Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dấu ấn những dự án, công trình xây dựng phát triển quê hương

BDK - “... Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!” - lời căn dặn của Bác Hồ đã nung nấu quyết tâm sắt đá trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Cùng với cả nước, toàn quân, toàn dân tỉnh Bến Tre đồng loạt tiến công giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn tỉnh Bến Tre trong ngày 1-5-1975. 50 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Báo Bến TreBáo Bến Tre29/04/2025

Lưới điện phát triển rộng khắp toàn tỉnh, phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội.  Ảnh: C. Trúc

Nhiều công trình hạ tầng

Điện - đường là những từ được nhắc đến nhiều nhất khi bắt tay xây dựng quê hương. Tỉnh là đất cù lao bị ngăn sông cách trở. Người dân tỉnh bao đời luôn mơ ước giao thông được thuận lợi để hội nhập với đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Vì thế, trong những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng nhiều công trình điện, cầu vượt sông, mở ra bước ngoặt phát triển mới cho tỉnh.

Năm 2009, người dân tỉnh mừng vui vỡ òa khi công trình cầu Rạch Miễu (RM) khánh thành đưa vào sử dụng. Cầu RM khởi công ngày 30-4-2002, khánh thành ngày 19-1-2009. Cầu xây dựng trên tuyến quốc lộ (QL) 60, do Bộ Giao thông vận tải đầu tư. Công trình có tổng chiều dài 8.331,05m. Trong đó, tổng chiều dài 2 cầu (số 1 và số 2) 2.868,6m; tuyến đường hai đầu cầu khoảng 5.462m. Cầu thiết kế với tải trọng HL93. Cầu RM đưa vào sử dụng đã mở ra cho tỉnh lợi thế phát triển mới.

Sau 16 năm khai thác, cầu RM thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ phương tiện, đặc biệt là vào những dịp lễ, Tết, thứ Bảy, Chủ nhật. Hiện lưu lượng ô tô qua cầu RM - QL. 60 khoảng 20 ngàn lượt xe/ngày đêm, gấp 3 lần so với lưu lượng dự kiến ban đầu khi thiết kế cầu RM là 6 ngàn lượt xe qua cầu ngày/đêm.

Từ điểm nghẽn đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định công trình cầu RM2 chiếm vị trí quan trọng số 1 trong 11 công trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Trong tháng 4-2025, người dân tỉnh vừa đón chào sự kiện hợp long cầu RM2. Dự án cầu RM2 thi công hiện đạt 85% khối lượng thi công và dự kiến đưa vào khai thác toàn bộ dự án vào tháng 8-2025. Dự án đường gom đường vào cầu RM2 do tỉnh làm chủ đầu tư cũng vừa thông xe vào ngày 27-4-2025.

Cầu Hàm Luông được khởi công ngày 17-1-2006, khánh thành ngày 24-4-2010, trên tuyến QL.60, bắc qua sông Hàm Luông. Cầu chính dài hơn 8,2km, cầu dẫn dài gần 1,3km. Đây là công trình chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cầu Hàm Luông hoàn thành có 3 điểm nổi bật: giải phóng mặt bằng sớm; nhịp chính được thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng có khẩu độ 150m (lớn nhất Việt Nam) và hoàn thành trước thời gian so với kế hoạch đề ra. Cầu Hàm Luông nối liền cù lao Minh và cù lao Bảo, cũng có ý nghĩa làm cho phân nửa người dân Bến Tre không còn chịu cảnh đò giang cách trở với trung tâm tỉnh là TP. Bến Tre, đồng thời cùng được chia sẻ, hưởng lợi từ cầu RM như nhân dân cù lao Bảo và cù lao An Hóa.

