Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chiến thắng lịch sử 30/4 qua hồi ức của một người lính

Những ngày tháng 4 lịch sử, thời điểm cả nước đang nô nức kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2025), chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với cựu chiến binh Trần Hữu Đức, một người lính từng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Ký ức hào hùng về đại thắng mùa xuân năm 1975 vẫn in đậm trong tâm trí ông như mới vừa hôm qua.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị30/04/2025

Chiến thắng lịch sử 30/4 qua hồi ức của một người lính

Ông Trần Hữu Đức ghi lại những câu chuyện về một thời hoa lửa - Ảnh: T.L

Năm tháng không thể nào quên

Như một thói quen, năm nào cũng vậy, mỗi khi thời gian gõ nhịp đến tháng 4, ký ức về một thời hoa lửa lại ùa về trong tâm trí ông Trần Hữu Đức (sinh năm 1953), trú tại Khu phố 10, Phường 5, TP. Đông Hà. Năm nay, trong không khí cả nước hân hoan hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những ký ức ấy như sống lại mạnh mẽ hơn.

“Tôi vừa được nhận giấy mời tham dự lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là sự kiện ý nghĩa, có tính giáo dục truyền thống cao. Mấy ngày nay, tôi cứ mong thời gian trôi qua thật nhanh”, ông Đức chia sẻ.

Chuyện trò trong ngôi nhà yên bình nằm trên đường Hàm Nghi, ông Đức cho biết, gần đây, mình bắt đầu viết hồi ký. Ông lo tuổi tác sẽ khiến bản thân quên đi những sự kiện lịch sử đã qua. Với ông, những dấu mốc ấy cũng giống như một phần máu thịt.

Theo dòng hoài niệm, ông Đức kể: “Tôi nhập ngũ vào ngày 15/9/1972 ở Trung đoàn 12. Sau hơn 2 năm huấn luyện kỹ chiến thuật, ngày 12/3/1975, tôi và đồng đội được lệnh nhận quân trang, vũ khí, đạn dược...14 giờ cùng ngày, xe ô tô đơn vị đưa chúng tôi lên ga Thượng Tín. Ngồi trên tàu, mỗi người mang một cảm xúc. Điểm chung là hầu như ai cũng phấn khởi, mong tàu chạy nhanh hơn để vào Nam đánh giặc”.

So với đồng đội, ông Đức cảm thấy mình may mắn bởi điểm đầu của hành trình vào Nam chính là quê hương Quảng Trị. Ý nghĩa hơn, ông được thủ trưởng cho ít thời gian về thăm nhà, gặp người thân, bà con chòm xóm. Nguồn động viên tinh thần ấy giúp bước chân người lính trẻ dường như không mỏi mệt trên quãng đường dài đến Sư đoàn 325 vào tối 18/3/1975.

Sáng hôm sau, ông Đức được giao nhiệm vụ làm Đại đội phó Đại đội Trinh sát, phụ trách một trung đội để tăng cường cho Tiểu đoàn 8. Ngay sau khi nhận trọng trách, ông nhanh chóng cùng đồng đội bước vào trận chiến đầu tiên ở khu vực Cao điểm 560, mang về thắng lợi giòn giã. Chiều cùng ngày, các ông tiếp tục chiếm lĩnh trận địa, ngăn chặn địch trên Quốc lộ 1. Được đà, đơn vị tiếp tục mở đường hành quân, lập nên nhiều chiến công khác.

Chiến thắng lịch sử 30/4 qua hồi ức của một người lính

Ông Đức bên những hình ảnh ghi dấu rất nhiều kỷ niệm - Ảnh: T.L

Trong tháng ngày xông pha trận mạc, ông Đức không thể nào quên quãng thời gian cùng đồng đội tiến vào Nam, làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Ông kể, theo những bước hành quân, bộ đội ta đã làm nên chiến thắng vang dội, gắn với nhiều địa danh, tên đất, tên làng như: đèo Phước Tượng, đèo Phú Gia, Lăng Cô, đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà... Dọc đường hành quân, các cán bộ, chiến sĩ tích cực phối hợp với bộ đội địa phương tiêu diệt địch đóng ở hai bên Quốc lộ 1, giải phóng Phan Rang, Phan Thiết, quận lỵ Thủ Đức... Sáng

29/4/1975, đơn vị của ông Đức cùng các cánh quân khác tổng công kích vào Sài Gòn-Gia Định. Sư đoàn 325 được chọn là lực lượng chủ công của Quân đoàn 2, đánh chiếm nhiều vị trí. “Thời điểm ấy, Tiểu đoàn 8 của chúng tôi được giao nhiệm vụ chốt giữ khu vực thương cảng trên sông Sài Gòn. Khi nghe đồng đội báo tin Dương Văn Minh đã đọc tuyên bố đầu hàng, chúng tôi như vỡ òa. Ai cũng vui mừng khôn xiết mà nước mắt cứ trào ra”, ông Đức xúc động bộc bạch.

Vững tin con đường cách mạng

Đến giờ, ông Trần Hữu Đức vẫn lưu giữ nhiều kỷ vật có tuổi đời trên 50 năm. Đối với ông, đó là tài sản vô cùng quý giá. Bởi, mỗi lần nhìn thấy chúng, ông lại cảm thấy như được quay về với thời trai trẻ, hừng hực khí thế cống hiến cho Tổ quốc. “Nhiều người hỏi tôi, giữa mưa bom, bão đạn, có lúc nào bản thân cảm thấy hối hận bởi tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”? Tôi trả lời là không. Nếu trở lại quá khứ, tôi vẫn lựa chọn trở thành người lính”, ông Đức khẳng định.

Tinh thần một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng của ông Đức hình thành từ mạch nguồn truyền thống. Ông sinh ra, lớn lên ở xã Vĩnh Nam, nay là xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh trong một một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng. Ba và mẹ ông từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Bài học đầu tiên mà hai người dạy cho anh chị em ông là yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

Ba mẹ ông Đức đều bảo, không chỉ trong suy nghĩ, lời nói, tình yêu đó cần được thể hiện qua những hành động cụ thể. Đó cũng chính là lý do mà năm 1972, khi đang là sinh viên Trường Đại học Thương nghiệp Hà Nội, ông Đức đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ để có cơ hội vào Nam chiến đấu. Những khó khăn, thử thách ngày đầu khoác màu áo lính không thể làm chùn bước chàng trai vốn chỉ quen với việc đèn sách.

Trong tháng ngày cùng đồng đội xông pha giữa những khốc liệt của cuộc chiến, ông Đức vẫn luôn vững tin vào con đường cách mạng. Trên con đường ấy, ông cảm nhận sâu sắc tình đồng chí, đồng đội. Trước mỗi trận chiến, các ông lại gửi nhau lời nhắn về cho người thân, gia đình phòng khi có chuyện không may xảy ra.

Sau này, đến ngày hòa bình, ông Đức từng bỏ không ít thời gian, lặn lội đến nhiều miền quê để gặp những người mẹ, người vợ, người con chia sẻ lời nhắn của đồng đội đã khuất. Một thứ tình cảm quý giá khác mà ông Đức cảm nhận rất rõ là tình quân dân. Ông Đức chia sẻ, trên đường hành quân giải phóng miền Nam, bản thân và các cán bộ, chiến sĩ khác nhận được rất nhiều sự quan tâm, tiếp sức. Người dân chuẩn bị cơm, nước uống, bánh trái... cho bộ đội cụ Hồ. Không những thế, bà con còn trao cho các ông những ánh mắt, cái bắt tay, lời thăm hỏi đầy tình yêu thương.

Đi qua chiến tranh, ông Đức càng trân quý hơn giá trị của hòa bình. Vì thế, sau ngày đất nước giải phóng, ông xác định tiếp tục gắn bó với môi trường quân ngũ. Tháng 8/1976, ông theo học Trường sĩ quan Lục quân I, rồi được chọn làm giảng viên. Trải qua nhiều chức vụ, vị trí, năm 1986, ông trở về theo tiếng gọi của quê hương.

Nơi đây, ông được phân công đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Chỉ huy phó Quân sự kiêm Tham mưu trưởng Huyện đội Bến Hải; Chỉ huy trưởng huyện Hướng Hóa, Đoàn phó Quân sự kiêm Tham mưu trưởng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337... Đến tháng 6/2011, ông Đức nghỉ hưu theo chế độ. Ở cái tuổi đáng được nghỉ ngơi, ông vẫn thầm lặng cống hiến cho công tác hội, phong trào cựu chiến binh; gieo vào lòng thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước; chung tay xây dựng nhiều mô hình hay ở khu phố...

Chuyện trò với chúng tôi, ông Đức cho biết, bây giờ, những người cùng thế hệ với mình trẻ nhất cũng đã ngoài 70. Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, ông cũng như các cựu chiến binh khác không mong gì nhiều, chỉ hy vọng có thể trao truyền ngọn lửa cách mạng cho thế hệ sau. Ông biết, tuy không phải đối diện với bom rơi, đạn nổ như trước nhưng thế hệ trẻ hôm nay cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức riêng.

“Tôi tin, mọi rào cản sẽ không ngăn được bước chân nếu thế hệ trẻ luôn vững tin vào con đường cách mạng. Tôi hy vọng rằng các bạn trẻ hôm nay sẽ tiếp tục chung tay dựng xây đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông Đức gửi gắm.

Tây Long

Nguồn: https://baoquangtri.vn/chien-thang-lich-su-30-4-qua-hoi-uc-cua-mot-nguoi-linh-193371.htm


Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm