Mở không gian phát triển
Vịnh Cửa Lục có diện tích 18km2, chỗ nước sâu nhất 17m, là lưu vực đổ ra cửa sông Diễn Vọng, sông Trới; có đường hàng hải quốc gia, quốc tế; có Hòn Gạc là điểm nhấn không gian, điều kiện tự nhiên có thể hình thành trung tâm thương mại, đô thị, du lịch biển. Đây cũng là nơi hội tụ của 6 cửa sông từ thượng nguồn núi Thiên Sơn (huyện Hoành Bồ cũ) đổ ra. Trước đây địa giới hành chính trên đất liền của thành phố bị chia tách thành hai phần (Bãi Cháy và Hòn Gai) bởi Vịnh Cửa Lục. Nhằm tạo đà phát triển mạnh mẽ cho tỉnh và đưa TP Hạ Long tiến gần đến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, du lịch đẳng cấp quốc tế, cũng như xóa nhòa khoảng cách hai bên bờ eo biển Cửa Lục, từ cuối năm 2006 cầu Bãi Cháy hoàn thành, đi vào sử dụng. Có một cây cầu nối hai bờ Cửa Lục càng làm tăng thêm vẻ đẹp vốn có của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược và sự đổi mới trong hạ tầng giao thông của tỉnh.
Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên sinh thái hấp dẫn, nhưng phát triển Hạ Long trong nhiều năm về trước vẫn gặp nhiều thách thức lớn, như: Điều kiện mặt bằng là dải đất hẹp dọc QL18, nếu muốn có mặt bằng để phát triển cần phải san gạt lớn các gò đồi, lấp một phần diện tích của Vịnh, làm ảnh hưởng tới cảnh quan tự nhiên. Không gian xây dựng trải dài theo tuyến dẫn tới liên hệ giữa các khu vực rất bất lợi, phụ thuộc chủ yếu vào tuyến QL18. Hoạt động khai thác than cũng tác động rất lớn tới môi trường không khí, nước, đặc biệt là có nguy cơ tác động tiêu cực tới hệ sinh thái Vịnh Hạ Long.
Đáng chú ý là quá trình xây dựng phát triển vẫn chưa khai thác hiệu quả các hoạt động kinh tế biển, như vận tải đường biển, dịch vụ du lịch, nuôi trồng thủy sản… Mặt khác, chất tải khá lớn lên không gian Vịnh Hạ Long nhưng còn thiếu các sản phẩm bổ trợ các mùa du lịch trong năm; chưa có các giải pháp phát triển xanh, kinh tế di sản, kinh tế đêm, công nghiệp văn hóa,... gắn với phát huy các giá trị Di sản Vịnh Hạ Long, Vịnh Cửa Lục và các tài nguyên, giá trị hiện có của khu vực để tiếp tục phát triển đột phá và bền vững TP Hạ Long.
Để Hạ Long phát triển xứng tầm, ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH về sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh, theo đó chính thức sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. Đến nay sau hơn 5 năm, TP Hạ Long đã mở ra những không gian phát triển mới, xây dựng các dự án tầm cỡ quốc gia và quốc tế, tạo hành lang bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, đánh dấu bước ngoặt mang tính lịch sử, tác động đến sự phát triển của các địa phương trong tỉnh.
Trong Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/2/2023) đã xác định phát triển đô thị Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững Di sản, Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.
Việc triển khai Quy hoạch được thực hiện trên quan điểm, mục tiêu là lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, phát triển đô thị Hạ Long mới theo mô hình đa cực. Trong đó cấu trúc phát triển gồm 5 vùng (vùng Vịnh Hạ Long; vùng phía Đông; vùng phía Tây; vùng Vịnh Cửa Lục và khu vực phía Bắc Vịnh Cửa Lục; vùng đồi núi phía Bắc) và 1 hành lang ven Vịnh Hạ Long, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với Di sản thiên nhiên thế giới và các vùng núi phía Bắc thành phố...
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, chia sẻ: Thực hiện Quy hoạch không chỉ giúp thành phố giải bài toán về phân bố không gian cho những mục tiêu phát triển, mà còn tháo gỡ những điểm nghẽn cơ bản về dư địa đất đai, quá tải hạ tầng kỹ thuật và thiếu đồng bộ của hạ tầng giao thông vốn là điểm nghẽn của 2 địa phương Hạ Long - Hoành Bồ trước sáp nhập. Việc sáp nhập đã mở rộng gấp bội không gian phát triển của Hạ Long. Thế mạnh biển - đảo tuyệt đối của Vịnh Hạ Long giờ đây được cộng hưởng trực tiếp với sức mạnh không gian đất liền - núi, nhân bội “thế” hội nhập và “lực” cạnh tranh của vùng đất khác thường này. Hai đặc điểm độc đáo này tạo cơ sở rất thuận lợi cho TP Hạ Long có thêm những tư duy phát triển mới với những tính toán hợp lý hơn để phát huy những thế mạnh hiện có của mình, phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Trung tâm của thành phố thủ phủ
So với những địa phương khác trong nước, Hạ Long là một đô thị đặc thù khi phát triển trên nền một Di sản thiên nhiên thế giới. Theo đó trong quy hoạch chung, thành phố xác định bảo vệ và phát triển Vịnh Hạ Long là hình ảnh đặc trưng của đô thị Hạ Long và luôn đảm bảo triển khai mọi hoạt động sẽ không tác động tiêu cực đến Di sản, các khoanh vùng của Di sản.
Với quyết tâm hành động đột phá của chính quyền các cấp tỉnh, cùng với sự tham gia đông đảo các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế, các nhà khoa học, các nhà đầu tư chiến lược đã đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh và TP Hạ Long nghiên cứu các giải pháp sáng tạo để phát huy các tiềm năng thế mạnh, khắc phục các tồn tại bất cập. Theo đó tỉnh có chủ trương đầu tư một số dự án (hầm đường bộ qua Vịnh Cửa Lục, cầu Cửa Lục 1, 2, 3...). Hiện cầu Tình Yêu (Cửa Lục 1) và cầu Bình Minh (cầu Cửa Lục 3) đã hoàn thành, đưa vào khai thác, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo nằm trên Vịnh Cửa Lục, tạo sự kết nối giao thông đồng bộ giữa hai phía Bắc - Nam của TP Hạ Long, góp phần thúc đẩy, thu hút nguồn lực, nhà đầu tư đến TP Hạ Long nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Theo TS.KTS Phạm Thị Thanh Nhâm, Phó Viện trưởng, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng): Để mở rộng không gian, thành phố sẽ phát triển xung quanh khu vực Vịnh Cửa Lục trở thành trung tâm không gian, trung tâm kết nối đô thị mở rộng. Trong phát triển không gian đô thị mới này, thành phố cần bám sát các yếu tố tạo lập và phát triển kinh tế đô thị để hoạch định chiến lược lâu dài với triết lý phát triển bền vững dựa vào 3 trụ cột là thiên nhiên, con người, văn hóa để xây dựng, hình thành một đô thị phát triển bền vững. Đến nay không gian, mô hình cấu trúc phát triển theo hướng đa cực với vai trò trung tâm kết nối của Vịnh Cửa Lục đã thấy rõ khi với sự ưu tiên, quan tâm của tỉnh khi mà các cầu Tình Yêu, Bình Minh là điểm nối mấu chốt, khép kín không gian của Vịnh Cửa Lục đã hình thành. Các tuyến đường bao quanh Vịnh đang từng bước được đồng bộ hóa, đầu tư dứt điểm với mục tiêu tạo không gian phát triển mới. Khu vực quanh Vịnh được chỉnh trang đô thị, triển khai nhiều dự án đầu tư mới nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất theo hướng phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đầu tư các dự án từ ngân sách nhà nước, tỉnh đang giao các sở, ngành kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng quá trình sử dụng đất, mặt nước của các dự án ngoài ngân sách nằm ở Vịnh Cửa Lục. Trong đó sẽ kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư phát triển đô thị từ công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kiểm soát dân số, không gian kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng đô thị và môi trường. Đặc biệt, bám sát Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 và tham góp ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, thành phố xác định cần phải nhanh chóng di dời các cơ sở gây ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực xung quanh Vịnh Cửa Lục, trong đó có các Nhà máy xi măng Hạ Long, Thăng Long. Bởi Hạ Long sáp nhập, vị trí của các nhà máy này nằm ở giữa trung tâm thành phố mở rộng, nằm ngay Vịnh Cửa Lục, khu vực được quy hoạch là trung tâm kết nối mới theo hướng đa cực, hài hòa với Di sản Vịnh Hạ Long và các vùng núi phía Bắc TP Hạ Long cùng những quy hoạch phát triển xanh, sạch xung quanh Vịnh Cửa Lục.
Hiện thực hóa Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 là biểu tượng của tư duy hành động Quảng Ninh "Kỷ luật và Đồng tâm", tạo đột phá cho TP Hạ Long với những giá trị mới, đảm bảo sự phát triển về dài hạn. Lộ trình thực hiện Quy hoạch sẽ gắn với các giai đoạn: Giai đoạn 2024-2025 hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị; hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung đô thị; triển khai phát triển đô thị xanh gắn với mô hình đô thị thông minh. Giai đoạn 2025-2030: Phát triển và nâng cao chất lượng không gian ven biển; hoàn thiện các tuyến đường ven biển, không gian công cộng và dịch vụ công cộng ven biển; mở rộng đô thị về phía Đông (phường Hà Phong), phía Tây (phường Đại Yên) và mở rộng kết nối về phía Bắc Vịnh Cửa Lục. Giai đoạn 2031-2040: Mở rộng kết nối ra các khu vực lân cận như Uông Bí, Quảng Yên, Cẩm Phả để tạo không gian phát triển hài hòa; khai thác các khu vực chuyển đổi để tạo các công trình dịch vụ đô thị, công viên đô thị và bổ sung không gian phát triển cho TP Hạ Long; thu hút phát triển các công trình kiến trúc tạo điểm nhấn đô thị.
Quy hoạch chung TP Hạ Long đang từng bước được hiện thực hóa, khẳng định cam kết và hành động thực tiễn bảo tồn phát huy các giá trị của Vịnh Hạ Long, Vịnh Cửa Lục cũng như thể hiện sự năng động, quyết tâm hành động của chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh và nhân dân TP Hạ Long xây dựng nên đô thị đẹp, đáng sống, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Và khúc tráng ca Chiến thắng trận đầu 5/8 năm xưa nơi vùng Vịnh Cửa Lục không chỉ là ký ức tự hào của người dân Vùng mỏ, mà trong tương lai khu vực này sẽ phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, văn hóa, vui chơi giải trí, công nghiệp công nghệ cao…, đưa vịnh Cửa Lục trở thành vùng đô thị mới, một “vịnh Sydney bên bờ Vịnh Hạ Long".
Nguồn: https://baoquangninh.vn/cua-luc-tu-chien-thang-tran-dau-den-quy-hoach-khong-gian-trung-tam-cua-tp-ha-long-3349830.html
Bình luận (0)