
Chiến thắng vĩ đại này là kết tinh của biết bao hy sinh, gian khổ, là thành quả của tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của toàn dân tộc. Trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, quân và dân hai miền Nam - Bắc đã kề vai sát cánh, đồng lòng chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược, vì một mục tiêu tối thượng: Độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.
Ở miền Bắc, từng đoàn quân, đoàn xe nối dài vượt Trường Sơn mang theo tình yêu nước, trách nhiệm thiêng liêng, tiếp viện cho tiền tuyến lớn. Cả một hậu phương vững chắc với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “mỗi người làm việc bằng hai”, đã tạo nên nguồn lực to lớn góp phần vào thắng lợi chung. Tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại từ năm 1965 đến 1975 là minh chứng cho tinh thần bất khuất, nơi hàng vạn trái tim, bàn tay, khối óc đã đổ máu, đổ mồ hôi để giữ cho “mạch máu giao thông” luôn thông suốt.
Ở miền Nam, quân và dân kiên cường bám trụ, đấu tranh với tinh thần bất khuất, lòng quả cảm phi thường. Hình ảnh xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 đã trở thành biểu tượng bất tử của khát vọng hòa bình, thống nhất, là minh chứng sống động cho ý chí quật cường và sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam.
Chiến thắng ngày 30/4 không chỉ kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn hai thập kỷ, mà còn là thắng lợi lịch sử đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là một đỉnh cao của tinh thần cách mạng, của bản lĩnh, trí tuệ và lòng yêu nước sâu sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công hun đúc.
Ngay từ năm 1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Ba mươi năm bôn ba khắp năm châu bốn bể, Người đã mang ánh sáng cách mạng về với quê hương, soi đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam. Từ khi tiếp cận bản Sơ thảo luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn con đường cách mạng vô sản để giải phóng dân tộc. Từ đó, cách mạng Việt Nam có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo, đưa dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến ngày 07/5/1954, chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” tại Điện Biên Phủ đánh dấu sự chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp, mở đầu cho hành trình đấu tranh thống nhất đất nước.
Tuy nhiên, đất nước vẫn tiếp tục bị chia cắt bởi âm mưu và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Dù miền Bắc được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đau đáu về miền Nam. Người luôn nhấn mạnh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và khẳng định “dù phải hy sinh nhiều của, nhiều người, chúng ta quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”.
Trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Người viết: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta dù phải trải qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Người mong muốn đất nước được hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh – một khát vọng cháy bỏng suốt đời Người.
Sau khi Người qua đời, toàn dân tộc đã biến đau thương thành hành động cách mạng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đúng 11 giờ 30 phút trưa ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu chiến thắng trọn vẹn. Tổ quốc Việt Nam được thu về một mối, giấc mơ sum họp Bắc - Nam thành hiện thực.
Bài học từ Đại thắng mùa Xuân 1975 đã khẳng định sâu sắc sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính ý Đảng, lòng dân hòa quyện tạo nên sức mạnh vô song. Nghệ thuật chiến tranh nhân dân, bản lĩnh chính trị, tinh thần độc lập, tự cường và khát vọng hòa bình đã kết tinh nên chiến thắng vĩ đại ấy – một đỉnh cao chói lọi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, mãi mãi ghi dấu trong lịch sử vàng son của đất nước Việt Nam./.
Nguồn: https://baobackan.vn/chien-thang-3041975-dinh-cao-choi-loi-cua-su-nghiep-giai-phong-dan-toc-post70520.html
Bình luận (0)