Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Học làm công dân số từ lớp 1

Giáo viên ứng dụng công nghệ số vào bài học mang đến cho học sinh một thế giới mới khi khám phá kiến thức, phát huy năng lực, đồng thời hình thành cho học sinh kỹ năng, trách nhiệm của một công dân số.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên02/05/2025

Làm quen với kỹ năng công dân số

Kỹ năng công dân số là hoạt động giáo dục mới, lần đầu tiên được TP.HCM đưa vào triển khai trong năm học 2024-2025. Tùy đặc thù, từng trường đã linh hoạt tổ chức để tạo nên những tiết học thú vị, độc đáo, trang bị cho học sinh (HS) các kỹ năng cần thiết trong bối cảnh công nghệ, chuyển đổi số phát triển nhanh chóng.

Học làm công dân số từ lớp 1- Ảnh 1.

Tiết học tích hợp giáo dục kỹ năng số tại Trường tiểu học Phan Văn Trị (Q.1, TP.HCM)

ẢNH: BẢO CHÂU

Ở lớp 1/4 Trường tiểu học Phan Văn Trị (Q.1, TP.HCM), giáo viên (GV) Lê Thị Kiều Nhi thực hiện tích hợp giáo dục công dân số vào môn tự nhiên xã hội với chủ đề thực vật, động vật. Theo đó, GV soạn bài giảng Elearning, bài giảng tương tác và đưa lên kho học liệu số của trường. HS tự tương tác trên bài tập tự học ở nhà, sử dụng máy tính bảng, điện thoại với sự hỗ trợ, giám sát của phụ huynh. Thông qua đó hình thành cho các em kỹ năng làm quen với thao tác trên máy tính. Sau khi HS làm quen kỹ năng này, GV đưa các bài học có sử dụng thiết bị vào chương trình học.

"Nói kỹ năng công dân số với học sinh tiểu học, nhất là lớp 1, nghe có vẻ to tát, song cơ bản đối với khối lớp đầu cấp tiểu học thì chỉ là trang bị cho các em kỹ năng dùng chuột máy tính, sử dụng một số thanh công cụ cơ bản để có thể vẽ, tương tác, gõ được các câu trả lời ngắn… Ví dụ, môn tự nhiên xã hội với chủ đề thực vật, động vật, khi được tích hợp giáo dục nội dung công dân số, HS tương tác trên máy tính bảng, tìm các bộ phận của con vật, sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để vẽ con vật mình thích", cô Nhi chia sẻ.

Ông Lê Hồng Thái, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Văn Trị, cho hay nhà trường đưa hoạt động giáo dục kỹ năng công dân số vào giảng dạy, thông qua việc tích hợp với các môn học từ lớp 1, là để GV được "quen tay", đồng thời giúp HS bước đầu làm quen với những nội dung mới về khái niệm kỹ năng công dân số. Đặc biệt là để phụ huynh hiểu được ý nghĩa, mục đích, nội dung triển khai của giáo dục kỹ năng số, từ đó có sự đồng hành.

Còn tại Trường THCS Colette (Q.3), GV và HS tạo ra tiết học công nghệ số bằng cách sử dụng nền tảng số, AI để sáng tác nhạc, thiết kế sách điện tử, xây dựng video, biển báo biết nói… từ bài học về trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trong SGK lớp 7. Từ kiến thức môn học, các em sẽ kết hợp với kỹ năng công nghệ để xây dựng giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, bảo vệ rừng.

Cô Dương Thái Trân, GV công nghệ Trường THCS Colette, phụ trách tiết học, cho biết: "Sản phẩm của HS rất đa dạng, thực sự là sản phẩm số, có thể chia sẻ trên nhiều nền tảng, thu hút người xem. Các sản phẩm về âm nhạc, video, sách, biển báo được các em vận dụng một cách linh hoạt bằng các ứng dụng số, AI. Khi được tạo điều kiện sử dụng công nghệ số, các em rất thích thú, say mê tìm hiểu. Điều quan trọng là các em biết chọn lọc, đánh giá để có thể tìm ra ứng dụng phù hợp nhất…".

Theo cô Trân, thông qua tiết học giáo dục kỹ năng công dân số, GV mong muốn định hướng cho HS sử dụng hiệu quả ứng dụng số, AI vào việc tạo ra những giá trị hữu ích. Từ đó, có một thế hệ HS biết ứng dụng kỹ năng công dân số để sáng tạo những sản phẩm hữu ích trong cuộc sống.

Học làm công dân số từ lớp 1- Ảnh 2.

Thông qua tiết học giáo dục kỹ năng công dân số, GV mong muốn định hướng cho HS sử dụng hiệu quả ứng dụng số, AI vào việc tạo ra những giá trị hữu ích

Ảnh: Bảo Châu

GV cũng cần có năng lực số

Để HS có thể chọn lựa ứng dụng AI phù hợp, sử dụng công nghệ một cách thích hợp, có trách nhiệm, theo cô Dương Thái Trân, GV đóng vai trò gợi ý, dẫn dắt và hướng dẫn thực nghiệm. Muốn vậy đòi hỏi GV phải có năng lực số.

Cô Trân thẳng thắn nhìn nhận để không tụt lại trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển, GV luôn phải tự học hỏi nâng cao trình độ. Chẳng hạn thường xuyên tham gia tập huấn về AI dành cho GV do phòng GD-ĐT tổ chức. Từ đó giúp GV có kiến thức, kỹ năng, tự tin khi ứng dụng AI trong bài dạy cũng như hỗ trợ HS hình thành kỹ năng số… Những sản phẩm số do HS tạo ra được GV đưa lên trang học liệu số của trường, trở thành nguồn tài liệu tham khảo bổ ích.

Còn theo tiến sĩ Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT Q.3, trong bối cảnh công nghệ, AI phát triển từng giờ như hiện nay thì giáo dục không thể đứng ngoài mà càng đóng vai trò quan trọng để trang bị, định hướng và dẫn dắt cho HS. Vì vậy GV phải trở thành GV số, hiểu về sử dụng AI trong giảng dạy và trang bị cho HS năng lực sử dụng AI hiệu quả trong học tập… Đây chính là nền tảng để hình thành kỹ năng công dân số cho HS.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận việc tăng cường giáo dục kỹ năng công dân số vào chương trình giảng dạy là thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục mà TP.HCM đang nỗ lực phấn đấu và cũng là mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để hình thành các kỹ năng cần thiết cho công dân số.

Theo Sở GD-ĐT, giáo dục kỹ năng số cho HS từ bậc tiểu học có tầm quan trọng đặc biệt, do đây là độ tuổi thích khám phá, sử dụng công nghệ. Việc giúp HS có được các kỹ năng cơ bản về sử dụng công nghệ một cách an toàn và đúng cách sẽ giúp các em tránh được rủi ro và nguy hiểm trực tuyến, đồng thời phát triển tư duy đa chiều và những kỹ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số.

Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu trong điều kiện thực tiễn, các trường xây dựng kế hoạch tăng cường giáo dục kỹ năng công dân số với nội dung và thời lượng phù hợp. Trong đó, đặc biệt chú ý tập trung cho HS lớp 1, 2, tăng cường thời lượng và nội dung cho HS lớp 3, 4, 5 theo từng chủ đề, mạch kiến thức.

Thực hiện học bạ số

Thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" của ngành GD-ĐT TP.HCM, theo lộ trình, năm học 2023-2024, TP.HCM bắt đầu thí điểm học bạ số cho 132.719 HS lớp 1. Từ năm học 2024-2025, tiếp tục triển khai đối với khối lớp 6, đồng thời số hóa toàn bộ dữ liệu học bạ của HS tiểu học và THCS. Năm học 2025-2026, triển khai học bạ số ở khối lớp 10 và số hóa toàn bộ dữ liệu học bạ của HS cấp THPT.

Theo đó, dữ liệu của HS về điểm số, kết quả học tập và rèn luyện được cập nhật theo từng môn học, khối lớp để đảm bảo tính nhất quán, toàn vẹn thông tin. Sau khi hoàn tất cơ sở dữ liệu, hệ thống quản lý dữ liệu học bạ số của TP.HCM được kết nối với hệ thống quản lý dữ liệu học bạ số của Bộ GD-ĐT cùng cơ sở dữ liệu chung toàn ngành GD-ĐT.

Học bạ số có giá trị pháp lý tương đương học bạ giấy, được sử dụng thay thế học bạ giấy trong các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động học tập của HS.

Trong trường hợp cần thiết, học bạ số có thể được in ra, có xác nhận của cơ sở giáo dục phát hành học bạ hoặc được sao y từ văn bản điện tử theo quy định, có giá trị pháp lý tương đương học bạ giấy.

Điểm mới của TP.HCM khi triển khai học bạ số là phần mềm theo dõi, đánh giá HS. Trong đó, với bậc tiểu học là bảng tổng hợp và đánh giá kết quả giáo dục; bậc trung học là sổ theo dõi và đánh giá HS đã được số hóa, lưu trữ trên môi trường số… Tập hợp các dữ liệu này bao gồm dữ liệu về người học, về điểm số, kết quả học tập. GV ký số theo từng lớp phụ trách và dữ liệu này có giá trị pháp lý liên thông…

Nguồn: https://thanhnien.vn/hoc-lam-cong-dan-so-tu-lop-1-185250502222622111.htm


Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chuyên mục

Rừng Tà Kóu tôi đi
Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất
Trời đất giao hoà, vui cùng non sông

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm