Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hỏa dược khố và Quan tượng đài - di sản cần được thức tỉnh

Nhiều di tích có giá trị độc đáo, nổi tiếng trong Kinh thành Huế bị bỏ hoang nhiều năm, chưa được khai thác du lịch, gây lãng phí.

Báo Lao ĐộngBáo Lao Động04/05/2025


Hỏa dược khố và Quan tượng đài - di sản cần được thức tỉnh

Quan tượng đài - di tích có giá trị độc đáo, nổi tiếng trong Kinh thành Huế bị bỏ hoang nhiều năm, chưa được khai thác du lịch, gây lãng phí. Ảnh: Nguyễn Luân

Hai biểu tượng độc đáo của triều Nguyễn

Nằm ở phía Tây Nam Kinh thành Huế, tại giao lộ giữa đường Ông Ích Khiêm và Tôn Thất Thiệp, hai công trình lịch sử Hỏa dược khố và Quan tượng đài là biểu tượng độc đáo của triều Nguyễn, minh chứng cho sự phát triển quân sự và khoa học thời bấy giờ. Hỏa dược khố, với lớp gạch vồ dày gần 80cm, từng là nơi lưu trữ đạn dược phục vụ hệ thống súng thần công phòng thủ Kinh thành.

Triều Nguyễn đã xây dựng 24 pháo đài quanh Thượng Thành, mỗi pháo đài đều có Hỏa dược khố để đảm bảo khả năng chiến đấu. Công trình này không chỉ thể hiện trình độ quân sự mà còn phản ánh chiến lược phòng thủ bài bản của triều đại.

Trong dự án di dời dân cư giai đoạn 2019-2021, các Hỏa dược khố tại pháo đài Tây Thành Đài và Nam Xương đã được phát lộ, với vẻ đẹp nguyên vẹn, khiến nhiều người kinh ngạc trước sự tinh xảo và bền vững của kiến trúc triều Nguyễn.

Quan tượng đài là minh chứng cho sự giao thoa giữa khoa học phương Tây và tư duy truyền thống Việt Nam. Xây dựng năm 1827 dưới triều vua Minh Mạng, công trình này là đài quan sát thiên văn, nơi các quan Khâm Thiên Giám sử dụng kính thiên văn, la bàn và đồng hồ mặt trời để dự báo thời tiết và xác định tọa độ địa lý. Trong lịch sử phong kiến, chỉ có hai đài thiên văn được xây dựng: Khâm Thiên Giám ở Thăng Long (nay đã mất) và Quan tượng đài ở Huế, được phục dựng nguyên vẹn vào năm 2013. Đến cuối năm 2020, trạm đo mưa tự động được lắp đặt tại đây, kết nối với ứng dụng Hue-S, kết hợp giữa di sản lịch sử và công nghệ hiện đại. Năm 1837, vua Minh Mạng chỉ đạo áp dụng phương pháp phương Tây để xác định tọa độ chính xác của Kinh đô Huế (16°22'30" vĩ bắc; 105° kinh đông), phản ánh tầm nhìn vượt thời đại của triều Nguyễn.

Để di sản không bị lãng phí

Dù mang giá trị lịch sử và văn hóa to lớn, Hỏa dược khố và Quan tượng đài hiện nay đang trong tình trạng hoang tàn. Cả hai công trình đều ngập trong cỏ dại, bên trong chất đầy đồ đạc hỏng, rác thải tâm linh. Ngói của Hỏa dược khố bị đập vụn, tường thành xuống cấp, trong khi Quan tượng đài bị khóa cửa, khiến du khách muốn tham quan cũng phải chùn bước.

Đây là sự lãng phí di sản, không chỉ bỏ rơi giá trị kiến trúc và lịch sử, mà còn đánh mất tiềm năng du lịch và giáo dục. Hỏa dược khố và Quan tượng đài, với vị trí đắc địa và câu chuyện độc đáo, hoàn toàn có thể là điểm đến bổ sung cho hành trình khám phá Cố đô, mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách và giúp họ hiểu thêm về hệ thống phòng thủ quân sự và khoa học thiên văn của triều Nguyễn.

Để khai thác Hỏa dược khố và Quan tượng đài một cách hợp lý và bài bản, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cần có giải pháp sớm. Trước hết, cần dọn dẹp rác thải, gia cố lại phần ngói và tường của Hỏa dược khố, đồng thời mở cửa Quan tượng đài để du khách có thể tham quan.

Bên cạnh đó, Trung tâm cần đẩy mạnh quảng bá để thu hút du khách. Một chiến dịch truyền thông bài bản, kết hợp với các tour du lịch chuyên sâu về Kinh thành Huế, có thể đưa hai công trình này vào bản đồ tham quan chính thức. Các câu chuyện về phòng thủ kinh thành, về vua Minh Mạng và về đài thiên văn cổ duy nhất của Việt Nam còn sót lại, cần được kể sinh động qua bảng hiệu, thuyết minh viên, hoặc ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR), giúp du khách hình dung rõ hơn về quá khứ độc đáo của hai công trình này.

TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế - từng nhấn mạnh ý nghĩa của Quan tượng đài, cơ quan khí tượng cổ duy nhất được phục hồi và việc lắp đặt trạm đo mưa tại đây là sự tiếp nối truyền thống. Sự tiếp nối này cần được duy trì hiệu quả hơn nữa bằng các hợp tác với các trường học để tổ chức hoạt động giáo dục, giúp khơi dậy ý thức bảo tồn di sản trong thế hệ trẻ và biến hai công trình thành cầu nối giữa lịch sử và hiện tại.


Nguồn:https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/hoa-duoc-kho-va-quan-tuong-dai-di-san-can-duoc-thuc-tinh-1498377.ldo


Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tạp chí danh tiếng tiết lộ những điểm đến đẹp nhất Việt Nam
Rừng Tà Kóu tôi đi
Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm