tử.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, dư âm đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn hào hùng ngân vọng. Trong tâm trí ông Hùng, chiếc khăn rằn trên vai người nữ biệt động hư ảo bay trong miền ký ức.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202505/chiec-khan-mien-ky-uc-a8b0f9a/


Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm