Thị trường nội địa chưa phát triển mạnh mẽ
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, gần 40% sản phẩm nội thất mà Mỹ đang nhập khẩu từ các nguồn trên thế giới đều có xuất xứ từ Việt Nam. Hầu hết nội thất trong các bất động sản Mỹ trị giá từ 200.000-500.000 USD đều đến từ Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc đang là thị trường chủ lực cung ứng sản phẩm nội thất quy mô lớn cho Mỹ. Do đó, các doanh nghiệp gỗ kỳ vọng vào tiến trình đàm phán thương mại Việt - Mỹ và sự "nương tay" từ phía chính quyền Mỹ.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam. (Ảnh: doanhnghiephoinhap.vn) |
Về thị trường nội địa, ông Hoài cho biết quy mô hiện tại chỉ khoảng 5 tỷ USD và dù có thể tăng gấp đôi trong 5 năm tới, cũng vẫn khá nhỏ so với nhu cầu xuất khẩu. Tại khu vực nông thôn, cả nước có 340 làng nghề gỗ, trong đó nhiều làng đã đấu thầu thành công trong việc đưa các sản phẩm vào thị trường của các đô thị. Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng của người Việt khiến việc tiêu thụ sản phẩm đại trà gặp khó khăn, khác biệt rõ rệt so với thị trường Mỹ.
Đồng quan điểm, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhận định: Việt Nam với quy mô 100 triệu dân là thị trường hấp dẫn đối với cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chính sách phát triển thị trường nội địa hiện nay chưa thực sự được chú trọng. Ông Mại nhấn mạnh, cách tiếp cận "ưu tiên hàng Việt" từ 15 năm trước không còn phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào nhóm nước thu nhập trung bình cao. Nếu không cải thiện đồng bộ hạ tầng giao thông, việc kích cầu tiêu dùng nội địa sẽ gặp trở ngại.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra những “điểm nghẽn” khác như khó khăn trong xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối nông sản. Hiện tại, nhiều kênh phân phối hiện đại như siêu thị đang do doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ, khiến nông sản Việt khó chen chân.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet) |
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, đánh giá: Trong bối cảnh Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, Việt Nam có thể chịu thiệt hại lớn hơn. Hàng hóa Trung Quốc chủ yếu phục vụ thị trường nội địa (hơn 35%), trong khi Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu. Thêm vào đó, nhiều địa phương Trung Quốc đã chuyển hướng sang trồng các sản phẩm nông nghiệp tương tự như của Việt Nam, khiến xuất khẩu nông sản Việt sang Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc đẩy mạnh tiêu thụ tại chỗ là vấn đề sống còn đối với người nông dân.
GS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump buộc Việt Nam phải xem xét lại mô hình phát triển, đặt trọng tâm vào thị trường nội địa. Dữ liệu nghiên cứu cho thấy, khu vực tư nhân đang chiếm 51% sản lượng GDP, trong khi khu vực FDI chỉ chiếm 20-22%. Tuy nhiên, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 25-27%, còn khu vực FDI chiếm hơn 70%.
Vì vậy, tương lai của doanh nghiệp trong nước gắn chặt với sự phát triển của thị trường nội địa. Cần khảo sát sâu rộng nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhất là khu vực tư nhân chiếm tới 84% lực lượng lao động. Nếu khu vực này suy yếu, động lực tăng trưởng của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cần đổi mới chính sách và chiến lược
Ông Nguyễn Mại cho rằng, Nhà nước cần thực hiện các giải pháp: Đổi mới thể chế, luật pháp liên quan đến thị trường, đổi mới chính sách có liên quan đến thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thay đổi chiến lược kinh doanh với tầm nhìn trung và dài hạn dựa trên nghiên cứu thị trường và dự báo biến động thị trường. Doanh nghiệp cần chú rtrọng xây dựng hình ảnh, nâng cao năng lực quản trị, tăng cường đầu tư R&D và bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Ngoài ra, Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp trong nước liên kết theo chuỗi, tham gia chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, như vậy sẽ có loạt doanh nghiệp quy mô lớn đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. (Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn) |
Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, câu chuyện phát triển của doanh nghiệp Việt Nam lớn hơn việc chỉ tập đàm phán với Mỹ. Vài năm gần đây, cách làm chính sách của doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào khẩu hiệu mà lại thiếu bằng chứng khoa học. Những nghiên cứu gần đây để có chính sách vừa căn cơ vừa trước mắt thì lại rất yếu.
Đặc biệt, cần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát duy trì tương đối. Nếu lạm phát tăng nhanh hơn thu nhập thì tiêu dùng khó tăng. Niềm tin người tiêu dùng sẽ thấp do họ cần lo cho tương lai. Việt Nam đang soạn thảo khung pháp lý về kiểm soát thương mại chiến lược dưới dạng nghị định. Đây có thể là nghị định đầu tiên ở các nước ASEAN bàn tới kiểm soát thương mại chiến lược và chuỗi cung ứng, những mặt hàng quan trọng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Minh, Phó chủ tịch Công ty CP Tasco cho rằng, việc giải quyết bài toán lớn từ tiêu thụ, thị trường thì nằm ở chính sách vĩ mô là chính, doanh nghiệp không tự làm được. Trước đây, chúng ta có những việc đã bàn 10 năm không làm được song giờ lại làm được. Như vậy, đây là cơ hội giải quyết các vấn đề từng bàn đi bàn lại mà không làm được.
"Cần quy hoạch ngành nghề nào giao cho tư nhân. Sau đó, cần quy hoạch chỉ định doanh nghiệp cho từng ngành nghề, cần tạo ra doanh nghiệp hàng đầu và cần quyết liệt. Cần phải đặt mục tiêu khi xây dựng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp. Ví dụ như sau 10 năm, doanh nghiệp phải trở thành những đơn vị lớn. Việc này giúp cho chúng ta tạo ra các doanh nghiệp hàng đầu, như thế nền kinh tế sản xuất trong nước mới phát triển được", ông Nguyễn Thế Minh gợi ý.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/thi-truong-noi-dia-phao-cuu-sinh-cho-doanh-nghiep-viet-trong-bien-dong-thuong-mai-toan-cau-213080.html
Bình luận (0)