
Giao thông thuận lợi
Khu Hà Đông của huyện Thanh Hà có 3 xã, gồm Thanh Quang, Vĩnh Cường và Thanh Hồng. Mỗi ngày anh Lê Thành Phú ở thôn Tú Y, xã Vĩnh Cường chỉ mất 20 phút để đến chỗ làm tại huyện An Dương (TP Hải Phòng) khi đi qua cầu Quang Thanh. Với anh Phú, đó là niềm vui vì cây cầu đã giúp cho công việc, cuộc sống gia đình anh ổn định hơn.
Năm 2017, anh Phú học tập và làm việc ở Hải Phòng. Ngày đó đi phà Quang Thanh thì xa, anh thường qua đò Tú để đi làm. Có những ngày tan ca muộn, việc phải qua sông bằng đò khiến anh Phú vừa mệt mỏi vừa mất thời gian chờ đợi, nên anh quyết định thuê trọ tại Hải Phòng. Sau khi lập gia đình và có con, cả nhà anh tiếp tục sống thuê tại đây, đối mặt với chi phí sinh hoạt cao và việc đi lại không thuận tiện. “Từ ngày có cầu Quang Thanh đi lại thuận tiện hơn. Gia đình không còn phải thuê trọ mà về quê sinh sống cùng bố mẹ, con cái nhờ ông bà chăm sóc, dù sớm hay muộn đều có thể về nhà mà không sợ ngăn sông cách đò”, anh Phú nói.

Ngay sau khi cầu Quang Thanh hoàn thành năm 2021, người dân khu Hà Đông vui mừng vì đi lại thuận lợi. Do giáp với Hải Phòng nên nhiều lao động ở khu Hà Đông sang Hải Phòng làm việc gần hơn lên TP Hải Dương hoặc các huyện lân cận trong tỉnh.
Trước đây có 3 đò, 1 phà đưa đón người dân khu Hà Đông sang Hải Phòng làm việc. Từ khi có cầu Quang Thanh, chiếc phà cùng tên với cây cầu chấm dứt hoạt động, các đò còn lại vẫn hoạt động nhưng vắng khách.
Hiện nay có nhiều người dân ở khu Hà Đông làm việc tại các khu công nghiệp Tràng Duệ, An Dương ở TP Hải Phòng. Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Thanh Quang cho biết trước kia đi lại bằng đò, phà nên người dân trong xã sang Hải Phòng làm việc còn ít. Hiện nay cầu đường thông thoáng, đi lại thuận tiện nên người dân sang Hải Phòng làm việc nhiều hơn, có thu nhập khá.
Giao thương dễ dàng

Bà Nguyễn Thị Hợi ở thôn Hạ Vĩnh (xã Thanh Quang) vui mừng mỗi khi nhắc về cây cầu bắc qua sông Văn Úc. Bà Hợi chia sẻ trước kia bà làm nghề buôn bán vải quả. Đến mùa vải chín, người dân lại chở vải qua phà Quang Thanh hoặc đi đò sang Hải Phòng tiêu thụ. Những ngày trời mưa, đường trơn đi lại khó khăn. “Lúc thời tiết mưa gió, trên đò có nhiều người, đò chòng chành trên sông nước rất nguy hiểm”, bà Hợi nhớ lại.
Từ khi có cầu Quang Thanh, thương lái từ Hải Phòng với xe tải lớn, nhỏ về tận vườn thu mua vải, giao thương ngày càng dễ dàng, thuận lợi hơn. Từ một vùng nông nghiệp có phần trầm lặng, Hà Đông những năm gần đây bắt đầu sôi động hơn. Nhiều người dân đầu tư phương tiện vận chuyển nông sản, hàng hóa sang Hải Phòng tiêu thụ.
Ông Lê Văn Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Cường cho biết từ ngày có cầu Quang Thanh, giao thương giữa các xã khu vực Hà Đông với Hải Phòng tăng rõ rệt. Sự kết nối về giao thông không chỉ giúp người dân bán hàng hóa được giá hơn, mà còn giảm phụ thuộc vào thương lái trung gian.
Không riêng khu Hà Đông, nhiều lao động ở khu Hà Bắc, Hà Nam của huyện Thanh Hà cũng qua cây cầu này kinh doanh, buôn bán theo trục đường 390... Đời sống người dân ngày càng khấm khá.
Khoảng cách giữa Hà Đông của huyện Thanh Hà và các quận nội thành Hải Phòng ngày càn rút ngắn, thúc đẩy sự gắn kết 2 vùng. Nhờ lợi thế gần kề và giao thông thuận tiện, lao động ở khu Hà Đông có thể đi làm và về trong ngày, không cần rời quê lên thành phố sinh sống. Điều này góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân mà vẫn giữ được nếp sinh hoạt làng quê.
MINH NGUYÊNNguồn: https://baohaiduong.vn/nhip-song-nguoi-dan-khu-ha-dong-doi-thay-nho-cau-quang-thanh-410721.html
Bình luận (0)