Về giao thông liên vùng, tỉnh có cầu Cổ Chiên, khởi công ngày 7-3-2011, khánh thành ngày 16-5-2015, bắt qua sông Cổ Chiên, nối huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) với huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh) trên tuyến QL. 60. Cầu Cổ Chiên là một trong 4 dự án quan trọng được thực hiện trong chương trình phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, còn là một trong 4 cầu quan trọng trên tuyến QL.60 cùng với cầu RM, cầu Hàm Luông và cầu Đại Ngãi (tỉnh Sóc Trăng).

Về điện, có đường điện vượt sông Tiền. Đây là công trình vượt sông đầu tiên của tỉnh do Liên Xô đầu tư trang thiết bị và chuyên gia tư vấn, đánh dấu tinh thần hợp tác hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Công trình khởi công ngày 17-1-1987, khánh thành ngày 19-5-1989. Công suất giai đoạn 1 là 16.000KVA. Toàn tuyến đường điện dài 17km, hướng tuyến từ trạm biến thế 66KV Chợ Lớn - Mỹ Tho kết nối với trạm biến thế 110KV Bến Tre (nay thuộc Ấp 1, xã Sơn Đông, TP. Bến Tre). Trên toàn tuyến đường dây này xây dựng 4 trụ vượt, mỗi trụ cao 88m, 2 trụ néo và 105 trụ trung gian, mỗi trụ cao 20m.

Kế đến, tỉnh đã bắt tay xây dựng đường điện 35kV vượt sông Hàm Luông để đưa điện về các huyện cù lao Minh. Hai công trình Đường điện vượt sông Tiền và Đường điện vượt sông Hàm Luông đã đưa lưới điện quốc gia về trên toàn tỉnh. Đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của ngành điện lực và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của tỉnh trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh đã hình thành trung tâm năng lượng khu vực phía Đông, với điện gió là nguồn chủ lực. Với lợi thế bờ biển dài 65km, nguồn gió ổn định, tỉnh đã tận dụng tối đa tiềm năng để phát triển các dự án điện gió quy mô lớn. “Tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư và triển khai 19 dự án điện gió, với tổng công suất 1.007,7MW. Hiện tại, có 9 dự án đã hoàn tất lắp đặt với tổng đạt 374MW (tiến sát mục tiêu 500MW vào năm 2025). Đến cuối năm 2024, tỉnh đã có 250,75MW điện gió và 69MW điện mặt trời đã hòa lưới…”, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết.

Kinh tế phát triển mạnh

Trong những năm qua, kinh tế tỉnh có những bước tiến quan trọng. Giai đoạn 2006 - 2010, tỉnh đã thành lập và đưa vào vận hành 2 khu công nghiệp (KCN) Giao Long và An Hiệp (huyện Châu Thành), đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp địa phương. Riêng năm 2010, 2 KCN này đã tạo ra giá trị sản xuất khoảng 650 tỷ đồng, chiếm khoảng 18% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Đồng thời, giải quyết việc làm cho hơn 7 ngàn lao động.

Bước sang giai đoạn 2011 - 2015, công nghiệp tỉnh tiếp tục bứt phá mạnh mẽ khi giá trị sản xuất tăng từ 9,2 ngàn tỷ đồng năm 2010 lên 18,3 ngàn tỷ đồng năm 2015. Trong giai đoạn 2016 - 2020, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (tính theo giá so sánh năm 2010) duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm, với giá trị gia tăng đạt mức tăng bình quân 13,8%/năm. Nổi bật, đến năm 2024, lần đầu tiên tỉnh đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 2,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 1,75 tỷ USD, xuất khẩu ngành dừa đạt 0,52 tỷ USD.

Tỉnh xác định đây là khu vực có mức tăng trưởng cao nhất, là động lực chính để phát triển toàn ngành kinh tế của tỉnh. Hiện nay, tỉnh đang tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các KCN trọng điểm như Phú Thuận, Giao Hòa và Phước Long. Đáng chú ý, KCN Phú Thuận, với tổng vốn đầu tư hơn 3.539 tỷ đồng. Mục tiêu đặt ra là đến cuối năm 2025 sẽ thu hút lấp đầy diện tích KCN Phú Thuận, với định hướng ưu tiên dành cho các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản thế mạnh của địa phương.

Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế hướng Đông, với Đề án là phát triển 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao, ngành nuôi trồng thủy sản các xã ven biển của tỉnh đang có những chuyển biến tích cực theo hướng công nghệ cao. Diện tích nuôi lũy kế đến nay đạt hơn 3.600ha, đạt 90,25%. Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã đạt năng suất khoảng 60 - 70 tấn/ha. Tỉnh đang triển khai 3 dự án đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản huyện Bình Đại; Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao huyện Bình Đại; Dự án Hạ tầng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao huyện Ba Tri, với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng. Đối với dự án hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản huyện Bình Đại đã được hoàn thành đưa vào sử dụng.

Văn hóa - xã hội khởi sắc

50 năm sau giải phóng, các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh đã có những hoạt động thiết thực, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa cũng như thực hiện các công trình văn hóa nghệ thuật có giá trị. Một trong các công trình văn hóa tiêu biểu đã trở thành biểu tượng của tỉnh chính là Tượng đài Đồng Khởi. Tượng đài Đồng Khởi đầu tiên được xây dựng tại công viên Đồng Khởi và khánh thành năm 1995 với chất liệu bê-tông cốt thép. Đến tháng 4-2023, tượng đài được nâng cấp, chuyển đổi chất liệu sang đá granite. Công trình tượng đài Đồng Khởi là một tác phẩm mỹ thuật biểu đạt sắc nét, cô động, chân thực chủ đề tư tưởng của phong trào Đồng Khởi và đã khái quát khí phách kiên cường của con người Bến Tre.

Kho tàng phong phú về di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể cũng như các công trình văn hóa tiêu biểu của tỉnh đã ghi dấu những giá trị lịch sử, văn hóa và phản ánh đời sống, tinh thần của người Bến Tre trong những chặng đường phát triển. Toàn tỉnh hiện có 63 di tích cấp tỉnh, 16 di tích quốc gia, 2 di tích Quốc gia đặc biệt là: di tích Mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, di tích Đồng Khởi. Bên cạnh đó, tỉnh còn có 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là: Hát Sắc bùa Phú Lễ, Lễ hội Nghinh Ông Bình Thắng, nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng, nghề làm bánh phồng Sơn Đốc. Bảo tàng Bến Tre đã sưu tầm, lưu giữ 20 ngàn hiện vật, hình ảnh, tài liệu khoa học phụ (15 ngàn hiện vật và 5 ngàn hình ảnh, tài liệu khoa học) có giá trị lịch sử, văn hóa phong phú và đa dạng liên quan đến quá trình hình thành phát triển tỉnh qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Trong lĩnh vực giáo dục, toàn tỉnh hiện có trên 500 cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia không ngừng tăng qua các năm. Tính đến đầu năm 2025, toàn tỉnh có gần 250 trường đạt chuẩn quốc gia (chuẩn mới), chiếm xấp xỉ 50% tổng số trường học các cấp. Nhiều huyện như: Giồng Trôm, Ba Tri, Châu Thành... đạt kết quả cao trong phong trào xây dựng trường chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trong lĩnh vực y tế, mạng lưới y tế cơ sở được củng cố mạnh mẽ. Toàn tỉnh hiện có 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế (theo chuẩn giai đoạn mới). Tỉnh đã hoàn thành mục tiêu xây dựng chuẩn y tế xã từ nhiều năm trước, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn. Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

“Bến Tre hôm nay đã “thay da đổi thịt”, vận dụng sáng tạo và phát huy truyền thống Đồng khởi năm 1960, với tinh thần “Đồng khởi mới”, tỉnh đã không ngừng vươn lên và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực”.

(Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến)

T. Thảo - C. Trúc - T. Đồng - P. Hân

Nguồn: https://baodongkhoi.vn/dau-an-nhung-du-an-cong-trinh-xay-dung-phat-trien-que-huong-30042025-a145955.html


Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm