Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển đô thị biên cương Châu Đốc

Từ vùng đất dân cư thưa thớt, nhiều nơi bỏ hoang, mang địa danh “Châu Đốc tân cương” thời vua Gia Long, đến khi trở thành đô thị sầm uất miền biên giới ngày nay, TP. Châu Đốc đã trải qua hàng trăm năm thăng trầm. Nhưng dù thay đổi thế nào, nơi đây vẫn là vùng đất rất đặc trưng về vị trí địa lý, về tâm linh tín ngưỡng, về khát vọng phát triển không ngừng.

Báo An GiangBáo An Giang29/04/2025

Vùng đất du lịch tâm linh trọng điểm của tỉnh

Ngay từ đầu, Chúa Nguyễn đặt Đạo biên phòng tại Châu Đốc. Đây chưa phải là tổ chức hành chính quy củ, mà chỉ đóng vai trò đồn trú phòng án ngữ sông Hậu theo chế độ quân quản. Năm 1788, sau khi chiếm lại Gia Định từ tay nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh sắp xếp hành chính Nam Bộ, đưa Châu Đốc thuộc trấn Vĩnh Dinh. Năm 1802, đổi thành trấn Vĩnh Thanh (gồm An Giang, Vĩnh Long). Tài liệu Sử quán triều Nguyễn ghi lại: “Vì vùng đất ấy nhiều nơi bỏ hoang, đầu năm Gia Long mộ dân đến ở gọi là Châu Đốc tân cương, đặt Quản đạo lệ vào tỉnh Vĩnh Long”. 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1948, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ sát nhập, phân định ranh giới tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc lập thành 2 tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hậu. Tỉnh lỵ Châu Đốc thuộc tỉnh Long Châu Hậu. Cuối năm 1950, Long Châu Hậu nhập thêm Hà Tiên thành tỉnh Long Châu Hà. Cuối năm 1954, Xứ ủy Nam bộ lập lại 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc. Sau nhiều lần sắp xếp, ổn định tổ chức theo từng thời kỳ cách mạng, nhiệm vụ chủ yếu của Tỉnh ủy Long Xuyên, Châu Đốc là bám đất, bám dân, lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, đòi dân sinh, dân chủ để bảo vệ thành quả kháng chiến; đẩy mạnh công tác binh chánh vận tranh thủ đưa người vào hàng ngũ địch; xây dựng cơ sở gắn với phong trào đấu tranh chính trị, chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, chủ động đối phó với địch...

Cùng khí thế ngất trời của Đại thắng mùa Xuân 1975, sáng 1/5, lực lượng cách mạng tại chỗ khởi nghĩa chiếm các công sở chính trong nội ô Châu Đốc, kết hợp lực lượng vũ trang giành chính quyền thị xã vào buổi trưa. Ngay sau đó, Nghị quyết 19 của Bộ Chính trị thành lập tỉnh An Giang. Châu Đốc trở thành thị xã thứ 2 của tỉnh An Giang, sau tỉnh lỵ Long Xuyên. Ngày 19/7/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị quyết 86/NQ-CP, thành lập phường Vĩnh Nguơn thuộc TX. Châu Đốc; thành lập TP. Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang.

Từng là tỉnh lỵ của vùng đất An Giang xa xưa, chứng tỏ TP. Châu Đốc được đánh giá cao nhờ vị trí quan trọng về thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế biên giới. Thành phố vận dụng tối đa cơ chế, chính sách, giải pháp huy động nguồn vốn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong triển khai công tác xúc tiến thương mại. Phát huy được lợi thế là điểm đầu mối giao thương, với 4 khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh, thúc đẩy việc liên kết thị trường trong và ngoài tỉnh. Về xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Châu là xã đầu tiên của thành phố, của tỉnh hoàn thành mục tiêu này vào năm 2013. Châu Đốc cũng là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2017; xã Vĩnh Tế đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2021.

Bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và xã hội hóa, thành phố tập trung đầu tư công trình phúc lợi xã hội, như: Xây dựng cầu, đường liên xã, bê-tông hóa toàn bộ đường giao thông nội đồng. Địa phương đẩy mạnh đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng phục vụ và gắn kết phát triển du lịch, với sản phẩm được sản xuất ứng dụng công nghệ cao (rau màu, lúa, trái cây, vườn sinh thái…) Từ đó, cảnh quan, môi trường nông thôn khang trang, điều kiện sống, lao động, sản xuất, học tập,… của người dân được nâng lên rõ rệt.

Lâu nay, Châu Đốc trở thành địa danh nức tiếng gần xa khi sở hữu quần thể di tích văn hóa - lịch sử được xếp hạng, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc. Nổi bật nhất, cuối năm 2024, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hàng năm, Châu Đốc đón hàng triệu lượt khách trong, ngoài nước đến tham quan, hành hương. Gắn văn hóa (đặc biệt là văn hóa tâm linh) với phát triển du lịch, địa phương đưa đời sống tinh thần của người dân ngày càng nâng cao; chú trọng xây dựng nếp sống văn minh đô thị, con người Châu Đốc thân thiện, nghĩa tình, “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”. Bằng cách nghĩ, cách làm sáng tạo, TP. Châu Đốc ngày càng khẳng định rõ hơn vị thế là trụ cột phát triển du lịch của tỉnh, là trung tâm du lịch, hành hương trọng điểm của ĐBSCL.

Nhìn lại chặng đường phát triển sau ngần ấy năm hòa bình, TP. Châu Đốc thật sự an lòng, khi 100% hộ gia đình chính sách có cuộc sống ổn định; trở thành địa phương đứng đầu tỉnh trong việc giảm hộ nghèo, cận nghèo bền vững (là đơn vị cấp huyện không còn hộ nghèo từ năm 2015 đến nay, đến năm 2024 không còn hộ cận nghèo). Đây cũng là đơn vị dẫn đầu trong tỉnh về trường học đạt chuẩn quốc gia liên tục từ năm 2015.

Phát huy những thành tựu, kinh nghiệm đã có, với khát vọng và ý chí, nghị lực, tinh thần dũng cảm, sáng tạo, chắc chắn Đảng bộ và Nhân dân vùng đất biên cương này sẽ tiếp tục viết nên trang sử mới, làm rạng rỡ truyền thống trăm năm, gặt hái thêm nhiều dấu ấn mới trong kỷ nguyên mới.

GIA KHÁNH

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/phat-trien-do-thi-bien-cuong-chau-doc-a419910.html


Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm