Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

TPHCM sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thành siêu đô thị châu Á

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia nhận định, khi TPHCM sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở thành trung tâm logistics của thế giới, siêu đô thị ở châu Á.

Báo Dân tríBáo Dân trí14/04/2025

1.webp

Theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cả nước còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TPHCM; lấy tên là TPHCM, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TPHCM.

Nhiều chuyên gia kinh tế, đô thị kỳ vọng TPHCM mới sẽ là siêu đô thị ở châu Á, có tiềm năng, động lực và cơ hội để phát triển trở thành một trong những trung tâm kinh tế, tài chính của khu vực. 

Sớm trở thành trung tâm logistics của thế giới

Chuyên gia kinh tế Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM nhấn mạnh, việc sáp nhập TPHCM với Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương sẽ mở ra không gian, khơi thông nguồn lực, mang lại nhiều động lực phát triển mạnh mẽ, đặc biệt khi tận dụng hệ thống cảng biển của Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Với hệ thống cảng biển hiện đại của Bà Rịa - Vũng Tàu, việc sáp nhập sẽ giúp tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa, phát triển logistics và thúc đẩy kinh tế biển. Điều này có thể đưa TPHCM trở thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực và thế giới. Việc thành lập các trung tâm hậu cần và khu thương mại tự do ở Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư quốc tế, thúc đẩy thương mại và tạo ra các cơ hội việc làm, tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế.

2.webp

Cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) (Ảnh: Hoàng Bình).

Theo chuyên gia Trần Quang Thắng, việc hợp nhất 3 địa phương khu vực Đông Nam Bộ sẽ tạo điều kiện đầu tư và nâng cấp hạ tầng giao thông liên vùng đồng bộ. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc, hệ thống giao thông công cộng giúp kết nối các đô thị vệ tinh của 3 địa phương. Điều này giúp kết nối hiệu quả giữa các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư ở cả TPHCM, Bình Dương, và Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo động lực để phát triển kinh tế. Khi việc sáp nhập này được thực hiện, quy mô kinh tế của TPHCM mới có thể chiếm tới gần 30% GRDP của cả nước. 

Ngoài ra, chuyên gia này còn nhấn mạnh, Bà Rịa - Vũng Tàu vốn nổi tiếng với các bãi biển đẹp và tiềm năng du lịch. Khi sáp nhập, TPHCM có thể tận dụng điều này để phát triển du lịch liên vùng, thu hút du khách quốc tế và nội địa. Việc sáp nhập cũng sẽ tạo ra một siêu đô thị với cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống, y tế, giáo dục và các dịch vụ công cộng của cả 3 địa phương.

"Việc sáp nhập có thể thiết lập TPHCM mới sẽ thành một trung tâm kinh tế hàng đầu ở Đông Nam Á, tận dụng vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng tiên tiến và năng lực hậu cần mạnh mẽ. Tôi tin với quy hoạch cẩn thận, khu vực này có thể trở thành mô hình phát triển đô thị và công nghiệp bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng với bảo vệ môi trường. Việc tích hợp các cảng nước sâu và sân bay quốc tế sẽ củng cố các liên kết thương mại toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy khả năng cạnh tranh kinh tế. Người dân có thể được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng, dịch vụ và cơ hội việc làm tốt hơn, tạo ra một môi trường đáng sống và thịnh vượng hơn", ông Trần Quang Thắng chia sẻ thêm. 

Đồng quan điểm với chuyên gia Trần Quang Thắng, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho rằng, việc sáp nhập TPHCM với Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương sẽ tạo động lực, liên kết phát triển chuỗi cung ứng hậu cần rất hiệu quả. Vì đây là 3 địa phương có rất nhiều cụm khu công nghiệp, xí nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ. 

Với việc Thủ tướng chấp thuận chủ trương xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, ông Thuận nhấn mạnh, TPHCM tập trung nguồn lực để đầu tư mạnh cho hướng kết nối từ Cần Giờ. Trong đó, khẩn trương làm cầu Cần Giờ, tuyến đường sắt tốc độ cao, cầu vượt biển sang TP Vũng Tàu và có thể làm thêm tuyến đường sắt đô thị kết nối Cần Giờ với Vũng Tàu. Cần Giờ sẽ là cực phát triển mới để liên kết đô thị, đặc biệt là trung tâm logistics khi kết hợp với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng Cát Lái hiện hữu. 

3.webp

Cảng quốc tế Cần Giờ trong tương lai (Ảnh: UBND TPHCM).

Theo ông Thuận, khi sáp nhập TPHCM với Bà Rịa - Vũng Tàu, việc liên kết các cảng biển hiện hữu và các dự án cảng biển nước sâu chuẩn bị xây dựng là động lực để giúp TPHCM mới trở thành trung tâm logistics với hệ thống cảng biển quốc tế lớn, làm động lực thu hút, trở thành trung tâm giao thương hàng hải của thế giới.

"TPHCM mới có rất nhiều cảng quốc tế lớn như cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng trung chuyển Cần Giờ, cảng Cát Lái... sẽ giúp địa phương phân luồng hàng hóa, đối tác quốc tế và khách hàng thuận lợi. Khi đó TPHCM sẽ sở hữu rất nhiều cụm cảng nước sâu lớn, thuận tiện thu hút đầu tư và sớm trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hóa của thế giới", ông Thuận nhận định. 

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc sáp nhập TPHCM với Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương là cơ hội lớn để phát triển trung tâm logistics đẳng cấp quốc tế. Việc phát triển cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ được ưu tiên phát triển để trở thành cửa ngõ quốc tế, phục vụ xuất nhập khẩu và trung chuyển hàng hóa quốc tế.

Giao thông kết nối rất thuận lợi

TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn nằm trong các địa phương có ngân sách lớn nhất cả nước, là "cực tăng trưởng" quan trọng của nền kinh tế nước ta. Vấn đề kết nối hạ tầng giao thông giữa "cực tăng trưởng" này sẽ được tổ chức ra sao nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế vốn có được nhiều chuyên gia phân tích. 

TPHCM nằm ở vị trí trung tâm vùng Đông Nam Bộ, tiếp giáp với nhiều tỉnh, trong đó có Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. So với các địa phương khác, kết nối giữa TPHCM và Bình Dương hiện khá thuận tiện nhờ một loạt tuyến đường huyết mạch quốc lộ 1K, quốc lộ 1, quốc lộ 13, ĐT 743, cầu Phú Cường, cầu Bến Súc, cầu Phú Long, đường An Bình...

4.webp

Mở rộng quốc lộ 13 là một trong những dự án BOT trên đường hiện hữu được thực hiện theo Nghị quyết 98 (Ảnh: Nam Anh).

Gần TPHCM, giao thông thuận tiện, nhiều người dân làm việc tại TPHCM chọn cách mua nhà ở Bình Dương nhằm tiết kiệm. Việc giao thương giữa TPHCM và Bình Dương rất thuận lợi. Đặc biệt là TP Thủ Đức (TPHCM) với TP Dĩ An, TP Thuận An (Bình Dương).

Hiện, quốc lộ 13 được xem là trục giao thông chính giữa hai địa phương, nối quận Bình Thạnh đến trung tâm Thủ Dầu Một (Bình Dương) đang có kế hoạch mở rộng lên 10 làn xe. Đây là trục đường nối trung tâm hành chính, kinh tế của 2 địa phương. 

Trong khi đó, cao tốc Chơn Thành - Thủ Dầu Một đã được tỉnh Bình Dương thi công, sẽ kết nối với cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa. TPHCM dự kiến cũng thông qua chủ trương đầu tư dự án đường dẫn nối cao tốc Chơn Thành - Thủ Dầu Một với đường Vành đai 2 TPHCM tại khu vực Gò Dưa (TP Thủ Đức). Khi có trục đường này, hàng hóa từ Tây Nguyên, Bình Dương... sẽ về các cảng biển của TPHCM gần hơn, rút ngắn thời gian đi lại đáng kể.

Tuyến metro kết nối TPHCM và Bình Dương cũng đang được nghiên cứu xây dựng, UBND tỉnh Bình Dương đã xem xét, thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Tuyến metro này sẽ nối dài tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên của TPHCM từ Bến xe Suối Tiên đến Ga S1 tại thành phố mới Bình Dương. Tuyến Metro TPHCM - Bình Dương dự kiến có chiều dài hơn 32,4km, tốc độ thiết kế 120km/h, với tổng mức đầu tư khoảng 64.370 tỷ đồng. Dự án được đề xuất khởi công từ năm 2027, đưa vào vận hành từ năm 2031.

Theo chuyên gia, khi Bình Dương sáp nhập vào TPHCM, ở góc độ các dự án kết nối vùng như metro, cao tốc, mở rộng quốc lộ 13… sẽ có điều kiện kết nối đồng bộ, thúc đẩy nhanh hơn.

5.webp

Cao tốc Bến Lức - Long Thành giúp kết nối TPHCM với Bà Rịa - Vũng Tàu gần hơn (Ảnh: Nam Anh).

Khác với Bình Dương, theo đánh giá của các chuyên gia, việc kết nối TPHCM về Bà Rịa - Vũng Tàu hiện còn khá hạn chế. Để đến Vũng Tàu, người dân TPHCM phải qua các huyện Long Thành, Nhơn Trạch của Đồng Nai thông qua cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 51, phà Cát Lái hoặc phà vượt biển Cần Giờ - Vũng Tàu.

Thời gian tới, TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ kết nối thuận lợi hơn khi hai cao tốc Bến Lức - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu được đưa vào vận hành. Đặc biệt, tuyến Vành đai 3 TPHCM đang được TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Long An đẩy nhanh tiến độ thi công với mục tiêu thông xe một số đoạn vào năm nay và hoàn thành toàn bộ dự án năm sau.

Khi đó, hành trình từ TPHCM đến Vũng Tàu sẽ thuận tiện hơn thông qua các tuyến cao tốc hiện đại. Ngoài ra, dự án tuyến Vành đai 4 TPHCM dài 159km đi qua bốn địa phương TPHCM, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đang được thẩm định trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 5 tới. 

Những thách thức để TPHCM mới cất cánh

Theo quy hoạch vùng Đông Nam Bộ được Thủ tướng phê duyệt tháng 5/2024, TPHCM được xem là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á, phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu. Đáng chú ý, quy hoạch đưa ra định hướng phát triển công nghiệp, liên kết vùng và các tiểu vùng, hạ tầng đều lấy TPHCM là trung tâm để mở rộng và hình thành nên các cụm liên kết ngành công nghiệp.

Đó là các ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo (TPHCM - Bình Dương - Bà Rịa Vũng Tàu), sản xuất hàng cơ điện gia dụng (Bình Dương - Đồng Nai). Công nghiệp cơ khí sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy, máy móc nông nghiệp (TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai), công nghiệp hóa dầu và sản xuất các sản phẩm hóa chất từ dầu, khí (Bà Rịa - Vũng Tàu); công nghiệp cơ khí đóng tàu và cấu kiện nổi phục vụ khai thác dầu khí (Bà Rịa - Vũng Tàu - Đông Nam TPHCM)…

Khi TPHCM sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ khơi thông nguồn lực để phát triển, nhưng để phát huy được các giá trị, tiềm năng sẵn có thì các chuyên gia cho rằng chính quyền TPHCM mới phải khắc phục ngay nhiều yếu tố. 

Chuyên gia Trần Quang Thắng cho rằng, sự hợp nhất ngân sách và tài sản công sẽ tạo điều kiện để đầu tư vào các dự án trọng điểm, tránh tình trạng đầu tư trùng lặp và manh mún. Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích này, TPHCM tập trung giải quyết vấn đề giao thông giữa các khu vực bị chia cắt bởi rừng ngập mặn và sông ngòi, cũng như đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, TP.HCM đã đối mặt với tình trạng quá tải hạ tầng, từ giao thông, nhà ở đến các dịch vụ công cộng. Việc sáp nhập có thể làm gia tăng áp lực này nếu không có kế hoạch mở rộng và nâng cấp hạ tầng kịp thời.

Ông Thắng cũng chia sẻ thêm, việc phát triển đô thị và kinh tế có thể gây áp lực lớn lên môi trường tự nhiên, đặc biệt là các khu vực rừng ngập mặn và hệ sinh thái biển. Sự gia tăng dân số nhanh chóng có thể gây ra các vấn đề về an ninh, y tế, giáo dục và việc làm nếu không có kế hoạch quản lý hiệu quả. 

6.webp

Các chuyên gia kỳ vọng TPHCM mới sẽ "cất cánh" khi sáp nhập với Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương (Ảnh: Hải Long).

Một chuyên gia kinh tế cũng chia sẻ, để vượt qua những thách thức này, TPHCM mới có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, đầu tư hạ tầng và công nghệ, cũng như đảm bảo sự đồng thuận của người dân.

Giải quyết được các thách thức nêu trên, việc sáp nhập TPHCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu mang đến những tác động tích cực rất lớn, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, thúc đẩy hội nhập khu vực. Tập trung phát triển các thị trấn, phường, xã vệ tinh trong vùng sáp nhập để phân bổ dân số và các hoạt động kinh tế đồng đều hơn, giảm áp lực cho các khu vực trung tâm.

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/tphcm-sap-nhap-binh-duong-va-ba-ria-vung-tau-se-thanh-sieu-do-thi-chau-a-20250413152130995.htm




Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm