1. Sau ngày chiến thắng 30.4.1975, đất nước ta thống nhất, non sông Việt Nam liền một dải. Đó là mong ước từ hàng nghìn đời của dân tộc ta, của biết bao thế hệ yêu nước đã đứng lên chống ngoại xâm. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, Bác Hồ đã viết thư cho đồng bào Nam Bộ, Bác khẳng định: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Ngày 23.10.1946, tuyên bố với đồng bào quốc dân sau khi đi Pháp về, Người tha thiết bày tỏ - “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: “Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam Bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc”.
Ngày 19.9.1954, trong buổi gặp mặt, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ), Bác Hồ căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. |
Chân lý mà Bác Hồ khẳng định là chân lý đất nước phải thống nhất, dân tộc ta phải là một, không thế lực nào có thể chia cắt được. Tôi muốn nói thêm, còn một sự thống nhất rất quan trọng nữa, là thống nhất nền văn hóa. Đó là sự thống nhất của tâm hồn người Việt, vì chúng ta cùng chung nền văn hóa và “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như Bác Hồ đã nói.
Nay - năm 2025 - sau 50 năm thống nhất đất nước, chúng ta đang sẵn sàng để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đưa Việt Nam lên cường thịnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, thì thế chân kiềng vững chãi để Việt Nam có thể thực hiện được mơ ước đó, chính là “ba thống nhất”: Thống nhất đất nước, thống nhất dân tộc, thống nhất văn hóa. Từ “ba thống nhất” này, Việt Nam sẽ có một năng lượng cực lớn để bước vào kỷ nguyên mới. Tôi muốn nói sâu hơn về thống nhất văn hóa.
2. Nói tới văn hóa, đầu tiên phải nhấn mạnh bản sắc văn hóa. Sức mạnh văn hóa của một dân tộc, một quốc gia, sự khác biệt tạo nên sức mạnh ấy nằm ở bản sắc văn hóa. Nhưng làm sao để có được bản sắc văn hóa như chúng ta mong muốn?
Cách đây gần 700 năm, nhà thơ và người yêu nước vĩ đại Nguyễn Trãi, trong Bình Ngô Đại Cáo đã viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu, núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác”. Cốt lõi của nền văn hiến ấy chính là văn hóa. Và tự xa xưa tiền nhân Việt Nam đã mạnh mẽ khẳng định “xưng nền văn hiến đã lâu”, thậm chí còn nhắc đến điều này trước cả bờ cõi, cương vực. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc!
Còn Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, ngay trong lễ đăng quang, Ngài đã truyền Hịch xuất quân. Bài hịch chỉ có 35 chữ mà khái quát rất nhiều tầng ý nghĩa và mang một phong thái đĩnh đạc, hùng tráng: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Trong lịch sử nhân loại có lẽ không một lệnh xuất binh, một cuộc xuất binh tầm quốc gia nào lại có thể tinh gọn hơn; lại còn làm toát lên tinh thần kiên định dân tộc đến thế! Lời hịch mà hoàng đế vĩ đại của dân tộc truyền đi ắt hẳn đã làm rung chuyển tâm hồn và tinh thần quyết chiến, quyết thắng không chỉ của toàn quân mà còn là của toàn dân tộc. Thì cũng là để bảo vệ nền văn hóa, bảo vệ sự khác biệt của người Việt!
Ông cha chúng ta luôn có ý thức bảo vệ văn hóa, chính là bảo vệ bản sắc văn hóa, bảo vệ cái “tuyệt đối riêng có” đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.
Ngày hôm nay, để tiến tới một kỷ nguyên mới, cần những năng lượng mới, trong đó khoa học kỹ thuật là rất quan trọng, nhưng bản sắc văn hóa cũng là một năng lượng cực lớn giúp chúng ta vươn tới một cuộc sống không chỉ giàu sang phú quý, mà phải là một cuộc sống đẹp đẽ nhân ái luôn có văn hóa ở tầm cao, có văn hóa độc đáo, có văn hóa như một niềm kiêu hãnh.
Nhưng dân tộc muốn có văn hóa cao thì như Tổng Bí thư Tô Lâm đã vạch rõ: “Xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời” và điều đó “Chỉ thành công khi mỗi công dân ý thức được trách nhiệm của bản thân mình đối với việc tự học tập suốt đời; mỗi cán bộ, đảng viên luôn ý thức rõ học tập suốt đời là nhiệm vụ cách mạng với thái độ nghiêm túc và ý thức tự giác cao”. Phải như thế thì Việt Nam mới có đủ năng lượng cần thiết để mạnh mẽ, hùng cường tiến vào kỷ nguyên mới.
Vậy muốn học tập suốt đời, phải làm sao? Đầu tiên và quan trọng nhất, là phải tự học. Để có được ý thức thường trực về việc tự học thì phải đọc sách. Đọc sách chính là khởi đầu của văn hóa.
Như khi ta trồng một cây xanh, mùa xuân cây đâm chồi nảy lộc, nhưng ta phải luôn thương yêu nó, tưới tắm nó, bón phân cho nó, nghĩa là ta phải cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây quanh năm thì mới mong có kết quả tốt đẹp. Dưỡng chất của một dân tộc đủ sức “sánh vai các cường quốc năm châu” chính là văn hóa, mà chất men của dinh dưỡng, chính là văn hóa nghệ thuật. Văn hóa, nghệ thuật làm nên cái cây xanh tốt, cây xanh ấy là hiện thân của Hạnh Phúc. Hay nói cách khác, dân tộc ta sẽ có đủ “độc lập - tự do - hạnh phúc”.
3. Và bởi văn hóa bao giờ cũng “chảy” theo cách chảy, theo quy luật của những dòng sông: Đó là tích hợp, hòa quyện, gạn lọc, giao thoa và cuối cùng là “trăm con sông chảy vào biển cả”. “Biển cả” ấy, “cái nôi” ấy chính là tổng hòa văn minh nhân loại. Đi đến tận cùng tinh túy của dân tộc mình, ta sẽ tìm đến được với nhân loại. Dòng sông văn hóa Việt Nam tự xa xưa đã tìm thấy mình trong nhân loại bằng cách này!
Lý thuyết “địa văn hóa” xem ra có những hạt nhân hợp lý của nó. Vì có đất rồi mới có người, có người rồi mới có văn hóa. Không đâu xa, hãy cứ lấy chính mảnh đất Bình Định làm ví dụ. Dòng chảy của văn hóa Chăm tới một ngã ba bất ngờ nào đó đã gặp gỡ - hợp lưu với dòng chảy văn hóa Việt. Nơi gặp gỡ ở “khoảng rộng” là miền Trung Việt Nam và nơi quấn quýt bền chặt, đẹp đẽ nhất chính là Vijaya - Bình Định. Nói như thế không hề là nói quá đâu. Vì lẽ chính ở “khoảng hẹp” Bình Định văn hóa nhiều khi lại tích chứa cả hòa quyện, dồn nén, hòa quyện và thăng hoa trong đồng thời. Mức độ kết tinh của văn hóa ở Bình Định rõ rệt hơn so với vùng xung quanh, ở “khoảng rộng”.
Ở văn hóa thì “hòa nhập” bao giờ cũng đi kèm với “hòa tan” - bởi có hòa tan mới tạo được chất lượng văn hóa mới và có thể kháng cự lại quy luật của sự thoái hóa. Có nghĩa cái đã có sẽ dung nạp thêm cái mới để không những không mất đi, không thoái hóa mà còn phái sinh thêm giá trị mới. Đó là lý do vì sao tôi lại tin rằng ở Bình Định đã diễn ra đồng thời “hòa quyện, dồn nén, hòa quyện và thăng hoa” về văn hóa.
Bây giờ thì Bình Định đã khẳng định được cái giá trị kết tinh văn hóa của mình. Từ trầm tích nền tảng vững chãi đã vươn lên những mùa màng văn hóa đa sắc màu, những thanh âm văn hóa hòa điệu như những bản giao hưởng tuyệt vời. Bình Định bây giờ không chỉ có văn hóa nghệ thuật truyền thống, mà đã khẳng định được văn hóa và nghệ thuật hiện đại của mình bắt nguồn từ truyền thống nhưng đã bay cao hơn, bay xa hơn.
Tôi tin chắc rằng, nếu có một loại hình nghệ thuật truyền thống nào đó của Việt Nam có thể “sánh vai các cường quốc năm châu” thì đầu tiên sẽ phải là hát bội, chính xác hơn là hát bội Bình Định. Hiếm có nghệ thuật truyền thống nào của Việt Nam lại tiếp cận với văn minh nhân loại đặc sắc hơn hát bội, nhưng bạn của tôi ơi, đây lại là một câu chuyện khác mất rồi.
THANH THẢO
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=1&mabb=355168
Bình luận (0)