
Cuối tháng 3, Lào Cai đón không khí lạnh tăng cường, nhiều nơi còn thêm mưa rải rác. Tân An cũng chìm trong giá buốt, mây trời xám xịt. Để đưa tôi ngược núi lên Khe Bàn, anh Thủy bố trí một con “ngựa sắt” khỏe và một tay lái cừ khôi là anh Triệu Văn Nhất - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân An và cũng là người con của Khe Bàn.
Từ trung tâm xã Tân An, chúng tôi xuôi theo Tỉnh lộ 151 chừng 7 km rồi rẽ phải, đi thêm chừng 3 km đường bê tông là đến với Khe Bàn. Đoạn đường chỉ 10 km nhưng qua nhiều loại địa hình khác nhau: men theo bờ sông, xuyên qua khu dân cư, rồi ngược lên dốc cao với một bên là vực sâu, một bên là vách núi cao chất ngất. Khi đi qua đoạn đường dốc cao vút, anh Nhất bảo: “Đây là dốc “trâu lăn” chị ạ!”. Tôi tỏ ý thú vị về tên con dốc trước mặt. Anh Nhất lý giải: “Chẳng là trước đây đường đến thôn chỉ là đường mòn, rất khó đi, nhất là chỗ có dốc dựng thẳng đứng này. Mỗi khi trời mưa, đường trơn như đổ mỡ, đến nỗi nhiều con trâu đi qua bị ngã lăn xuống vực sâu”. Thì ra vậy, người dân địa phương gọi Khe Bàn là vùng đất “trâu lăn” như một cách nói về vùng đất khó khăn bậc nhất của xã.
Nghe chuyện anh Nhất kể, cộng với việc mục sở thị cung đường khó, tôi phần nào mường tượng về những khó khăn của Khe Bàn xưa. Vậy mà vượt lên mọi khó khăn, đồng bào dân tộc Dao ở vùng đất “trâu lăn” đã chung sức đồng lòng, dựng xây làng quê trù phú, no ấm đủ đầy thì thật đáng khâm phục.

Sau khoảng 30 phút “vật vã” ngược dốc, chúng tôi cũng đến với thôn Khe Bàn. Vừa mới chạm đến thôn đã thấy những ngôi nhà xây 2, 3 tầng kiên cố, theo kiểu nhà vườn mái Thái xinh xắn. Khắp nương đồi là một màu xanh mát mắt của quế, trẩu, bồ đề...
Chiếc xe máy đỗ trước ngôi nhà vườn có tường bao xinh đẹp. Trưởng thôn Khe Bàn, anh Hà Văn Tiền đón chúng tôi cùng nụ cười rạng rỡ. Bên bàn nước nhỏ trong ngôi nhà ấm áp, câu chuyện về bà con Khe Bàn vượt khó thoát nghèo, vươn lên làm giàu thật ấn tượng. Do thôn ở xã trung tâm xã, đường giao thông rất khó khăn nên người dân ít giao lưu với bên ngoài. Cuộc sống chủ yếu là tự cung, tự cấp. Mong muốn đưa dân thoát nghèo, gần 30 năm trước, một số người già trong thôn đã đưa cây quế trồng thử trên đất đồi nhà mình, vừa để trồng cây gây rừng, vừa tìm hướng phát triển kinh tế. Chuyện đưa cây quế về Khe Bàn cũng thật gian nan. Không chỉ gian nan trong việc lặn lội đường xa tìm giống quế, mà còn bởi những ngày đầu tiên đưa cây về, nhiều người chưa tin cây quế cho lợi ích cao, bàn ra tán vào: “Cây đó cũng chỉ như cây rừng, rồi cũng chỉ để làm củi thôi…”. Vậy là những người già có uy tín cùng với trưởng thôn phải kiên trì giải thích, thuyết phục, hướng dẫn bà con đưa cây quế lên đồi trồng vừa che phủ đất trống, vừa bóc vỏ bán và lấy gỗ để có tiền. Thế rồi bà con nghe ra, theo gương trưởng thôn và người có uy tín trồng được hơn trăm gốc quế đầu tiên, hơn chục năm sau cho thu hoạch, bán được nhiều tiền hơn hẳn các cây khác.

Từ kết quả đó, cùng với sự tuyên truyền, vận động của các đảng viên trong chi bộ, bà con người Dao ở Khe Bàn dần hiểu và làm theo. Nhà nhà dọn bỏ đồi hoang hóa để trồng quế, bồ đề thành rừng, đất đồi Khe Bàn không còn một khoảng trống. 134 hộ trong thôn, hộ nào cũng có những cánh rừng quế và bồ đề xanh thẫm, bát ngát. Vạt rừng này nối tiếp vạt rừng kia, người dân có nguồn thu hàng năm, cuộc sống được cải thiện và ngày càng khấm khá.

Đến Khe Bàn, điều khiến chúng tôi ấn tượng là rất nhiều hộ khá và giàu. Hơn nhiều hộ trong thôn hiện là “chủ nợ” của ngân hàng với số tiền gửi tiết kiệm từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Nhiều nhà dư tiền cho các hộ dân trong thôn, bạn bè vay mượn làm vốn phát triển kinh tế.
Ông Triệu Trung Vượng là một trong những triệu phú của thôn. Nhà ông Vượng to nhất nhì thôn với đầy đủ tiện nghi. Đó là của “nổi”, còn của “chìm”, ông cất tận nương xa, đó là 10 ha rừng trồng kín quế, bồ đề... Năm 2014 ông Vượng xây nhà từ nguồn tiền bán quế gần 1 tỷ đồng. Ông là một trong những hộ đầu tiên của thôn xây nhà kiên cố. Mỗi năm tiền thu từ nguồn tỉa cành, lá quế tính ra cũng được trên 100 triệu đồng.
Là một trong những người trồng quế đầu tiên của thôn, hằng năm đều có tiền thu từ rừng quế và bồ đề nên cuộc sống của gia đình ông Vượng ngày càng khá giả. Nhà ông hiện có 7 ha đồi quế đã được 10 năm tuổi đến kỳ thu hoạch trị giá hàng tỷ đồng. Tôi “mắt tròn mắt dẹt” ngưỡng mộ thì ông Vượng cười xòa: “Cứ chịu khó làm việc thì đất đai sẽ không phụ mình đâu, nhà báo ạ. Làm giàu cũng không phải là quá khó ở Khe Bàn này”. Tôi hiểu rằng, đó là quyết tâm thoát nghèo, phẩm chất lao động cần cù chịu khó cộng với đầu óc năng động biết tiếp thu cái mới, lựa chọn cây trồng phù hợp với lợi thế đất đai ở địa phương để tạo nguồn thu ổn định và bền vững ở vùng núi cao hùng vĩ này.

Thi đua lao động sản xuất, đời sống người dân Khe Bàn ngày càng khấm khá, những “triệu phú” như ông Vương ngày càng nhiều, có thể kể ra những “lá cờ đầu” trong phát triển kinh tế của bản người Dao, như bà Đặng Thị Diện có hơn 5 ha quế (năm 2017 bán được đồi quế gần 600 triệu đồng để xây cất căn nhà lớn, năm nay có 1 ha quế đến kỳ thu trị giá khoảng 600 triệu đồng, nhà có vài trăm triệu gửi ngân hàng và cho bà con vay); ông Hà Văn Nam có hơn 10 ha quế (từ trồng quế, ông Hà Văn Nam còn mua được ô tô tải chở hàng); ông Đặng Văn Bên, Triệu Tiến Ngân cũng đều mua được xe ô tô để phục vụ công việc sản xuất của gia đình… Số hộ khá và giàu tăng nhanh, số hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm. Đến nay, cả thôn chỉ còn 8 hộ nghèo.
Cùng với kinh tế, đời sống văn hóa, giáo dục của người dân thôn Khe Bàn cũng có nhiều khởi sắc. Không chỉ trẻ em trong độ tuổi ra lớp luôn đạt 100% mà thôn đã có học sinh thi đỗ và theo học tại các trường chuyên nghiệp; tình trạng tảo hôn, sinh con thứ ba không còn nữa.
Chia tay Khe Bàn, chúng tôi tin cuộc sống sẽ ngày càng tốt đẹp hơn ở vùng đất gian khó này.

Nguồn: https://baolaocai.vn/ban-giau-o-vung-dat-trau-lan-post401084.html
Bình luận (0)