Tại Hội nghị Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo và Bán dẫn (AISC) diễn ra hồi tháng 3, ông Suresh Venkatarayalu - Phó Chủ tịch cấp cao, đồng thời là Giám đốc công nghệ Tập đoàn Honeywell đã chia sẻ bí quyết để một chiến lược để một doanh nghiệp có thể bám sát những bước phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng và công nghệ nói chung, đó là "sát cánh" cùng những "người khổng lồ".
Điển hình, Honeywell đã duy trì quan hệ hợp tác với Microsoft trong suốt 6-7 năm qua. Gần đây, công ty mở rộng sang Google để tận dụng nền tảng AI mạnh mẽ.
Việc tích hợp các công nghệ này không chỉ giúp công ty tăng tốc triển khai các giải pháp AI, mà còn góp phần tạo ra những hệ thống tự động hóa thông minh hơn phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, với vị trí địa chính trị chiến lược, lực lượng lao động trẻ dồi dào am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hiện đại và thu hút ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo như Nvidia, Meta, Intel…
Chúng ta đang có nhiều lợi thế, nhiều "vai người khổng lồ" để tận dụng: Từ dòng vốn FDI đến mạng lưới tri thức toàn cầu. Nhưng muốn đi xa hơn, chúng ta cần biết mình đang đứng ở đâu, cần tháo gỡ điểm nghẽn nào, và đâu là ngành then chốt để bứt phá.
Theo các chuyên gia, để hiện thực hóa khát vọng vươn tầm này, Việt Nam phải nhìn nhận một cách thấu đáo vị thế hiện tại, xác định rõ những nút thắt đang kìm hãm sự phát triển và lựa chọn những lĩnh vực then chốt để tập trung.

Trong hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam đã có những bước tiến dài trong một số ngành mũi nhọn. Lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông (ICT) là ví dụ điển hình với lực lượng lao động trẻ, năng động, chi phí cạnh tranh; Việt Nam đã vươn lên thành điểm đến hấp dẫn của ngành xuất khẩu phần mềm.
Cũng tại Hội nghị Quốc tế về Trí tuệ nhân tạo và Bán dẫn (AISC), ông Trương Gia Bình- Chủ tịch Tập đoàn FPT, nhấn mạnh: Việt Nam có vị thế chiến lược trong việc xây dựng mối quan hệ đối tác về AI và bán dẫn.
Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ tại đây đã thu hút sự chú ý từ nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Điều này tạo ra cơ hội phát triển kinh tế, đồng thời giúp Việt Nam dần khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Một trong những điểm ông Trương Gia Bình đề cập đáng chú ý là sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng công nghệ tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng các khoản đầu tư lớn vào hạ tầng tính toán tầm trung và cao cấp đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có hệ thống hạ tầng AI tiên tiến nhất trong khu vực.
Đây là một yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp AI và bán dẫn trong tương lai.

Theo báo cáo Spotlight của IDC, FPT đã vươn lên vị trí thứ 48 trong bảng xếp hạng các trung tâm nghiên cứu AI trên thế giới, khẳng định sự đầu tư nghiêm túc và vị thế tiên phong của mình trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Mặc dù vậy, trong kỳ trước của loạt bài này, các chuyên gia đã phân tích, nhìn nhận, Việt Nam đang ở giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển công nghệ. Tuy nhiên sự phát triển này hiện không đồng đều, khi các ngành công nghệ lõi, có tiềm năng tạo đột phá lớn trong kỷ nguyên số như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai.
Muốn tận dụng được đòn bẩy toàn cầu và tránh tụt lại phía sau, Việt Nam cần chọn đúng lĩnh vực có tính lan tỏa và định hình tương lai.
PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền Thông (Đại học Bách Khoa Hà Nội) đánh giá, trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng hơn, tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu và thời điểm hiện tại nếu chúng ta không làm chủ công nghệ chiến lược, công nghệ lõi; sự phát triển của đất nước sẽ bị ảnh hưởng, chúng ta sẽ khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
"Việc làm chủ các công nghệ mang tính dẫn dắt như trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò then chốt trong việc giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình", ông nói.
Điều này không chỉ mang tính thời sự mà còn cho thấy tầm nhìn dài hạn. Trong kỷ nguyên mà AI đang dần thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; việc chủ động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động, mà còn tạo ra những sản phẩm và dịch vụ giá trị tăng cao.
Đồng thời, công nghệ tiên tiến này còn mở ra cơ hội để khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.


"Lợi thế hiện tại của Việt Nam là chúng ta không quá xa so với các cường quốc về AI, đặc biệt trong bối cảnh các mô hình ngôn ngữ lớn với mã nguồn mở đang mở ra những hướng đi mới đầy tiềm năng", PGS.TS Tạ Hải Tùng đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông, để đưa ra danh mục các công nghệ chiến lược cần có nghiên cứu sâu sắc, công phu, trong đó bắt buộc phải tính đến thế mạnh truyền thống, nguồn nhân lực nội tại, tiềm năng tương lai, trên cơ sở hiểu biết sâu sắc về chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu, các nguy cơ địa chính trị, cũng như xu hướng phát triển khoa học công nghệ trong tương lai.
Có những công nghệ chúng ta cần làm chủ vì đem lại lợi thế thương mại trước mắt, nhưng cũng có những công nghệ mà có thể yếu tố thương mại tại thời điểm hiện tại không cao, nhưng nằm trong chiến lược bồi đắp nền tảng cho sự phát triển lâu dài, cũng như góp phần tự chủ công nghệ cho đất nước, đặc biệt trong tình hình chính trị thế giới có nhiều phức tạp.

Theo GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội, Việt Nam cần định hướng phát triển chip chuyên dụng và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Hiện tại, chúng ta có thể tập trung vào chip chuyên dụng tầm trung (ví dụ Viettel phát triển chip viễn thông kích thước 28-150nm), trong khi chip điện thoại cao cấp (3-5nm, xấp xỉ 20 tỷ transistor) đòi hỏi đầu tư cực lớn, Việt Nam chưa đủ khả năng tự chủ hoàn toàn nhưng có thể tham gia vào một số khâu nhất định", Giáo sư Tuấn chia sẻ trong tọa đàm "Chính sách đặc biệt để phát triển công nghệ chiến lược quốc gia", diễn ra vào trung tuần tháng 4.
Theo ông, Việt Nam cần có một số công nghệ chiến lược như:
Công nghệ Tự động hóa và Robot: để ứng dụng trong sản xuất thông minh, logistics, vệ sinh đô thị, phòng chống dịch. Đặc biệt, trong thời điểm nhu cầu tự động hóa các nhà máy hiện có tại Việt Nam là rất lớn.
Công nghệ Vật liệu mới và Năng lượng sạch: Ứng dụng trong phát triển giao thông xanh, hạ tầng xây dựng bền vững, tiết kiệm năng lượng. Đây là lĩnh vực Việt Nam có thể tham gia.
Công nghệ Lưỡng dụng: Cần thúc đẩy phát triển các công nghệ phục vụ cả kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh. Việt Nam có thế mạnh và năng lực trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng như phát triển công nghệ không gian, máy bay không người lái (UAV).
Công nghệ Sinh học và Y sinh: Phục vụ y tế dự phòng, sản xuất vaccine, dược phẩm, quản lý sức khỏe đô thị.
Công nghệ Nông nghiệp: Phát triển giống cây trồng, vật nuôi công nghệ cao, có thể bổ trợ cho công nghệ sinh học.

"Trí tuệ Nhân tạo (AI) có khả năng thay đổi nền tảng, hướng tới người máy thông minh hơn. Dữ liệu lớn (Big Data), Internet Vạn vật (IoT), công nghệ Chuỗi khối (Blockchain) phải được quan tâm, ứng dụng trong quản lý đất đai, hành chính công, minh bạch hóa tài chính công", Giáo sư Tuấn nói.
Đặc biệt, công nghệ An ninh mạng và bảo mật thông tin là hết sức quan trọng để đảm bảo an toàn dữ liệu, hệ thống thông tin trong quá trình chuyển đổi số toàn diện sắp tới.
Chia sẻ góc nhìn của mình, GS Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam đánh giá nền công nghệ Việt Nam đã và đang tận dụng những thành tựu thế giới để phát triển nhanh chóng, thay vì phải tự xây dựng từ đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo.
Thứ nhất, việc sử dụng nền tảng mã nguồn mở và công nghệ tiên tiến. Việt Nam đã tận dụng các công nghệ mã nguồn mở và các nền tảng sẵn có từ các tập đoàn công nghệ lớn.
Trí tuệ nhân tạo: Các công ty công nghệ Việt Nam như VinAI, FPT AI hay BKAI đang ứng dụng các mô hình AI như GPT của OpenAI, BERT, Transformer của Google, DeepSeek,… để phát triển chatbot, phân tích dữ liệu và xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt.

Điện toán đám mây: Các doanh nghiệp sử dụng AWS, Google Cloud, Microsoft Azure để giảm chi phí hạ tầng và tăng tốc phát triển sản phẩm.
Blockchain: Nhiều startup Việt Nam đã phát triển các dự án blockchain thành công, như Axie Infinity, KardiaChain, Coin98, tận dụng Ethereum và Binance Smart Chain thay vì phải tạo blockchain từ đầu.
Thứ hai, học hỏi từ mô hình và chiến lược sản phẩm của các tập đoàn công nghệ nước ngoài như:
Thương mại điện tử: Các nền tảng Shopee, Tiki, Lazada có tiếp thu, học hỏi tiếp cận của Amazon (Hoa Kỳ), Alibaba (Trung Quốc); đồng thời ứng dụng công nghệ AI và Big Data để tối ưu trải nghiệm khách hàng.
Giao thông thông minh: Grab, Be, Gojek ở Việt Nam đã phát triển dựa trên mô hình Uber, kết hợp AI để tối ưu hóa đường đi và kết nối tài xế.
Tài chính số (Fintech): Các ví điện tử như Momo, ZaloPay học theo Alipay, WeChat Pay, kết hợp blockchain và AI để nâng cao bảo mật giao dịch...
Ông đánh giá Việt Nam có thể học hỏi nhiều bài học giá trị từ các quốc gia như Hàn Quốc, Israel hay Singapore. Họ đã thành công trong việc tận dụng tri thức toàn cầu để phát triển công nghệ, tạo ra những đổi mới đột phá và nâng cao năng lực cạnh tranh.
"Hàn Quốc đã thành công khi chuyển từ gia công sang sáng tạo thương hiệu toàn cầu. Israel đã trở thành quốc gia khởi nghiệp nhờ tập trung vào công nghệ quân sự và bảo mật. Còn Singapore trở thành trung tâm tài chính - công nghệ nhờ chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài và xây dựng cơ sở hạ tầng số vững chắc", GS Nguyễn Thanh Thủy nói.
Từ đó, ông cho rằng Việt Nam có thể tham khảo 6 bài học kinh nghiệm cụ thể: Đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển; Học hỏi công nghệ & mô hình thành công từ thế giới, sau đó cải tiến theo nhu cầu Việt Nam; Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ mạnh cho doanh nghiệp & startup công nghệ; Thu hút & đào tạo nhân lực công nghệ cao, kết nối với nhân tài quốc tế; Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho startup công nghệ phát triển; Ứng dụng công nghệ để đẩy mạnh chuyển đổi số & phát triển kinh tế số.
Như vậy, các chuyên gia thống nhất cao quan điểm: Nhóm ngành cần được tập trung đầu tư và khai thông mạnh mẽ bao gồm:
Bán dẫn: Đây không chỉ là ngành công nghiệp nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0, mà còn là "hạ tầng vật lý" cho mọi tiến bộ công nghệ.
AI và công nghệ lõi: Là chất xúc tác thúc đẩy mọi ngành nghề, từ y tế, giáo dục đến sản xuất...


Để Việt Nam thực sự chuyển mình mạnh mẽ trong khoa học công nghệ cần sự kết hợp của rất nhiều yếu tố, trong đó hạt nhân là sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và trường đại học.
PGS.TS Phạm Hải Tùng đánh giá, việc liên kết chặt chẽ giữa 3 yếu tố trên là rất quan trọng để đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
"Những chuyển động gần đây về thể chế như Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị hay Nghị quyết 193 của Quốc hội đã mang lại động lực, sức sống mới cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Điều này thể hiện rõ Đảng, Nhà nước rất quyết tâm trong việc phát triển lĩnh vực này, điển hình như tăng chi phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ lên tối thiểu 3% tổng chi ngân sách hằng năm", ông nói.
Theo ông, Nghị quyết 57 đã có những tháo gỡ chính sách rất đột phá như chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, cấp kinh phí nghiên cứu khoa học theo cơ chế quỹ, miễn thuế thu nhập cá nhân cho các nhà khoa học thực hiện đề tài nghiên cứu, giao tài sản là kết quả hình thành từ đề tài nghiên cứu cho các đơn vị chủ trì…

Đi cùng chính là sự đầu tư mạnh mẽ vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực để phát triển khoa học công nghệ trong các lĩnh vực chiến lược - đặc biệt là những lĩnh vực mà Việt Nam bắt buộc phải làm chủ để đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.
"Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì giải pháp để thúc đẩy và nâng cao giá trị của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc phát triển khoa học công nghệ còn cần sự tham gia hợp tác rất chặt chẽ của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp không chỉ được coi là nơi hấp thụ nguồn nhân lực đầu ra từ các trường đại học, đầu ra nghiên cứu mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm chứng chất lượng đào tạo và nghiên cứu của trường đại học", PGS Tạ Hải Tùng nêu quan điểm.
Vì thế, cần có sự hợp tác chặt chẽ khi doanh nghiệp sẽ đưa ra những đầu bài, những yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và yêu cầu về khoa học công nghệ theo sự phát triển kinh tế xã hội. Và các trường đại học sẽ phải đáp ứng các yêu cầu đặt ra.
Song song đó, doanh nghiệp nên tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo, nghiên cứu của trường đại học, thay vì chỉ chờ đợi tiếp nhận đầu ra hoặc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp.
"Việc hợp tác này mang lại lợi ích thiết thực cho chính doanh nghiệp, giúp họ có được nguồn nhân lực chất lượng cao theo đúng nhu cầu thông qua việc cùng hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo, tham gia trực tiếp vào công tác đào tạo, đặc biệt trong hỗ trợ các chương trình thực tập, trải nghiệm doanh nghiệp, đầu tư cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cũng như tài trợ các học bổng nghiên cứu cho sinh viên.

Những doanh nghiệp đi đầu trong hợp tác nghiên cứu với các trường đại học còn có cơ hội làm chủ công nghệ chiến lược, công nghệ lõi từ đó tạo ra sản phẩm mới và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường", ông Tùng cho biết thêm.
Có thể thấy rằng, việc tận dụng "vai người khổng lồ" là cần thiết, nhưng Việt Nam phải đi bằng đôi chân vững chắc của mình.
Không một quốc gia nào có thể phát triển đột phá nếu chỉ đi theo sau. "Đứng trên vai người khổng lồ" không có nghĩa là đi tắt, mà là biết tận dụng tri thức, công nghệ, dòng vốn toàn cầu để bứt phá theo cách riêng của mình.
Việt Nam đã có những doanh nghiệp cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế, vững vàng trên hành trình phát triển, dựa trên tri thức và công nghệ.
Kỳ sau: Những doanh nghiệp tiên phong - Động lực từ nội lực
Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/dung-tren-vai-nguoi-khong-lo-viet-nam-nham-den-cong-nghe-chien-luoc-nao-cho-buoc-nhay-vot-20250427221622558.htm
Bình luận (0)