Công ty TNHH GGS Việt Nam (Khu công nghiệp bờ trái sông Đà) hoạt động ổn định tại tỉnh Hòa Bình trong nhiều năm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Có một "mạch sống” đang trỗi dậy mạnh mẽ trong lòng những đồi núi Hòa Bình đó là công nghiệp. Không còn là vai trò phụ, công nghiệp giờ đây đã trở thành trụ cột trong bức tranh tăng trưởng. Những con số biết nói nêu trên đã lý giải vì sao GRDP toàn tỉnh có bước nhảy ngoạn mục.
Những con đường dẫn vào khu công nghiệp Lương Sơn, Yên Quang giờ đây không còn bụi đỏ. Trong khu công nghiệp, ánh đèn xưởng suốt đêm, những băng chuyền không ngơi nghỉ và những dòng sản phẩm "Made in Hòa Bình” từng ngày vươn ra thị trường thế giới. Theo đồng chí Dương Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Hòa Bình đã xác định rõ vai trò của công nghiệp trong kịch bản tăng trưởng năm 2025, đặt mục tiêu tăng trưởng ngành này ở mức 13,58%, tạo lực đẩy chính cho GRDP toàn tỉnh vươn lên trên 10%. Để đạt được điều đó, tỉnh không chỉ phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, mà còn chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chuyển đổi số, đổi mới công nghệ. Sự hiện diện ngày một rõ nét của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cùng hàng trăm doanh nghiệp tư nhân trong nước đang từng ngày nâng tầm vị thế Hòa Bình trên bản đồ công nghiệp quốc gia.
Nếu công nghiệp là động lực thì xuất khẩu chính là "cánh cửa” để sản phẩm công nghiệp Hòa Bình chạm được vào những thị trường giá trị cao. Đáng chú ý, các doanh nghiệp Hòa Bình đã bước đầu chạm tới chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Cũng theo đồng chí Dương Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, mục tiêu của tỉnh trong năm 2025 là đưa kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 18%, một mục tiêu táo bạo nhưng hoàn toàn khả thi. Không chỉ dừng lại ở con số, điều quan trọng là cách làm. Tỉnh đang đổi mới xúc tiến thương mại, đẩy mạnh thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các nền tảng bán hàng toàn cầu. Mỗi sản phẩm, mỗi thương hiệu địa phương giờ đây đều được "chăm sóc” bài bản hơn về thiết kế, tiêu chuẩn hóa và trong cả… câu chuyện để kể với thế giới.
Sự bứt tốc về công nghiệp - xuất khẩu không thể chỉ đến từ một phía. Hòa Bình đã và đang kiến tạo một "hệ sinh thái phát triển” khá đầy đủ với hạ tầng, thể chế và nguồn lực con người cùng hành động song hành. Các tuyến cao tốc, đường liên kết vùng Hòa Bình - Mộc Châu, đường kết nối Hòa Bình - Hà Nội từng bước được gỡ bỏ "nút thắt cổ chai” về giao thông. Bên cạnh đó, tỉnh cũng mạnh tay cải cách hành chính, xây dựng mô hình "chính quyền thân thiện”, coi sự hài lòng của doanh nghiệp là thước đo điều hành.
Không thể không nhắc tới một chiến lược âm thầm nhưng có tính "giữ chân”: đầu tư cho nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Những dãy nhà cao tầng ở thành phố Hòa Bình giờ đây không chỉ dành cho cư dân đô thị, mà dần trở thành "chốn an cư” cho hàng nghìn lao động công nghiệp - những người làm ra giá trị cho Hòa Bình hôm nay và ngày mai.
Hòa Bình đang trở thành một cực tăng trưởng công nghiệp mới của miền núi phía Bắc. Trong dòng chảy thời cuộc, tỉnh đã chọn cho mình lối đi riêng - bản lĩnh, quyết đoán và biết tận dụng cơ hội. Khi từng cỗ máy chuyển động, từng container rời bến, từng công nhân bấm nút dây chuyền… thì giấc mơ công nghiệp hóa của Hòa Bình không còn là chuyện của tương lai, mà hiện hữu từng ngày. Một vùng đất giàu bản sắc văn hóa nay viết tiếp những chương mới - chương của tăng trưởng xanh, xuất khẩu bền vững và khát vọng hội nhập toàn cầu.
Hải Yến
Nguồn: https://baohoabinh.com.vn/12/200739/Cong-nghiep-vuon-minh,-xuat-khau-but-toc.htm
Bình luận (0)