Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khoa học “dẫn đường” hồi sinh quýt Bộp

BHG - Từ nguy cơ mai một nguồn gen quý, quýt Bộp – giống cây ăn quả có múi đặc sản của huyện Bắc Quang đang hồi sinh mạnh mẽ. Hành trình phục tráng, bảo tồn và phát triển giống quýt Bộp không chỉ gìn giữ nguồn gen bản địa quý mà còn mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp hiện đại, xanh, bản sắc và phát triển bền vững.

Báo Hà GiangBáo Hà Giang02/05/2025

BHG - Từ nguy cơ mai một nguồn gen quý, quýt Bộp – giống cây ăn quả có múi đặc sản của huyện Bắc Quang đang hồi sinh mạnh mẽ. Hành trình phục tráng, bảo tồn và phát triển giống quýt Bộp không chỉ gìn giữ nguồn gen bản địa quý mà còn mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp hiện đại, xanh, bản sắc và phát triển bền vững.

Theo lời kể của nhiều nông dân cao tuổi, quýt Bộp bén rễ trên vùng đất Bắc Quang từ trước năm 1990 nhưng chỉ được trồng nhỏ lẻ, manh mún. Nhờ mẫu mã đẹp, hương vị đặc trưng, loại quýt này chủ yếu được dành biếu, tặng trong gia đình, bạn bè thân thiết, chỉ một phần nhỏ bán ra thị trường với giá từ 25 – 40 nghìn đồng/kg. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, năm 2020, toàn huyện chỉ còn duy nhất 1 cây quýt Bộp trên 16 năm tuổi và khoảng 50 cây khác từ 4 – 14 năm tuổi, phần lớn được trồng xen trong những vườn cam, đồi chè của vỏn vẹn 8 hộ dân thuộc thị trấn Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Hảo…

Trồng quýt Bộp mở ra cơ hội nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế vườn bền vững cho người dân thị trấn Vĩnh Tuy.
Trồng quýt Bộp mở ra cơ hội nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế vườn bền vững cho người dân thị trấn Vĩnh Tuy.

Dù sở hữu những ưu điểm vượt trội nhưng giống quýt đặc sản này lại đứng trước nguy cơ mai một do người dân chưa thực sự mặn mà với việc nhân giống, mở rộng diện tích. Trong khi đó, thiếu định hướng khoa học cho việc bảo tồn và phát triển nguồn gen quý càng khiến quýt Bộp luẩn quẩn trong vòng tròn khép kín, chưa thể vươn xa trên thị trường. Trước thực tế này, tháng 9.2021, UBND tỉnh kịp thời phê duyệt đề tài khoa học cấp tỉnh: “Phục tráng, bảo tồn và phát triển giống quýt Bộp đặc sản của huyện Bắc Quang”. Đề tài do Trung tâm Dịch vụ và Chuyển giao khoa học, kỹ thuật về nông, lâm nghiệp huyện Bắc Quang chủ trì, Kỹ sư Đặng Tiến Cường – khi đó là Giám đốc Trung tâm, nay là Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện làm Chủ nhiệm.

Sau gần 4 năm triển khai, đề tài không chỉ mang lại những kết quả khoa học giá trị mà còn khẳng định tính thực tiễn cao. Năm 2022, 15 cây quýt Bộp đầu dòng được cơ quan chuyên môn công nhận, tạo nền tảng di truyền vững chắc cho quá trình nhân giống. Từ thành công này, các nhà khoa học tiếp tục tạo được 5 cây S0 và 30 cây S1 chất lượng cao, trở thành nguồn vật liệu quý cho thế hệ giống tiếp theo. Đặc biệt, việc xây dựng thành công vườn ươm 3.000 cây S2 sạch bệnh đánh dấu bước đột phá quan trọng, mở đường cho sản xuất giống quy mô lớn. Qua đó, góp phần khôi phục vùng trồng, làm phong phú cơ cấu giống cây ăn quả, thay thế những diện tích cây có múi già cỗi, hình thành sản phẩm đặc sản và nâng cao thu nhập cho người dân.

Quýt Bộp có trọng lượng lên đến 400g/quả, chất lượng thơm ngon, màu sắc bắt mắt.
Quýt Bộp có trọng lượng lên đến 400g/quả, chất lượng thơm ngon, màu sắc bắt mắt.

Một trong những mục tiêu trọng tâm của đề tài là từng bước đưa giống quýt Bộp ra khỏi phạm vi vườn nhà, tiến vào vùng sản xuất hàng hóa. Để thực hiện mục tiêu này, cơ quan chuyên môn đã phối hợp lựa chọn Hợp tác xã (HTX) Anh Tài (xã Vĩnh Hảo), HTX Dịch vụ nông nghiệp, thương mại và đầu tư thôn Giàn Thượng (xã Tiên Kiều) cùng 16 hộ dân ở các xã trên trồng mới 3.760 cây quýt Bộp với tổng diện tích 6 ha. Hiện nay, toàn bộ diện tích này đều sinh trưởng tốt, không ghi nhận sâu bệnh, tạo nền tảng thuận lợi cho việc hình thành vùng nguyên liệu đặc sản, phục vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa trong tương lai.

Đặc biệt, trên tổng diện tích 0,5 ha, các nhà khoa học đã thử nghiệm ghép cành quýt Bộp lên gốc cam Sành và gốc bưởi (bưởi chua Hòa Bình, bưởi Chấp Thái Bình). Kết quả cho thấy: Với 0,25 ha quýt Bộp ghép trên gốc cam Sành, tỷ lệ sống chỉ đạt 30 – 40%, cây sinh trưởng kém, không đủ điều kiện để nhân rộng. Ngược lại, khi ghép trên gốc bưởi, tỷ lệ sống lên tới 95%, cây phát triển khỏe mạnh và cho thu hoạch hơn 1 tấn quả/0,25 ha ngay trong niên vụ 2024 – 2025. Kết quả này cho thấy sự tương thích vượt trội giữa mắt ghép quýt Bộp và gốc bưởi, mở ra hướng cải tạo giống hiệu quả, bền vững và tiết kiệm chi phí cho người trồng.

Không dừng lại ở những kết quả trên, cơ quan chuyên môn còn triển khai thí điểm kỹ thuật nhân giống và sử dụng phân bón tại hộ ông Nguyễn Văn Sơn, tổ dân phố Tân Lập (thị trấn Vĩnh Tuy) nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật toàn diện từ khâu nhân giống, trồng trọt đến chăm sóc theo hướng bền vững, an toàn sinh học. Đến nay, gia đình ông Sơn đã ghép thành công giống quýt Bộp lên 300 gốc bưởi, bước đầu mang lại kết quả khả quan. Trong đó, 30 cây đã cho quả ổn định, riêng niên vụ 2024 – 2025 đạt sản lượng hơn 3 tấn, với giá bán dao động từ 40 – 50 nghìn đồng/kg, mang lại nguồn thu trên 120 triệu đồng, trở thành minh chứng rõ nét về tiềm năng kinh tế của quýt Bộp khi được đầu tư bài bản và đúng hướng.

Kỹ sư Đặng Tiến Cường, Chủ nhiệm đề tài chia sẻ: Kết quả nghiên cứu khoa học đã khẳng định giá trị đặc sản của quýt Bộp không chỉ ở hình thức bắt mắt – vỏ vàng tươi, nhẵn bóng khi chín và chín đúng dịp Tết Nguyên đán, thời điểm “vàng” của thị trường trái cây mà còn nằm ở chất lượng vượt trội trong từng tép quýt: Mọng nước, ngọt thanh, hương thơm tự nhiên, mang nét đặc trưng riêng biệt, khó nhầm lẫn với bất kỳ giống quýt nào khác. Quýt Bộp có trọng lượng bình quân 4 - 5 quả/kg, độ ngọt trung bình đạt 12,85%, cá biệt lên tới 13,3%. Không những vậy, hàm lượng chất khô trung bình 13,43%, hàm lượng đường tổng số ở mức 8,51%, riêng hàm lượng vitamin C lên tới 31,24mg/100g quả tươi, cao hơn nhiều so với giống cam quýt phổ biến. Mặt khác, hàm lượng axit tổng số trong quả chỉ ở mức 0,44%, giúp cân bằng vị ngọt – chua hài hòa.

Những con số trên là ưu điểm vượt trội của giống quýt Bộp, đồng thời, mở ra hướng đi đầy triển vọng để loại quả bản địa này vươn lên thành đặc sản mang đậm bản sắc và có chỗ đứng trên thị trường trái cây chất lượng cao. Qua đó, không chỉ tạo sinh kế bền vững cho nông dân mà còn góp phần nâng tầm giá trị nông nghiệp Hà Giang trên bản đồ nông sản Việt.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202505/khoa-hoc-dan-duong-hoi-sinh-quyt-bop-a7b2883/


Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chuyên mục

Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất
Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm