Theo chuyện kể được lưu truyền từ đời này sang đời khác, động Ngài là nơi trú ngụ đầu tiên của người Vân Kiều ở Quảng Trị. Từ thuở chưa có nhà cửa thì Ngài (người đàn ông đầu tiên, thủ lĩnh của đồng bào Vân Kiều ở Quảng Trị) đã về ở trong hang động này. Ông Hồ Mừng, già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số bản Khe Ngài, cho biết: “Từ rất lâu, tôi chỉ nghe ông cha kể lại, người lập bản đầu tiên, thủ lĩnh của đồng bào Vân Kiều sống ở động Ngài, sau đó sinh con đẻ cháu, từ một vài người phát triển lên hàng trăm, hàng nghìn người sinh sống khắp nơi trên núi rừng Trường Sơn”.

Vào dịp lễ, tết, người dân ở bản Khe Ngài thường gói bánh nếp - một loại bánh truyền thống của đồng bào Vân Kiều.

Động Ngài nằm trong núi Ngài, bên sông Đakrông được bao quanh với địa hình đồi núi thấp. Thế nên dù đứng ở vị trí nào quanh bán kính 7-10km vẫn nhìn thấy núi Ngài-ngọn núi đá hoang vu "bất khả xâm phạm". Bên cạnh là khe Ngài, con suối nhỏ mà đồng bào Vân Kiều đã lấy tên đặt cho bản làng của mình. Già làng Hồ Mừng tự hào cho biết: “Từ xa xưa, Ngài đã nhận biết đây là địa bàn sinh sống rất tốt cho dân tộc của mình. Lúc đầu chỉ có một nhóm người, sau đó, nhiều dòng họ khác nhau tụ họp về đây cùng sinh sống. Những dòng họ được đặt tên theo các loài cây, con, ngọn núi-nơi khởi đầu cuộc sống gắn kết như: Xôm, Mu Blăng, Vil Clưng, Bang Xariêng...

Khe Ngài là bản làng trù phú nhất của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị. Địa hình nơi đây chủ yếu là đồi núi thấp, đồng ruộng phì nhiêu, đất đai màu mỡ. Có được lợi thế đó là bởi Khe Ngài được thiên nhiên ban tặng cho con suối bao quanh động Ngài ở 3 phía Ðông, Tây và Nam, đổ ra hữu ngạn sông Đakrông phía thượng nguồn. Sông Đakrông song song với trục Quốc lộ 9 nên bản Khe Ngài nằm ở hai bên quốc lộ này, thông thương giữa Việt Nam và các nước trong khu vực như: Lào, Thái lan, Myanmar... rất thuận tiện.

Ông Vỗ Đẹp, 62 tuổi, người Vân Kiều, đến sinh sống ở bản Khe Ngài từ năm 1979, chia sẻ cùng chúng tôi rằng, biết Khe Ngài đất rộng, người thưa nên từ năm 1979, gia đình ông di cư lên đây, được đồng bào Vân Kiều ở bản Khe Ngài cưu mang, đùm bọc, cho đất đai làm nhà ở, cho ruộng vườn để trồng cây. Trong những năm chống đế quốc Mỹ, dân bản Khe Ngài phải rời xa bản làng yêu dấu của mình, tạm lánh vào rừng sâu cùng bộ đội chống lại quân xâm lược. Ngày hòa bình, người dân Khe Ngài trở về vùng đất tổ tiên mình lựa chọn, tiếp tục sinh sống, làm ăn cho đến ngày nay.

Phía bên kia dòng sông Đakrông, bản Khe Ngài yên bình với gần 200 ngôi nhà, dân số khoảng 1.000 người. Đất đai màu mỡ là lợi thế để trồng cây lương thực, đặc biệt là lúa nước, giúp đồng bào Vân Kiều ở đây chủ động được nguồn lương thực quanh năm.

Nổi tiếng linh thiêng, núi Ngài là nơi người Vân Kiều “về nguồn” hằng năm trong mỗi dịp lễ, Tết cổ truyền. Ông Hồ Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Đakrông chia sẻ: Trước đây, cứ vào mùa xuân hằng năm, người Vân Kiều trên khắp Quảng Trị đều tụ họp về Khe Ngài làm lễ cúng tổ tiên ở núi Ngài để bày tỏ lòng biết ơn đối với người lập bản, biết ơn cội nguồn của mình, đồng thời cầu mong cho bản làng, cho người Vân Kiều có cái ăn, cái mặc, lúa ngô được mùa, người dân ấm no. Ngày nay, tục lệ này đã bị mai một ít nhiều, nếu duy trì trở lại và được quan tâm đầu tư phục vụ phát triển du lịch thì rất ý nghĩa.

Bài và ảnh: HOÀNG HẢI LÂM