Biến động giá mạnh
Tại Hội thảo "Tài sản bảo đảm ngân hàng - Những vấn đề quan tâm hiện nay" diễn ra ngày 28/4, LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc điều hành Công ty Luật ANVI nhận định, để công nhận tài sản số làm tài sản bảo đảm cần đảm bảo hai yếu tố cơ bản: thứ nhất, tài sản phải có quyền sở hữu hợp pháp; thứ hai, tài sản đó không bị pháp luật cấm giao dịch. Theo đó, bất kỳ tài sản số nào đáp ứng đầy đủ hai điều kiện trên, về nguyên tắc, đều có thể được nhận làm tài sản bảo đảm.
Tuy vậy, dưới góc độ ngân hàng vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn. LS. Trương Thanh Đức thẳng thắn chỉ ra, pháp luật về thế chấp tài sản số hiện chưa đầy đủ, trong khi giá trị của tài sản số có thể biến động rất mạnh, dẫn đến rủi ro cho các tổ chức tín dụng nếu chấp nhận làm tài sản bảo đảm. Cũng theo ông Đức, ngay cả các tài sản truyền thống như bất động sản còn biến động mạnh về theo thời gian, trong khi giá trị của tiền ảo thậm còn biến động mạnh hơn nhiều lần, khó kiểm soát. Điều này gây rủi ro mất vốn và những hậu quả pháp lý kèm theo đối với các ngân hàng.
LS. Trương Thanh Đức |
Do vậy, theo LS. Trương Thanh Đức, việc công nhận tài sản số hay tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm trong hoạt động ngân hàng hiện nay cần được tiếp tục xem xét và chờ hoàn thiện đầy đủ hành lang pháp lý để tránh những rủi ro tiềm ẩn.
Chung quan điểm, ông Đỗ Giang Nam, Thành viên HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết, Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho tài sản số. Đây sẽ là điều kiện cần để ngân hàng coi tài sản số là tài sản bảo đảm. Còn điều kiện đủ là việc ngân hàng có chấp nhận loại tài sản này hay không, bởi các ngân hàng phải tính toán đến nhiều yếu tố, đặc biệt là khả năng quản lý và xử lý tài sản số và tín chỉ carbon này trong trường hợp xảy ra rủi ro với khách hàng vay vốn.
Ông Đỗ Giang Nam, Thành viên HĐTV VAMC |
Ông Nam cũng nhận định, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2028 sẽ hình thành đầy đủ thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Đây là điều cần thiết để đảm bảo cho ngân hàng có các biện pháp xử lý nợ liên quan đến tín chỉ carbon. Theo đại diện VAMC, các ngân hàng sẽ nhận khi loại tài sản này đáp ứng đầy đủ điều kiện về pháp lý cũng như tính ổn định về giá.
Cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng
Cũng bàn về vấn đề này, trao đổi bên lề Hội thảo với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Lê Thị Giang, Đại học Luật Hà Nội cho hay, đảm bảo tính an toàn cho các giao dịch liên quan đến tài sản số và tín chỉ carbon đòi hỏi một cách tiếp cận đa chiều. Cùng với việc xây dựng khung pháp lý liên quan đến những loại tài sản mới này, các bên tham gia quan hệ bảo đảm, bao gồm bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm, cần chuẩn bị kỹ lưỡng.
Bà Giang đưa ra ví dụ, nếu một ngân hàng muốn chấp nhận tài sản số hoặc tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm, họ phải xây dựng quy trình và nghiệp vụ cụ thể, từ việc đánh giá tài sản, định giá, đến quản lý rủi ro. Ngân hàng cần có đội ngũ chuyên môn để thực hiện các bước này một cách chính xác và hiệu quả.
TS. Lê Thị Giang, Đại học Luật Hà Nội |
Khác với các tài sản truyền thống như quyền sử dụng đất, nhà ở, ô tô, hay xe máy, việc xử lý nghiệp vụ thế chấp liên quan vốn đã rất “trơn tru”, thì tài sản số và tín chỉ carbon đòi hỏi quy trình hoàn toàn khác, từ việc xác định giấy tờ quản lý đến hệ thống lưu trữ.
Phân tích sâu hơn, TS. Lê Thị Giang cho rằng khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt. Tài sản số được lưu trữ trên môi trường số và tín chỉ carbon cũng phụ thuộc vào hệ thống quản lý dữ liệu. Để đảm bảo an toàn, cần có các giải pháp công nghệ tiên tiến để bảo vệ dữ liệu, ngăn chặn tấn công mạng, đảm bảo tính minh bạch trong lưu trữ và xử lý tài sản.
Đơn cử như, với quyền sử dụng đất hoặc nhà ở, ngân hàng yêu cầu giấy chứng nhận, nhưng với tài sản số, cần xác định rõ giấy tờ hoặc hệ thống nào sẽ được sử dụng để quản lý. Chỉ khi kết hợp được pháp lý, nghiệp vụ và công nghệ, việc sử dụng tài sản số, tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm mới trở thành hiện thực.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tai-san-so-tin-chi-carbon-la-tai-san-bao-dam-luu-y-tu-chuyen-gia-163494.html
Bình luận (0)