Hoa hồi là đặc sản có giá trị kinh tế cao của Lạng Sơn, chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Hoa hồi được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực dược liệu, hương liệu, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ... thị trường tiêu thụ rộng trong nước và quốc tế.
NÂNG CAO NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển cây hồi, trong đó tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển và duy trì ổn định diện tích hồi cho thu hoạch đến năm 2030 khoảng 35.000 ha và thực hiện các giải pháp chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với 24.000 ha. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng các cơ quan liên quan từng bước thiết lập nguồn giống ứng dụng công nghệ cao, như: Nhân giống hồi bằng phương pháp ghép, nuôi cấy mô…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Hữu Chiến cho biết: Địa phương khuyến khích cơ sở sản xuất giống cây trồng nâng cấp nghiên cứu, xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác, thâm canh cây hồi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hướng dẫn nông dân triển khai thực hiện theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai hợp tác quốc tế trong việc nâng cao trình độ canh tác, chế biến; đề xuất và triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học để cải tạo những rừng hồi già, năng suất thấp, đưa ra quy trình thâm canh cho năng suất, chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nhiều mô hình trồng hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hồi đang được triển khai tại các huyện: Chi Lăng, Bình Gia, Văn Quan với tổng diện tích 705 ha. Đáng chú ý, nhiều hộ nông dân đã chủ động áp dụng các quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất, như: Làm đất, chọn giống, bón phân hữu cơ, áp dụng chế độ tưới tiêu hợp lý, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm an toàn… Nhờ đó, năng suất tăng từ 15-20%, cây sinh trưởng tốt và ít bị sâu bệnh.
Ông Linh Văn Quyền, thôn Tây B, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan chia sẻ: “Gia đình tôi đang chăm sóc 5 ha cây hồi từ 3-30 năm tuổi. Được phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện hướng dẫn, hằng năm tôi đều phát dọn, cắt tỉa cành và bổ sung dinh dưỡng cho cây. Vườn hồi ít bị sâu bệnh, năng suất và chất lượng tăng lên, giúp ổn định thu nhập gia đình”.
MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU
Nhờ các chính sách, cơ chế hỗ trợ phát triển cây hồi của tỉnh, nhiều công ty trong và ngoài nước đã đến đặt hàng và thu mua hoa hồi với số lượng lớn. Thị trường hoa hồi ngày càng khởi sắc, khẳng định thương hiệu trong nước và quốc tế. Từ tình trạng được mùa mất giá với giá hồi khô chỉ vài chục nghìn đồng/kg, từ năm 2022 đến nay, giá hồi khô đã tăng lên 130.000- 150.000 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, trên địa bàn tỉnh đã thiết lập được hai chuỗi liên kết sản phẩm hồi và các sản phẩm từ hồi với quy mô hơn 1.000 ha tại huyện Chi Lăng và huyện Tràng Định. Đơn vị liên kết là Công ty TNHH Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex), Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu lâm sản Lạng Sơn (Aforex); Công ty Chế biến và xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn. Các công ty này thu mua hơn 3.000 tấn hồi tươi/ năm để chế biến và xuất khẩu. Việc hình thành chuỗi liên kết đã nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra, tăng tính cạnh tranh và hướng đến xây dựng thị trường tiêu thụ bền vững.
Nhờ áp dụng các giải pháp về thủ tục pháp lý, nâng cao năng suất, chất lượng mà sản phẩm hồi của tỉnh Lạng Sơn đã đáp ứng được những quy định khắt khe của các thị trường khó tính với hàng trăm quy định từ quy trình canh tác, thu hái đến chế biến, bảo quản. Nhờ đó, sản phẩm hồi không còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống Trung Quốc, mà vươn ra thế giới, giúp ổn định đầu ra, nâng cao giá thành sản phẩm. Từ năm 2020 đến nay, giá hồi tươi tăng, dao động từ 30.000- 50.000 đồng/kg, giá hồi khô đạt 100.000-150.000 đồng/kg; giá trị ước đạt 1.700 tỷ đồng/năm. Sản phẩm hồi của Lạng Sơn đã có mặt tại nhiều nước như: Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Đức…
Giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn Nguyễn Đình Đại cho biết: Sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Quả hồi và tinh dầu hồi Lạng Sơn” từ năm 2007 và được công nhận là tốp 10 đặc sản thiên nhiên tốt nhất của Việt Nam. Đáng chú ý, từ năm 2020 đến nay, hoa hồi Lạng Sơn là một trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được công nhận và bảo hộ tại Liên minh châuÂu (EU).
Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn xác định hồi là một trong những cây trồng lâm nghiệp chủ lực của tỉnh, giúp người dân nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo. Tỉnh đang từng bước nỗ lực nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững loại cây đặc sản này, góp phần khẳng định thương hiệu của hoa hồi Lạng Sơn trên thị trường quốc tế.
Nguồn: https://nhandan.vn/ve-mien-hoa-hoi-xu-lang-post876926.html
Bình luận (0)