Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khởi động chương trình thực thi Sở hữu trí tuệ cho các Thương hiệu sáng tạo Việt

(Chinhphu.vn) - Ngày 29/4 tại TPHCM, Chương trình thực thi Sở hữu trí tuệ và hành trình 50+ tiến tới 100+ cho các Thương hiệu sáng tạo Việt trong kỷ nguyên vươn mình chính thức được khởi động.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ29/04/2025

Khởi động chương trình thực thi Sở hữu trí tuệ cho các Thương hiệu sáng tạo Việt- Ảnh 1.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động chương trình thực thi Sở hữu trí tuệ cho các Thương hiệu sáng tạo Việt - Ảnh: VGP/Lê Anh

Sự kiện do Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Trung tâm Pháp luật và Tác quyền, Viện Triết học phát triển phối hợp tổ chức. Ý nghĩa của sự kiện này gắn liền với những cột mốc lịch sử trọng đại. Năm 2025, chúng ta tự hào kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), đồng thời hướng tới 100 năm Ngày Thành lập nước (2/9/1945 - 2/9/2045). Năm nay, cộng đồng quốc tế cũng kỷ niệm 55 năm Công ước thiết lập Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) và 25 năm Ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới. Những sự kiện này hội tụ, tạo nên thời cơ vàng để Việt Nam khẳng định vị thế trong dòng chảy tri thức toàn cầu, với sở hữu trí tuệ là động lực cốt lõi.

Tăng cường sở hữu trí tuệ, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam đang diễn ra nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và làm suy giảm uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Việt Nam hiện đứng thứ 9 toàn cầu và thứ 3 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tỉ lệ vi phạm bản quyền và quyền sao chép.

Do đó, chương trình thực thi Luật Sở hữu trí tuệ, bản quyền và quyền sao chép được khởi động nhằm hoàn thiện khung pháp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại như blockchain và tem NFT, và tích hợp Việt Nam vào hệ thống bản quyền toàn cầu qua WIPO Connect. Mục tiêu là bảo vệ sáng tạo, biến "vốn nội dung" thành "tài sản số", và thúc đẩy kinh tế sáng tạo đóng góp vào GDP quốc gia (theo kinh nghiệm thực tế từ các quốc gia thực thi thành công thúc đẩy phát triển các ngành sáng tạo, ước tính có thể đạt 5-7%), đồng thời nâng cao uy tín Việt Nam trong các hiệp định thương mại như CPTPP và EVFTA.

Theo các chuyên gia, việc thực thi bảo vệ bản quyền thông qua thực hiện cấp phép quyền sao chép hợp pháp và độc quyền chống sao chép, minh bạch giữ nhiệm vụ then chốt trong việc giảm thiểu vi phạm bản quyền và quyền sao chép, thúc đẩy các chủ thể sáng tạo tiếp tục phát huy trí tuệ sáng tạo, góp phần nâng cao tỉ lệ giá trị tài sản trí tuệ trên tổng giá trị tài sản của hệ thống doanh nghiệp, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Với việc thế giới đã tích hợp Việt Nam vào hệ thống bảo vệ bản quyền toàn cầu thông qua nền tảng "WIPO Connect" trực thuộc Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Việt Nam đang rất nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa mình với các quốc gia phát triển.

Song hành với đó, "Hành trình 50+ tiến tới 100+" là lời cam kết xây dựng hệ thống Thương hiệu sáng tạo Việt, tôn vinh các chủ thể sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, thanh niên, sinh viên khởi nghiệp. 

Các quyết sách đột phá để đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình

Khởi động chương trình thực thi Sở hữu trí tuệ cho các Thương hiệu sáng tạo Việt- Ảnh 2.

Theo PGS.TS. Đào Duy Quát, chiến lược, đón đầu, kịp thời của Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị khi “đặt đất nước vào dòng chảy chính của thời đại. Ảnh: VGP/Lê Anh

Phát biểu tại lễ khởi động, PGS.TS. Đào Duy Quát, nguyên Phó Ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương chia sẻ, Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới là những tư tưởng, giải pháp đột phá, chiến lược, đang được thực tiễn chứng minh tính khoa học, cách mạng, thể hiện khát vọng và tiến trình bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.

Trong đó, Nghị quyết 57-NQ/TW có quan điểm chỉ đạo sâu sắc về bảo đảm an ninh dữ liệu của tổ chức và cá nhân, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo đảm dữ liệu thành nguồn tài nguyên tư liệu sản xuất quan trọng, xác lập quyền sở hữu, kinh doanh dữ liệu, phân phối giá trị tạo ra từ dữ liệu, phát triển kinh tế dữ liệu, thị trường dữ liệu, phát triển văn hóa số, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo PGS. TS Đào Duy Khoát, trong bối cảnh thế giới đang đứng trên thềm những vận hội chiến lược to lớn và sau 40 năm đổi mới, Việt Nam đang có những điều kiện tiền đề chiến lược để bước vào kỷ nguyên vươn mình.

"Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay mà nổi bật nhất là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… là động lực lớn nhất cho đất nước thực hiện mục tiêu, khát vọng của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", PGS. TS Đào Duy Quát nhận định.

Trong khi đó, sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất mới đòi hỏi phải ra đời quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Do đó, khi công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn phát triển mạnh mẽ, tất yếu phải hoàn thiện và thực thi hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ, bản quyền và quyền sao chép của chủ thể sáng tạo.

PGS. TS Đào Duy Quát cho rằng, Luật Sở hữu trí tuệ khẳng định quyền sở hữu của trí tuệ sáng tạo trong phương thức sản xuất số. "Sáng tạo dữ liệu số" trở thành đơn vị thao tác lao động sản xuất cơ bản. "Nội dung thông tin số" trở thành đơn vị sản phẩm lao động sản xuất cơ bản. "Vốn nội dung số" có tính xác thực và tính hữu dụng, đã trở thành nguyên liệu cơ sở, dòng máu, là tài nguyên, "tài sản cơ bản" của nền kinh tế số. Và "sở hữu nội dung" là sở hữu quyền lực mềm trong nền kinh tế công nghiệp sáng tạo 4.0.

Theo PGS. TS Đào Duy Quát, Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 59-NQ/TW là "quyết sách đột phá", đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong quá trình hội nhập của đất nước với việc định vị khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. 

Lê Anh


Nguồn: https://baochinhphu.vn/khoi-dong-chuong-trinh-thuc-thi-so-huu-tri-tue-cho-cac-thuong-hieu-sang-tao-viet-102250429172020053.htm


Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm