“Ông già” ấy là nghệ nhân Ân Ngọc Lương, Phó chủ tịch Hội Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Bắc Giang. Dù đã ở tuổi thất tuần nhưng nhiệt huyết trong ông chưa bao giờ giảm đi, ông luôn đau đáu tâm nguyện đưa tiếng dân tộc Sán Dìu trở lại từng nếp nhà. Ông Lương chia sẻ về nỗi lo của mình: “Phần lớn các gia đình dân tộc Sán Dìu trên địa bàn Bắc Giang, ở nhà các cháu vẫn hay nói tiếng Kinh, không nói tiếng dân tộc. Nếu cứ như vậy thì tiếng dân tộc sẽ dần bị quên lãng”.
Người nghệ nhân rong ruổi khắp đường làng, ngõ xóm đến từng nhà động viên bà con. |
Dù nắng, dù mưa, người nghệ nhân già không quản ngại tới từng nhà thăm hỏi, tìm hiểu thực trạng sử dụng tiếng dân tộc Sán Dìu của mỗi thành viên trong gia đình. Từ đó, ông đưa ra lời khuyên, động viên bà con tham gia các lớp học tiếng dân tộc Sán Dìu được tổ chức tại địa phương, đồng thời giúp bà con thêm yêu, thêm hiểu tầm quan trọng của việc bảo tồn và gìn giữ tiếng nói của dân tộc.
Nghệ nhân Ân Ngọc Lương chia sẻ: “Tiếng Kinh bây giờ dễ nói hơn tiếng Sán Dìu. Mình không nói thường xuyên, những từ lâu không nói là dùng từ sẽ khó. Thế nên bây giờ cần quan tâm, cho các cháu đi học, ở nhà phải thường xuyên nói, có ông bà nói, bố mẹ nói, các cháu có thể không nói được nhưng vẫn nghe được, cộng với việc đi học thì dần dần các cháu sẽ nói tốt”.
Ông Lương thường xuyên thăm hỏi và động viên bà con tích cực nói tiếng dân tộc Sán Dìu. |
Đối với những gia đình nhiều thế hệ, ông Lương càng tích cực thuyết phục thế hệ ông bà còn biết và còn nhớ tiếng dân tộc truyền dạy cho các thế hệ con cháu. Đối với Hội Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Bắc Giang, hội viên các chi hội Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu, ông Lương thường xuyên nhắc nhở hội viên gương mẫu trong việc sử dụng tiếng dân tộc ở nhà để tạo môi trường gìn giữ, bảo tồn tiếng nói dân tộc Sán Dìu.
Ông Lương cho biết: “Tất cả các làng, chúng tôi đều phải phối kết hợp với Đảng ủy, UBND các xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn, người uy tín, Ban Công tác mặt trận để động viên con cháu, củng cố hoạt động của chi hội bảo tồn ở cấp thôn sao cho hoạt động được hiệu quả và thiết thực. Trước hết, hội viên trong chi hội bảo tồn phải gương mẫu nói tiếng dân tộc ở nhà, dạy con cháu ở trong nhà mình. Sinh hoạt ở các chi hội bảo tồn, chúng tôi yêu cầu hằng tháng, hằng quý phải kiểm điểm trách nhiệm của hội viên, gương mẫu trong việc nói tiếng dân tộc ở nhà để tạo lôi cuốn trong bảo tồn tiếng nói”.
Các bạn nhỏ thích thú học tiếng dân tộc Sán Dìu thông qua làn điệu Soọng Cô. |
Không chỉ vậy, nghệ nhân Ngọc Lương còn tích cực hỗ trợ công tác tổ chức, vận hành lớp học tiếng Sán Dìu, thành lập câu lạc bộ Hát Soọng Cô (làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc Sán Dìu) tại địa phương nhằm tạo niềm vui, điểm sinh hoạt cho người dân và thông qua lời ca tiếng hát, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người học, đồng thời lan tỏa tình yêu đối với tiếng nói và làn điệu truyền thống của dân tộc.
Thực tế, các lớp học đều đạt được thành quả nhất định, là tín hiệu mừng đối với công tác bảo tồn tiếng nói dân tộc Sán Dìu. Trong khi đó, câu lạc bộ hát Soọng Cô có số lượng thành viên ngày càng tăng và ngày càng trẻ hóa. Nhiều em nhỏ thích thú tham gia và quyết tâm học tiếng dân tộc. Em Trần Phi Yến, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, bày tỏ: “Em thích đi hát tiếng Sán Dìu. Em sẽ học nhiều hơn nữa để ngày càng thông thạo tiếng Sán Dìu”.
Năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang tham mưu với UBND tỉnh xây dựng 7 cuốn tài liệu để truyền dạy tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đó là các dân tộc: Tày, Nùng, Lục Giao, Sán Dìu, Hoa, Cao Lan và Sán Chí. Trong đó, cuốn tài liệu của dân tộc Sán Dìu đã cơ bản hoàn thành. Ông Lương là một trong những thành viên của ban biên soạn cuốn tài liệu này. Việc biên soạn cuốn tài liệu gặp không ít khó khăn, từ vấn đề thống nhất tiêu chuẩn, tập hợp dữ liệu, rà soát thông tin đến kinh phí... Ông Lương bộc bạch: “Trong quá trình biên soạn, chúng tôi thấy thực sự khó khăn nên càng phải quyết tâm. Mặc dù làm không có thù lao, không có gì hết, nhưng với mong muốn giữ lại phong tục tập quán của dân tộc nên chúng tôi quyết tâm làm”.
Khi cuốn tài liệu này hoàn thiện, đó sẽ là chuẩn mực trong công tác truyền dạy tiếng Sán Dìu. Từ phương thức truyền miệng, tiếng nói Sán Dìu được dạy ở lớp học hè tại các thôn và dự kiến sẽ được đưa vào trường học với giáo trình tiêu chuẩn.
Để thế hệ trẻ tiếp tục duy trì, bảo tồn tiếng nói dân tộc Sán Dìu, đó là một hành trình dài, đòi hỏi sự đồng lòng nỗ lực của các cấp chính quyền, các nghệ nhân dân gian và bà con dân tộc. Và cứ thế, bóng dáng người nghệ nhân già vẫn in dấu trên từng đường làng ngõ xóm và trên hành trình đưa tiếng nói Sán Dìu trở lại từng nếp nhà!
Bài, ảnh: QUỲNH ANH
Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/nghe-nhan-an-ngoc-luong-mong-muon-dua-tieng-dan-toc-san-diu-tro-lai-tung-nep-nha-826738
Bình luận (0)