Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đổi mới sáng tạo: Để thể chế trở thành lợi thế

Trong kỷ nguyên toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia.

Tạp chí Doanh NghiệpTạp chí Doanh Nghiệp01/05/2025

Chú thích ảnh
Công ty DIGI-TEXX (100% vốn đầu tư từ Đức) chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin tại Công viên phần mềm Quang Trung (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN

Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng, chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chính vì vậy, Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gialà kim chỉ nam để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm nay, tạo đà cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tới trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn trước những biến động của chính sách thuế quan thì động lực tăng trưởng mới từ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số lại càng có ý nghĩa quan trọng giúp Việt Nam bứt phá trong chu kỳ phát triển mới.

Điểm đến lý tưởng

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thể chế, chính sách về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực từng bước được hoàn thiện. Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng kinh tế dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 42%.

Đặc biệt, Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu do có lợi thế về điều kiện tự nhiên, là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có trữ lượng đất hiếm, một nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip bán dẫn. Ngành này đang trở thành lĩnh vực quyết định lợi thế cạnh tranh về công nghệ của nhiều quốc gia và Việt Nam đã tạo được những bước đi ấn tượng trong việc hợp tác về bán dẫn với các quốc gia, nền kinh tế như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, châu Âu… và các tập đoàn công nghệ lớn Cadence, Intel, Qorvo, Apple, Marvell, Samsung, Synopsys. Việt Nam cũng được Hoa Kỳ chọn là một trong 6 quốc gia tham gia Đạo luật Chips để phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Cùng với đó, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cũng đang dẫn dắt những thay đổi đột phá trên thế giới và theo đó, nhiều tập đoàn Microsoft, Google, Qualcomm, Meta tăng cường hợp tác nghiên cứu, ứng dụng AI tại Việt Nam. Các tập đoàn trong nước như Viettel, VinGroup, FPT, CMC,... cũng chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các dự án, hoạt động nghiên cứu, phát triển về AI. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam cũng liên tục tăng hạng và hiện Việt Nam đang đứng thứ 44/133 quốc gia, vùng lãnh thổ và trở thành địa điểm lý tưởng cho nhiều sự kiện quốc tế quan trọng về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Cục trưởng Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Mai Dương đánh giá: Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn của ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.Nhiều chương trình hỗ trợ nghiên cứu đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn và các lĩnh vực khoa học công nghệ khác sẽ được thực hiện, kết hợp kết nối với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới để chuyển giao chính thức công nghệ, kinh nghiệm phát triển. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được thành lập là hạt nhân quan trọng của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như Lam Research, NVIDIA, Marvell, và các tập đoàn công nghệ khác. Việt Nam cũng đứng thứ ba trong khu vực về số lượng quỹ đầu tư, với sự tham gia của hơn 210 quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế và các quỹ nội địa như Mekong Capital, CyberAgent Ventures, VinaCapital Ventures.

Theo TS. Trần Văn,Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đổi mới sáng tạo, kinh tế số giúp cho quá trình sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhỏ trở nên hợp lý hơn với chi phí thấp hơn, nhất là kết nối được với thị trường, khách hàng, tiếp cận được các dịch vụ tài chính chính thống thay vìtín dụng đen. Đây cũng chính là mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia mà Việt Nam đang thực hiện và các fintech, ngân hàng số đang đi đầu thực hiện.

Chỉ tính riêng lĩnh vực fintech, hiện nay Việt Nam đã có khoảng 260 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nhiều lĩnh vực từ thanh toán, blockchain, tài chính cá nhân, chăm sóc sức khỏe, ngân hàng số, tín dụng, tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiết bị chấp nhận thanh toán POS, đánh giá tín dụng và định danh điện tử (eKYC), hạ tầng kỹ thuật, tín dụng tiêu dùng… mang lại nhiều tiện ích, trải nghiệm dịch vụ tài chính số mới cho người dân và doanh nghiệp.

Nhận diện những điểm "thiếu"

Chú thích ảnh
Công ty Rạng Đông ứng dụng dây chuyền sản xuất hiện đại, đổi mới khoa học công nghệ. Ảnh minh họa: Xuân Cường/Báo Tin tức

TS. Trần Văn cho biết: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu gặp khó khăn trước những biến động của chính sách thuế quan, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước áp lực phải đổi mới để duy trì tăng trưởng và cạnh tranh trên cả thị trường trong nước và quốc tế.Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà đã trở thành yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tận dụng nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng trong nước một cách hiệu quả.

Ông Nguyễn Thanh Hưng - Hội đồng tư vấn cấp cao Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho hay, xu hướng tiêu dùng trực tuyến đang gia tăng mạnh mẽ, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Các nền tảng như Amazon, Alibaba, Shopee hay Tiktok Shop đang giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường quốc tế dễ dàng hơn mà không cần đầu tư quá nhiều vào hệ thống phân phối truyền thống. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, hàng tiêu dùng và thủ công mỹ nghệ đã đạt kết quả khả quan nhờ chiến lược số hóa. Chẳng hạn, Công ty Vinami đã đưa sầu riêng sấy thăng hoa vào thị trường Trung Quốc và Mỹ thông qua các sàn thương mại điện tử. Nhờ công nghệ số, doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng phân tích hành vi tiêu dùng và tối ưu chiến lược kinh doanh một cách chính xác hơn.

Mặcdù nhận thức rõ tầm quan trọng củađổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhưng nhiều chuyên gia cũng nêu rõ, lĩnh vực nàyvẫn tồn tại mặt hạn chế như: thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong một số lĩnh vực quan trọng, mới nổi trong kinh doanh, công nghệ,… Các cơ chế, chính sách chưa phù hợp để phát triểnhệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Tiến sĩ VõTrí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh,chuyên gia kinh tế cho rằng, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam vẫn còn chậm do nhiều yếu tố khách quan. Muốn thay đổi cách thức phát triển, thay đổi mô hình tăng trưởng, Việt Nam cần dựa nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động.

"Đổi mới sáng tạo sẽ cần phải học. Học ở đây không chỉ là không chỉ là tiếp thu, làm chủ, sáng kiến, sáng tạo công nghệ theo các mức khác nhau, không chỉ là thay đổi quy trình quản trị, thay đổi mô hình kinh doanh, sản phẩm mà còn là học cách quản trị trong đổi mới sáng tạo, trong bối cảnh mới", Tiến sĩ Võ Trí Thành chia sẻ.

Còn PGS.TS. Lê Thanh Tâm (Đại học Kinh tế Quốc dân) lại nhận định: Khung khổ pháp lý cho kinh tế số có mặt chưa theo kịp với tiến bộ của khoa học công nghệ, phát minh sáng chế, nên chưa thật sự bao quát hết các mô hình kinh doanh mới, phương thức sản xuất. Điều này dẫn tới có lúc, có nơi, quy trình thủ tục cấp phép còn phức tạp, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sandbox chưa có, các quy định quản lý dữ liệu và an ninh mạng, an toàn thông tin chưa rõ ràng. Khả năng tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, chất lượng nguồn lực, hạ tầng số, hợp tác trong hệ sinh thái đều cần được cải thiện…

"Cú huých" mạnh đổi mới sáng tạo

 

Chú thích ảnh
Trung tâm đổi mới sáng tạo Công nghiệp 4.0 (IIC) thuộc Trường Quốc tế Miền Đông (Eastern International University) tỉnh Bình Dương - nơi đào tạo nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng, mà còn là một thực tế bắt buộc để Việt Nam tiến cùng, bắt kịp và vượt lên. Chính vì vậy, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mang tính chiến lược rất cao, cả về thời điểm lẫn nội dung. Nghị quyết với những định hướng chiến lược rõ ràng và quyết tâm cao, là một "cú huých" mạnh cho nền khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW, Quốc hội có Nghị quyết số 193/2025/QH15 ban hành 12 cơ chế, chính sách thí điểm để thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW vào thực tiễn đối với những vấn đề có thể triển khai sớm, không chờ đến khi Quốc hội thông qua các luật. Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và mới đây nhất Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động phong trào "Bình dân học vụ số". Đồng thời, Thủ tướng cũng phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” nhằm tạo khí thế mới trong toàn xã hội thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ.

Phong trào được phát động với ba quyết tâm chiến lược: Đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế để kiến tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo và chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng công nghệ đột phá và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thời đại; triển khai đồng bộ chuyển đổi số trên toàn xã hội, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Nhằmphấn đấu đến năm 2030 tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực tập trung thực hiện 3 sứ mệnh trọng tâm. Đó là, xây dựng tầm nhìn, chiến lược lâu dài, bền vững, nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; có cấu trúc kinh doanh chủ động, linh hoạt; văn hóa đổi mới mạnh mẽ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số. Đồng thời, chuyển từ ứng dụng và làm chủ công nghệ sang xây dựng năng lực sáng tạo đột phá, tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để "đi tắt, đón đầu" làm chủ tương lai. Bên cạnh đó là cải cách mô hình quản lý đồng thời mở rộng năng lực áp dụng các công nghệ mới, số hóa và phát triển các sản phẩm, dịch vụ có tính đột phá để tạo ra sự khác biệt và cạnh tranh trên thị trường..

Là địa phương đầu tàu về kinh tế của đất nước, Phó Chủ tịch UBND TPHồ Chí Minh Võ Văn Hoan bày tỏ, với cơ chế chính sách đặc thù TPHồ Chí Minh sẽ không ngừng đẩy mạnh kết nối với đa dạng nguồn lực, thị trường và đối tác toàn cầu, giúp cộng đồng startup thành phố tăng cường năng lực cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế. Trong số đó, có thể kể đến một trong những lĩnh vực mà thành phố sẽ chú trọng là phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo theo hướng tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng; từng bước đưa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung sánh ngang với các nước trong khu vực.

 

Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/doi-moi-sang-tao-de-the-che-tro-thanh-loi-the/20250501082243450


Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chuyên mục

Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm