Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bứt tốc cùng dự án trọng điểm: Thanh Hóa trên đường lớn! (Bài 2) - Những “cỗ máy tăng trưởng” mới

(Baothanhhoa.vn) - Từ Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) đến các vùng công nghiệp mới nổi, hàng loạt dự án đầu tư trực tiếp quy mô lớn cũng đã đồng loạt khởi công và khánh thành, báo hiệu một chu kỳ tăng trưởng mới của ngành công nghiệp, dịch vụ xứ Thanh. Không chỉ là những “đại công trình” về vật chất, đây còn là biểu tượng của khát vọng vươn lên, đổi mới công nghệ và hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa03/05/2025

Bứt tốc cùng dự án trọng điểm: Thanh Hóa trên đường lớn! (Bài 2) - Những “cỗ máy tăng trưởng” mới

Dây chuyền sản xuất công nghệ tự động hóa cao, tích hợp robot công nghiệp tại Nhà máy Cơ khí công nghệ cao Nghi Sơn. Ảnh: P.V

Sản phẩm mới “trình làng”

Tháng 3/2025, giai đoạn 1 của Nhà máy Cơ khí công nghệ cao Nghi Sơn chính thức đi vào vận hành, đánh dấu bước tiến mới trong lĩnh vực cơ khí chế tạo tại địa phương. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng, công suất thiết kế 50.000 tấn sản phẩm/năm, sử dụng công nghệ tự động hóa cao, tích hợp robot công nghiệp, máy CNC hiện đại. Đây là một trong số ít nhà máy cơ khí ở miền Trung đáp ứng được nhu cầu lắp ráp, tổ hợp các cấu kiện siêu trường, siêu trọng, có khả năng cung ứng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế từ ngành năng lượng như giàn khoan, lọc hóa dầu, thủy điện, nhiệt điện, điện gió đến công trình dân dụng, công nghiệp, logistics luyện kim và công nghiệp phụ trợ...

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đại Dũng, Trịnh Tiến Dũng, cho biết: “Nhà máy đã được cấp các chứng chỉ, chứng nhận quốc tế để xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính trên thế giới như châu Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản, Trung Đông... Đặc biệt, Nhà máy Cơ khí công nghệ cao Nghi Sơn cũng đã được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cung ứng nguồn vốn xanh do dự án được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí đạt chuẩn vàng về công trình xanh (LEED Gold) của Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ. Chiến lược của nhà máy sẽ xuất khẩu khoảng 70% sản phẩm ra thị trường quốc tế thông qua Cảng biển Nghi Sơn, góp phần nâng tầm năng lực, thương hiệu sản xuất công nghiệp Thanh Hóa và tăng thu ngân sách cho tỉnh qua hoạt động này”.

Cũng trong chuỗi công trình sắp “ra lò” sản phẩm mới, Nhà máy Sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương đang bước vào giai đoạn “nước rút” để hoàn thiện lắp đặt thiết bị và đi vào vận hành trong tháng 8 năm nay. Với tổng mức đầu tư 1.098,5 tỷ đồng trên diện tích đất khoảng 12,3ha, nhà máy sẽ cho ra đời các sản phẩm bê tông dự ứng lực tiền chế, đáp ứng nhu cầu cho các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là công trình ven biển và khu công nghiệp.

Trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, Nhà máy Sản xuất, gia công lắp đặt bộ dây điện ô tô tại xã Thọ Tiến (Triệu Sơn) do Công ty TNHH BOB Thanh Hóa đầu tư cũng đã khánh thành tháng 2/2025. Dây chuyền sản xuất của nhà máy được nhập khẩu từ Hàn Quốc và Nhật Bản, cho phép chế tạo dây điện theo tiêu chuẩn hãng xe quốc tế, cung cấp cho các tổ hợp lắp ráp trong và ngoài nước. Hiện nay, nhà máy đang được Công ty TNHH THN Automotive Systems Việt Nam quản lý vận hành và tổ chức sản xuất các bộ dây điện ô tô cho các hãng xe lớn như Kia, Hyundai của Hàn Quốc.

Bứt tốc cùng dự án trọng điểm: Thanh Hóa trên đường lớn! (Bài 2) - Những “cỗ máy tăng trưởng” mới

Thi công Nhà máy Sản xuất vải Billion Union Việt Nam tại xã Tân Trường (thị xã Nghi Sơn).

Thanh Hóa hiện có 19 sản phẩm chủ lực. Theo Sở Công Thương, với sản lượng và giá trị chi phối, các sản phẩm này là động lực chính cho con số tăng trưởng liên tục của chỉ số sản xuất công nghiệp nhiều năm nay. Do đó, mỗi dự án có hàm lượng công nghệ cao sẽ kéo theo làn sóng chuyển giao kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực địa phương. Quan trọng hơn, những công trình này tiếp tục gắn Thanh Hóa vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ công nghiệp phụ trợ ô tô, cơ khí chính xác đến vật liệu xây dựng kỹ thuật cao, tạo ra các chuỗi giá trị sản xuất liên kết đặc biệt trong các lĩnh vực cơ khí, hóa chất, vật liệu mới và dệt may xuất khẩu.

“Bàn đạp” cho mục tiêu tăng trưởng

Cùng với các sản phẩm mới, hàng loạt dự án đầu tư trực tiếp quy mô lớn mới khởi công đang kỳ vọng tạo “cú huých” cho tăng trưởng toàn diện, dài hạn. Nổi bật là Tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn tại KKTNS với tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng, diện tích 30ha. Dự án sẽ sản xuất các sản phẩm hóa chất cơ bản như xút, PAC, calcium hypochlorite, H3PO3..., phục vụ các ngành công nghiệp xử lý nước, lọc hóa dầu, sản xuất giấy, luyện kim trong nước và xuất khẩu. Điểm nổi bật của tổ hợp này không chỉ ở quy mô mà còn ở tính liên kết, phụ trợ, với mục tiêu cung ứng hóa chất cơ bản và thiết yếu trực tiếp cho các ngành lọc hóa dầu, luyện kim và chế biến sâu hóa chất. Qua đó, kỳ vọng hình thành trung tâm công nghiệp hóa chất tại miền Trung, tạo trục sản xuất - xuất khẩu mới cho cả liên vùng.

Ông Hồ Mạnh Linh, Chỉ huy trưởng công trình cho biết: “Chúng tôi đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để tăng tốc thi công trước mùa mưa. 200 kỹ sư, công nhân đang được tập trung trong giai đoạn thi công móng và dự kiến từ quý III sẽ huy động lên tới 2.000 người để tổng lực lắp đặt máy móc thiết bị. Mục tiêu của chúng tôi sẽ đưa nhà máy vận hành ngay trong quý I/2026”.

Trong lĩnh vực dệt may, Nhà máy Sản xuất vải Billion Union Việt Nam tại xã Tân Trường (thị xã Nghi Sơn) cũng đã chính thức được triển khai. Nhà máy có công suất thiết kế 60 tấn/ngày, tương đương 18.000 tấn/năm, sản xuất vải dệt kim, hoàn thiện và in hoa.

Ông Nguyễn Văn Nam, Công ty CP Xây lắp ALC - chỉ huy phó công trình nhà thầu thi công nhà máy, chia sẻ: “Chúng tôi đã huy động 300 công nhân để triển khai phần móng và dự kiến lắp đặt máy móc trong tháng 10. Quý IV, nhà máy sẽ tiến hành vận hành thử để đưa các dây chuyền vận hành vào cuối năm 2025, sớm hơn so với tiến độ được phê duyệt là tháng 6/2026”.

Được biết, sản phẩm của Nhà máy Sản xuất vải Billion Union Việt Nam không chỉ phục vụ thị trường nội địa, giúp hoàn thiện chuỗi nhà máy phụ trợ ngành dệt may tại Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung mà “nhắm” thẳng tới thị trường cao cấp như Mỹ, EU, Nhật Bản - đòi hỏi tuân thủ tiêu chuẩn ESG và tiêu hao năng lượng thấp. Dự án này hứa hẹn sẽ đưa ngành dệt may Thanh Hóa “bước” lên trình độ cao hơn, thay vì chỉ gia công như trước; đồng thời góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng để các doanh nghiệp may mặc tại Việt Nam đáp ứng về tiêu chí xuất xứ nguyên phụ liệu, hưởng ưu đãi thuế quan tại các quốc gia ký Hiệp định thương mại tự do.

Bứt tốc cùng dự án trọng điểm: Thanh Hóa trên đường lớn! (Bài 2) - Những “cỗ máy tăng trưởng” mới

Toàn cảnh thi công Tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn (Khu Kinh tế Nghi Sơn).

Trên địa bàn toàn tỉnh, nhiều cụm công nghiệp mới, nhà máy mới cũng bắt đầu hình thành như Cụm Công nghiệp Hợp Thắng, Nhà máy Sản xuất dụng cụ thể thao Outdoor Gear Việt Nam... Các dự án này phân bố đều khắp các vùng, từ đồng bằng đến trung du - miền núi, mở rộng không gian công nghiệp ra khỏi vùng lõi Nghi Sơn, đồng thời khai thác tốt quỹ đất và nhân lực địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 33 dự án đầu tư trực tiếp quy mô lớn đang triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư khoảng 116.649 tỷ đồng. Hiện có 2 dự án đang trong quá trình lắp đặt máy móc đưa vào vận hành và tuyển dụng lao động là Nhà máy Sản xuất lốp ô tô Radial tại Khu B, Khu Công nghiệp Bỉm Sơn, thị xã Bỉm Sơn; Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 2, thị xã Nghi Sơn. Nhiều dự án đang tăng tốc triển khai để đưa vào lộ trình mới như Nhà máy Dệt may Nam Ích Thái Thắng do Công ty TNHH South Asia Knitwear Limited thuộc Tập đoàn Nam Ích (Hồng Kông) làm chủ đầu tư; Nhà máy Sản xuất giấy bao bì Miza Nghi Sơn, giai đoạn 2... Với tốc độ triển khai sôi động, quy mô đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, áp dụng công nghệ hiện đại, các dự án mới đang triển khai tại Thanh Hóa không chỉ mang lại sản phẩm công nghiệp chất lượng cao mà còn đưa tỉnh vươn lên một tầm phát triển mới - trở thành cực tăng trưởng công nghiệp phía Bắc miền Trung.

Tới đây, khi hàng loạt khu công nghiệp hiện đại hoàn thành, Thanh Hóa kỳ vọng thu hút thêm hàng chục tỷ USD vốn FDI nhiều ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến và thân thiện môi trường. Không chỉ là “bàn đạp” cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy đô thị hóa, đây còn là cơ hội tăng năng lực, trình độ của cán bộ quản lý, người lao động xứ Thanh trên hành trình hội nhập.

Nhóm PV

Bài cuối: Quyết tâm tạo đà bứt phá

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/but-toc-cung-du-an-trong-diem-thanh-hoa-tren-duong-lon-bai-2-nhung-co-may-tang-truong-moi-247550.htm


Bình luận (0)

Simple Empty
No data

Cùng chuyên mục

Rừng Tà Kóu tôi đi
Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất
Trời đất giao hoà, vui cùng non sông

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm