Cú "đạp ga” lịch sử
Những ngày tháng tư lịch sử, TP Hồ Chí Minh được khoác lên mình chiếc áo rực rỡ sắc màu của cờ hoa, pano, khẩu hiệu cùng rất nhiều các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Hòa chung không khí tại thành phố mang tên Bác những ngày này, các cựu chiến binh quê Hải Dương có dịp gặp nhau để cùng ôn lại kỷ niệm những năm tháng hào hùng. Trong số đó có ông Nguyễn Văn Tập, sinh năm 1951 ở xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc (Hải Dương) và ông Vũ Đăng Toàn (sinh năm 1947 ở xã Yết Kiêu, cùng huyện), chính trị viên Đại đội tăng 4. Cả hai ông đều ngồi trên chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.
Nhớ về khoảnh khắc không bao giờ quên trong đời, ông Tập bảo, sáng 30/4/1975, Tiểu đoàn tăng 1 (Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2) của chúng tôi do Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ chỉ huy được giao nhiệm vụ chủ công mở đường tiến vào Sài Gòn.
"Đại đội tăng 4 (Tiểu đoàn tăng 1) có 7 xe. Trên xe 390 có 4 người. Tôi lái xe tăng. Anh Vũ Đăng Toàn, trưởng xe. Anh Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ số 1. Anh Lê Văn Phượng, pháo thủ số 2. Ban chỉ huy Đại đội tăng 4 có 3 người, gồm Đại đội trưởng Bùi Quang Thận, trưởng xe 843; Phó Đại đội trưởng Lê Văn Phượng, pháo thủ số 2 xe tăng 390; Chính trị viên, trưởng xe Vũ Đăng Toàn" - ông Tập kể.
Theo lời ông Tập, trên đường tiến quân, quân ta gặp sự kháng cự quyết liệt của địch, đặc biệt tại cầu Sài Gòn trước khi chúng ta thắng trận vượt lên. "Trong trận này, nhiều đồng đội vĩnh viễn ra đi nhưng mát lớn nhất là Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ hy sinh, ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần anh em", ông Tập bùi ngùi.
Khi đoàn xe tăng đến cầu Thị Nghè, xe dẫn đầu của trung đội trưởng Lê Tiến Hùng bị trúng hỏa lực địch, xe tăng 390 vượt lên. Đến gần Dinh Độc Lập, xe tăng 390 đi chậm lại, nhường xe tăng 843 của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận vượt lên. Khi đến cổng trái của dinh, xe 843 bị kẹt lại. "Tôi hỏi thế nào anh Toàn? Không do dự, anh Toàn ra lệnh cứ tông thẳng. Tôi đạp ga, chiếc xe tăng 390 vụt lên húc tung cổng chính dinh Độc Lập, lao vào trong sân", ông Tập nhớ lại.
"Trên chiếc xe tăng 390 có 4 người, giờ còn 3 người. Anh Phượng ốm mất cách đây gần chục năm", ông Tập nghẹn ngào.
Không tham gia trực tiếp đánh Dinh Độc Lập nhưng ông Vũ Chí Hoàn, 72 tuổi ở phường Sao Đỏ (TP Chí Linh) còn nhớ thời khắc nhận tin quân giải phóng tiến vào dinh, Dương Văn Minh đầu hàng. "Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đang ở Đà Nẵng, trên đường tiến vào Sài Gòn thì nhận được tin Sài Gòn giải phóng. Anh em ôm nhau hét lên giải phóng rồi, sống rồi", ông Hoàn nhớ lại.
Ông Hoàn nhập ngũ năm 1971, được biên chế vào Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, Quân đoàn 2 vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Ông Hoàn nhớ nhất thời điểm đơn vị của ông được lệnh đánh trận mở màn giải phóng Thừa Thiên - Huế. "Sáng 21/3/1975, Sư đoàn 324, 325, Quân đoàn 2 đồng loạt nổ súng tiến công hệ thống phòng ngự của địch ở phía nam Thừa Thiên - Huế, cắt đứt giao thông đường số 1 đoạn Huế - Đà Nẵng. Trung đoàn 2, Sư đoàn 324 lần lượt chiếm các điểm cao 224, 303. Trong sáng 21/3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 chiếm được Núi Bông, quân địch hoảng loạn, tháo chạy. Đến ngày 25/3/1975, quân ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế...", ông Hoàn nhớ lại.
Người dân mong muốn hòa bình
Sau 50 năm giải phóng, TP Hồ Chí Minh đã chuyển mình mạnh mẽ. Những tòa cao ốc chọc trời, những đại lộ thênh thang, những công trình biểu tượng mới đã và đang từng bước góp phần thay đổi diện mạo của thành phố mang tên Bác. Ngay cả những người từng sống dưới chế độ cũ, phục vụ cho chế độ cũ vui mừng khi thành phố thay đổi từng ngày.
Ông Phan Thanh, sinh năm 1946 ở đường Lê Quang Định, phường 14, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) quê gốc huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Năm 1936, gia đình ông Thanh vào miền Nam sinh sống. Bố, mẹ ông theo cách mạng nhưng hai anh em ông lại không làm được như vậy. Mặc dù nhiều lần bị chính quyền cũ bắt lính ông đều trốn nhưng người em trai kém ông 3 tuổi tên Phan Minh lại phục vụ trong quân đội chính quyền Sài Gòn nhiều năm.
Sau khi miền Nam giải phóng, hai anh em ông ở lại TP Hồ Chí Minh. "Ngày 30/4/1975, khi Sài Gòn giải phóng, nhiều người dân đổ ra đường chào đón quân giải phóng tiến vào tiếp quản thành phố. Trước đó, nhiều thanh niên sống dưới chế độ cũ bị ép buộc đi lính mặc dù bản thân không muốn. Nhiều người tìm mọi cách để trốn lính bởi đơn giản họ không muốn chiến tranh, không muốn những người Việt bắn giết lẫn nhau", ông Thanh nói.
Sau khi đất nước thống nhất, gia đình ông Thanh có một vài lần quay lại Hưng Yên thăm quê. "Niềm vui lớn nhất của gia đình tôi là Bắc - Nam sum họp, người thân đoàn tụ. Lúc mới giải phóng, cuộc sống xáo trộn, cũng có khó khăn. Tuy nhiên, sau 50 năm đã thay đổi rất nhiều, công việc làm ăn kinh doanh thuận lợi hơn, đời sống người dân được nâng lên", ông Thanh nói.
Bà Nguyễn Thị Phúc, sinh năm 1954 ở ngõ 10, đường Hoàng Hoa Thám, phường 7, quận Bình Thạnh có gần 20 năm sinh sống dưới chế độ cũ. Bà Phúc nhớ lại, vào năm 1956, bà cùng chị gái theo bố mẹ từ Hải Phòng vào miền Nam sinh sống. Bố bà làm nghề dạy học, mẹ bà buôn bán ở chợ nuôi chị em bà ăn học.
Thời điểm miền Nam giải phóng, bà Phúc cùng nhiều người trong khu phố đổ ra đường chào đón quân giải phóng. "Khi quân giải phóng tiếp quản thành phố, một số người dân lo sợ xảy ra tình trạng hỗn loạn. Tuy nhiên, bộ đội giải phóng được cắt cử canh gác nhiều nơi, trấn an người dân, không có tình trạng cướp bóc xảy ra", bà Phúc cho biết.
Bà Phúc làm trong ngành y của chế độ cũ được 2 năm thì Sài Gòn giải phóng. Sau đó, bà được nhận vào làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu. "Người dân chúng tôi chỉ mong muốn đất nước hòa bình, Bắc - Nam một nhà, người dân tự do đi lại", bà Phúc nói.
PHƯƠNG LINHNguồn: https://baohaiduong.vn/tro-lai-nhung-chien-truong-lich-su-bai-cuoi-ky-uc-hao-hung-ngay-thong-nhat-410384.html
Bình luận (0)