Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vẹn nguyên tình đồng đội

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Những người lính trận năm xưa giờ tóc đã bạc, nhiều người lên chức ông, bà, nhưng ký ức một thời bom đạn và tình đồng đội thiêng liêng vẫn còn vẹn nguyên trong tim họ. Sẻ chia đồng hành cùng người đang sống, tri ân người đã khuất là cách mà thành viên Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Sư đoàn 5 (Ban liên lạc) Thái Nguyên đang âm thầm, tình nguyện nỗ lực thực hiện mỗi ngày như một mệnh lệnh của trái tim.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên30/04/2025

Đại diện Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Sư đoàn 5 trong chuyến hành trình di chuyển hài cốt 8 liệt sĩ về quê hương tháng 4-2022.
Đại diện Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Sư đoàn 5 trong chuyến hành trình di chuyển hài cốt 8 liệt sĩ về quê hương tháng 4-2022.

Chung một mái nhà

Ngôi nhà của ông Ngô Hồng Mưu (phường Cải Đan, TP. Sông Công), Trưởng Ban liên lạc từ lâu trở thành điểm hẹn của các anh em, đồng đội. Một ngày cuối tháng 3, họ gặp mặt, hỏi thăm nhau về cuộc sống, gia đình và ôn lại những kỷ niệm năm xưa. Mái đầu đã bạc, bước chân không còn vững, nhưng khi những câu chuyện nơi chiến trường ác liệt được kể lại thì cả một thời thanh xuân như sống dậy trong từng ánh mắt, nụ cười, tiếng cười xen lẫn những phút lặng im đầy cảm xúc.

Ông Mưu khái quát, Sư đoàn 5 được thành lập năm 1965, giữa những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Là một trong hai sư đoàn chủ lực của chiến trường miền Đông Nam Bộ, đơn vị đã lập nhiều chiến công lẫy lừng, trải qua 10 năm chiến đấu chống Mỹ, sau đó bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Với những đóng góp to lớn, Sư đoàn vinh dự hai lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Sư đoàn 5 làm các thủ tục cần thiết tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương đón hài cốt liệt sĩ trở về quê hương.
Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Sư đoàn 5 làm các thủ tục cần thiết tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương đón hài cốt liệt sĩ trở về quê hương.

Với mong muốn gắn kết những đồng đội từng “vào sinh ra tử” nơi chiến trường, năm 2010, Ban liên lạc ra đời. Hiện, Ban liên lạc có 121 hội viên, sinh hoạt tại 5 chi hội trên địa bàn Thái Nguyên. Mỗi hội viên một hoàn cảnh, người là thương binh, người nhiễm chất độc da cam, người nghỉ hưu với đồng lương ít ỏi, nhưng tất cả vẫn luôn giữ trọn nghĩa tình đồng đội, coi đây như một mái nhà chung. Khi có hội viên ốm đau, mọi người cùng nhau thăm hỏi, động viên; khi có người qua đời, họ lại chung tay lo liệu hậu sự. Ban liên lạc cũng đã tổ chức quyên góp, tặng sổ tiết kiệm và vận động kinh phí, xây dựng 14 ngôi nhà cho các đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.

Miệt mài tìm kiếm đồng đội

Ông Mưu chia sẻ: “Khi thành lập Ban liên lạc, chúng tôi thống nhất một nhiệm vụ quan trọng đó là tìm mộ liệt sĩ, đưa các đồng chí về với gia đình. Đồng đội đã nằm lại cho chúng tôi được sống, vì vậy, việc đưa các anh về đoàn tụ gia đình là mệnh lệnh từ trái tim”.

Ban liên lạc còn vận động được sự đóng góp từ các tổ chức và cá nhân để hỗ trợ các gia đình liệt sĩ
Ban liên lạc vận động sự đóng góp từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ các gia đình liệt sĩ.

Với tâm niệm ấy, từ năm 2013, Ban liên lạc bắt đầu hành trình tìm kiếm mộ liệt sĩ. Những bước đi đầu tiên, các thành viên gặp đầy khó khăn, bởi không biết phải bắt đầu từ đâu, không có hồ sơ, tư liệu hay hướng dẫn cụ thể nào, mọi thứ đều tự học, tự tìm. Thông thường, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bắt đầu từ những thông tin ban đầu do thân nhân cung cấp, trong đó giấy báo tử được xem là “chìa khoá”. Từ đó, Ban liên lạc tiến hành hoàn thiện hồ sơ, làm các thủ tục di chuyển hài cốt, đồng thời chỉnh sửa, bổ sung thông tin để trả lại đúng tên tuổi trên bia mộ ở nghĩa trang.

Khó khăn lớn nhất nằm ở khâu khớp nối thông tin và xác minh hồ sơ, bởi có đến 80% trường hợp liệt sĩ có thông tin bị sai lệch. Nguyên nhân do chiến tranh khốc liệt khiến giấy tờ thất lạc, ghi chép sơ sài, tên tuổi viết tắt, thiếu họ đệm, sai địa chỉ hoặc do thay đổi địa danh hành chính qua các thời kỳ…

Tiếp lời ông Mưu, ông Phạm Ngọc Quý, Phó Ban liên lạc kể rằng: Không ít trường hợp chúng tôi phải mất hàng tháng trời để đối chiếu hồ sơ, kiên trì lần theo từng chi tiết, từng manh mối nhỏ nhất, quyết tâm đưa các anh trở về với đúng tên tuổi, cội nguồn. Chính cách làm bài bản, tận tâm và thận trọng đã tạo được niềm tin, sự ủng hộ rộng rãi. Nhờ vậy, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh đều xem Ban liên lạc như một địa chỉ tin cậy, chủ động kết nối, nhờ cậy trong hành trình đi tìm người thân.

Các thành viên Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Sư đoàn 5 gặp nhau ôn lại kỷ niệm một thời chiến đấu năm xưa.
Các thành viên Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Sư đoàn 5 gặp nhau ôn lại kỷ niệm một thời chiến đấu năm xưa.

Ông Ma Đình Hiếu (em trai liệt sĩ Ma Đình Thảo), phường Trung Thành, TP. Thái Nguyên, kể: “Anh trai tôi hy sinh năm 1979 tại Campuchia. Thông qua một người bạn, gia đình tôi biết chắc chắn anh đang nằm tại Nghĩa trang tỉnh Bình Dương. Chúng tôi không biết phải bắt đầu từ đâu để đưa anh về trong danh tính trọn vẹn, bởi một số thông tin như năm sinh không trùng khớp… Khi đó, chúng tôi được các anh Quý, anh Mưu đều là bạn chiến đấu của anh tôi hỗ trợ xác minh thông tin, mọi thủ tục dần được tháo gỡ. Ngày đón anh trai về quê hương, anh em, đồng đội, những người từng cùng anh chiến đấu năm xưa đều có mặt, hỗ trợ. Chứng kiến tình cảm sâu nặng ấy, chúng tôi vô cùng xúc động và biết ơn các anh nhiều lắm!.

Theo chia sẻ của các thành viên Ban liên lạc, hành trình tìm mộ liệt sĩ là công việc thiêng liêng, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc và mỗi nơi họ đến đều có những tấm lòng tốt sẵn sàng giúp đỡ. Điều đó đã tiếp thêm niềm tin và động lực, giúp họ vững bước trên hành trình đầy gian nan nhưng cũng nặng tình nghĩa này. Ngoài việc được hỗ trợ chi phí cho quá trình đưa liệt sĩ trở về quê hương, Ban liên lạc còn vận động được sự đóng góp từ các tổ chức và cá nhân để hỗ trợ các gia đình liệt sĩ, đặc biệt là những gia đình có mẹ già, vợ đơn thân thờ chồng. Mỗi gia đình được trao tặng từ 5-10 triệu đồng như một sự động viên, chia sẻ phần nào nỗi đau mất mát với những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Từ năm 2013 đến nay, Ban liên lạc đã thực hiện hàng chục chuyến đi, đưa gần 100 hài cốt liệt sĩ trở về đất mẹ. Riêng tại Thái Nguyên, đã có bốn chuyến hành trình đặc biệt, giúp 15 liệt sĩ trở về quê hương.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202504/ven-nguyen-tinh-dong-doi-4980ff4/


Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm