Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nơi khởi nguyên của những “thương hiệu” nông sản

Đắk Lắk - vùng đất đỏ bazan huyền thoại, từ lâu đã đi vào tâm thức mọi người như một “thủ phủ” của cây công nghiệp và cây ăn quả.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk02/05/2025

Ngày nay, người dân và doanh nghiệp Đắk Lắk đang từng bước nâng tầm giá trị, viết lại “câu chuyện mới” cho những "thương hiệu" nông sản, mang theo niềm kiêu hãnh về chất lượng, về nguồn gốc chuẩn Tây Nguyên để chinh phục thị trường trong và ngoài nước.

Nhắc đến Đắk Lắk, không thể không nhắc sản phẩm nổi tiếng toàn cầu: cà phê. Với diện tích hơn 210.000 ha, sản lượng hằng năm hơn 520.000 tấn, Đắk Lắk trở thành “thủ phủ” cà phê của cả nước.

Đặc biệt, hạt cà phê Robusta nơi đây nổi tiếng với vị đậm đà đặc trưng mà không nơi nào có được. Chính đặc điểm này đã làm nên danh tiếng cho Cà phê Buôn Ma Thuột - một chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột không chỉ là một cái tên, đó là sự bảo chứng cho nguồn gốc, chất lượng và uy tín được xây dựng qua bao đời.

Bên cạnh Robusta, cà phê Arabica cũng đang dần khẳng định vị thế ở những vùng có độ cao phù hợp, bổ sung vào bức tranh hương vị đa dạng của cà phê vùng Tây Nguyên.

Ngoài cà phê, hồ tiêu từng được ví như "vàng đen" trên đất Đắk Lắk, với gần 28.000 ha, sản lượng ước đạt 74.827 tấn, chiếm khoảng 43% sản lượng hồ tiêu vùng Tây Nguyên. Dù trải qua nhiều biến động thăng trầm của thị trường, hồ tiêu Đắk Lắk, đặc biệt là tại các vùng như Cư Kuin, Krông Năng, Cư M'gar, vẫn giữ vững danh tiếng về chất lượng nhờ vị cay nồng đặc trưng.

Ứng dụng công nghệ cảm biến trong canh tác sầu riêng tại vùng nguyên liệu sầu riêng của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc).

Vùng đất bazan màu mỡ đã chứng minh sự phù hợp với nhiều loại cây ăn quả giá trị. Trong đó, sầu riêng nổi lên như một loại cây chủ lực mới mang lại giá trị kinh tế đặc biệt cao.

Sầu riêng Đắk Lắk nổi tiếng với chất lượng vượt trội, vị ngọt đậm đà, hương thơm đặc trưng khó lẫn nhờ thổ nhưỡng và khí hậu riêng biệt của vùng.

Bên cạnh sầu riêng còn có bơ sáp, vải, nhãn… và các loại trái cây có múi khác cũng đang được chú trọng về chất lượng và xây dựng thương hiệu. Việc áp dụng các tiêu chuẩn canh tác tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, hướng tới hữu cơ đang giúp trái cây Đắk Lắk tự tin hơn khi tiếp cận các thị trường khó tính.

Một số địa phương đã bắt đầu xây dựng nhãn hiệu tập thể cho trái cây đặc trưng của mình, ví dụ như Sầu riêng Krông Pắc, Sầu riêng Cư M’gar, Mắc ca Krông Năng… định vị rõ hơn xuất xứ và chất lượng cho người tiêu dùng.

Theo xu hướng phát triển của thị trường, Đắk Lắk đã có những bước chuyển mình vươn lên mạnh mẽ. Đặc biệt, cà phê Đắk Lắk ngày nay đang nỗ lực vươn tầm để nâng cao giá trị.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã mạnh dạn xây dựng vùng nguyên liệu đạt chứng nhận quốc tế như: 4C, UTZ Certified, RFA và FLO. Đặc biệt, Đắk Lắk là vùng cà phê đầu tiên của cả nước cũng như trên thế giới đạt Chứng thư chứng nhận 4C – EUDR (Quy định không gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu).

Đồng thời, đầu tư vào chế biến sâu: từ rang xay nguyên chất, cà phê hòa tan đến cà phê đặc sản chế biến theo các phương pháp Honey, Wet-Hulled...

Nhiều thương hiệu cà phê rang xay bản địa với bao bì bắt mắt, câu chuyện ý nghĩa đã ra đời, đưa hạt cà phê Đắk Lắk đến tay người tiêu dùng với giá trị cao hơn, mang theo "linh hồn" của đất và người cao nguyên.

Ông Nguyễn Ngọc Côn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông ngư nghiệp Thái Hải (bên phải) thăm vùng nguyên liệu lúa của đơn vị. 

Không chỉ có cà phê, trước những thách thức về giá cả và yêu cầu ngày càng cao từ thị trường, người trồng tiêu và doanh nghiệp đã chú trọng hơn vào sản xuất sạch, tiêu chuẩn hóa quy trình, xây dựng mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm chế biến như hồ tiêu trắng, tiêu xanh sấy khô, hay các loại gia vị từ hồ tiêu cũng góp phần đa dạng hóa sản phẩm và gia tăng giá trị.

Bên cạnh đó, mặt hàng trái cây có giá trị cao - sầu riêng Đắk Lắk cũng đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn như Trung Quốc trong những năm gần đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định chất lượng đã được quốc tế công nhận. Những nỗ lực tuân thủ tiêu chuẩn, kiểm soát chất lượng và xây dựng các vùng nguyên liệu có mã số vùng trồng chính là những bước đi vững chắc đầu tiên để định hình và nâng tầm thương hiệu sầu riêng Đắk Lắk trên thị trường quốc tế đầy tiềm năng.

Đắk Lắk - nơi khởi nguyên của những mặt hàng nông sản nổi tiếng đang tiếp tục hành trình viết nên câu chuyện về thương hiệu cho nông sản.

Song hành với những cây công nghiệp chủ lực làm nên danh tiếng vùng cao nguyên, cây lúa ở Đắk Lắk (khoảng 110.000 ha, chiếm khoảng 34,98% diện tích gieo trồng cây hằng năm của tỉnh) cũng âm thầm khẳng định vị thế quan trọng, không chỉ trong việc bảo đảm an ninh lương thực mà còn từng bước vươn mình trở thành sản phẩm hàng hóa chất lượng cao.

Với nỗ lực đổi mới trong sản xuất, hạt gạo Đắk Lắk đang ấp ủ tiềm năng lớn để xây dựng thương hiệu, chinh phục những thị trường khó tính. Đáng chú ý, nhiều mô hình sản xuất lúa đang hướng tới các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP và thậm chí là sản xuất hữu cơ.

Việc áp dụng các quy trình sản xuất sạch, an toàn không chỉ nâng cao chất lượng hạt gạo, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường, mà còn là yếu tố then chốt để gia tăng giá trị và tạo dựng lòng tin cho thương hiệu gạo Đắk Lắk trên thị trường. Tiêu biểu như HTX Sản xuất và Dịch vụ nông ngư nghiệp Thái Hải (xã Buôn Triết, huyện Lắk) với thương hiệu "Gạo sạch Thái Hải" đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Ông Nguyễn Ngọc Côn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Sản xuất và Dịch vụ nông ngư nghiệp Thái Hải cho hay, nhằm nâng cao giá trị hạt lúa của địa phương, HTX đã phát triển lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó phát triển thương hiệu “Gạo sạch Thái Hải”.

Đồng thời, HTX đầu tư thêm nhiều máy móc thiết bị, đổi mới các loại giống lúa chất lượng cao, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… nhằm bắt kịp xu hướng tiêu dùng thực phẩm sạch của người tiêu dùng. Nhờ vậy, sản lượng lúa của HTX luôn đạt từ 11 – 12 tấn/ha, được thương lái thu mua với giá cao hơn thị trường 5.000 – 10.000 đồng/kg tùy thời điểm. Thành công này không chỉ mang lại thu nhập cao, ổn định hơn cho thành viên HTX, mà còn khẳng định tiềm năng của hạt gạo Đắk Lắk khi được đầu tư đúng hướng.

Có thể khẳng định, Đắk Lắk - nơi khởi nguyên của những mặt hàng nông sản nổi tiếng đang tiếp tục hành trình viết nên câu chuyện về thương hiệu cho nông sản. Đó là một hành trình không chỉ dựa vào lợi thế tự nhiên  mà còn dựa vào trí tuệ, sự sáng tạo và nỗ lực bền bỉ của con người.


 

Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202505/noi-khoi-nguyencua-nhung-thuong-hieu-nong-san-51d0af3/


Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chuyên mục

Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất
Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm