Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hành trình 50 năm non sông liền một dải Bài 2: Nỗ lực kiến tạo xây dựng quê hương

Trải qua nhiều giai đoạn, đến nay, kinh tế - xã hội của Tây Ninh đã và đang từng bước phát triển vượt bậc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Báo Tây NinhBáo Tây Ninh30/04/2025

Nước nhà thống nhất, non sông liền một dải, đất nước trọn niềm vui. Hoà chung niềm vui đó chưa bao lâu, vết thương chiến tranh trong chống Mỹ chưa kịp hàn gắn, vùng biên giới của tỉnh máu lại tiếp tục đổ, cuộc sống của Nhân dân gặp nhiều khó khăn vì thời tiết không thuận lợi. Vượt lên trên tất cả, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, quyết tâm cao độ vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phấn đấu xây dựng tỉnh nhà.

Khôi phục mạch máu giao thông

Tây Ninh sau 50 năm đã khoác lên mình một diện mạo mới, trong đó, mạng lưới hạ tầng giao thông được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng, góp phần tạo nên diện mạo mới của Tây Ninh sau 50 năm giải phóng, thống nhất đất nước.

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh, mặc dù hệ thống giao thông của Tây Ninh tương đối phong phú, thuận lợi cho việc đi lại của Nhân dân và giao lưu hàng hoá, tuy nhiên, sau ngày giải phóng đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”; tỉnh Tây Ninh đã tập trung tu bổ, sửa chữa các trục lộ chính như: lộ 4, lộ 6, lộ 13, cầu Gò Dầu, cầu Cẩm Giang mở một số đường mới về vùng căn cứ cũ và phục vụ cho công tác xây dựng khu kinh tế mới.

Thi công làm đường giao thông trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Tây Ninh cũng chú trọng xây dựng các tuyến đường liên ấp, liên xã với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Huyện Gò Dầu - một trong những địa phương chịu tàn phá nặng nề nhất của chiến tranh, là hành lang chiến lược quân sự quan trọng, là cửa ngõ, lá chắn vào các căn cứ địa cách mạng ở Bời Lời, Dương Minh Châu. 

Với vị trí chiến lược quân sự quan trọng, địa bàn này liên tục diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, phải hứng chịu rất nhiều trận mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Nhưng với ý chí cách mạng, hai lần "Quyết tử giữ Gò Dầu", quân và dân huyện Gò Dầu đã cùng với cả nước đứng lên giành lại độc lập. 

Những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nền kinh tế huyện Gò Dầu gần như kiệt quệ, sản xuất tự cung tự cấp là chủ yếu, hạ tầng giao thông bị xuống cấp nghiêm trọng.

Trước những bộn bề khó khăn, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo Nhân dân từng bước khôi phục phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, đồng hộ cơ sở hạ tầng giao thông. 

Sau 50 năm chung sức, đồng lòng các tuyến đường đến trung tâm xã, đường liên xã, liên huyện và các tuyến đường quan trọng trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư láng nhựa; đường giao thông nông thôn trên địa bàn từng xã được cứng hoá, không còn tình trạng lầy lội trong mùa mưa, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá, góp phần thay đổi diện mạo mới nông thôn; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng cải thiện và nâng cao.

Đường Đất Sét - Bến Củi mang tính kết nối vùng đã được tỉnh đầu tư và hoàn thiện đưa vào sử dụng trong thời gian qua.

Dạo bước trên những tuyến đường mới láng nhựa, ông Lê Văn Tới, ngụ ấp Cây Xoài, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu vui mừng cho biết, trước đây, vào mùa mưa, đường xá lầy lội, người dân đi lại rất khó khăn. 

Nhà nước đã quan tâm làm những con đường làng, ngõ xóm, đường liên ấp rất khang trang, sạch đẹp. Nhờ vậy mà người dân đi lại và vận chuyển nông sản dễ dàng hơn.

Trong những năm gần đây, huyện Gò Dầu cũng đã huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ Trung ương, tỉnh, nguồn ngân sách huyện, nguồn vận động Nhân dân và các nguồn lực khác để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, nhất là hạ tầng giao thông theo hướng phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, địa phương rà soát, tập trung mọi nguồn lực đầu tư các công trình để nâng cấp Gò Dầu đạt huyện nông thôn mới và đô thị loại IV. 

Qua đó giúp huyện Gò Dầu nói riêng và Tây Ninh nói chung khoác lên một diện mạo mới, nhiều công trình, dự án quan trọng trong lĩnh vực giao thông đã được đầu tư hoàn chỉnh, trong đó có cả những dự án trọng điểm mang tính kết nối nội vùng và liên vùng.

Diện mạo mới

Đầu tư hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá. Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đã xác định nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của giai đoạn 2020-2025 về phát triển hạ tầng giao thông là: "Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị. Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng, các dự án có tính lan toả, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội".

Đường giao thông được đầu tư đồng bộ, giúp người dân đi lại, giao thương thuận lợi hơn (Ảnh: Đường Nguyễn Chí Thanh, huyện Dương Minh Châu).

Nhằm hiện thực hoá Nghị quyết của Đại hội, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực từ ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương và các nguồn lực xã hội khác để phát triển giao thông. 

Trong đó, giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn của ngân sách tỉnh dành cho thi công trung hạn khoảng 20.000 tỷ đồng, nhưng tỉnh đã dành riêng cho giao thông khoảng 6.000 tỷ đồng nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo sức bật lớn cho tỉnh, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, trong năm 2024 và 2025, nhiều dự án giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh đã, đang và sắp được triển khai, điển hình như: dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; tuyến đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789; dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, giai đoạn 1 từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh…

Trong đó, dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài có tổng chiều dài gần 51km, đoạn đi qua địa phận tỉnh Tây Ninh có chiều dài hơn 26km. 

Đây là dự án trọng điểm quốc gia và địa phương, mang tính cấp thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng của tỉnh Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và của vùng Đông Nam Bộ và cả nước nói chung.

Ông Bùi Hữu Nhơn, ngụ ấp Cây Nính, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu khá vui mừng và đồng thuận khi dự án này được triển khai. “Đây là một dự án trọng điểm của tỉnh nói chung và của Gò Dầu nói riêng. 

Không riêng gì tôi mà đa số người dân đều đồng tình hưởng ứng dự án này. Bởi vì đây là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tỉnh Tây Ninh”– ông Nhơn nói.

Phối cảnh cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài.

Thị xã Trảng Bàng là cửa ngõ của tỉnh, có vị trí địa lý nằm giáp ranh các tỉnh, thành phố phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An; có các tuyến đường giao thông quốc gia đi qua như: quốc lộ 22 (đường Xuyên Á), đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14C.

Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 2 dự án giao thông đang thi công là đường Hồ Chí Minh và đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789, đồng thời dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài cũng đang được địa phương tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao để triển khai thi công trong năm 2025.

Có thể thấy, những nỗ lực của Tây Ninh đã mang lại nhiều kết quả tích cực, nhiều tuyến đường mang tính kết nối vùng được triển khai hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và vận tải hàng hoá. Hàng loạt tuyến đường nội tỉnh như đường vành đai, trục đường liên khu vực được đầu tư, góp phần giảm ùn tắc và nâng cao hiệu quả vận tải.

Vũ Nguyệt

(Còn tiếp)

Nguồn: https://baotayninh.vn/bai-2-no-luc-kien-tao-xay-dung-que-huong-a189522.html


Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm