Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nửa thế kỷ và hành trình phát triển

Nửa thế kỷ sau ngày giải phóng, Đắk Lắk đã vươn mình mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới, dần trở thành trung tâm kinh tế của khu vực. Từ đó tạo những nền tảng quan trọng và sẵn sàng cho chặng đường phát triển mới đầy kỳ vọng.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk03/05/2025

Trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, sau khi Thường vụ Khu ủy Khu 5 truyền đạt cho Tỉnh ủy Đắk Lắk quyết định của Trung ương về việc chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu trong trận đột phá mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên và cũng là mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ra nghị quyết lãnh đạo nhằm phát động nhân dân nổi dậy phối hợp với các lực lượng của Mặt trận Tây Nguyên.

Chiến dịch Tây Nguyên đã thực hiện thắng lợi các đòn tiến công quân sự, tiêu diệt và làm tan rã bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở. Đến ngày 24/3/1975, tỉnh Đắk Lắk đã hoàn toàn giải phóng. Tiếp đó, các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên và một số tỉnh ở Nam Trung Bộ cũng được giải phóng, giành quyền làm chủ và xây dựng chính quyền cách mạng.

Chiến thắng Tây Nguyên đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng trong tác chiến hiệp đồng binh chủng và phối hợp giữa các mặt đấu tranh trong tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân các dân tộc trên địa bàn trọng điểm. Đây cũng là thời cơ chiến lược để quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hạ tầng giao thông trên địa bàn Đắk Lắk ngày càng được đầu tư đồng bộ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, trải qua nửa thế kỷ, Chiến thắng Tây Nguyên năm 1975, Chiến thắng Buôn Ma Thuột luôn là niềm tự hào của quân và dân các dân tộc của thành phố, của tỉnh Đắk Lắk và của Tây Nguyên. Chiến thắng là nguồn động viên, khích lệ, nguồn cảm hứng trong giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân.

Khi mới giải phóng, Đắk Lắk là một tỉnh miền núi hết sức khó khăn, hậu quả của chiến tranh để lại nặng nề nên kinh tế - xã hội đối mặt với nhiều thử thách. Để giúp Đắk Lắk tháo gỡ khó khăn, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng, kiến tạo nền tảng và dần dần định hướng phát triển cho vùng Tây Nguyên; hướng đến mục tiêu xây dựng Đắk Lắk sớm trở thành tỉnh thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.

50 năm sau ngày giải phóng, sự vươn mình của Đắk Lắk được thể hiện qua các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh. Theo đó, từ một tỉnh nghèo nàn lạc hậu với kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính, Đắk Lắk đã chuyển đổi cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng tích cực, từng bước giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh trong giai đoạn 2002 - 2022 trung bình đạt 13,8%/năm. Đặc biệt, năm 2024, Đắk Lắk dẫn đầu Tây Nguyên về kim ngạch xuất khẩu với hơn 1,8 tỷ USD qua hơn 70 thị trường các nước và vùng lãnh thổ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2024 ước đạt khoảng 111.323 tỷ đồng.

Quan trọng hơn, kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ với nhiều dự án trọng điểm. Đến nay, hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không trên địa bàn tỉnh khá thuận lợi với Cảng hàng không Buôn Ma Thuột và hệ thống các đường quốc lộ kết nối Đắk Lắk với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và cả nước; hệ thống giao thông đến các huyện, xã ngày càng được cải tạo, nâng cấp, với 100% xã đã có đường nhựa đến trung tâm. Đặc biệt, Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang được tích cực triển khai, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2026 sẽ góp phần quan trọng đánh thức và phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh và khu vực.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đất giàu truyền thống lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang tiếp tục đồng lòng, quyết tâm hiện thực hóa khát vọng xây dựng, phát triển Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên. Cùng với sự quyết tâm này, trong hoạch định chiến lược, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, dành nhiều cơ chế đột phá cho Đắk Lắk. Những cơ chế này cùng với việc thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý hiện nay cả nước đang triển khai sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển bứt phá cho tỉnh Đắk Lắk.

Ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, được sự quan tâm của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền TP. Buôn Ma Thuột cùng với tỉnh Đắk Lắk đã và đang tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chiến lược và chính sách. Trong đó, tập trung đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, ưu tiên đầu tư các tuyến đường có tính chất đối ngoại, kết nối liên vùng, liên khu vực, có nguồn vốn đầu tư lớn và tính khả thi cao, tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt...

Tỉnh Đắk Lắk gắn nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. (Trong ảnh: Lễ cúng cầu mùa được tổ chức ở buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui, huyện Krông Bông).

Nhằm phát huy tiềm năng nội lực, tận dụng ngoại lực, hướng đến phát triển nhanh và bền vững, theo lãnh đạo UBND tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, trong đó trước mắt cần tập trung công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Luôn luôn xác định “lấy dân làm gốc”, “người dân là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực và động lực cho phát triển” và trên tinh thần “dân cần - chính quyền có; dân khó - chính quyền lo”.

Bên cạnh đó, cần chú trọng tập trung nguồn lực thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; gắn nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tận dụng thế mạnh và khai thác hiệu quả tiềm năng, phát triển kinh tế mũi nhọn mà địa phương có lợi thế, bảo đảm “tăng trưởng xanh, bền vững”.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết vùng, giao lưu hợp tác giữa các địa phương trong và ngoài vùng trên nhiều lĩnh vực; xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ hiện đại phục vụ cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, cùng với những thành tựu to lớn đã đạt được trong suốt gần nửa thế kỷ qua, tin rằng Đắk Lắk sẽ tiếp tục hướng đến những mục tiêu cao hơn, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nguồn: https://baodaklak.vn/tin-noi-bat/202505/nua-the-ky-va-hanh-trinh-phat-trien-d8f05e7/


Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm