Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dương Văn Minh và những ngày cuối tháng 4.1975

Khi người lính cách mạng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập, ông Dương Văn Minh đã thốt lên: 'Các anh đã về, chúng tôi chờ các anh đến để bàn giao...'.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên29/04/2025


1. Ngay sau ngày Sài Gòn giải phóng, tôi được Ban Tổ chức Trung ương tăng cường tham gia công tác báo chí ở Sài Gòn và được Báo Tin Sáng mời cộng tác như một cố vấn không thường trực.

Nhà báo Lý Quí Chung, nguyên Tổng trưởng thông tin của thời Dương Văn Minh làm chủ bút. Tôi thường trao đổi với Lý Quí Chung, anh hay kể cho tôi về những ngày đấu tranh của nhóm dân biểu đối lập, anh kể về những ngày cuối cùng trước giờ G giải phóng Sài Gòn và một lần Lý Quí Chung đưa tôi đến thăm tướng Dương Văn Minh tại biệt thự Hoa Lan nằm trên đường Võ Văn Tần (ngày đó là đường Trần Quý Cáp). Dù được Lý Quí Chung giới thiệu trước, nhưng ông vẫn dè dặt. Sau hồi lâu trao qua đổi lại, ông nhìn tôi và chậm rãi nói:

Moa nói với toa thế này (ông vẫn quen dùng tiếng Pháp - toa (toi): anh, moa (Moi): tôi), toa có thể ghi vào sổ tay. Nếu moa không vì dân tộc này, không thương đồng bào, không muốn Sài Gòn đổ máu thì moa không nhận làm Tổng thống. Moa nhận để làm gì khi moa biết quân giải phóng đã vào sát Sài Gòn. Moa muốn đánh nhau thì moa đã không yêu cầu khẩn cấp Mỹ phải rút cơ quan tùy viên quân sự Mỹ (DAO) rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ. 

Moa đồng ý để nhóm Nguyễn Đình Đầu, rồi nhóm Trần Ngọc Liễng vào trại Davis để thông báo với quân giải phóng là quân đội của moa không chống cự, moa chờ Việt cộng vào, và Mặt trận Dân tộc Giải phóng nói sao moa làm y vậy. 

Moa có biết gì về tuyên bố ngày 26.4 của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đâu, chỉ biết đó là tuyên bố hòa bình thì moa liền cho tuyên bố "thực hiện đúng tuyên bố ngày 26.4 của Chính phủ Cách mạng miền Nam". Cũng chính vì thế, moa mời toàn bộ nội các vào Dinh Độc Lập để chờ cách mạng vào bàn giao, xét cho cùng thì bàn giao cũng là cách đầu hàng lịch sự mà thôi".

Dương Văn Minh và những ngày cuối tháng 4.1975 - Ảnh 1.

Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn

ẢNH TƯ LIỆU TTXVN

Trong những ngày này, có lần tôi cùng anh chị Vân Trang - Thiên Giang nhà văn, trí thức cách mạng Sài Gòn đến ăn tối với nhà sử học Nguyễn Đình Đầu tại tư gia của ông ở góc đường Nguyễn Du - Thủ Khoa Huân.

Cùng ăn với chúng tôi có anh Nguyễn Văn Diệp, nguyên Tổng trưởng kinh tế thời Dương Văn Minh, là cơ sở của cách mạng. Anh Diệp cho biết ông Đầu là người được chính quyền Dương Văn Minh cử vào trại Davis để tìm gặp đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Đầu cười vui và kể lại: "Tình thế khi đó cấp bách lắm, Quân giải phóng đã tiến sát Sài Gòn. Nhóm Trí Việt (tên gọi tắt của lực lượng trí thức Sài Gòn có xu hướng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) chúng tôi bàn nhau, nếu không có giải pháp gì thì Sài Gòn sẽ tan nát vì bom đạn chiến tranh và tắm máu.

Tôi thì Việt cộng không phải, chính quyền cũng không, không có chức gì cả, kể cả cái hàm giáo sư mà họ khoác cho tôi cũng sai luôn, tuy nhiên mọi người biết tôi là một trí thức hồi đầu kháng chiến năm 1945 có giúp Chính phủ Cụ Hồ nên nhóm cử tôi đi gặp tướng Dương Văn Minh để tìm cách.

Dương Văn Minh và những ngày cuối tháng 4.1975 - Ảnh 2.

Ông Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng tại Đài Phát thanh Sài Gòn

ẢNH: PHẠM KỲ NHÂN

Tôi đi tìm gặp ông Nguyễn Văn Huyền. Ông Huyền nói với tôi: Ông Dương Văn Minh giao cho tôi giữ chức Phó tổng thống phụ trách hòa đàm mà giờ biết đàm với ai để hòa. Ông Huyền cũng nói: Ông Dương Văn Minh và chúng tôi nhận cái Chính phủ này là vì chúng tôi sợ chiến tranh, sẽ đầu rơi máu đổ.

Ông Minh đã dặn: Làm gì thì làm, chúng ta phải có giải pháp để đồng bào mình không chết. Ông Huyền nhất trí giao cho tôi cùng anh Nguyễn Văn Diệp, anh Nguyễn Văn Hạnh và anh Tô Văn Cang vào trại Davis gặp đại diện Chính phủ cách mạng (sau này tôi biết được ông Hạnh là cơ sở, ông Cang là lực lượng tình báo của cách mạng).

Cuộc gặp ấy không giải quyết được yêu cầu như ông Minh, ông Huyền mong muốn, nhưng cái được nhất là chúng tôi đã thông tin đến Chính phủ cách mạng là chính phủ Sài Gòn sẵn sàng bàn giao và không đánh nhau nữa để Quân giải phóng có kế hoạch tiến nhanh".

Khi nghe ông Đầu, ông Diệp từ trại Davis về báo cáo lại ý của phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng rằng mọi việc đã trễ, không có gì cản nổi sự tiến công của Quân giải phóng. Mặt trận Dân tộc Giải phóng yêu cầu chính quyền Sài Gòn chấp nhận tuyên bố ngày 26.4.1975 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam.

Ông Đầu kể tiếp: "9 giờ ngày 30.4, tôi nói chuyện với tổng thống Dương Văn Minh ở văn phòng Thủ tướng - số 7 đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn). Sau khi nghe tôi nói lại cuộc gặp ở trại Davis. ông Dương Văn Minh đã đồng ý sẽ có tuyên bố vì hòa bình. Ông gọi điện thoại cho đài phát thanh yêu cầu chuẩn bị để phát đi tuyên bố quan trọng của Tổng thống".

* * *

2. Những thông tin từ những năm 1975, 1976 về Dương Văn Minh nằm im trong sổ tay tư liệu của tôi nhiều năm. Một câu hỏi luôn trăn trở trong tôi: "Dương Văn Minh là người thế nào?". Một hôm của năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Trong câu chuyện, Thủ tướng hỏi luật sư Nguyễn Hữu Thọ:

- Anh Ba đánh giá như thế nào về ông Dương Văn Minh?

- Tôi nghĩ đó là một người biết vì dân tộc - luật sư Nguyễn Hữu Thọ đáp.

Ý kiến của hai vị lãnh đạo làm sống dậy những trăn trở trong tôi.

Dương Văn Minh và những ngày cuối tháng 4.1975 - Ảnh 3.

Đoàn xe tăng lao qua cổng chính, tiến vào sân Dinh Độc Lập sáng 30.4. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận ra khỏi xe 843, lấy lá cờ trên xe của mình treo lên cột cờ trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút

ẢNH TƯ LIỆU TTXVN

Trong câu chuyện trao đổi với tôi, anh Nguyễn Văn Diệp và cả Lý Quí Chung, hai vị nguyên là tổng trưởng trong nội các Dương Văn Minh còn kể một chuyện cần được ghi lại: Sáng 30.4, một sự kiện đặc biệt xảy ra trước giờ G của cách mạng, đó là việc tướng già Pháp Vanuxem từ Paris bay qua, không hẹn trước đã vào dinh Thủ tướng xin gặp Dương Văn Minh. Lý Quí Chung là người đầu tiên tiếp và đưa Vanuxem vào gặp Dương Văn Minh.

Vanuxem: "Tôi từ Pháp mới đến, chờ các ông ở Dinh Độc lập. Nghe nói các ông đang ở đây nên tôi đến. Hỏi xem tình hình hiện nay đã ra sao rồi".

Dương Văn Minh trả lời: Tình hình không hy vọng nữa. Để tránh đổ máu vô ích, tôi sắp phát thanh lời tuyên bố bàn giao lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời.

Vanuxem nói: Không phải hết hy vọng đâu. Tôi đã thu xếp xong ở Paris. Đề nghị ông nhờ Trung Quốc bảo trợ cho…

Dương Văn Minh: Tôi không có liên lạc với Trung Quốc.

Ở giờ phút đó Vanuxem đề nghị Dương Văn Minh lên đài phát thanh tuyên bố: Cần sự trợ giúp của nước ngoài với lý do "Hà Nội vi phạm Hiệp định Paris". Vanuxem cam kết trong vòng 24 giờ sẽ có sự hỗ trợ mạnh mẽ của quân đội nước ngoài và nói rõ là quân Trung Quốc sẽ đổ vào miền Nam, tình thế sẽ được cứu vãn.

Dương Văn Minh nghe xong trả lời ngay: "Xin cảm ơn, bây giờ đất nước chúng tôi sắp chấm dứt chiến tranh. Xin ông để chuyện này cho người Việt Nam chúng tôi tự giải quyết". Nói xong tướng Minh bắt tay: "Cảm ơn" và tống tiễn Vanuxem ra cửa để ông chuẩn bị đọc tuyên bố của Tổng thống yêu cầu binh lính Cộng hòa ngưng nổ súng và chuẩn bị bàn giao chính quyền.

Lý Quí Chung nói đó là một quyết định lịch sử. Ông Minh không muốn gì hơn là chấm dứt chiến tranh, là bàn giao chính quyền cho cách mạng. Lý Quí Chung bình thêm: "Nếu thời khắc đó Dương Văn Minh chỉ cần gật đầu với Vanuxen, hoặc có mấy lời hô khẩu hiệu, hoặc là im lặng bảo vệ Sài Gòn, thì chắc chắn Sài Gòn tan nát và sẽ có cảnh máu đổ đầu rơi".

Dương Văn Minh và những ngày cuối tháng 4.1975 - Ảnh 4.

Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các ra trước đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc chiến tranh tại Việt Nam

ẢNH TƯ LIỆU TTXVN

Ông Nguyễn Đình Đầu cho tôi một tài liệu mấy điều xác nhận về thời khắc lịch sử đó của Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, toàn văn như sau:

1. Tôi nghĩ chính quyền Dương Văn Minh thành lập không phải để đối đầu mà để hòa giải dân tộc (theo tinh thần hiệp định Paris), nên tôi nhận tham dự vai trò "Phó Tổng thống đặc trách hòa đàm".

Sáng sớm 29.4.1975, ông Nguyễn Đình Đầu gặp tôi và hỏi đã tiếp xúc được với phía bên kia chưa. Tôi liền xin ông đi trại Davis, nếu có thể đặng tìm cách ngừng bắn, rồi tôi đi báo cáo sự vụ với ông Dương Văn Minh (ông Nguyễn Đình Đầu chỉ là bạn cùng sinh hoạt tôn giáo với tôi, chứ không phải cộng sự chính trị của tôi, như một số tin nước ngoài đã nói).

Gần 5 giờ chiều, ông Nguyễn Đình Đầu đến trao cho tôi một bản dự thảo "Tuyên bố chấp nhận điều kiện ngừng bắn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam" do ông Nguyễn Văn Diệp và ông Nguyễn Đình Đầu đã soạn thảo sau khi ở trại Davis về. Tôi liền đem bản dự thảo đó đến ông Dương Văn Minh thông qua rồi tới đài ghi âm phát sóng.

Khoảng 7 giờ tối, tôi lại cùng ông Nguyễn Đình Đầu đi gặp ông Dương Văn Minh gợi ý nên có sáng kiến gì thêm về phía quân đội nhằm ngừng tiếng súng, vì về phần chính trị thì tôi đã làm hết mình.

2. Sáng sớm 30.4.1975, tôi không gặp ông Nguyễn Hữu Hạnh cùng với ông Dương Văn Minh, mà ông Dương Văn Minh cho mời tôi đến dinh Thủ tướng để làm việc. Trước khi đi, một sĩ quan đã báo cáo cho tôi về tình hình chiến sự quanh thành phố, quân giải phóng đã gần kề. Trên đường, tôi nói riêng với ông Nguyễn Đình Đầu là chỉ còn giải pháp đầu hàng. Khi tới dinh Thủ tướng, tôi đã sẵn sàng nhất trí với nội dung "tuyên bố chuyển giao quyền hành" của ông Dương Văn Minh. Sau đó, ông Nguyễn Đình Đầu từ biệt tôi và nhận đi tìm ông Nguyễn Văn Diệp và ông Tô Văn Cang tới giúp chúng tôi trong việc tiếp xúc ban đầu với chính quyền cách mạng.

3. Ông Dương Văn Minh tiếp Vanuxem rất ngắn gọn trước mặt ông Vũ Văn Mẫu và tôi. Tôi không nói gì. Kể như đã nhất trí rồi, ông Dương Văn Minh dứt khoát từ chối kế hoãn binh của Venuxem.

4. Tôi đã thở ra nhẹ nhõm khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn và Dinh Độc Lập. Riêng phần tôi, không biết tương lai sẽ ra sao nhưng vì tinh thần trách nhiệm, sau khi được chích và uống thuốc tôi đã từ nơi chữa bệnh trở vào Dinh Độc Lập".

* * *

3. Giáo sư Lý Chánh Trung có lần kể lại với tôi rằng ông Dương Văn Minh năm 1945 có theo kháng chiến một thời gian và ông có người em ruột là sĩ quan trong quân đội cách mạng.

Sau này khi giúp Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ biên tập tác phẩm "Chung một bóng cờ" (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia in), tôi lại được đọc lời kể của giáo sư Lý Chánh Trung về giai đoạn này như sau:

Có một lần tôi hỏi tướng Minh:

- Tại sao hồi năm 1945 đại tướng không theo kháng chiến?

Tướng Minh trả lời:

- Có, nhưng theo không nổi. Hồi đó tôi là trung úy trong quân giới Pháp. Theo kháng chiến, mấy anh cũng cho tôi làm quân giới, nhưng khi Pháp chiếm Sài Gòn thì nhóm quân giới rút về Mỹ Tho. Khi các anh ấy rút vào bưng, không cho tôi biết, đến sáng Pháp đã chiếm lấy thành. Tôi lên xe đạp chạy tìm, nhưng Tây đã chặn hết các nút rồi. Tôi bị một thằng bạn cũ chặn bắt, đem nhốt tôi ở bót Catina. Bị giam mấy tháng thì đầu hàng và ra làm việc lại. Lúc đầu tôi không muốn hành quân nhưng sau cũng không giữ được.

Dương Văn Minh và những ngày cuối tháng 4.1975 - Ảnh 5.

Sài Gòn cùng với cả nước ngợp cờ hoa, biểu ngữ ăn mừng chiến thắng

ẢNH TƯ LIỆU TTXVN

Lúc Tướng Minh ra tranh cử Tổng thống Sài Gòn năm 1969, trong một cuộc họp báo chí, có một phóng viên Mỹ nói: "Nếu ông được làm tổng thống mà có yêu cầu đưa thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Nam thì ông nghĩ sao?".

Ông Minh trả lời: "Đối với chúng tôi, điều trăn trối của người sắp chết rất thiêng liêng. Nếu Hồ Chủ tịch đã trăn trối như vậy thì cứ đưa vào".

Một lần nữa, lúc Mỹ ném bom miền Bắc, một lần tôi nói với tướng Minh: "Nếu tôi là thanh niên miền Bắc mà Mỹ dội bom như thế này thì nhất định tôi phải đi lính chống lại Mỹ. Đại tướng có nghĩ như tôi không?".

Ông Minh gật đầu tán đồng.

Vốn là người không thích hoạt động chính trị, nhưng tại sao ông Minh lại tham chính? Theo ý riêng của tôi, ông Minh xem mình thuộc phe gọi là "quốc gia thân cộng sản", lúc đó còn lại rất ít, vì hồi 1945 hầu hết đã theo kháng chiến. Do đó, ông Minh muốn đứng ra nhận vai trò lịch sử của lực lượng đó.

Tôi đã đặt câu hỏi với tướng Minh: Tại sao ông lại ra nhận chức Tổng thống Sài Gòn để rồi chịu đầu hàng, ông trả lời: "Tôi cũng biết như vậy, nhưng ở đây còn là vấn đề nhân đạo. Bớt đổ xương máu chừng nào tốt chừng nấy". Theo tôi, lúc nhận chức tổng thống, tướng Minh không hề có ảo tưởng gì về giải pháp chính trị.

Dương Văn Minh và những ngày cuối tháng 4.1975 - Ảnh 6.

Các chiến sĩ Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập cắm cờ cách mạng

ẢNH TƯ LIỆU TTXVN

Trong "Chung một bóng cờ" có in ý kiến của những người trong cuộc liên quan đến Dương Văn Minh. Tôi xin trích ra đây:

Trần Ngọc Liễng (Dân biểu đối lập dưới thời Nguyễn Văn Thiệu).

Khi Hương đã chấp nhận giao quyền lại cho Minh, tôi nói với Minh: "Tình hình đã thay đổi rồi, giờ này còn nhận làm gì nữa?" Minh nêu hai lý do tại sao Minh quyết định như vậy:

Một là, nếu Minh không đứng ra, có thể sẽ có đảo chính, dân chúng sẽ chết nữa.

Hai là, Mỹ đã nói với Thiệu, sau Hiệp định Paris, nếu Việt cộng tiến công thì Mỹ sẽ thả bom CBU. Minh phản đối điều đó vì bom CBU là vũ khí giết người hàng loạt, sẽ chết dân chúng.

Do đó Minh phải chấp nhận, dù biết hết phương cứu chữa rồi.

Hồ Văn Minh (Dân biểu đối lập dưới thời Nguyễn Văn Thiệu)

Lúc Trần Văn Hương đã chấp nhận trao quyền rồi, sau bữa cơm trưa, tôi hỏi tướng Minh: "Theo đại tướng, tình hình đã đến thế này, còn có thể làm gì được nữa?". Tướng Minh trầm ngâm một lát rồi nói: "Tình hình tuy đen tối, nhưng vẫn phải làm chính trị, tôi nghĩ bên kia cũng cần mình".

Lý Quí Chung (nguyên Tổng trưởng thông tin chính quyền Dương Văn Minh)

Trong Chính phủ, Minh không có người nào cầm quân, vì Thiệu đã loại những người thân Minh trong bộ máy quân sự từ lâu rồi. Chỉ còn lực lượng chính trị trong các giới báo chí, trong số dân biểu Sài Gòn đối lập với chính sách của Thiệu.

Tối 27.4.1975, Minh họp nội bộ của "nhóm" để phân chia các ghế Bộ trưởng. Lúc đầu, có ý kiến đề nghị anh Hồ Ngọc Nhuận làm Bộ trưởng thông tin, nhưng sau anh Lan, anh Ba bàn và đề nghị chuyển lại cho tôi. Khi biết Bùi Tường Huân làm Bộ trưởng Quốc phòng, anh em phản đối, nhưng Minh giải thích: "Mình có đánh đấm gì đâu?".

Sáng 28.4.1975, Minh đồng ý cho tôi được bớt những luận điệu chống cộng trên đài phát thanh, truyền hình. Tôi viết một số khẩu hiệu kêu gọi hòa bình, kêu gọi thương thuyết đưa cho Mẫu duyệt, Minh đồng ý và cho phát.

Ngày 29.4.1975, Minh ký quyết định bổ nhiệm Vũ Văn Mẫu làm Thủ tướng và tôi làm Bộ trưởng Thông tin.

Đầu tiên, Minh giữ lời hứa là thả tù chính trị. Huỳnh Tấn Mẫm cũng được thả dịp này. Tôi đưa Mẫm xuống Đài truyền hình phát biểu để đồng bào an tâm, không hoảng sợ vì luận điệu hù dọa "tắm máu" của Thiệu trước đây, tôi đã lên nói trên đài, đại ý: đồng bào hãy tin tưởng chính phủ quyết đi đến hòa giải, hòa hợp, không đánh nhau, không có chuyện tắm máu. Đại tướng Dương Văn Minh hứa thả tù chính trị, việc đó đã được thực hiện rồi. Tôi giới thiệu Huỳnh Tấn Mẫm phát biểu để minh chứng.

Việc đầu tiên của tôi ở Bộ Thông tin là quyết định đổi tên "Bộ Thông tin chiêu hồi" thành Bộ Thông tin. Tôi đánh điện đi bốn vùng: Từ nay không được dùng từ "Việt cộng" trong các văn bản nữa mà thay bằng "Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam", gọi luật sư Nguyễn Hữu Thọ là Chủ tịch.

Dương Văn Minh và những ngày cuối tháng 4.1975 - Ảnh 7.

Dinh Độc Lập ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, nhất là vào ngày 30.4

ẢNH: MAI THANH HẢI

Ngày 29.4.1975, trên đường từ nhà đến dinh Hoa Lan, tôi thấy rõ được tình thế đã hỗn loạn. Tôi nói với tướng Minh: "Thưa Trung tướng, ở Sài Gòn có thể xảy ra bất cứ chuyện gì. Xin trung tướng chuyển giao chính quyền cho cách mạng". Do không có tham vọng, Minh sẵn sàng đồng ý chấp nhận điều tôi đề nghị.

Chúng tôi bàn với nhau, nếu tuyên bố công khai "Chính quyền bỏ ngỏ" vào tối ngày 29.4 thì sẽ tạo ra sự rối loạn, nên giữ bí mật để sáng 30.4 mới công bố.

Sáng 30.4.1975, tại Dinh Độc Lập, Minh nói rõ tình thế và quyết định chuyển giao quyền hành cho Chính phủ cách mạng. Huyền, Mẫu, Huân đều không có ý kiến phản đối.

Tôi cho gọi Đài phát thanh đem máy lên. Minh đọc lần thứ nhất bị vấp, lần thứ hai có người đẩy cửa, lần thứ ba mới đạt.

Anh Nguyễn Hữu Hạnh đưa ý kiến: "Nếu chỉ có tuyên bố của Tổng thống thì e rằng quân đội có người không tuân theo, cần phải có nhật lệnh mới được. Minh chấp nhận thảo nhật lệnh cho quân đội".

Dự thảo tuyên bố cho Tổng thống do Vũ Văn Mẫu viết. Tướng Minh xem, đưa cho Huyền, Mẫu xem lại rồi đưa vài người coi. Trong bài có câu: "Chúng tôi ngồi đây, chờ quý vị vào để thảo luận". Có người góp sửa lại: "Chúng tôi ngồi đây chờ các anh tới để trao quyền"…  Dương Văn Minh ngồi sửa lại mấy từ rồi bước qua phòng để đọc.

Sau tuyên bố của Dương Văn Minh, Nguyễn Hữu Hạnh với tư cách Tổng tham mưu trưởng đã có nhật lệnh tiếp theo.

Đọc tuyên bố rồi, tướng Minh nói: "Mọi việc coi như xong, ai muốn đi hay ở thì tùy". Nguyễn Hữu Chung có người anh làm hoa tiêu chiếc tàu Việt Nam thương tín, xin Minh cấp giấy phép cho rời bến. Minh đồng ý và nói: Ai muốn đi theo thì đi. Minh bảo tôi nên đi vì đông con, tôi từ chối. Minh hỏi từng người. Huyền dứt khoát không đi, còn Mẫu nói: "Tôi chỉ đi khi nào Mặt trận Dân tộc giải phóng vào và cho tôi đi". Bùi Tường Huân hỏi: "Bây giờ tôi về rước vợ lên liệu có kịp không?". Bi kịch của Huân là gia đình anh đã đi hết rồi mà anh không biết.

Dương Văn Minh và những ngày cuối tháng 4.1975 - Ảnh 8.

Dinh Độc Lập hiện nay là điểm đến yêu thích của người dân trong các dịp lễ kỷ niệm

ẢNH: PHẠM HỮU

Chúng tôi gồm một số dân biểu, nội các cũ ngồi ở phòng của Thiệu để chờ bàn giao quyền hành. Tôi đi ra phía trước đứng chờ, trong lòng xúc động vì cuộc kết thúc hôm nay.

Tuyên bố trên đài phát thanh của Dương Văn Minh dưới danh nghĩa Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lúc 9 giờ 30 ngày 30.4.1975. Toàn văn như sau:

"Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sanh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Cộng hòa hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng, và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận về lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào".

* * *

5. Năm 2006, ông Võ Văn Kiệt - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, là Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo công trình tổng kết lịch sử Nam bộ kháng chiến đã chủ trì cuộc tọa đàm vào ngày 31.10 về vai trò của Dương Văn Minh. Tham dự là những chứng nhân lịch sử, trong đó có các ông Nguyễn Đình Đầu, ông Nguyễn Hữu Hạnh, ông Triệu Quốc Mạnh, ông Dương Văn Ba, ông Huỳnh Tấn Mẫm, ông Đinh Văn Đệ, bà Bùi Thị Mè, bà Trần Ngọc Liễng…

Họ đã nhớ lại và phát biểu những gì họ đã biết, đã thấy. Đây là những người trong cuộc, những nhân chứng lịch sử, trong số đó có những người là lực lượng tình báo, là lực lượng binh vận, điệp báo của ta, là cơ sở của cách mạng nằm trong chính quyền Sài Gòn. Hôm đó, ông Võ Văn Kiệt trong phần kết luận đã nói:

"Điều mong muốn nhất của chúng ta là đánh giá đúng con người cũng như sự nghiệp của họ. Ở đây chúng ta phải tìm đúng sự thật. Đánh giá về ông Dương Văn Minh, thì không chỉ đánh giá phần kết thúc, chấp nhận đầu hàng hay không đầu hàng, bàn giao hay là buộc phải đầu hàng. Về nhân vật này, con người này đánh giá không phải chỉ ở một thời điểm đặc biệt như thế. Cơ cấu chính phủ Dương Văn Minh không phải sắp đặt mà là tự nhiên, nếu tự nhiên mà Dương Văn Minh kết hợp một Chính phủ sau cùng này, có Công giáo, có Phật giáo thì rất hay. Nói chung là chủ hòa, muốn tìm giải pháp. Về Dương Văn Minh, chúng ta tìm hiểu từ lúc đầu, kể cả sau khi chúng ta kết thúc, quá trình của ông sống ở đây, thành phố này và sau khi đi qua Pháp. Chính khi kết nối mấy cái đó lại, chúng ta mới có thể đánh giá đúng Dương Văn Minh.

Tôi nói vài sự kiện: Đối với Pháp, khi anh Minh qua bên Pháp, có thể Pháp cũng đặt nhiều vấn đề như nhập quốc tịch Pháp. Trước khi đi, anh Minh cam kết không làm bất cứ cái gì có hại cho đất nước, anh Minh đã giữ vững sự cam kết đó. Tôi đi Pháp, tôi còn gặp hai vợ chồng ông và trước khi ông rời Sài Gòn qua Pháp tôi có ăn bữa cháo để tiễn hai ông bà. Chuyện này liên quan nhiều lắm là gia đình, quá trình... Cho nên chúng ta đánh giá con người phải xem xét các mối liên hệ toàn diện.

Dương Văn Minh và những ngày cuối tháng 4.1975 - Ảnh 9.

Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4.1975

ẢNH TƯ LIỆU TTXVN

Thứ hai, tình hình không thể đảo lộn được chiến thắng của mình. Về chiến dịch cuối cùng, về tư tưởng chiến lược, quyết tâm chiến lược là giải phóng hoàn toàn miền Nam, chúng ta xác định một cách dứt khoát như thế. Giải phóng càng nhanh càng tốt; giải phóng nội trong năm 1975, không quá mùa khô của năm 1975, quyết tâm của Đảng là như thế, không phải ngập ngừng về chuyện này. Thật ra lúc đó không còn thời điểm thương lượng nữa. 

Trong tình hình như thế, tương quan lực lượng như thế, Mỹ bên ngoài như thế, rồi cả những cái của người "anh em", cũng có nhiều chuyện lắm. Nhưng dứt khoát là phải giải phóng, nghĩa là gần như chúng ta chấp nhận "bất cứ giá nào cũng phải giải phóng miền Nam", dù có một cái trục trặc nào đó, dù phải chiến đấu ngay ở thành phố này, tức là có thể đổ vỡ. Trước đây mình đã có dự tính như thế, còn dự tính phải đánh xuống dưới đồng bằng. Nhưng dứt khoát không để bất cứ một vấn đề nào làm cho chiến dịch bị chựng lại. 

Bởi vì trong thời điểm đó, nếu ngập ngừng, hoặc kéo dài ra không kết thúc sớm thì Mỹ có thể giải quyết được mâu thuẫn, rồi có những cái này, cái khác, cả bên ngoài, rất phức tạp không thể cách nào khác, không thể thương lượng, không thể bàn bạc lúc bấy giờ nữa. Đã là chiến dịch, đã là quyết chiến, thì chỉ có đi tới không còn số lùi, không còn ngập ngừng. Tư tưởng chiến lược trong chiến dịch là như thế. Đến bây giờ điều đó là hoàn toàn đúng.

* * *

6. Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, một lần tôi cùng Lý Quí Chung đến số 6 Phan Kế Bính, nhà riêng của tướng Nguyễn Hữu Hạnh để thăm ông. Lúc này anh Hạnh và tôi cùng tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và anh Hạnh làm phó cho tôi trong một tổ chức kinh tế của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Hôm ấy, tôi đề nghị hai anh kể lại vài chi tiết về giờ phút lịch sử 30.4 ở Dinh Độc Lập năm 1975.

Lý Quí Chung: Sáng 30.4, chúng tôi có mặt tề chỉnh ở phòng khánh tiết để chờ Quân giải phóng theo lệnh của tướng Minh.

Nguyễn Hữu Hạnh: gần 11 giờ, sốt ruột tôi đi ra cửa thì cũng đúng lúc xe tăng quân giải phóng húc tung cổng sắt tiến vào Dinh. Một người tay cầm súng, tay cầm lá cờ chạy nhanh vào Dinh và hỏi đường lên nóc để cắm cờ. Sau này tôi biết đó là Bùi Quang Thận. Một người lính Quân giải phóng khác mang súng AK lăm lăm trong tay, yêu cầu chúng tôi vào hết trong phòng. Chỉ khoảng mười phút sau từ một xe tăng nữa, một người tay cầm súng lục tiến vào phòng. Tôi tự giới thiệu với anh ta:

- Thưa ông, tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá quân sự cho Tổng thống Dương Văn Minh. Chúng tôi đang chờ quý ông. Sau đó, tôi giới thiệu với anh ta:

- Thưa ông, đây là Tổng thống Dương Văn Minh.

Anh ta đưa tay bắt tay tướng Minh và tự giới thiệu: "Tôi là đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66" và ông nói mấy lời về chính sách khoan hồng của cách mạng với tướng Minh.

Dương Văn Minh và những ngày cuối tháng 4.1975 - Ảnh 10.

Các chiến sĩ xe tăng 843 trưa 30.4.1975

ẢNH TƯ LIỆU TTXVN

Ngay sau đó, một người cao to mặc quân phục quân giải phóng tiến vào. Đó là trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng, cấp trên của đại úy Thệ.

Tướng Minh tỏ vẻ an tâm nói với ông Tùng:

- Thưa ông, đây là toàn bộ nội các, chúng tôi chờ các ông đến để bàn giao chính quyền.

- Không, các ông có còn gì đâu mà bàn giao. Các ông phải đầu hàng. Bùi Văn Tùng trả lời dứt khoát.

Nguyễn Hữu Hạnh kể đến đây thì Lý Quí Chung xen ngay vào:

Tôi cũng nghĩ trong đầu là sẽ bàn giao, nhưng nghe ông Tùng nói, chúng tôi hơi bẽ bàng lúng túng.

Sau đó, theo lệnh của trung tá Bùi Văn Tùng, Quân giải phóng đưa Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu sang đài phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng.

Ba chúng tôi trao đổi khá nhiều chuyện. Anh Nguyễn Hữu Hạnh chậm rãi nói: "Sẽ có một bất ngờ cho hai anh". Thì ra anh Hạnh đã mời một người khách quý, đó là Bùi Văn Tùng. Thật là thú vị.

Dương Văn Minh và những ngày cuối tháng 4.1975 - Ảnh 11.

Chính ủy Bùi Văn Tùng và nhà báo B.Gallash tại Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975

TƯ LIỆU

Tôi gặp Bùi Văn Tùng lần đầu, nhưng là những người lính Cụ Hồ với nhau nên rất vui vẻ. Bùi Văn Tùng to khỏe vạm vỡ, nhìn đôi dép cao su của anh, tôi lại nhớ ngày báo công trước Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở Dinh Độc Lập, anh vẫn mang đôi dép này, bởi vì chân anh quá to nên không có giày mang vừa, và vì vậy đôi dép cao su trở nên kỳ tích được báo chí nhắc đến.

Sau hồi trao qua đổi lại, tôi hỏi ba người:

- Hỏi thật các anh, anh Tùng là một trong những người có mặt đầu tiên ở Dinh Độc Lập, anh Lý Quí Chung thì là trong cuộc, rất gần anh Hạnh. Các anh có linh cảm hay báo hiệu nào chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh là người của lực lượng tình báo cách mạng không?

Lý Quí Chung lắc đầu: Làm sao biết nổi.

- Bùi Văn Tùng: Bí mật là sự hy sinh to lớn, nhưng chính những bí mật đó tạo nên những kỳ tích.

Lý Quí Chung (lúc này là Tổng thư ký tòa soạn Báo Tin Sáng) hỏi anh Tùng: "Vì sao các anh không chấp nhận cho bàn giao như hồi Bảo Đại năm 1945". Anh Tùng cười: "Mệnh lệnh của cấp trên là như vậy, phải đầu hàng, không thương lượng bàn giao". Quay sang tôi, anh Tùng khẳng định: "Lệnh mà, anh biết rồi".

Tôi hiểu, tôi nhớ lại thời khắc đó. Sáng 30.4.1975, các cánh quân cách mạng từ mọi phía đã áp sát Sài Gòn. Mũi chủ công bằng xe tăng tiến theo quốc lộ 1 cũng đã vượt qua cầu Đồng Nai - Biên Hòa. 9 giờ 35 phút ngày 30.4.1975, ngay sau khi nghe tuyên bố của Dương Văn Minh phát trên Đài Sài Gòn, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đã có lệnh hỏa tốc đến các mặt trận, các mũi tiến công:

"Các cánh quân hãy đánh mạnh, tiến nhanh, chiếm các mục tiêu đúng quy định. Hội quân tại Dinh Độc Lập ngụy. Địch không còn có gì để thương lượng bàn giao, chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Tiến lên! Toàn thắng!".

Dương Văn Minh và những ngày cuối tháng 4.1975 - Ảnh 12.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên lễ đài

ẢNH TƯ LIỆU TTXVN

Và trước đó, từ đầu tháng 4, mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát đi hỏa tốc đến toàn Mặt trận: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng".

Mệnh lệnh trên là bất di bất dịch. Vì vậy, việc Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập và đã nói với Dương Văn Minh "các ông không còn gì để bàn giao", "phải đầu hàng" là việc thực hiện hoàn thiện mệnh lệnh.

Lý Quí Chung hỏi tiếp:

- Tôi hỏi anh Tùng điều này. Hôm đó lúc ở lại Dinh, sau khi yêu cầu chúng tôi đầu hàng, anh có nói: Bây giờ các ông được tự do, nghĩa là sao?

Anh Bùi Văn Tùng nhìn Lý Quí Chung, nhìn anh Hạnh rồi nói:

- Nguyên tắc đã đầu hàng là tù binh và có khi phải quản thúc…, còn các anh thì không phải tù binh.

Trở lại câu chuyện năm xưa, tôi đề nghị Lý Quí Chung kể vài nét diễn biến của giờ phút lịch sử tại đài phát thanh trưa 30.4.1975. Lý Quí Chung nhìn Bùi Văn Tùng và kể:

- Anh Hạnh khi đó ở lại Dinh Độc Lập với toàn bộ nội các. Anh Tùng yêu cầu tôi cùng đi với anh qua đài phát thanh. Lúc đó có một nhà báo nước ngoài đang có mặt ở Dinh Độc Lập. Boerries Gallasch, phóng viên báo Tấm Gương của Cộng hòa Liên bang Đức quen với tôi, xin đi theo. Tôi nói với anh Tùng cho anh ta theo để đưa tin ra thế giới. Hơn nữa, có khi cái máy ghi âm của anh ta cần cho việc thu các lời tuyên bố.

Anh Tùng đồng ý. Chiếc xe Jeep chở Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và đại úy Phạm Xuân Thệ chạy trước. Xe chở anh Bùi Văn Tùng do có sự trao đổi về việc nhà báo Đức đi theo nên xuất phát chậm một chút. Tôi và Gallasch ngồi cùng xe Jeep với anh Tùng.

Khi đến đài phát thanh, tôi đưa anh Tùng vào phòng thu, lúc đó anh Thệ đang yêu cầu ông Dương Văn Minh viết lời tuyên bố đầu hàng. Thấy anh Tùng vào, đại úy Thệ giao lại cho anh Tùng. Tôi và Nguyễn Hữu Thái (Tổng thư ký Hội Sinh viên, lực lượng nội thành của cách mạng) đứng bên cạnh. Chúng tôi thấy anh Tùng viết trên tờ giấy màu xanh cứ viết rồi xóa, có mấy hàng mà cứ viết đi viết lại, rất sốt ruột.

Dương Văn Minh và những ngày cuối tháng 4.1975 - Ảnh 13.

5 giờ 30 sáng 30.4, Sư đoàn 10 và hai đại đội xe tăng của Trung đoàn thiết giáp 273 tấn công sân bay Tân Sơn Nhất

ẢNH TƯ LIỆU TTXVN

Anh Tùng giơ tay cắt ngang: Viết ngắn mới khó, lại là lời tuyên bố lịch sử nên càng khó hơn. Anh Tùng kể lại khi đó Dương Văn Minh chỉ muốn viết "Tôi là đại tướng Dương Văn Minh", không xưng là tổng thống. Sau khi tôi phân tích phải là tổng thống mới có giá trị của tuyên bố, ông đồng ý nhưng lại không muốn xưng là tổng thống.

Trao qua đổi lại ông Minh đồng ý dùng tất cả. Tôi cũng không viết "Chánh quyền Việt Nam Cộng hòa" mà gọi là "Chánh quyền Sài Gòn", "Quân lực Cộng hòa" thay cho quân đội "Việt Nam Cộng hòa". Tôi nhất quyết phải có chữ "Không điều kiện" đi sau chữ đầu hàng. Đấy, cái khó nhất là thời gian cấp bách tôi phải viết đi viết lại là như vậy.

Lời đầu hàng thảo xong, ông Minh đọc cho quen mặt chữ để khi đọc trước máy không bị vấp. Lúc này một sự cố xảy ra: Do chiến sự, nên nhân viên của đài, bỏ đài chạy về nhà lo tản cư. May sao nhà báo Đức đi theo có máy cassette. Chúng tôi dùng máy của anh để thu. Thu xong ông Minh cùng chúng tôi nghe lại. Tôi nhìn đại úy Thệ để hỏi anh có ý kiến gì không, Thệ gật đầu. Tôi cho phát sóng.

Im lặng một lúc, Bùi Văn Tùng nói tiếp: các anh biết không, sau khi Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng, tôi thay mặt bên ta đọc lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng. Chỉ mấy câu mà tôi cứ nghẹn ngào xúc động đến muốn khóc.

- Tôi cũng vậy, Nguyễn Hữu Hạnh tiếp thêm: sau lời tuyên bố của Dương Văn Minh, tôi thay mặt Tổng tham mưu trưởng đọc nhật lệnh mà cả người cứ rung lên, cảm xúc dâng trào, không thể nghĩ rằng mình lại có mặt trong giờ phút lịch sử đó.

Bùi Văn Tùng nói thêm:

- Đến giờ nghĩ lại vẫn thấy xúc động. Anh nghĩ xem biết bao nhiêu đồng đội của mình nằm xuống, cả triệu người chứ ít đâu. Cho nên giờ phút đó, nó thiêng liêng lắm. Những câu tôi viết, những lời tôi đọc lúc đó như có hồn thiêng sông núi, có linh khí của đồng đội…

Thời gian qua đi, quá khứ được xuất hiện bởi những tài liệu ngày càng lộ ra. Trước ngày 30.4.1975 một tuần lễ, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố trong cuộc họp báo: "Sự đầu hàng của chính quyền Sài Gòn là không tránh khỏi...". Henry Kissinger thì hy vọng Dương Văn Minh làm tổng thống sẽ thương lượng được với chính phủ cách mạng để "bàn giao", nói cách khác là có sự đầu hàng trong danh dự.

Dương Văn Minh và những ngày cuối tháng 4.1975 - Ảnh 14.

Máy bay trực thăng bay qua Dinh Độc Lập để luyện tập cho lễ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất

ẢNH: MAI THANH HẢI

Nhà báo Cộng hòa liên bang Đức Borries Gallasch đã viết nhiều bài và đã ra sách nói về sự kiện lịch sử này. Chúng tôi xin trích một đoạn của Borries Gallasch đăng trên Báo Tuổi trẻ:

…"Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một. Những kỹ thuật viên đã lấy chân dung của Thiệu từ trên tường xuống và ném qua cửa sổ ra sân. Chúng tôi ngồi bất động một lát. Ông Mẫu quạt mặt mình bằng một quyển sách. Tổng thống Dương Văn Minh và chính ủy xe tăng Bùi Văn Tùng ngồi trên hai chiếc ghế và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ. Ông Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy màu xanh.

…Chính ủy Tùng đã rất khó viết. Ông ngồi bất động trong khi thảo ra được một vài từ rồi đến từ nữa, rồi lại thay thế bằng những từ khác. Sau 30 năm chiến đấu cho một mục đích, thật là khó để biết phải viết như thế nào.

Trong lúc đấy mọi người dường như đang thư giãn và giảm phấn khích hơn so với một giờ trước. Đại úy Phạm Xuân Thệ, người đã bắt ông Minh trong dinh, vẫn còn lăm lăm khẩu súng trong tay.

Cuối cùng mọi người đã sẵn sàng, nhưng không ai trong số người này biết sử dụng máy ghi âm. Chính ủy Tùng hướng dẫn rất rõ ràng cho tôi những việc tôi phải làm: ông Minh cần phải đọc lại bản tuyên bố vào máy ghi âm của tôi, việc này được lặp đi lặp lại ba lần. Lần đầu tiên ông Minh chần chừ vì được yêu cầu phải đọc là: "Tôi, Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn", nhưng ông ấy chỉ muốn nói: "Tôi, đại tướng Dương Văn Minh...". 

Họ tranh luận qua lại và cuối cùng đi đến thỏa thuận: không nhượng bộ ông Minh. Ông Minh phải nói: "Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống của chính quyền Sài Gòn". Nhưng ông Minh không đọc được bản viết tay của chính ủy Tùng và nói sai nhiều lần. Tất cả mọi thứ lại phải được đọc lại từ đầu. Cuối cùng đã xong. Ông Minh kết thúc âm giọng chính xác: ... miền Nam Việt Nam".

* * *

7. Câu chuyện về tướng Dương Văn Minh càng nghiên cứu, càng tập hợp, càng rõ nét ông là một con người vì dân tộc. Chính Dương Văn Minh là kết quả của những chiến công thầm lặng của những cơ sở nội tuyến, của các chiến sĩ tình báo binh vận đã nằm trong bộ máy chính quyền Sài Gòn như Vũ Ngọc Nhạ, chị Sáu Thảo, anh Tư Cang, Triệu Quốc Mạnh, Nguyễn Văn Diệp, Nguyễn Hữu Thái là mạng điệp báo H63…, là Nguyễn Hữu Hạnh.

Họ không chiến đấu bằng súng đạn nhưng đã góp công lớn vào sự thắng lợi của công cuộc giải phóng miền Nam. Quả là sự tác động của các lực lượng hoạt động bí mật của ta góp phần vào tư duy của Dương Văn Minh ở thời khắc ấy là vô cùng đúng lúc và có hiệu quả.

Một lần, có dịp trao đổi với ông Phạm Hùng khi ông còn là Phó thủ tướng. Ông Phạm Hùng kể rằng vận động Dương Văn Minh là một quá trình dài rất công phu của chúng ta. Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, với tư cách Chính ủy của Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đã chỉ đạo đưa ngay tướng Nguyễn Hữu Hạnh, đặc tình của ta (mang bí số S7) đã bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cho nghỉ hưu non đang ở Tiền Giang trở lại Sài Gòn để tiếp cận với Dương Văn Minh.

Nguyễn Hữu Hạnh là bạn học trường Collège de Mỹ Tho năm xưa với tướng Minh, và anh đã cùng với các lực lượng bí mật khác có tác động cần thiết và đúng lúc. Dương Văn Minh đã nhận chức Tổng thống và trao cho Nguyễn Hữu Hạnh nắm giữ cơ quan Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Nhờ vậy, đã vô hiệu hóa những cái đầu hiếu chiến của cánh quân đoàn 4 và biệt khu Sài Gòn. Nhờ vậy, cầu Sài Gòn không bị phá sập, thành phố còn nguyên vẹn, máu không đổ…

Nguyễn Hữu Hạnh là một trong những người làm nhiệm vụ thầm lặng, là biểu tượng của lực lượng binh vận tình báo, của cơ sở nội tuyến của ta. Chính họ đã góp nên một Dương Văn Minh như thế.

Dương Văn Minh và những ngày cuối tháng 4.1975 - Ảnh 15.

Dinh Độc Lập

ẢNH: MAI THANH HẢI

Mấy ngày sau khi miền Nam giải phóng, tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định đã tổ chức buổi lễ trả quyền công dân cho Dương Văn Minh và những người trong bộ máy chính quyền Dương Văn Minh. 

Hôm đó, tướng Dương Văn Minh đã phát biểu: "Riêng tôi, hôm nay rất hân hoan khi ở tuổi 60 được trở thành công dân của một nước Việt Nam độc lập" và "Với kỷ nguyên mới này tôi mong tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào, sẽ có dịp đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước".

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu nhận xét với tôi: Nhìn nhận một cách khách quan theo tư duy người làm sử có thể thấy thế này: "Không phải tự dưng Dương Văn Minh nhận chức tổng thống và lại nhận khi không còn gì nữa. Tôi nghĩ phải có sự vận động của các lực lượng cách mạng, và ông Minh là người không thân Mỹ, một người có tính dân tộc và có tình cảm với phía cách mạng. Ông muốn Sài Gòn không đổ nát, ông không muốn cảnh tử thủ Sài Gòn để rồi chết chóc… nên ông nhận chức tổng thống là như vậy".

Trong những ngày cuối cùng, giải pháp của Dương Văn Minh là tìm gặp, là thương lượng để bàn giao. Tối 29.4, ông đưa vợ vào Dinh Độc Lập ngủ và chờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Và khi người lính cách mạng đầu tiên tiến vào Dinh, Dương Văn Minh đã thốt lên: "Các anh đã về, chúng tôi chờ các anh đến để bàn giao...".

Một lần nhân kỷ niệm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam, tôi tháp tùng cùng chị Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó chủ tịch nước) thăm các bạn bè Pháp đã giúp đỡ chúng ta trong 5 năm hội nghị diễn ra. Nhân đó, tôi cùng chị Bình đi thăm ông Dương Văn Minh. 

Chị Bình nói: "Đảng ta thật là vĩ đại, thu xếp bố trí để Dương Văn Minh xuất hiện dù là hơi muộn nhưng rất cần thiết và góp vào sự trọn vẹn của ngày toàn thắng". Chị khẳng định: "Dương Văn Minh là người yêu nước".

Ông Dương Văn Minh trong những tháng ngày mới đến Paris, thường xuyên có các thế lực phản động đến vận động ông làm ngọn cờ chống lại chế độ nhà nước ta. Dương Văn Minh dứt khoát từ chối. Dương Văn Minh nói với chúng tôi: "Moa không góp được gì, thì cũng để lại cái tình đẹp với quê hương".

Thanhnien.vn

Nguồn:https://thanhnien.vn/duong-van-minh-va-nhung-ngay-cuoi-thang-41975-185250426233101912.htm


Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm