Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những doanh nghiệp tiên phong - Động lực từ nội lực Việt Nam

(Dân trí) - Doanh nghiệp tiên phong là người dám mở đường, chọn đi vào lĩnh vực chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Họ thường là người chịu nhiều rủi ro nhất, nhưng cũng có khả năng tạo ra ảnh hưởng lớn nhất.

Báo Dân tríBáo Dân trí02/05/2025

Muốn bứt phá trong kỷ nguyên chuyển đổi số, Việt Nam cần khai thông những điểm nghẽn chiến lược, tận dụng tốt "vai người khổng lồ" là công nghệ toàn cầu, dòng vốn quốc tế, tri thức xuyên biên giới... Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, chúng ta sẽ mãi ở vị thế "người theo sau".

Theo các nhà phân tích, động lực căn bản và bền vững nhất vẫn phải đến từ nội lực, trong đó, doanh nghiệp tiên phong - những người dám đi đầu, dám tạo xu hướng - chính là những "ngòi nổ" mở đường cho công cuộc chuyển hóa sâu sắc nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, để phát triển khoa học công nghệ (KHCN), mỗi quốc gia rất cần những yếu tố then chốt như nguồn lực tài chính, nhân lực chất lượng cao, cơ chế hợp tác hiệu quả và năng lực hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp nhiều thách thức khi tiếp cận môi trường này.

Chính vì thế, doanh nghiệp tiên phong là người dám mở đường, chọn đi vào lĩnh vực mới, công nghệ mới hoặc mô hình kinh doanh chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Họ thường là người chịu nhiều rủi ro nhất, nhưng cũng có khả năng tạo ra ảnh hưởng lớn nhất.

Những doanh nghiệp này không đợi chính sách "trải thảm", cũng không chỉ trông vào thị trường đã chín muồi. Họ là những người sẵn sàng tạo ra thị trường - thiết lập tiêu chuẩn mới, kéo theo cả chuỗi cung ứng đi lên.

Trong nền kinh tế đổi mới, doanh nghiệp tiên phong có vai trò như những "mũi nhọn đột phá", định hình hướng đi mới cho cả ngành, cả vùng, và thậm chí cho cả quốc gia.

Những doanh nghiệp tiên phong - Động lực từ nội lực Việt Nam - 1

Năm 1998, trong buổi tổng kết 10 năm thành lập tập đoàn FPT, Chủ tịch Trương Gia Bình khá buồn lòng khi bộ phận phần mềm chỉ có 30 thành viên. "Tôi muốn trước mặt mình phải là 1.000 kỹ sư phần mềm và cùng nhau đem trí tuệ Việt ra thế giới", ông nói với các cộng sự.

Xác định phải học tập mô hình thành công của Ấn Độ, ngày 13/1/1999, ông Bình và cộng sự thành lập FPT Software, đơn vị chuyên trách về xuất khẩu phần mềm, và chọn Bangalore, Ấn Độ để bước ra thế giới.

"Chúng tôi đã thất bại, thất bại và thất bại. Chúng tôi tiêu hết 1 triệu USD và thất bại", chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhắc tới từ "thất bại" 4 lần, trong buổi chia sẻ về hành trình 25 năm "bỏ ra 1 triệu USD, thu về 1 tỷ USD", kể từ khi vác chuông đi đánh xứ người.

Chuỗi "thất bại" ông Bình nhắc đi nhắc lại chính là việc FPT đã mò mẫm tự tìm đường ra nước ngoài bằng các mô hình và quy trình chuẩn "công nghiệp" như ISO hay CMM, mở văn phòng ở Bangalore (Ấn Độ - 1999), rồi ở Thung lũng Silicon Valley (Mỹ - 2000). Các khoản đầu tư này tiêu tốn 1 triệu USD. Đây là khoản vốn vay của tập đoàn.

Ấn Độ, Mỹ chỉ là "giấc mơ lãng mạn" của FPT trong giai đoạn đầu toàn cầu hóa. Không kiếm được việc, chi phí thuê lập trình viên người Ấn và tiền mặt bằng trở thành gánh nặng. Văn phòng Bangalore lặng lẽ đóng cửa sau một năm hoạt động rồi khủng hoảng toàn cầu cũng buộc văn phòng tại Silicon Valley phải đóng cửa vào đầu năm 2002.

Những doanh nghiệp tiên phong - Động lực từ nội lực Việt Nam - 3

FPT chỉ thực sự cất cánh khi chinh phục thành công được một trong những thị trường khó tính nhất là Nhật Bản từ năm 2005, và cơ hội đến sau thảm họa sóng thần năm 2011 ở đất nước này.

"Nếu như trước đây, FPT luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng thì nay rất nhiều khách hàng, đối tác lớn lại chủ động tìm đến Việt Nam và FPT. Đã đến lúc thế giới cần Việt Nam. Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của thế giới, đã vươn lên số 2 thế giới về phần mềm, chỉ sau Ấn Độ", ông Trương Gia Bình nói.

FPT ngày nay đã trở thành một tập đoàn công nghệ lớn, vươn ra toàn cầu với sự hiện diện tại 30 quốc gia, bao gồm những thị trường phát triển nhất như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, châu Âu.

FPT đầu tư mạnh vào lĩnh vực AI, bán dẫn và công nghệ lõi. Từ nhóm 17 nhân sự ban đầu, quy mô nhân sự trong lĩnh vực dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT ngày nay đã cán mốc 30.000 người thuộc 70 quốc tịch. Từ chỗ không khách hàng, FPT đã trở thành đối tác tin cậy của gần 100 công ty thuộc Top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới (Fortune Global 500)...

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT cho biết: "FPT đang hướng đến ước mơ có một triệu nhân sự chuyển đổi số. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn là AI, Chip bán dẫn, công nghệ ô tô… để hướng tới có những tỷ USD tiếp theo trong một ngành, một thị trường, một hợp đồng duy nhất".

Những doanh nghiệp tiên phong - Động lực từ nội lực Việt Nam - 5

Tạm khép câu chuyện FPT, chúng ta đến với câu chuyện của một doanh nghiệp được ví như "kỳ lân công nghệ" của Việt Nam: Tập đoàn VNG.

VNG đã vượt xa khỏi lĩnh vực kinh doanh cốt lõi ban đầu là game để trở thành một tập đoàn công nghệ đa ngành. Không chỉ dừng lại ở giải trí trực tuyến, VNG đã đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực công nghệ nền tảng và tương lai.

Điển hình là việc phát triển Zalo Cloud, cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho thị trường trong nước, đáp ứng nhu cầu hạ tầng số ngày càng tăng.

Song song đó, VNG cũng đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các sản phẩm của mình, nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng và tối ưu hóa hoạt động. Lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) cũng là một mảng đầu tư chiến lược, thể hiện qua sự phát triển của nền tảng thanh toán ZaloPay.

Với việc xây dựng và liên kết các mảng kinh doanh từ Zalo, ZaloPay, Zalo Cloud đến AI và game, VNG đang từng bước hình thành một hệ sinh thái công nghệ toàn diện. Hệ sinh thái này không chỉ giúp VNG đa dạng hóa hoạt động, mà còn hướng tới mục tiêu lớn hơn: tạo ra một "vùng đất" công nghệ riêng cho Việt Nam, nơi các sản phẩm và dịch vụ số có thể phát triển độc lập, giảm sự lệ thuộc vào các nền tảng công nghệ khổng lồ của nước ngoài.

Những doanh nghiệp tiên phong - Động lực từ nội lực Việt Nam - 7

Một ví dụ khác, tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) đã thực hiện bước chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế không chỉ là nhà mạng viễn thông hàng đầu mà còn là một tập đoàn công nghệ lõi tiên phong tại Việt Nam.

Khởi đầu hành trình với việc nghiên cứu và sản xuất thiết bị viễn thông, Viettel đã tạo nên một vị thế đặc biệt trên thế giới khi trở thành đơn vị vừa khai thác dịch vụ (operator) vừa tự sản xuất thiết bị (vendor), cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn toàn cầu như Ericsson, Huawei, Nokia.

Cột mốc quan trọng đánh dấu sự tự chủ công nghệ là năm 2017 với việc chế tạo thành công hệ thống tính cước thời gian thực vOCS.

Hệ thống "trái tim" mạng viễn thông này chứa đựng sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ, giúp tăng năng lực xử lý gấp 5 lần và giảm nửa chi phí phần cứng so với hệ thống tương đương.

Thành công này đã mở đường cho Viettel làm chủ hoàn toàn mạng 4G và tiến tới chinh phục công nghệ 5G phức tạp.

Bước đột phá lớn đến vào tháng 3/2023, khi Viettel hợp tác cùng Qualcomm công bố khối vô tuyến trạm 5G đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset ASIC theo chuẩn mở Open RAN.

Thành tựu này gây tiếng vang tại Hội nghị Di động Toàn cầu (MWC) 2023, mở ra cơ hội thay đổi ngành công nghiệp hạ tầng viễn thông, xóa bỏ sự phụ thuộc vào chipset độc quyền.

Những doanh nghiệp tiên phong - Động lực từ nội lực Việt Nam - 9

Việc lựa chọn chuẩn Open RAN mang lại sự linh hoạt, cho phép tích hợp thiết bị của Viettel với các nhà cung cấp khác, giúp nhà mạng tối ưu chi phí đầu tư (CAPEX) và vận hành (OPEX). Lô hàng xuất khẩu đầu tiên sang Ấn Độ vào cuối năm 2023 là minh chứng cho tiềm năng thương mại hóa.

Việc làm chủ công nghệ lõi còn mang lại lợi thế vượt trội trong việc đảm bảo an ninh mạng. Đầu năm 2023, đối mặt với vấn nạn tin nhắn lừa đảo từ trạm BTS giả, các kỹ sư Viettel đã tự nghiên cứu và triển khai giải pháp phát hiện, xử lý chỉ trong 1-2 phút, nhanh và hiệu quả hơn nhiều so với các giải pháp thương mại (cần 15 phút) với chi phí thấp hơn đáng kể.

Giải pháp này không chỉ bảo vệ khách hàng Viettel mà còn được chia sẻ cho các nhà mạng khác.

Với tinh thần "người lính", đội ngũ nghiên cứu phát triển của Viettel, dù chỉ bằng 1% quy mô so với các vendor lớn, đã nỗ lực không ngừng để làm chủ các thành phần cốt lõi của mạng 5G, đưa Việt Nam song hành cùng thế giới trong cuộc cách mạng công nghệ này.

Viettel cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực chiến lược khác như AI, Big Data, Cloud, An ninh mạng, khẳng định quyết tâm chuyển đổi thành một tập đoàn công nghệ cao, tạo ra sản phẩm "Made in Vietnam" có hàm lượng chất xám cao và năng lực cạnh tranh quốc tế.

Những doanh nghiệp tiên phong - Động lực từ nội lực Việt Nam - 11

VinFast nổi lên như một trường hợp đặc biệt và đầy tham vọng trong ngành công nghiệp Việt Nam, không chỉ sản xuất xe mà còn kiến tạo một hệ sinh thái di chuyển xanh toàn diện.

Thay vì đi theo lộ trình phát triển tuần tự qua các thế hệ động cơ đốt trong, VinFast đã chọn một lối đi riêng, táo bạo là đi thẳng vào công nghệ xanh. Mô hình này bao gồm việc phát triển đồng bộ từ xe ô tô điện, xe máy điện, công nghệ pin, cho đến xây dựng mạng lưới trạm sạc quy mô lớn trên toàn quốc.

Sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, điển hình là kế hoạch phủ sóng 150.000 cổng sạc và cam kết đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng qua V-GREEN, cho thấy quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái khép kín, hỗ trợ tối đa cho người dùng xe điện.

Cách tiếp cận này, từ sản phẩm cốt lõi đến dịch vụ hỗ trợ và hạ tầng năng lượng, thể hiện tầm nhìn chiến lược nhằm làm chủ hoàn toàn chuỗi giá trị di chuyển xanh. Đây là một bước đi rất "tiên phong" và đầy táo bạo.

Việc bỏ qua các thế hệ công nghệ động cơ cũ để tập trung nguồn lực hoàn toàn vào xe điện và các giải pháp năng lượng sạch là một quyết định mang tính đột phá, thể hiện niềm tin vào tương lai của giao thông bền vững.

Cách làm này không chỉ định vị VinFast như một nhân tố chủ chốt trong cuộc cách mạng xanh tại Việt Nam mà còn là một nỗ lực táo bạo nhằm đưa thương hiệu Việt Nam ra bản đồ công nghệ thế giới.

Những doanh nghiệp tiên phong - Động lực từ nội lực Việt Nam - 13

Tháng 4, tại Đại hội cổ đông Vingroup, Chủ tịch Phạm Nhật Vương tuyên bố chiến lược phát triển VinFast có 2 mục tiêu gồm đạt doanh số và cắm cờ. Ông cho biết VinFast đã hoàn thành mục tiêu cắm cờ trên thế giới khi đặt chân đến Mỹ và nhiều nước trên thế giới.

"Việc của chúng ta là cắm cờ cho thế giới biết xe điện Việt Nam đạt tiêu chuẩn thế giới. Và chúng ta đã cắm cờ rồi nhưng chúng ta không có kế hoạch đẩy doanh số ở các thị trường này", chủ tịch Vingroup chia sẻ.

Ông tiết lộ thêm định hướng doanh số sẽ tập trung vào các thị trường có lợi thế như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia. VinFast sẽ đặt nhà máy tại Ấn Độ, Indonesia và thúc đẩy hoạt động bán hàng, gia tăng doanh số tại đây.

Ông cho biết, số liệu doanh số tại thị trường nước ngoài sẽ có sự khác biệt từ năm 2026. Trong tương lai, các thị trường nước ngoài sẽ là nguồn doanh số chính của VinFast.

Những doanh nghiệp tiên phong - Động lực từ nội lực Việt Nam - 15

Thaco, một doanh nghiệp khởi đầu chủ yếu trong lĩnh vực lắp ráp ô tô, nay đã thực hiện một bước chuyển mình chiến lược đầy tham vọng, vươn lên làm chủ chuỗi giá trị công nghiệp với quy mô và chiều sâu đáng nể.

Thay vì chỉ dừng lại ở vai trò lắp ráp, Thaco đã mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu USD để kiến tạo Thaco Industries và Trung tâm Cơ khí quy mô hàng đầu Việt Nam, đặt nền móng vững chắc cho hành trình từ một "thợ giỏi" trở thành một "người sáng tạo" thực thụ.

Trung tâm Cơ khí này không chỉ là một nhà máy đơn lẻ mà là một tổ hợp công nghiệp phức hợp, bao gồm: Tổ hợp cơ khí, nhà máy sản xuất thiết bị chuyên dụng, nhà máy sản xuất Sơ mi rơ moóc, nhà máy cơ khí chính xác và khuôn mẫu, cùng công ty cơ điện lạnh.

Sự đầu tư quy mô lớn này cho phép công ty kiểm soát một quy trình sản xuất khép kín, từ khâu cung cấp nguyên vật liệu, phôi thép, gia công tạo phôi, hàn, xử lý bề mặt, sơn phủ, cho đến lắp ráp và lắp đặt hoàn chỉnh.

Điểm nhấn quan trọng trong sự chuyển đổi này là việc làm chủ công nghệ và năng lực nghiên cứu phát triển (R&D).

Trung tâm này sở hữu hệ thống dây chuyền, máy móc thiết bị hiện đại nhập khẩu từ các cường quốc công nghiệp như Mỹ, Đức, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời, quy tụ đội ngũ chuyên gia, kỹ sư giàu kinh nghiệm, không ngừng nghiên cứu, cải tiến và phát triển sản phẩm mới, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe và yêu cầu riêng biệt của từng thị trường, người dùng.

Sự chuyển dịch này không chỉ dừng lại ở việc mở rộng danh mục sản phẩm của công ty, còn thể hiện sự vươn lên làm chủ các công đoạn cốt lõi, từ sản xuất linh kiện nền tảng, cơ khí chính xác, chế tạo máy móc, đến việc phát triển các giải pháp công nghiệp tích hợp.

Những doanh nghiệp tiên phong - Động lực từ nội lực Việt Nam - 17

Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn giúp công ty tự tin xuất khẩu sản phẩm và giải pháp sang nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Úc, khu vực châu Âu (Thụy Điển, Phần Lan), Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Hiện công ty tiếp tục đặt mục tiêu mở rộng quy mô, nâng cấp công nghệ tự động hóa, đẩy mạnh nội địa hóa linh kiện cơ khí ô tô và máy móc thiết bị chuyên dụng, đồng thời phát triển chuỗi cung ứng vật liệu.

Hành trình này khẳng định sự chuyển mình mạnh mẽ của Thaco, từ một đơn vị lắp ráp thành một tập đoàn công nghiệp đa ngành có năng lực sáng tạo, làm chủ công nghệ và tích cực tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những doanh nghiệp này đã đổi mới không chỉ là đầu tư công nghệ, mà còn là làm chủ quy trình, nâng cấp năng lực quản trị, và tạo ra chuỗi giá trị bền vững.

Những doanh nghiệp tiên phong - Động lực từ nội lực Việt Nam - 19

Khát vọng thoát bẫy thu nhập trung bình, xây dựng nền kinh tế tự chủ, bền vững là động lực bao trùm và thúc đẩy Việt Nam tập trung làm chủ các công nghệ lõi, chiến lược như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Việc làm chủ những công nghệ này được xem là chìa khóa để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và định vị lại Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Các chuyên gia phân tích, một lợi thế không thể phủ nhận là thị trường nội địa rộng lớn với gần 100 triệu dân. Đây là "bệ phóng" vững chắc, cung cấp không gian đủ lớn để doanh nghiệp thử nghiệm, phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu và tích lũy nguồn lực ban đầu. Việc chinh phục thành công thị trường trong nước tạo đà và sự tự tin cho doanh nghiệp bước ra sân chơi toàn cầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam với nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng phát triển và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn quốc đóng vai trò then chốt.

Nó không chỉ giúp tối ưu hóa vận hành, nâng cao năng suất trong các ngành truyền thống mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp công nghệ phát triển và ứng dụng các giải pháp mới.

Quan trọng hơn, nền tảng số giúp Việt Nam có cơ hội "đi tắt đón đầu", rút ngắn khoảng cách phát triển công nghệ so với các quốc gia đi trước, tiếp cận nhanh chóng với các xu hướng công nghệ mới nhất của thế giới.

Đặc biệt, yếu tố con người với thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp trẻ, năng động, được đào tạo bài bản và có tầm nhìn quốc tế, đóng vai trò quyết định.

Những doanh nghiệp tiên phong - Động lực từ nội lực Việt Nam - 21

Họ mang trong mình khát vọng lớn, tư duy đổi mới, dám chấp nhận rủi ro, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Thế hệ lãnh đạo này không chỉ nhạy bén với thị trường toàn cầu mà còn có khả năng kết nối, hợp tác quốc tế, dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua các rào cản, kể cả những thách thức về chính sách hay thiếu hụt nhân lực trình độ cao đang tồn tại, để cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế.

Cuối cùng, Nghị quyết 57 được Đảng, Nhà nước ban hành ví như "Khoán 10" trong khoa học công nghệ giúp giải phóng mọi điểm nghẽn, tạo động lực doanh nghiệp phát triển.

Sự hội tụ của các yếu tố này: Khát vọng quốc gia, thị trường nội địa tiềm năng, nền tảng công nghệ số và đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn, đang tạo ra một lực đẩy mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp Việt Nam tự tin hơn trên hành trình vươn ra biển lớn.

Trong mọi thời kỳ chuyển hóa, luôn có những doanh nghiệp đi đầu, dấn thân trước phần còn lại. Họ là người chịu nhiều tổn thương nhất khi thị trường còn lạ lẫm. Nhưng cũng chính họ, là người đầu tiên gặt hái thành công khi cơn sóng chuyển đổi lên đến đỉnh.

Doanh nghiệp tiên phong không phải là người giỏi nhất, mà là người dám đi trước. Và chính họ đang từng bước xây "vai người khổng lồ" cho thế hệ kế tiếp đứng lên.

Muốn Việt Nam hóa rồng, không thể chỉ trông chờ FDI hay "cơn gió đông" toàn cầu. Mỗi doanh nghiệp tiên phong, dù lớn hay nhỏ, chính là tế bào đổi mới của một nền kinh tế biết tự tiến hóa. Cần nhận diện họ, tiếp sức cho họ, và để họ mở đường cho tương lai.

Kỳ sau: Khoa học công nghệ Việt Nam từ thách thức quá khứ đến cơ hội lịch sử

Nội dung: Bảo Trung, Nam Đoàn, Thế Anh

Thiết kế: Thủy Tiên

Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/nhung-doanh-nghiep-tien-phong-dong-luc-tu-noi-luc-viet-nam-20250429093922199.htm


Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chuyên mục

Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất
Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm