Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Việt Nam và hành trình viết tên mình lên bản đồ vũ trụ

(Dân trí) - Sau hơn một thập kỷ chạm tới quỹ đạo, Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ vũ trụ, khẳng định vị thế mới bằng chính khát vọng và trí tuệ của những kỹ sư mang màu cờ sắc áo dân tộc.

Báo Dân tríBáo Dân trí30/04/2025

Viên gạch tạo nền móng cho hành trình làm chủ không gian của Việt Nam

Tròn một thập kỷ kể từ khi Việt Nam phóng thành công những vệ tinh đầu tiên do chính đội ngũ kỹ sư trong nước thiết kế, chế tạo hoặc sở hữu, ngành hàng không vũ trụ Việt Nam đã ghi nhận những bước phát triển vững chắc, từng bước làm chủ công nghệ cao và mở rộng ảnh hưởng trên bản đồ khoa học quốc tế.

VNREDSat-1, PicoDragon, MicroDragon và NanoDragon lần lượt trở thành các vệ tinh tiêu biểu đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình vươn ra không gian của Việt Nam.

Trong đó, VNREDSat-1 - vệ tinh viễn thám đầu tiên do Việt Nam sở hữu, hợp tác phát triển với Pháp - đã hoạt động bền bỉ hơn 10 năm, vượt xa tuổi thọ thiết kế, trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp và giám sát an ninh biển đảo.

Việt Nam và hành trình viết tên mình lên bản đồ vũ trụ - 1
Việt Nam và hành trình viết tên mình lên bản đồ vũ trụ - 2

Các vệ tinh VNREDSat-1 và PicoDragon (Ảnh: VNSC).

Các hình ảnh có độ phân giải 2,5 mét từ vệ tinh này đã giúp giám sát để ngăn chặn chặt phá rừng ở Tây Nguyên, đánh giá sản lượng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, kiểm soát xâm nhập mặn, xói lở ven biển hay ngập lụt do biến đổi khí hậu.

Dữ liệu từ VNREDSat-1 còn được sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng tại các điểm trọng yếu như Hoàng Sa, Trường Sa, phát hiện kịp thời hoạt động bất hợp pháp, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Không chỉ dừng lại ở việc sở hữu vệ tinh, Việt Nam đã bước sang giai đoạn chế tạo độc lập. PicoDragon - vệ tinh pico đầu tiên do người Việt chế tạo - được phóng lên vũ trụ vào năm 2013. Đến nay, chúng ta vẫn tự hào rằng đây là vệ tinh đầu tiên do Việt Nam tự chế tạo và hoạt động thành công trên vũ trụ.

Tự chủ công nghệ - Từ tham vọng đến hiện thực

Tiếp nối thành công đó, MicroDragon (2019) và NanoDragon (2021) chính thức đánh dấu việc Việt Nam từng bước làm chủ khâu thiết kế, tích hợp và chế tạo vệ tinh, mở ra khả năng phát triển hệ sinh thái vệ tinh nhỏ, phù hợp với điều kiện kinh tế và chiến lược phát triển công nghệ quốc gia.

MicroDragon, nặng 50 kg và hợp tác với Nhật Bản, là vệ tinh được thiết kế để chụp ảnh màu nước biển, phục vụ đánh giá chất lượng môi trường ven bờ, góp phần vào chiến lược khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên biển.

Trong khi đó, NanoDragon có kích thước bé hơn nhiều, nặng chỉ 4 kg, do đội ngũ kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) thiết kế và chế tạo hoàn toàn tại Việt Nam, được tích hợp bộ thu tín hiệu AIS - một công nghệ quan trọng trong giám sát hàng hải.

Dù chủ yếu mang tính thử nghiệm, hai vệ tinh này đã đào tạo một thế hệ kỹ sư trẻ, làm chủ năng lực thiết kế, mô phỏng, tích hợp và thử nghiệm, tạo tiền đề cho các dự án vệ tinh hiện đại hơn trong tương lai như LOTUSat-1 và LOTUSat-2.

Việt Nam và hành trình viết tên mình lên bản đồ vũ trụ - 3

PGS TS Phạm Anh Tuấn kiểm tra vệ tinh MicroDragon trước khi chuyển giao cho dịch vụ phóng (Ảnh: VNSC).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, TS Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc VNSC đánh giá rằng các vệ tinh do Việt Nam nghiên cứu, chế tạo đã mang lại tác động thực tiễn quan trọng và đặt nền móng cho sự phát triển công nghệ vũ trụ của Việt Nam.

"VNREDSat-1 mang lại tác động thực tiễn lớn trong quản lý tài nguyên, môi trường, nông nghiệp và chủ quyền biển đảo, trong khi MicroDragon và NanoDragon đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng năng lực công nghệ, chuẩn bị cho bước tiến tự chủ trong tương lai", TS Huy cho biết.

Trong đó, NanoDragon, phóng vào năm 2021, là cột mốc trong hành trình làm chủ công nghệ vũ trụ của Việt Nam bởi đây là vệ tinh đầu tiên được thiết kế, chế tạo và tích hợp hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Điều làm NanoDragon trở nên đặc biệt là quy trình phát triển độc lập, từ thiết kế hệ thống, chế tạo linh kiện đến tích hợp tại Việt Nam. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có hạ tầng thử nghiệm môi trường đầy đủ vào năm 2021, vệ tinh phải được mang sang Nhật Bản để thử nghiệm môi trường một lần duy nhất.

Việt Nam và hành trình viết tên mình lên bản đồ vũ trụ - 4

Kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo vệ tinh NanoDragon (Ảnh: VNSC).

Đây là thách thức lớn, bởi vệ tinh hoạt động trong môi trường không gian khắc nghiệt (bức xạ, nhiệt độ biến thiên lớn, không trọng lực) và không thể sửa chữa sau khi phóng. Do đó, thử nghiệm môi trường là cơ sở duy nhất để đảm bảo vệ tinh hoạt động tốt, nhưng việc chỉ thử nghiệm một lần làm tăng rủi ro.

"NanoDragon chứng minh năng lực nội sinh của Việt Nam, giảm phụ thuộc công nghệ nước ngoài, và mở đường cho các chùm vệ tinh viễn thám trong tương lai", TS Huy khẳng định.

Các dự án như LOTUSat-1 (vệ tinh radar quan sát Trái Đất) sắp được phóng sẽ đánh dấu bước tiến vượt bậc khi lần đầu tiên Việt Nam tiếp cận và từng bước làm chủ công nghệ radar - một lĩnh vực phức tạp và có giá trị chiến lược cao.

Nếu thành công, đây sẽ là vệ tinh đầu tiên tại Đông Nam Á sử dụng công nghệ radar hiện đại, giúp giám sát thời tiết, thiên tai, an ninh biển đảo bất kể điều kiện mây mù hay đêm tối - điều mà các vệ tinh quang học như VNREDSat-1 không thể làm được.

Hợp tác quốc tế: Cầu nối đưa Việt Nam hội nhập bản đồ công nghệ không gian

Bên cạnh việc chế tạo, vận hành vệ tinh, cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các chương trình hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ cho ngành hàng không vũ trụ Việt Nam.

Trong khuôn khổ Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, nhiều kỹ sư Việt Nam đã được đào tạo bài bản tại Đại học Tokyo, Đại học Keio, Đại học Hokkaido, Đại học Tohoku và Học viện công nghệ Kyushu và được tham gia trực tiếp vào quá trình chế tạo, vận hành vệ tinh tại các cơ sở nghiên cứu tiên tiến.

Không chỉ Nhật Bản, Pháp cũng là đối tác chiến lược của Việt Nam khi cùng hợp tác phát triển vệ tinh VNREDSat-1 và hỗ trợ nâng cao năng lực sử dụng dữ liệu viễn thám.

Với Mỹ, Việt Nam đã có những bước đầu trong tiếp cận công nghệ vệ tinh cỡ nhỏ và phát triển các chương trình đào tạo kỹ sư vũ trụ thông qua các hội thảo, diễn đàn quốc tế.

Nhờ những hợp tác này, đội ngũ kỹ sư Việt Nam không chỉ nắm vững kiến thức kỹ thuật mà còn học hỏi được cách quản lý dự án công nghệ cao, chuẩn hóa quy trình thử nghiệm và vận hành vệ tinh - những yếu tố sống còn để từng bước làm chủ công nghệ không gian.

Từ dải đất hình chữ S đến không gian: Vị thế mới trên bản đồ khoa học thế giới

Việt Nam và hành trình viết tên mình lên bản đồ vũ trụ - 5

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc là đặc khu chuyển giao công nghệ, ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh, giúp chế tạo, tích hợp, thử nghiệm và điều khiển vệ tinh. Cùng với đó là đào tạo, phổ biến các kiến thức về công nghệ vệ tinh (Ảnh: VNSC).

Hành trình phát triển hàng không vũ trụ của Việt Nam, tuy khởi đầu muộn hơn nhiều quốc gia, nhưng đang đi đúng hướng và có tốc độ phát triển ấn tượng.

Trong khi nhiều nước ASEAN vẫn chủ yếu nhập khẩu dữ liệu vệ tinh từ nước ngoài, Việt Nam đã tự phát triển các vệ tinh nhỏ, làm chủ phần lớn khâu kỹ thuật và từng bước hình thành mạng lưới vệ tinh quốc gia phục vụ phát triển bền vững.

Trên trường quốc tế, Việt Nam không chỉ được biết đến với năng lực tự chủ vệ tinh nhỏ mà còn về khả năng đào tạo nhân lực, nhất là các kỹ sư trẻ được rèn luyện qua thực tiễn, đóng vai trò quan trọng trong các dự án mới.

Dù còn nhiều thách thức, đặc biệt về hạ tầng thử nghiệm và công nghệ lõi, nhưng với chiến lược rõ ràng và sự đầu tư bền bỉ, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế một quốc gia làm chủ công nghệ vũ trụ trong khu vực.

Trong dịp đại lễ 30/4, khi cả nước hướng về những thành tựu của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, hành trình chinh phục không gian của ngành khoa học kỹ thuật Việt Nam - bắt đầu từ những vệ tinh nhỏ nhưng mang tầm vóc lớn - chính là minh chứng rõ ràng cho khát vọng vươn xa, cho tinh thần đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ, vì một Việt Nam độc lập, hiện đại, và hội nhập mạnh mẽ vào dòng chảy công nghệ toàn cầu.

Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/viet-nam-va-hanh-trinh-viet-ten-minh-len-ban-do-vu-tru-20250430001935431.htm


Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm