Kỷ niệm ngày tập kết ở Quy Nhơn là một dịp để nhớ 9 năm kháng chiến chống Pháp, và sự hy sinh to lớn của đồng bào vùng tự do Liên khu 5 khi phải chịu đánh đổi nền tự do giành được từ tháng 8.1945 để Tổ quốc có được một miền Bắc hoàn toàn giải phóng.
Liên khu 5 và vùng tự do liên khu 5
Vùng tự do là vùng do chính quyền cách mạng quản lý. Chính quyền cách mạng ở miền Trung ra đời từ Khởi nghĩa Ba Tơ (Quảng Ngãi). Trong hồi ký Từ núi rừng Ba Tơ, trung tướng Phạm Kiệt kể: “Đối với chúng tôi, đêm 11.3.1945 là một đêm sung sướng nhất đời. Bao nhiêu năm xót đau vì cảnh nhân dân bị nô lệ, bao nhiêu năm bị giam cầm tù tội chỉ mơ ước có một ngày quật khởi, đạp đầu kẻ thù xuống thì ngày ấy đã đến...”.
Trong tác phẩm Bình minh Ba Tơ, trung tướng Nguyễn Đôn cũng viết: “Cuộc khởi nghĩa thắng lợi. Chúng tôi hạ cờ ba sắc, kéo lá cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cột giữa sân đồn. Gió đêm thổi mạnh, lá cờ phần phật tung bay. Ngoài kia, trên các ngả đường đổ về phố huyện, dưới ánh đuốc bập bùng đồng bào vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu Việt Nam độc lập muôn năm! Tiếng trống, tiếng mõ, tiếng tù và vang động núi rừng…”.
Đội du kích Ba Tơ. Ảnh tư liệu |
Đội du kích Ba Tơ với 28 chiến sĩ ban đầu đã phát triển thành 2 đại đội bảo vệ chính quyền mới thành lập và làm nòng cốt phát triển lực lượng vũ trang hỗ trợ cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám và xây dựng đội quân đã khiến giặc Pháp thất điên bát đảo.
Sự hình thành Liên khu 5 gắn liền với quá trình phát triển lực lượng vũ trang và các chiến trận trên địa bàn. Trong tác phẩm Những nẻo đường kháng chiến, thiếu tướng Võ Bẩm kể, tháng 12.1945, phân khu Nam Trung bộ có 7 chi đội vệ quốc đoàn. Tháng 5.1946, Ủy ban Kháng chiến miền Nam phiên chế các chi đội vệ quốc đoàn thành 3 đại đoàn, các chi đội thành các trung đoàn. Sau 5 tháng hoạt động, các đại đoàn được giải thể, các trung đoàn được phiên chế về các quân khu. Toàn vùng Nam Trung Bộ có ba quân khu, gồm: Quân khu 5, Quân khu 6 và Quân khu 15 (gồm 5 tỉnh Tây nguyên). Tháng 10.1948 hợp nhất 3 quân khu này thành Liên khu 5.
Liên khu 5 rộng nhưng vùng tự do Liên khu 5 chỉ gồm 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên với khoảng 2,5 triệu dân, tồn tại như một quốc gia thu nhỏ, có kinh tế ổn định, nhân dân tương đối ấm no, tự do, hạnh phúc trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Thượng tướng Trần Văn Quang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nhận định: “Vùng tự do Liên khu 5 được xây dựng vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về kinh tế. Dù bị địch đánh phá ác liệt vẫn không ngừng phát triển sản xuất, không những cung cấp đủ mọi nhu cầu cho đời sống của nhân dân và bộ đội trong liên khu mà còn chi viện cho Nam Bộ, Quân khu 4, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Vải xi-ta là một biểu tượng của tinh thần tự lực, tự cường của Liên khu 5 anh dũng…”.
Tướng Nguyễn Chánh, Bí thư Khu ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5, người đã lãnh đạo quân và dân Liên khu 5 suốt 9 năm trường kỳ gian khổ, bảo vệ vững chắc thành quả của Cách mạng Tháng Tám. Ảnh tư liệu |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đánh giá: “Có điều đặc biệt đáng nói rõ là ở Liên khu 5 trong thời kỳ này, lãnh đạo liên khu và anh Nguyễn Chánh đã chú trọng đúng mức, kiên định và liên tục xây dựng lực lượng chủ lực, biết sử dụng khéo quả đấm chủ lực để thúc đẩy kháng chiến phát triển, vừa tác chiến, vừa xây dựng, trưởng thành khá vững và nhanh.”
Chiến đấu trong vòng vây
Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, thực dân Pháp quyết tâm giành lại Đông Dương. Ngày 23.9.1945 Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn. Ngày 9.10.1946 tướng Pháp Leclert đưa 40.000 quân Pháp vào Nam bộ.
Ngày 23.10.1945 quân Pháp đổ bộ, phối hợp với quân Nhật đánh chiếm Nha Trang. Ngày 20.12.1946 Pháp chiếm Đà Nẵng. Đầu năm 1946 Pháp ký hiệp ước với Lào và Campuchia, theo đó hai nước này chấp thuận là quốc gia tự trị trong Liên hiệp Pháp, về quân sự và ngoại giao do Pháp nắm, nghĩa là Pháp đã có đủ điều kiện rải quân trên khắp hai nước này. Ở mạn Đông, với lực lượng hải quân hùng hậu, Pháp chiếm các đảo ven biển và khống chế vùng biển khu vực. Như vậy đến năm 1946 Pháp đã hình thành xong thế bao vây vùng tự do Liên khu 5.
Trong 9 năm kháng chiến, cùng với bộ đội Nam tiến, quân và dân ta đã đánh thắng nhiều trận lớn suốt từ Khánh Hòa đến Quảng Nam, lên cả Tây nguyên, giữ vững vùng tự do rực rỡ của mình.
Trong tác phẩm Miền Trung những tháng ngày không quên, thượng tướng Nguyễn Nam Khánh viết: Chỉ trong 200 ngày đêm liên tục chiến đấu (từ 26.1.1954 đến 17.7.1954) quân dân Nam Trung bộ đã tiêu diệt 28.771 tên địch, thu 7.592 súng các loại..., giải phóng toàn bộ tỉnh Kon Tum, đại bộ phận tỉnh Gia Lai, nhiều vùng đông dân ở Nam Tây Nguyên và các tỉnh tạm chiếm vùng đồng bằng ven biển. Cuộc hành quân Atlante của Pháp bị đánh bại. Ta không những đã giữ vững vùng tự do Liên khu 5 mà còn mở rộng thêm.
Ra đi hẹn ngày trở về
Khi những tên lính Pháp bước lên cầu Long Biên rời khỏi Hà Nội ngày 10.10.1954, có lẽ chúng đều biết sẽ không bao giờ trở lại. Nhưng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào tập kết ra Bắc hầu như ai cũng nghĩ chỉ sẽ tạm xa quê hương 2 năm rồi trở về.
Ở Miền Trung những tháng ngày không quên, tướng Nguyễn Nam Khánh kể: “Trong không khí sôi động, náo nhiệt ấy, tôi vẫn thấy trên khuôn mặt những người ra tiễn ẩn chứa một nỗi buồn lo không biết rồi đây sẽ ra sao. Tôi đi sau hàng quân... thì có một em bé trai chừng 14 tuổi từ phía sau ôm lấy lưng tôi như muốn giữ lại không cho đi. Tôi cầm tay em ghé tai âu yếm: “Hai năm các anh lại về”. Em nói trong tiếng nấc: Nhưng các anh đi, chúng nó đến!”.
Các anh đi, chúng nó đến và thực hiện chế độ áp bức nhân dân, trả thù những người kháng chiến cũ. Nhân dân một lần nữa lại vùng lên và các anh đã trở về trong đội quân lừng lững chiến đấu vì mục tiêu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước thân yêu. Rất nhiều người có mặt trong đoàn quân ấy chính là những người đã xuống tàu tập kết ra Bắc năm xưa. Các anh đã giữ vẹn lời thề, sẽ trở về với quê hương và quê hương ta sẽ tự do độc lập mãi mãi.
***
70 năm đã qua, vùng tự do Liên khu 5 xưa hiện cùng cả nước đang bước vào kỷ nguyên mới. Tôi cũng như rất nhiều đồng bào, đồng chí vững tin dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta sẽ giành thêm nhiều thành công, thắng lợi mới.
Năm xưa trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn, quân dân ta còn giành được thắng lợi vẻ vang, ngày nay thế và lực ta còn thêm nhiều vững vàng, thuận lợi, nhất định nước Việt Nam độc lập, tự do sẽ còn thêm hạnh phúc, thịnh vượng hơn trong kỷ nguyên mới.
VÕ KIM CƯƠNG
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=1&mabb=355194
Bình luận (0)