Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon thông qua Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao

Việt NamViệt Nam04/05/2025


Cập nhật ngày: 04/05/2025 05:23:17

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250504052506dt2-8.mp3

 

ĐTO - Với chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh Đồng Tháp khởi động mô hình canh tác lúa thông minh hưởng ứng “Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án). Đòn bẩy này giúp người dân gia tăng giá trị sản phẩm và cơ hội bán được tín chỉ carbon.


Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến (xã Phú Thành A, huyện Tam Nông) thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, áp dụng thiết bị bay không người lái vào canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao

Tiềm năng và hiệu quả

Theo các chuyên gia, thị trường carbon tại Việt Nam đang dần được định hình ngày một rõ nét và hoàn thiện hơn. Vì vậy, từ năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn, trong đó Điều 91 quy định chi tiết giảm phát thải khí nhà kính và Điều 139, hình thành, phát triển thị trường carbon. Tiếp đó, ngày 18/1/2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg quy định danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, có 1.912 cơ sở sẽ tham gia vào thị trường carbon trong nước...

Với những tiềm năng lợi thế này, ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án. Đồng Tháp là 1 trong 5 tỉnh của vùng ĐBSCL được Bộ Nông nghiệp và Môi trường lựa chọn thí điểm. Mục tiêu của tỉnh Đồng Tháp khi tham gia Đề án là hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập, đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Theo đó, Đồng Tháp đăng ký diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2030 đạt 161.000ha. Thực hiện tại 8 huyện, thành phố gồm: huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò và TP Hồng Ngự.

Thời gian qua, tỉnh thực hiện mô hình mẫu của Đề án tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Tháp Mười), trong đó, đảm bảo nghiêm ngặt những tiêu chuẩn, tiêu chí của Đề án về hạ tầng, quy trình canh tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ, giảm phát thải. Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Tháp Mười), cho biết: “Diện tích tham gia thực hiện mô hình thí điểm Đề án tại đơn vị trong vụ đầu tiên là 50ha lúa liền kề nhau của 24 hộ, bắt đầu từ vụ thu đông năm 2024 và kéo dài trong 3 vụ liên tiếp. Khi tham gia, nông dân ghi chép nhật ký sản xuất, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, tuân thủ quy trình hướng dẫn và đặc biệt là không được đốt rơm rạ trên đồng ruộng...”.

PGS, TS. Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (HCM), chia sẻ: “Đồng Tháp có lợi thế với các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). Theo đó cần tận dụng khai thác các phụ phế phẩm trong nông nghiệp (như: tôm, cá tra, lúa, cây ăn quả...); các nguồn chất thải trong canh tác nông nghiệp. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nông nghiệp, thu gom chất thải thức ăn dư thừa để chế biến phân bón hữu cơ... Tỉnh cũng có thế mạnh về du lịch nên cần chú trọng khai thác tốt hoạt động du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm nông nghiệp...”

Tại Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến (xã Phú Thành A, huyện Tam Nông), thời gian qua, đơn vị thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp lúa, cá, vịt trên cùng một cánh đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, trong giai đoạn đầu sau sạ, vịt thả trên đồng sẽ ăn hoặc làm rơi xuống nước các loại sâu, bướm, rầy, bọ trĩ, rệp sáp sẽ trở thành thức ăn cho cá, ếch, nhái. Vịt còn giúp kiểm soát cỏ dại hiệu quả, vì hạt mầm và lá cỏ là thức ăn “khoái khẩu” của vịt. Chất thải của vịt và cá là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa. Từ đó, góp phần hạn chế việc phun thuốc hóa học, giảm đáng kể chi phí sản xuất...

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến chia sẻ: “Việc thực hiện nông nghiệp tuần hoàn “lúa - cá - vịt” cho ra sản phẩm lúa, gạo hữu cơ, thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với lúa, gạo canh tác theo kiểu truyền thống gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, đơn vị còn đưa mùa nước nổi vào khai thác du lịch sinh thái cho du khách gần xa...”.

Ông Nguyễn Tấn Cường - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: “ĐBSCL nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng có lợi thế, tiềm năng về phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Do vậy, việc nghiên cứu, thực hiện thí điểm thị trường carbon qua Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL không chỉ cho mục tiêu giảm phát thải, mà còn góp phần tạo sinh kế bền vững cho gần 20 triệu dân trong vùng...”.


Sản xuất lúa tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi 
(huyện Tháp Mười)

Hướng đến phát triển bền vững

Hướng đến sự phát triển bền vững, ThS. Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ sinh học, Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian tới, Đồng Tháp cần thực hiện tái cấu trúc nông nghiệp theo hướng tiếp cận thị trường, nâng cao doanh thu từ tín chỉ carbon với khung chính sách đồng bộ. Đồng thời cần có chính sách triển khai cụ thể, hoàn thiện quy trình MRV, nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng, rào cản về vốn, hài hòa lợi ích. Cùng với đó, ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ với việc hoàn thiện chính sách đặc thù của tỉnh; đẩy mạnh truyền thông và nâng cao nhận thức với các chủ trương chính sách lớn.

PGS, TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP HCM, cho rằng: “Thời gian tới, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nói chung và Đồng Tháp nói riêng cần tiếp tục phát triển các công nghệ chế biến, tạo ra các sản phẩm trong nông nghiệp, trong đó ưu tiên kinh tế tuần hoàn. Đồng thời hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, khởi nghiệp các sản phẩm mới gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn; nâng cao năng lực, phát huy vai trò các hợp tác xã kết nối nông dân để đủ thu hút sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp lớn; xây dựng chương trình hợp tác phát triển kinh tế tuần hoàn với các địa phương lân cận và đặc biệt là TP HCM. Thúc đẩy phát triển vai trò của công nghệ 4.0 trong việc giám sát tài nguyên môi trường, truy xuất nguồn gốc, giảm thiểu chi phí sản xuất, vận chuyển; lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các chương trình, kế hoạch tại địa phương nhằm thu hút và phát huy các nguồn lực khác nhau...”.


Infographic Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên, Nhi đồng 
tỉnh Đồng Tháp lần thứ 18 năm 2025

Chia sẻ về định hướng Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, TS. Nguyễn Thế Cường - Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, thời gian tới, các tỉnh khu vực ĐBSCL cần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Đồng thời, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các vùng chuyên canh và hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ là điều kiện tiên quyết để triển khai hiệu quả Đề án. Cùng với đó, tìm kiếm thêm sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các tổ chức quốc tế và cùng với nguồn lực trong nước sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho việc thực hiện Đề án. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân, kết hợp với các chương trình tín dụng ưu đãi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Mặt khác, tăng cường truyền thông, đào tạo và tập huấn sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ địa phương về lợi ích của canh tác bền vững, thúc đẩy sự tham gia tích cực vào Đề án...

Nhật Nam



Nguồn: https://baodongthap.vn/kinh-te/co-hoi-tu-thi-truong-tin-chi-carbon-thong-qua-de-an-1-trieu-hecta-lua-chat-luong-cao-131196.aspx

Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chuyên mục

Tạp chí danh tiếng tiết lộ những điểm đến đẹp nhất Việt Nam
Rừng Tà Kóu tôi đi
Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm