Chủ động bắt kịp nhịp phát triển
Nếu như trước Tết Nguyên đán năm 2025, ông Trần Văn Ngạn (công nhân một công ty chế biến gỗ ở huyện Hóc Môn, TPHCM) nhất quyết từ chối khi được công ty cử đi học nâng cao tay nghề, sử dụng các loại máy móc, thiết bị hiện đại, thì cách đây hơn 1 tháng, ông chủ động lên mạng tìm, đăng ký học khóa sử dụng thiết bị máy trong chế biến gỗ.
“Làm lao động chân tay quen rồi, nên khi công ty đề nghị tôi đi học điều khiển máy để chuyển vị trí làm việc, tôi ngại không tham gia. Nhưng vừa rồi, nghe công ty sẽ nhập thêm máy móc mới để phục vụ các đơn hàng, bộ phận nhân sự cũng gọi tôi và vài anh em trao đổi về việc công ty tinh giảm lao động không có trình độ. Tôi biết, muốn giữ việc làm thời điểm này, mình phải thay đổi suy nghĩ và nâng cao trình độ”, ông Ngạn tâm sự.
Không bắt đầu muộn như ông Ngạn, nhiều lao động đã chủ động nâng cao trình độ, kiến thức, tay nghề và ứng dụng công nghệ từ nhiều năm trước. Khi công ty quyết định nhập chiếc máy in thế hệ mới từ Nhật, anh Nguyễn Tấn Nam (34 tuổi, công nhân một công ty in tại quận Bình Tân) cùng một nhân viên kỹ thuật được chọn sang Nhật để học cách vận hành và kỹ năng quản lý máy.
Trước đó, khi thấy công ty có kế hoạch đầu tư máy móc với thiết bị công nghệ cao, anh Nam đã chủ động đăng ký các khóa học nâng cao kỹ năng vận hành và ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao. Chính sự chủ động này đã giúp anh có một suất sang Nhật học làm chủ thiết bị mới của đơn vị.

Ông Lê Mai Hữu Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi, nhận xét, khoa học - công nghệ ngày càng phát triển, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành xu thế của thời đại. Doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển phải tận dụng triệt để công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Điều này đòi hỏi người lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn và kỹ năng mềm tương xứng.
Vì vậy, cùng với việc cải tiến quy trình, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, AI trong quản lý vận hành, thời gian qua, Công ty Cát Vạn Lợi cũng thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng ứng dụng chuyển đổi số cho người lao động từ khâu sản xuất đến kinh doanh.
Kỹ năng mềm và ứng dụng AI
Lâu nay, nhiều người nghĩ làn sóng sa thải chỉ xảy ra với lao động trình độ thấp, người mới được tuyển dụng. Song gần đây, nhiều lao động có trình độ, giữ vị trí ở đơn vị cũng lọt vào danh sách nhân sự bị cắt giảm.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương, Giám đốc giải pháp nguồn nhân lực Công ty CP Kết nối nhân tài (Talentnet), chia sẻ, hiện nay có năng lực, giỏi thôi chưa đủ, yêu cầu mới đòi hỏi người lao động có tinh thần cầu thị, ham học hỏi, sáng tạo, biết thay đổi, làm chủ công nghệ mới.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM năm 2025, khi kinh tế từng bước phục hồi và doanh nghiệp đẩy mạnh tái cấu trúc, không chỉ số lượng lao động cần tuyển dụng gia tăng mà yêu cầu về kỹ năng và chuyên môn cũng cao hơn. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và AI cũng mở ra nhiều cơ hội việc làm mới, đòi hỏi người lao động không ngừng nâng cao năng lực để thích ứng với thị trường.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, với công nghệ tiên tiến, môi trường làm việc trực tuyến và quy trình sản xuất thông minh, ứng dụng chuyển đổi số, AI đang làm thay đổi cách thức tuyển dụng, vận hành và phát triển nguồn nhân lực.
Thực tế này đòi hỏi người lao động phải có chuyên môn cao và các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, ứng dụng AI nâng cao hiệu quả công việc. Vì vậy, người lao động cần chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm về môi trường làm việc hiện nay và tương lai.
Dự báo quý 2-2025, thị trường lao động TPHCM cần 77.000-82.000 người, trong đó nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao là thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông - lâm - thủy sản. Nhu cầu lao động qua đào tạo chiếm trên 88%, trong đó lao động có trình độ sơ cấp chiếm trên 34%, trung cấp 20%, cao đẳng 14% và đại học trở lên chiếm trên 18%.
Điều đó cho thấy thị trường lao động TPHCM ngày càng yêu cầu nguồn nhân lực có chuyên môn, kỹ năng cao để đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế của thành phố. Đây cũng là thách thức lớn đối với người lao động trong việc nâng cao trình độ, đồng thời cũng là cơ hội cho những người đã sẵn sàng trau dồi kỹ năng, tận dụng xu hướng chuyển đổi của nền kinh tế để tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định trong tương lai.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nguoi-lao-dong-lam-chu-cong-nghe-moi-post793368.html
Bình luận (0)