Những năm qua, tỉnh Hà Giang quan tâm mời gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản nhằm nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng. Địa phương triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chế biến lâm sản, cụ thể như chấp thuận cho các doanh nghiệp thuê đất tại các khu công nghiệp và hỗ trợ tiền thuê đất; hỗ trợ cước vận chuyển... Ngoài ra, tỉnh quan tâm mở rộng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến lâm sản xuất khẩu. Tính đến nay, Hà Giang đang duy trì gần 5.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.
Cùng với sự quan tâm của tỉnh, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư với 200 cơ sở chế biến lâm sản, tập trung tại các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình. Các cơ sở chế biến lâm sản chủ yếu sản xuất ván ép, viên gỗ nén, gỗ xẻ, dăm gỗ, giấy, đồ mộc gia dụng. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lâm sản với công nghệ hiện đại, đồng bộ, công suất lớn, thu hút, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Nổi bật như Nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Vị Xuyên, được xây dựng trên diện tích hơn 10 ha tại Khu công nghiệp Bình Vàng, với thiết bị máy móc hiện đại, công suất chế biến hơn 30 nghìn m3 sản phẩm mỗi năm, sản phẩm chính là gỗ ván ép tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. “Chúng tôi lựa chọn Hà Giang để xây dựng nhà máy vì nơi đây có diện tích rừng trồng lớn, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Bên cạnh đó, khi triển khai dự án, chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ tiền thuê đất, hỗ trợ kinh phí vận chuyển trong những năm đầu tiên. Hiện mỗi năm nhà máy thu mua khoảng 20 nghìn m3 gỗ cho người dân; sản xuất khoảng 10 nghìn m3 sản phẩm để tiêu thụ trong nước và xuất sang Hàn Quốc, Australia, giá trị hơn 100 tỷ đồng”, ông Nguyễn Thanh Xuân, Giám đốc Nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Vị Xuyên cho biết.
Việc chú trọng thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào chế biến lâm sản đã tạo giá trị lớn từ rừng. Năm 2024, giá trị lâm nghiệp tỉnh Hà Giang đạt 1.666 tỷ đồng, trong đó các sản phẩm chế biến từ gỗ để xuất khẩu đạt hơn 474 tỷ đồng. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gỗ ván ép, gỗ bóc, viên gỗ nén và chủ yếu xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ và Trung Quốc, Hàn Quốc.
Ông Đào Duy Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cho biết: “Diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh Hà Giang được nâng cao cả về năng suất, chất lượng cho nên giá trị của lâm sản đem lại rất lớn. Người dân và doanh nghiệp hưởng lợi từ rừng đã nâng cao ý thức trong phát triển lâm nghiệp bền vững”.
Việc đẩy mạnh chế biến lâm sản còn mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Với gần 200 cơ sở chế biến lâm sản đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Người dân cũng tăng nguồn thu từ trồng rừng. Anh Hoàng Xuân Lục, thôn Trung Tâm, xã Bằng Lang có hơn 20 ha trồng rừng hỗ lớn với các loại cây: Gáo, keo, quế, mỡ, bồ đề. Rừng gỗ lớn của gia đình anh Lục sắp đến kỳ cho thu hoạch. Anh Hoàng Xuân Lục cho biết: “Với hơn 20 ha rừng trồng, tới đây khi thu hoạch đã cho gia đình nguồn thu hàng tỷ đồng. Việc trồng rừng gỗ lớn mất ít công chăm sóc, từ đó nâng cao thu nhập cho người trồng rừng sau khi đã trừ chi phí. Với thị trường ổn định, đầu ra luôn bảo đảm, sau khi thu hoạch, gia đình tôi tiếp tục mua giống cây lâm nghiệp về trồng. Chỉ có rừng mới đem lại nguồn thu lớn cho nông dân miền núi”.
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành chế biến lâm sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là hệ thống đường kết nối để vận chuyển lâm sản chưa được đầu tư đồng bộ; sự liên kết giữa người trồng rừng với các cơ sở chế biến chưa chặt chẽ; các sản phẩm xuất khẩu chưa đa dạng; chưa có quy hoạch phân vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến lâm sản quy mô lớn dẫn đến nhiều nhà máy thiếu nguyên liệu... Trong khi diện tích rừng trồng còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng trồng tập trung, khiến cho việc đầu tư hạ tầng gặp khó khăn…
Trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang cần tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến lâm sản để nâng cao giá trị kinh tế rừng. Các địa phương phát triển rừng trồng gắn với việc ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng. Cùng với đó đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có tay nghề cho ngành chế biến lâm sản cũng như quy hoạch vùng trồng rừng tập trung gắn với việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ và mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC...
Đại diện các doanh nghiệp chế biến gỗ chia sẻ: Tỉnh Hà Giang cần tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô lớn. Cần quy hoạch vùng nguyên liệu, làm đầu mối để doanh nghiệp ký kết với người dân trồng rừng nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu. Khi nguồn nguyên liệu ổn định thì các nhà đầu tư mới có quyết tâm mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm.
Nguồn: https://nhandan.vn/ha-giang-tao-gia-tri-lon-tu-rung-trong-post876938.html
Bình luận (0)