Triển lãm là một hoạt động rất ý nghĩa của các bạn Pháp nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Những tấm toan, áp phích và phác thảo không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mà còn là những lời kêu gọi hòa bình, phản đối chiến tranh phi nghĩa do quân đội Hoa Kỳ gây ra.
![]() |
Tới dự lễ khai mạc triển lãm có Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và Phu nhân, cùng Đại sứ - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Nguyễn Thị Vân Anh. (Ảnh: KHẢI HOÀN) |
Những năm tháng đen tối của chiến tranh tại Việt Nam là tiêu điểm trên những trang tin báo chí quốc tế. Nhiều nghệ sĩ trên thế giới, trong đó có ở Pháp, với tinh thần yêu chuộng hòa bình, tiến bộ luôn đấu tranh cho sự tự do, bình đẳng, bác ái đã đứng lên đồng hành cùng nhân dân Việt Nam suốt giai đoạn chiến tranh đầy gian khó.
Tại Pháp, một quốc gia châu Âu vốn chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử chung với Việt Nam, làn sóng nghệ thuật phản chiến đã trỗi dậy mạnh mẽ với tính tự trào sâu sắc.
![]() |
Triển lãm này trưng bày các bức tranh vẽ, bản vẽ và áp phích thể hiện tình đoàn kết với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. (Ảnh: MINH DUY) |
Ngay từ những năm đầu nổ ra cuộc chiến tranh tại khu vực Đông Dương, những nghệ sĩ danh tiếng như Picasso đã mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Nổi bật tại triển lãm là bức họa "Hòa bình muôn năm" như lời chúc mừng nồng nhiệt và ý nghĩa nhất của danh họa Pablo Picasso gửi tới Việt Nam sau khi Hiệp định Geneva được ký kết vào năm 1954. Bức họa đặc biệt này được thực hiện theo đề nghị của Ban Biên tập báo Nhân đạo để chào mừng việc ký kết Hiệp định Geneva, dự kiến được đăng trên trang nhất của số báo ra ngày 1/8/1954, nhưng rồi xuất hiện sớm hơn trên số Chủ nhật đặc biệt ngày 25/7/1954.
Bức họa "Hòa bình muôn năm", được lấy ý tưởng từ bức họa "Điệu múa Sardane hòa bình" mà ông đã vẽ vào ngày 20/9/1953, đã trở thành một trong những biểu tượng sống động của nghệ thuật phản chiến.
![]() |
"Hòa bình muôn năm" là bức họa và cũng là lời chúc mừng nồng nhiệt và ý nghĩa nhất của danh họa Pablo Picasso gửi tới Việt Nam sau khi Hiệp định Geneva được ký kết vào năm 1954. (Ảnh: KHẢI HOÀN) |
Khi công cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân Việt Nam chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ dần lên cao, làn sóng nghệ thuật phản đối chiến tranh phi nghĩa tại Pháp càng trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Một cuộc biểu dương văn hóa lớn chống lại chiến tranh phi nghĩa của quân đội Hoa Kỳ với tên gọi “Ngày của giới trí thức vì Việt Nam”, đã diễn ra vào ngày 23/3/1968 tại Khu triển lãm Versailles, quy tụ sự tham gia của hàng chục nghệ sĩ Pháp.
Những tên tuổi nổi bật phải kể tới như Picasso, Soulages, Jean Vilar, Joseph Kessel, Elsa Triolet, Delphine Seyrig, hay như các đạo diễn phim tài liệu Ivens và Loridan-Ivens.
![]() |
Các nghệ sĩ Pháp thể hiện lòng ngưỡng mộ đối với cuộc đấu tranh bền bỉ và anh dũng của nhân dân Việt Nam. (Ảnh: MINH DUY) |
Trước đó, một cuộc triển lãm tập thể khác với chủ đề “Căn phòng màu đỏ vì Việt Nam” do những nghệ sĩ trẻ trong nhóm Hội họa trẻ (Salon de la Jeune Peinture) khởi xướng, được đánh giá như một tuyên ngôn nghệ thuật đầy tự hào, đồng cảm và sẻ chia tới nhân dân Việt Nam trong thời kỳ gian khó.
Sợi dây gắn kết giữa nhóm Hội họa trẻ, với một số nghệ sĩ cánh tả và cá nhân không thuộc đảng phái chính trị nào, chính là sự ngưỡng mộ đối với cuộc đấu tranh kiên cường và bất khuất của nhân dân Việt Nam chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ, cũng như chủ nghĩa thực dân Pháp trước đó.
![]() |
Sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật để phản đối chiến tranh thu hút sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đến từ các khuynh hướng cánh tả khác nhau hoặc không thuộc tổ chức nào. (Ảnh: MINH DUY) |
Các nghệ sĩ đều có chung một quan điểm về việc mong muốn Việt Nam giành được thắng lợi, miền nam được hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải, đất nước thu về một mối.
Dù được chuẩn bị từ năm 1967, nhưng phải đến năm 1969, “Căn phòng màu đỏ vì Việt Nam” mới được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại tại thủ đô Paris, để lại một dấu ấn sâu sắc trong dòng lịch sử nghệ thuật đấu tranh vì công lý.
![]() |
Các nghệ sĩ Pháp thể hiện tinh thần đoàn kết và mong muốn hòa bình cho Việt Nam thông qua nghệ thuật của họ. (Ảnh: MINH DUY) |
Cùng với đó, vào năm 1969, một nhóm các nhà thiết kế đồ họa trẻ, ra đời sau phong trào tháng 5-6 năm 1968, được biết đến với cái tên Grapus, đã nổi lên cùng một loạt chín áp phích tuyên ngôn mạnh mẽ vì hòa bình ở Việt Nam.
Buổi triển lãm tại không gian triển lãm Oscar Niemeyer cho thấy, nghệ thuật Pháp đã gắn kết với Việt Nam bằng sự đam mê và lương tri của những con người cấp tiến. Sự kiện này không chỉ gợi mở về một giai đoạn phát triển của nghệ thuật hội họa trong quá khứ, mà còn là sự nhắc nhở về vai trò của “nghệ thuật vị nhân sinh”, cụ thể là đấu tranh cho công lý và hòa bình.
Nguồn: https://nhandan.vn/tieng-long-cua-nghe-si-phap-phan-doi-chien-tranh-o-viet-nam-post876583.html
Bình luận (0)